Sáng Thế Ký, bài 36

Sáng-thế-ký 29–30

Sau cuộc tiếp xúc thần thượng với Đức Chúa Trời trong đêm và nhận được những lời Ngài hứa sẽ theo gìn giữ rồi đưa về bình an, Gia-cốp hăng hái lên đường.

Xứ của dân phương Đông” (1) nói về dân ở vùng Lưỡng-Hà. Charan cách Beer-Sheba khoảng 450 dặm về hướng đông-bắc. Nếu mỗi ngày ông đi được 30 dặm, Gia cốp phải mất 15 ngày đi bộ mới tới nơi.

Cái giếng ở chỗ nầy (2), không phải là cái giếng nơi đầy tớ của Áp-ra-ham gặp Rebekah, vì nó nằm ở ngoài đồng chỗ các bầy chiên uống nước. Nước là một nguồn tài nguyên hiếm hoi ở vùng nầy. Người ta phải dùng tảng đá lớn đậy miệng giếng, và chờ cho các bầy tụ họp đông đủ mới mở nắp giếng, để sự sử dụng nước được công bằng; điều ấy đã trở thành quy ước chung đối với người ở đó (3).

Gia-cốp hỏi thăm những người chăn, của ba bầy chiên đang nằm nghỉ, về cậu mình, thì được họ cho biết ông mạnh giỏi; rồi họ cũng chỉ cho Gia-cốp con gái của La-ban, là Rachel, đang dẫn bầy chiên của cha mình tới uống nước (4–6).

Có lẽ Gia-cốp muốn gặp riêng Rachel để nói chuyện nhà, nên ông bảo mấy người chăn hãy cho chiên uống nước rồi thả chiên ra đồng cho ăn tiếp. Họ nói họ phải chờ cho tất cả các bầy tụ họp đầy đủ thì mới cho chiên uống nước được (7–8).

Rachel có lẽ còn rất trẻ và khoẻ mạnh, nên gia đình cô mới dám giao việc chăn chiên (9). Gia-cốp làm cử chỉ hào hiệp và lịch sự để vừa giúp Rachel, vừa tự giới thiệu về mình (10–12).

Phản ứng khóc oà trước mặt nữ giới của Gia-cốp thì hơi bất thường, nhưng hiệu quả đối với Rachel. Được báo tin, La-ban vội ra đón rước Gia-cốp về nhà và nghe Gia-cốp kể lại mọi chuyện (13–14).

Dù là cốt nhục, nhưng người ở Paddan Aram vẫn tính toán công giá với nhau cách nào có lợi nhất cho mình, dù bất lợi cho phía đối tác. Chắc rằng Gia-cốp đã đi chăn bầy cho cậu mình suốt một tháng ở nhà cậu, đem phước đến cho cậu, chứ chẳng ở không làm khách; nên La-ban muốn Gia-cốp ở lại làm công cho ông; vì thế, ông hỏi Gia-cốp muốn tính công giá ra sao (15).

Vì Gia cốp yêu Rachel mà chẳng có tiền bạc của cải gì để làm sính lễ, nên ông đề nghị sẽ làm công bảy năm cho La-ban để cưới Rachel làm vợ. Theo tính toán của La-ban, thà gả con gái cho cháu mình thì tài sản vẫn còn đó, hơn là gả cho người ngoài con sẽ đi mất.

Theo các ký thuật ở đây thì Rachel là mối tình đầu của Gia-cốp. Ông yêu nàng đến mức xem bảy năm như đôi ba ngày (16–20). Lê-a bị bệnh mắt mờ, quáng gà nên không linh hoạt như cô em Rachel xinh đẹp (17).

Sau bảy năm, Gia-cốp nhắc La-ban về người vợ hứa gả cho mình. La-ban tổ chức tiệc cưới, nhưng tráo Lê-a mặt che lúp vào phòng hoa chúc giữa đêm không có đèn. Sáng thức dậy Gia-cốp mới biết đó là Lê-a, nên trách móc và phản đối sự gian dối của La-ban (21–25).

Lý do La-ban nại ra để bào chữa cho hành động gian dối của mình, chẳng có gì để chứng minh. Thật ra chỉ là sự toan tính bắt Gia-cốp làm thêm bảy năm nữa, do các phước lành Đức Chúa Trời, vì Gia-cốp, đã đổ xuống bầy súc vật của La-ban.

Nhưng Gia-cốp chẳng có lý lẽ gì để bẻ bác lời của La-ban mà ông biết là dối gạt, ông chấp nhận làm công thêm bảy năm nữa để không bị mất Rachel (26–30). Các nữ tì của Lê–a là Zilpah, và Bilhah của Rachel, đều là những nữ nô lệ trong nhà La-ban. Họ được giao cho nhiệm vụ hầu hạ các cô chủ của họ, chứ không có quyền hạn gì trong nhà.

Bảy năm sau khi đã có hai bà vợ cùng với hai hầu thiếp, Gia-cốp đã sinh nhiều con trai. Tác giả cho biết: “Đức Giê-hô-va thấy Lê-a ít được thương yêu nên cho bà sinh con, còn Rachel lại hiếm muộn” (31–35).

Lê-a sinh cho Gia-cốp liên tiếp bốn con trai. Tên mỗi đứa con đều do mẹ đặt và phản ảnh tâm sự của người mẹ vào lúc đó. Reuben có nghĩa là: “Kìa, một đứa con trai” (32); Simeon nghĩa là “lắng nghe” (33), Levi nghĩa là “gắn bó” (34), và Judah là “ngợi khen” (35). Rồi bà ngưng sinh đẻ.

Vì không sinh con, Rachel làm nư với Gia-cốp và đòi chết (30:1). Bị Gia-cốp nổi giận quở trách, bà đưa nữ tì Bilhah của mình cho Gia-cốp làm hầu thiếp, sinh được hai con trai (30:1-8). Đứa thứ nhất là Đan, có nghĩa là “Chúa đã minh xét” (6), đứa thứ nhì là Nép-ta-li, nghĩa là “cuộc chiến đấu của tôi” (8).

Lê-a thấy mình ngưng sinh đẻ, cũng không chịu kém, đưa nữ tì Zilpah của mình cho Gia-cốp làm hầu thiếp thứ nhì, cũng sinh hai trai cho Gia-cốp là Gát, nghĩa là “may mắn,” và A-se, nghĩa là “hạnh phúc” (9–13).

Hai chị em ruột lấy chung một chồng vẫn ganh tị nhau. Có lẽ vì Lê-a không còn sinh sản nữa nên Gia-cốp không còn đi lại ăn ở với bà; và vì ông yêu thương Rachel hơn nên thường xuyên ở với người mình yêu.

Sự bất hoà sẽ nẩy sinh khi một người nghĩ rằng mình có công mà vẫn bị xử ép; còn người kia chưa được hạnh phúc làm mẹ thì ganh tị với người chị đã sinh nhiều con cho chồng (30:1).

Lê-a không được chồng sủng ái nên căm hận Rachel, bà cho rằng Rachel đã cướp chồng mình. Nhân dịp Rachel muốn ăn mấy quả sâm dại hiếm có, do Reuben, lúc đó khoảng bốn hay năm tuổi, ra đồng hái về, mà người thời ấy tin rằng chúng chữa được bệnh hiếm muộn ở đàn bà. Lê-a bắt chẹt tâm lý muốn ăn trái sâm dại để chữa bệnh hiếm muộn của Rachel, nên làm khó cô em.

Rachel thì nóng lòng, vì ít khi gặp dịp có thứ trái hiếm để chữa bệnh nầy, nên bà sẵn sàng nhường chồng cho chị một đêm (14–15). Vì Lê-a ngừng sinh con lần đầu khoảng vài năm, cho nên biến cố trái sâm dại (16–17) phải xảy ra trước khi Zilpah sinh đứa con thứ nhì; vì nhờ vụ trái sâm dại, được gần gũi với chồng, mà Lê-a sinh thêm ba người con nữa (18–21).

Sâm dại (mandrakes) là một loại cây thân thảo mọc hoang, cùng họ với khoai tây và cà tím. Rễ của chúng hình giống như củ cà-rốt, thân ra lá rậm, có màu xám, xoè tròn và nằm dài trên mặt đất. Nó ra hoa màu tím đậm, kết thành trái giống như trái mận nhỏ, tròn, màu vàng, và thịt mềm. Trái chín vào tháng Năm. Nó mọc hoang ở vùng Trung Cận Đông.

Vào thời ấy, những người đàn bà đều cầu xin Đức Chúa Trời, một vị thần linh mà họ chưa biết rõ lắm, cho mình sinh con. Lê-a và Rachel đều cầu xin Chúa cho họ sinh đẻ con cái (17, 22).

Theo các ký thuật ở đây thì tất cả bảy người con do Lê-a sinh và bốn người con của hai hầu thiếp, cộng với Giô-sép, con trai do Rachel sinh cho Gia-cốp (22–24), đều phải được sinh ra trong thời gian bảy năm thuộc giao kèo công giá thứ nhì giữa Gia-cốp với La-ban, lúc Gia-cốp còn ở xứ Paddan Aram.

Tuy vậy, vẫn rất khó tính ra những người con ấy được sinh khi nào cho đúng với số bảy năm. Hơn nữa trong thời gian đó có lẽ các nữ tì đã sinh một số con gái cho Gia-cốp (Sáng-thế 37:35).

Cho tới lúc ấy, Gia-cốp chưa có tài sản riêng nào cả. Vì thế sau khi Rachel sinh Giô-sép, ông xin La-ban cho mình dẫn vợ con về quê hương (25–26). La-ban không muốn bị mất món lợi, đành chấp nhận công giá do Giô-sép đề nghị là, từ lúc ấy trở đi tất cả chiên, dê do bầy ông sinh ra, con nào có sọc, có đốm hoặc lông màu đen thì thuộc về Gia-cốp (27–34).

Sự gian xảo của La-ban bộc lộ ngay sau đó: “Ngay hôm ấy, La-ban tách riêng các dê đực có sọc và đốm, các dê cái có vằn và đốm, tất cả các con vật có đốm trắng và các chiên con có lông đen, rồi giao cho các con trai mình chăn giữ. Ông để Gia-cốp ở xa mình một khoảng cách ba ngày đường. Gia-cốp chăn phần gia súc còn lại trong bầy của La-ban” (35–36).

Vì từ trước nay, ông chẳng phải trả công cho Gia-cốp chút gì cả. Ông tính rằng, khi tách riêng những con có sọc và đốm và giành chúng cho ông rồi, thì tiền công của Gia-cốp sẽ chẳng có gì; nếu có, thì chỉ vài con thôi. nhưng ông không biết rằng Gia cốp khôn ngoan và được thiên sứ chỉ dẫn (31:10–12), nên ngày càng giàu có thêm lên (37–43).

Nếu Gia-cốp không tiết lộ cho hai bà vợ mình biết việc được Thiên Sứ của Đức Chúa Trời phán bảo trong chiêm bao, thì khó giải thích được do đâu mà Gia-cốp biết cách thức đã dùng để những con chiên hay dê mập mạnh phải sinh con có đốm và có sọc.

Gia-cốp cứ làm rất khôn khéo như thế để bầy chiên và dê không đốm không sọc của La-ban vẫn sinh đẻ phát triển, nhưng chúng bị ốm yếu, không mập mạnh như các con dùng làm tiền công cho Gia-cốp.

Mặc dù La-ban biết Gia-cốp được Đức Chúa Trời ban phước (27), nhưng vẫn tính toán thiệt hơn kiểu người đời; bởi vì ông là người thờ hình tượng theo tục lệ của dân vùng Lưỡng Hà (Sáng thế 31:30). Ông chẳng hề biết phía thua thiệt là ông chứ không phải Gia-cốp.

SangTheKy36.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký