Chúa Nhật, January 11th, 2015

Sáng Thé Ký, 23


Sáng-thế-ký 15:1–21

Trong hai lần tiếp xúc trước đây, Đức Chúa Trời hiện ra nói chuyện với Áp-ram; lần nầy, Chúa đến với ông qua khải tượng; Ngài bảo ông đừng sợ vì Ngài bảo vệ ông và phần thưởng của ông rất lớn (1).

Chúa dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ lời hay ý muốn Ngài cho chúng ta. Chúa trực tiếp hiện ra hay ta nghe tiếng nói qua thính giác, là hai cách rất ít khi xảy ra. Ngài có thể sai thiên sứ đến tiếp xúc, nhưng việc đó cũng hiếm hoi.

Cách thường xảy ra nhất là khải tượng hay chiêm bao, hoặc Đức Thánh Linh tác động trong lòng hay tâm trí, hoặc khiến một khúc Kinh-thánh trở nên sống động trong lòng ta, hoặc nói với chúng ta qua các vị tiên tri hay các bài giảng, bài học Kinh-thánh.

Vì Áp-ram có nỗi sợ, có lẽ từ kinh nghiệm các vua đồng minh phía đông đến xâm chiếm Sodom và Gomorrah; nên Chúa bảo ông đừng sợ, bởi Ngài là cái thuẫn che chở không cho kẻ nào tấn công ông được.

Áp-ram thì thành thật bày tỏ nỗi buồn tuyệt tự của mình (2–3). Mặc dù ông tin lời Chúa hứa, nhưng ông muốn thấy lời hứa được thành tựu. Ý của ông là rất biết ơn Chúa về các ơn phước của cải vật chất và sự bảo vệ an ninh; nhưng mọi điều đó sẽ vô nghĩa nếu ông không có con thừa kế gia sản kếch xù của mình.

Dầu cho Ê-li-ê-se là một đầy tớ trung thành và rất đắc lực của Áp-ram, nhưng người nầy không phải là con của ông. Câu nói của Áp-ram bày tỏ nỗi buồn với ước mong Chúa sớm thực hiện lời hứa của Ngài.

Mặc dù những lời trần tình của Áp-ram có hơi hướm nghi ngờ sao Chúa chưa hoàn thành lời hứa, nhưng thái độ ấy trái ngược với sự nghi ngờ không tin lời Chúa của rất nhiều người trong Hội-thánh ngày nay.

Đức Chúa Trời lại xác nhận Ngài sẽ ban cho Áp-ram con cái từ trong lòng ông ra, và Ê-li-ê-se sẽ không phải là người thừa kế như ông nghĩ (4). Ngài dùng số sao trên trời làm biểu tượng về sự đông đảo của con cháu Áp-ram về sau. “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính” (5–6).

Không ai trong loài người có thể đạt tới sự công chính toàn hảo bằng cách làm lành lánh dữ, tức là dùng nỗ lực riêng của mình. Câu Kinh-thánh nầy nói rõ cách đạt đến sự công chính đó là tin lời phán hứa của Đức Chúa Trời.

Bản chất xấu xa trong lòng của loài người và những kinh nghiệm về nhiều người thất tín hay không giữ lời hứa, khiến cho chúng ta thường nghi ngờ một cách tiêu cực về lời hứa của những người khác; nhất là những điều mình chưa thấy xảy ra.

Sự nghi ngờ về những việc xấu, rủi ro hay không may sẽ xảy ra, cũng có thể nảy sinh từ tâm lý thiếu đức tin vào sự thành tín và lòng thiện hảo của Đức Chúa Trời nữa.

Vì thế, một tấm lòng trong sạch sẽ tin chắc lời phán của Đấng Cực Thánh và Toàn Năng, bởi một tâm linh công chính sẽ không có ý nghĩ xấu về Vị Thần Linh Tối Cao không nhiễm một chút tội lỗi nào. Áp-ram được Chúa kể là công chính vì lẽ đó.

Đây là nơi đầu tiên trong Kinh-thánh đề cập đến chữ “tin” và “công chính.” Cũng là sự bày tỏ minh bạch nhất về chân lý được cứu rỗi bởi ân sủng nhờ đức tin mà đạt đến.

Chúng ta cần xác định ý nghĩa của chữ ‘tin’ đang được nói tới ở đây. Không phải là tin có Đức Chúa Trời, vì vô số người tin có Chúa nhưng không tin Ngài có lòng yêu thương và thiện hảo đối với họ; cũng chẳng tin lời Ngài phán là chân lý, không tin Ngài sẽ giữ lời hứa, không tin Ngài có quyền phép ban phước hay giáng họa, và nhất là không tin Ngài đã xuống trần thực hiện ân sủng cứu độ của Ngài qua thân vị Đức Chúa Giêxu. Vì thế cho nên, chữ ‘tin‘ ở đây có nghĩa tin Lời Ngài phán là chân thật, tin vào đức thành tín, lòng thiện hảo và đức thánh khiết của Ngài; không có một mảy may nghi ngờ nào cả.

Để xác nhận lời hứa về dòng dõi Áp-ram sẽ có, Đức Chúa Trời tuyên bố Ngài ban vùng đất Ca-na-an cho ông. – Áp-ram lại thắc mắc, không phải vì nghi ngờ, nhưng vì muốn biết chắc; nghĩa là ông xin Chúa ban một dấu hiệu cho ông thấy (7–8).

Chúa bảo ông hãy chuẩn bị các con thú, là nghi lễ lập giao ước vốn quen thuộc với nền văn hoá Canh-đê thời Áp-ram, để Ngài lập giao ước với ông; tức là sự xác nhận bền vững của lời hứa không thể bị huỷ bỏ bởi phía nào (9–10).

Người thời đó vẫn dùng các con thú xẻ ra làm đôi để thiết lập một giao ước; trong đó có ba loại thú lớn: bò cái, dê cái, và chiên đực, cộng với hai con chim là cu ngói và bồ câu.

Những con thú ấy tiêu biểu cho cả tính tốt lẫn xấu mà tính chất của từng con thú ấy biểu hiện qua bản năng của chúng. Những con thú lớn đều phải đủ ba tuổi, nghĩa là chúng đã đạt mức hoàn toàn trưởng thành.

Áp-ram hiểu những việc ông phải làm khi chuẩn bị những con thú nầy: “Áp-ram dâng lên Ngài tất cả những lễ vật trên, xẻ chúng làm đôi và để mỗi bên một nửa đối nhau, nhưng không xẻ đôi các loài chim” (10). Có lẽ ông đặt một con chim ở mỗi bên.

Việc phải làm giữa hai bên giao ước và ý nghĩa của hình thức ấy đã được giải thích bởi lời Chúa: “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân giữ các điều khoản trong giao ước đã lập trước mặt Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà chúng mổ ra làm đôi và đi qua giữa hai phần”(Giê-rê-mi 34:18).

Biểu tượng của hình thức lập giao ước nầy là rõ ràng: Máu các con thú là ấn chứng của giao ước; kế đến, nếu ai vi phạm hay phá bỏ giao ước thì máu sẽ đổ lại trên người ấy và thú vật của người.

Áp-ram tưởng rằng Chúa sẽ đến để cùng ông bước ngang qua các thây xẻ đôi của các con thú. Khi ấy mấy con chim săn mồi sà xuống trên các xác chết, và Áp-ram phải đuổi chúng đi (11).

Hình ảnh đó là biểu tượng về điều sẽ xảy ra khi chúng ta chờ đợi sự đáp lời của Chúa. Những tư tưởng hư hoại hoặc vẩn vơ vô ích sẽ tìm cách chiếm hữu trí óc chúng ta. Lúc ấy chúng ta phải tỉnh táo nhận ra và xua đuổi chúng đi, để hoàn toàn chú tâm vào Đức Chúa Trời.

Chúa đã xác nhận giao ước không theo cách Áp-ram mong đợi. Ngài dùng hai hình ảnh (17) “một lò lửa đang bốc khói và một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi.” Lò lửa bốc khói là biểu tượng của sự thiêu huỷ, huỷ diệt; ngọn đuốc cháy rực là biểu tượng về ánh sáng cứu rỗi.

Khi lò lửa cùng ngọn đuốc đi ngang qua giữa những thây xẻ đôi của các con vật, thì chắc rằng lửa đó đã thiêu sạch các lễ vật ấy để xác nhận giao ước và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời.

Khi mặt trời vừa lặn, Áp-ram chìm vào một giấc ngủ mê” (12). Thời gian được mô tả ở chỗ nầy là buổi tối của ngày tiếp theo đêm mà Đức Chúa Trời trò chuyện với Áp-ram trong khải tượng (5).

Nghĩa là buổi sáng sau đêm ấy, Áp-ram chuẩn bị mấy con thú tế lễ, rồi đứng canh chừng xác của chúng cho tới khi lửa đã đi ngang qua thiêu trọn các con thú đó vào buổi chiều khi mặt trời đã lặn, bóng tối mịt mùng, kinh hãi và dày đặc bao trùm quanh ông.

Lúc ấy, Đức Chúa Trời phán cho ông biết về tương lai của dòng dõi mà Ngài hứa ban cho ông (13–14). Ngài cũng cho ông biết trước tương lai hạnh phúc và bình an của chính ông nữa (15).

Theo lời Chúa phán thì dòng dõi của Áp-ram sẽ phải làm kiều dân, sẽ bị làm nô lệ và áp bức trong bốn trăm năm (13). Rồi sau đó họ sẽ được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi cảnh nô lệ và ra đi với rất nhiều của cải (14).

Những việc đó đều đã diễn ra trong lịch sử khi cả nhà Gia-cốp, là cháu nội của Áp-ram, xuống kiều ngụ ở Ai-cập để tránh nạn đói lúc bấy giờ lan tràn khắp vùng Trung-đông (Sáng-thế 47:11). Họ sinh sôi nảy nở thành một dân đông đảo (Xuất Ai-cập 1:7).

Họ là kiều dân rồi bị làm nô lệ tổng cộng là 430 năm (Xuất Ai-cập 12:40); họ ra đi với vô số của cải (Xuất Ai-cập 12: 35–36); họ trở lại đất Ca-na-an, là đất Chúa đã lập giao ước sẽ ban cho dòng dõi của Áp-ram (Xuất Ai-cập 13:5). Như vậy, giao ước được Chúa thiết lập đã hoàn thành trong lịch sử dân Do-thái.

Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước với Áp-ram rằng: ‘Ta ban cho dòng dõi con đất nầy, từ sông Ai-cập cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát” (18). Lời hứa là cho dòng dõi của Áp-ram được sở hữu vùng đất Ca-na-an và cả một khu vực rộng lớn của vùng Trung-đông.

Từ giao ước trong lời hứa của Đức Chúa Trời ban một vùng đất cho con cháu Áp-ram, nên vùng đất ấy được gọi là ‘đất hứa.’ Trải qua nhiều thế kỷ, lời hứa đó đã ứng nghiệm dưới thời vua Đa-vít và con của Đa-vít là Sa-lô-môn trị vì vương quốc Israel (2Sử-ký 9:26).

Lý do mà Đức Chúa Trời chưa tuyệt diệt dân A-mô-rít ở xứ Ca-na-an vào thời Áp-ram đang cư ngụ, “vì tội ác của dân A-mô-rít hiện chưa đến cực độ” (16).

Các sắc dân được nêu tên ở phần nầy của Kinh-thánh (19–21) đã phạm những tội ác mà Đức Chúa Trời hết sức gớm ghiếc. Họ giết con cái mình, thiêu chúng trong lửa để cúng tế tà thần, ăn nằm với thú vật, phạm tội đồng tính luyến ái (Lê-vi 18:21–28), bói toán, đồng bóng (Lê-vi 20:6), và xâm mình (Lê-vi 19:28).

Trong một xã hội đầy tội ác đáng báo động như tại đất nước hiện nay chúng ta đang sống, chúng ta hãy vững tin vào Chúa và sống thánh sạch. Hãy sống cách nào để không bị Chúa kể chung với những hạng người gian ác sẽ bị huỷ diệt và hư vong vĩnh viễn; mà được Ngài ban phước như Áp-ram vậy.

SangTheKy23.docx

Rev. Dr. CTB