Chúa Nhật, November 12th, 2014

Sáng Thế Ký, 20

Sáng Thế Ký 12:10–20

Sau khi Áp-ram được Đức Chúa Trời hiện ra một lần nữa và hứa ban cho dòng dõi ông xứ mà ông vừa đặt chân tới, thì có nghĩa là Áp-ram nhận lãnh lời hứa chứ chưa nhận được ơn phước Chúa định cho ông.

Một số sự kiện và biến cố được ghi lại trong phần nầy của sách Sáng-thế-ký vừa là bài học thấm thía cho Áp-ram, vừa là những sự dạy dỗ vô cùng quý báu cho vô số thế hệ xưa nay về việc phải biết chờ đợi sự hướng dẫn của Chúa, khi chúng ta đi theo sự kêu gọi của Ngài.

Bởi vì ai vội vàng lập quyết định theo sự suy tính, phán đoán của cách hiểu biết theo lẽ thường tình, mà không chịu chờ đợi sự hướng dẫn của Chúa, thì luôn luôn gặp nhiều trở ngại hay tai hoạ.

Đọc kỹ lời ghi chép ở đây, chúng ta thấy Đức Chúa Trời hứa ban xứ Ca-na-an cho Áp-ram, nhưng Ngài chưa chỉ dẫn cho Áp-ram biết ông cần phải làm điều gì để nhận được sản nghiệp ấy. Mặc dù ông đã lập bàn thờ hai lần và kêu cầu danh Chúa (7–8), nhưng Ngài chưa bày tỏ cho ông biết chút gì về chương trình của Ngài.

Dù Áp-ram biết rằng ông phải chờ đợi, nhưng ông chỉ mới có một ít kinh nghiệm về vị Thần Tối Cao mà thôi. Vì thế, đối với Áp-ram thì thời gian chờ đợi có vẻ quá lâu làm cho ông bồn chồn, mất kiên nhẫn.

Bằng cớ là ông từ từ rời khỏi vùng đất hứa, dạt dần về hướng Nam: “Áp-ram tiếp tục di chuyển dần xuống vùng Nê-ghép” (9). Có người phản đối nhận xét nầy, cho rằng sở dĩ ông di chuyển vì ông là dân du mục, không ở lâu một chỗ.

Việc đó chưa biết đúng hay sai, nhưng điều rõ ràng là chẳng bao lâu Áp-ram phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng về việc thiếu thốn lương thực trong xứ (10).

Kinh-thánh không ghi lại chi tiết nào về các hoạt động thờ kính Chúa của Áp-ram vào thời gian nầy. Nghĩa là không thấy Áp-ram có hành động nào để tìm kiếm hay chờ đợi sự hướng dẫn của Chúa cho nan đề ông đang gặp: “Bấy giờ có một nạn đói xảy ra trong xứ” (10).

Áp-ram bắt đầu lo lắng cho sự sống còn của mọi người trong nhà ông và sự tồn tại của bầy súc vật. Ông lập quyết định dọn xuống Ai-cập, vì đó là cách phán đoán bình thường của con người khi thấy Ca-na-an bị nạn đói, còn ở Ai-cập thì có nhiều lương thực.

Quyết định ấy dựa trên lý lẽ của sự khôn ngoan thông thường. Áp-ram dự định rằng, ông chỉ xuống Ai-cập ‘tạm cư’ mà thôi (10).

Tín hữu ngày nay không hơn gì Áp-ram ngày xưa, mà còn tệ hơn nhiều. Hầu như không mấy ai cầu hỏi và chờ đợi sự hướng dẫn của Chúa, cứ lập kế hoạch rồi xin Chúa chúc phước.

Lý do là chẳng có bao nhiêu người tin lời Kinh-thánh chép rằng Chúa có ý định tốt lành cho con dân Ngài (Giê-rê-mi 29:11-13). Nếu ai trong chúng ta không muốn bị lạc hướng trên hành trình về hạnh phúc Chúa đã tiền định cho ta, thì hãy tìm cầu sự chỉ dẫn của Ngài.

Ít khi nào Chúa ban hình ảnh toàn cảnh chương trình Ngài dành cho chúng ta, Ngài dẫn dắt ta từng bước một. Lời Chúa dạy dỗ Đa-vít ngày xưa: “Ta sẽ dạy dỗ con, chỉ cho con nẻo đường phải đi; mắt Ta sẽ dõi theo mà khuyên dạy con” (Thi-thiên 32:8).

Nếu chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Chúa, thì dù tình cảnh có vẻ khó khăn, đen tối đến đâu cũng không sợ bị sai đường lạc hướng. Đừng tìm cách thoát khỏi tình cảnh khốn khó mà không có sự chỉ dẫn của Chúa. Hãy tin cậy Ngài, chúng ta sẽ an ổn.

Áp-ram quên mất lời Chúa hứa sẽ ban phước cho ông (12:2). Ông hướng về Ai-cập là nguồn cung ứng cho sự thiếu thốn của mình, một quyết định lạc hướng trầm trọng.

Trên linh trình theo Chúa của chúng ta, đôi khi Chúa dùng những cuộc khủng hoảng, những tai hoạ để dạy chúng ta biết nương dựa vào Ngài và không thể tin cậy ai khác (Thi-thiên 146:3–5). Nhưng chúng ta hướng về ai trong cách đáp ứng của mình để được giúp đỡ, thì điều đó sẽ dẫn tới kết quả tốt hay xấu tùy theo ta nhờ Chúa hay nhờ người khác.

Việc Áp-ram đi xuống Ai-cập là hình bóng về việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nguồn nào khác chứ không nhờ cậy sự giải cứu của Chúa (Ê-sai 31:1–3). Nhờ sự giúp đỡ của người khác khi mình có cần, thì tự nó không có gì sai. Vì Chúa ban cho ta gia đình, bạn bè và Hội-thánh để nâng đỡ khi cần thiết.

Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng vào sự giúp đỡ của con người thay vì nương dựa Chúa, thì chúng ta đi lạc hướng. Vì Chúa chính là nguồn giúp đỡ và giải cứu. Đừng bỏ qua Chúa và nương nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Bởi vì ai làm vậy sẽ thất bại rồi lãnh các hậu quả xấu.

Hãy xem lại trong Kinh-thánh, từ thời Áp-ram tới lịch sử người Israel về sau, cứ mỗi lần họ xuống Ai-cập thì nơi ấy trở thành cái bẫy tai hại cho tuyển dân của Đức Chúa Trời.

Trước khi vào xứ Ai-cập, Áp-ram sợ người Ai-cập sẽ giết mình để cướp vợ, vì vợ ông nhan sắc quá đẹp, mặc dù lúc ấy bà Sarai cũng đã hơn bảy mươi tuổi. Áp-ram xui giục Sarai nói dối để bảo vệ mạng sống của ông.

Sự việc nầy cho thấy sự dại dột theo cách suy luận của thứ lý trí khôn lỏi. Áp-ram nghĩ rằng dọn xuống Ai-cập để giải quyết nạn đói là cách suy tính khôn ngoan. Cũng lý trí đó xui ông bày cho bà Sarai nói dối để bảo toàn mạng sống của ông (11-16).

Đứng trước khó khăn, nếu chúng ta không tìm kiếm ý muốn của Chúa và trông đợi Ngài là nguồn giúp đỡ và giải cứu, thì chúng ta sẽ chẳng có chi khác ngoài mưu mô khôn lỏi của mình.

Áp-ram đã quên mất lời hứa về sự cung ứng và bảo vệ của Chúa, khi Ngài hiện ra với ông ở Mê-sô-pô-ta-mi: “Ta sẽ ban phước cho con. …. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con” (2–3). Ông xuống Ai-cập để họ bán lương thực cho ông sống còn trong nạn đói.

Nhưng bây giờ ông lo sợ mình có thể bị mất mạng tại đó. Ông sợ người Ai-cập hơn sợ Đức Chúa Trời. Lâu về sau, Chúa có dùng tiên tri Giê-rê-mi phán dạy dân sự Ngài về vấn đề nầy:

Đức Giê-hô-va phán: ‘Đáng nguyền rủa cho kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng dạ lìa khỏi Đức Giê-hô-va. … Phước cho người nhờ cậy Đức Giê-hô-va, Lấy Đức Giê-hô-va làm nơi nương tựa mình. Người ấy như cây trồng bên bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; gặp khi trời nắng cũng chẳng sợ hãi mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì mà cứ ra trái không dứt” (Giêrêmi:17:5, 7–8).

Ai tính toán chiến lược, chiến thuật riêng để sống còn, người đó sẽ phạm tội ích kỷ và tội tự bảo toàn. Thay vì phải bảo vệ người vợ chung thuỷ đã theo mình suốt cuộc hành trình, Áp-ram đã sử dụng bản năng tồn tại khôn lỏi để đặt danh giá, nết na và sự an nguy của Sarai vào vòng bất trắc.

Sách Sáng-thế-ký không nói Sarai đã phản ứng ra sao trước sự tính toán của Áp-ram. Nhưng Tân-ước có chép: “Các thánh nữ thuở xưa, những người hi vọng nơi Đức Chúa Trời và thuận phục chồng mình; … như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi ông là chúa” (1Phi-e-rơ 3:5–6). Như vậy, Sarai đặt lòng nhờ cậy Đức Chúa Trời và không để cho sự sợ hãi làm chủ.

Sự quên mất lời Chúa hứa, cách Áp-ram tính toán riêng không nhờ cậy Ngài còn đem tai hoạ đến cho người khác. Ý định và lời hứa của Chúa là khiến Áp-ram trở thành nguồn phước cho nhiều người. Nhưng đối với hoàng gia Ai-cập, thì ông đã gây ra tai hoạ cho họ.

Để cứu Sarai, Đức Chúa Trời đã hành hại toàn thể hoàng gia Ai-cập (17–20). Nghĩa là sự can thiệp đúng lúc của Chúa đã gìn giữ cho Sarai khỏi bị xâm phạm tiết hạnh. Khi chúng ta lạc hướng trên cuộc hành trình, những người khác sẽ phải chịu khổ; nhiều người sẽ vì ta bị vỡ mộng và thất vọng, ta còn trở thành tai hoạ cho họ.

Hậu quả các quyết định lạc hướng của Áp-ram đã làm cho ông thay vì nổi danh, thì bị xấu hổ vì bị vạch mặt phạm tội nói dối, và được nhiều của cải nhờ sự dối ấy (16).

Sự giàu có đến từ Đức Chúa Trời là phước hạnh, nhưng nếu không đến từ Chúa thì nó sẽ gây ra lộn xộn bất hoà; vì về sau đã có tranh chấp giữa Lót với Áp-ram. Rồi một hậu quả tai hại nữa đã ảnh hưởng đến vô số thế hệ:

Trong số các nữ tì mà gia đình Áp-ram tậu được tại Ai-cập thì có nàng A-ga; là người về sau được Sarai đưa cho Áp-ram làm vợ hầu. A-ga sinh Ismael, tổ phụ của dân A-rập ngày nay, một sắc dân mang mối thù truyền kiếp với dòng dõi chính của Áp-ram. Đối với sự lạc hướng của Áp-ram, cái giá phải trả thật là cao.

Những tổn hại vừa nói cũng có thể xảy ra cho chúng ta trên cuộc hành trình về tương lai. Lạc hướng sẽ khiến ta trả giá đắt, mất thời giờ vô ích và hậu quả cay đắng thì rất lâu dài. Hãy chờ sự hướng dẫn của Chúa, ta sẽ bình an.

SangTheKy20.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký