Chúa Nhật, October 12th, 2014

Sáng Thế Ký, 16

Sáng Thế Ký 9:1–17

Nhà thơ Anh quốc John Milton xuất bản tập thơ nổi tiếng “Paradise Lost” (Mất Thiên đàng, hay Thiên Đàng Bị Mất) vào năm 1667. Tập thơ kể chuyện Satan nổi loạn chống Đức Chúa Trời nên bị đuổi khỏi thiên đàng cùng với một số thiên sứ phản nghịch khác. Tập thơ cũng kể lại cách thức satan cám dỗ Ê-va và A-đam ăn trái cấm, khiến họ bị đuổi khỏi vườn địa đàng, ý của tựa đề tập thơ.

Năm 1671, ông lại xuất bản tập thơ “Paradise Regained” (Lấy lại Thiên-đàng) nói về việc Đức Chúa Giêxu bị ma quỷ cám dỗ trong hoang mạc, nhưng Ngài không thua cuộc; và do đó, Ngài đã thay nhân loại vượt qua cuộc thử nghiệm mà A-đam và Ê-va đã không vượt qua nổi.

Một kịch sĩ hài hước dùng chuyện đó kể rằng John Milton viết tập thơ ‘Mất thiên đàng’ chỉ một thời gian ngắn sau khi ông cưới vợ; và sau khi vợ ông chết thì ông mừng rỡ sáng tác tập thơ ‘Lấy lại thiên đàng.

Đối với Nô-ê thì cuộc sống trên thế gian sau trận đại hồng thủy là một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Trong sáu trăm năm ông sống trên đất, mọi người quen biết với ông trước đây đã chết hết rồi. Thời ông sinh ra đời, thì sự tích vườn địa đàng Ê-đen bị mất chỉ còn là chuyện truyền khẩu từ các tổ phụ.

Bây giờ, sau khi ra khỏi chiếc tàu, những người của một gia đình duy nhất còn sống sót nầy được gặp Đức Chúa Trời, được Ngài ban phước và được ban cho những huấn lệnh mới:

Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội, và làm cho đầy dẫy đất” (1). Sau khi truyền lệnh về việc họ được ăn thịt các loài thú (2–3), Chúa nhắc lại: “Các con hãy sinh sản, gia tăng gấp bội, làm cho lan tràn và đầy dẫy trên đất” (7).

Đức Chúa Trời truyền cho Nô-ê và vợ, các con trai và con dâu bốn mệnh lệnh và một lời hứa lập giao ước, trước khi họ bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới.

Điều đầu tiên là các bổn phận sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất (1, 7). Để họ có thể thực hiện nhiệm vụ sinh sản thêm nhiều, Đức Chúa Trời ban phước cho họ.

Rất có thể là bà vợ của Nô-ê có sinh thêm con gái sau nạn lụt, mặc dù chẳng sách vở nào ghi lại. Nhưng chúng ta có thể suy đoán về tâm tình và sự suy nghĩ của Nô-ê khi ông nghe nói đến việc sinh thêm con cháu đầy dẫy trên đất.

Có thể ông e ngại bởi ông đã sống vào một thời kỳ mà Đức Chúa Trời thấy: “Sự gian ác của loài người lan tràn trên mặt đất và chúng chỉ luôn toan tính những mưu đồ xấu xa” (6:5). Rồi “thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy điều hung bạo” (6:11).

Vấn đề nghe có vẻ giản dị và không mấy phức tạp, nhưng đối với người đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, thì việc trở lại một khung cảnh tương tự sẽ không khỏi lo ngại.

Tuy nhiên, lòng vâng phục của Nô-ê từ khi ông là một thầy giảng công nghĩa trong lúc chiếc tàu đang được đóng, cho đến khi thấy mọi việc Chúa báo trước đều xảy ra, thì Nô-ê chỉ biết bổn phận tương lai gia quyến ông phải sinh sản sao cho đầy dẫy đất.

Ông không nhìn về thế gian tội lỗi trong quá khứ, lại càng không sợ tội ác của thời cũ tái diễn. Vì thế gian tội lỗi và cứng lòng đó đã bị tiêu diệt rồi.

Ứng dụng vào đời sống của những người được Chúa cứu khỏi án chết kinh hoàng nơi hoả ngục, chúng ta hướng về tương lai của một đời sống mới đã được Chúa ban vào tâm linh, và bổn phận làm cho thiên đàng đầy những người được cứu.

Giống như Nô-ê tin cậy phước lành Chúa ban để vâng lời Ngài sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất, chúng ta có Đức Chúa Giêxu là cái bến an toàn, bình an, và mệnh lệnh truyền rao Tin-lành cho muôn dân.

Trong khi một số anh chị em vâng lời Chúa hăng hái chứng đạo và hào hứng kể cho bạn hữu các ơn phước từ trời mà họ đã kinh nghiệm, thì vẫn còn đa số tín hữu chẳng khi nào dám mở miệng chia sẻ đức tin của mình cho vô số người thân quen quanh họ đang hư vong.

Mệnh lệnh thứ nhì liên quan đến mọi loài thú trên đất, chim trời, loài bò sát, và cá dưới biển. Chúng đều phải kinh sợ loài người và dùng làm thức ăn cho người.

Trước cơn lụt, những người khổng lồ Nê-phi-lim và các giống khổng lồ khác đã ăn thịt người, thịt thú vật và vô số chim chóc rồi. Theo sách Jubilees thì cả loài thú vật cũng cắn nuốt nhau.

Không ai biết gia đình Nô-ê có khi nào ăn thịt thú vật, hay chỉ toàn ăn rau cỏ xanh (3) và trái cây? Nhưng qua sự kiện ông giết những con thú và chim thanh sạch làm lễ vật dâng trên bàn thờ (8:20), thì rất có thể Nô-ê đã từng ăn thịt trước cơn nước lụt, vì ông biết cách giết các con thú làm tế lễ.

Nếu ông chưa từng ăn thịt thú vật, thì chúng phải là bạn của ông. Nhưng mối liên hệ giữa Nô-ê với chúng từ nay đã thay đổi.

Điều nầy cũng áp dụng cho người mới tin Chúa. Sự thay đổi về những mối liên hệ sẽ xảy ra trong đời sống tân tín hữu. Những người bạn thân quen cũ có thể thay đổi thái độ đối với chúng ta. Có thể trước đây tín hữu và bạn bè có chung sở thích hoặc các ước mơ, nhưng bây giờ trở nên khác nhau; bởi vì có những điều chúng ta bây giờ ưa thích thì họ không hiểu nổi.

Nhưng biến cố quan trọng nhất sẽ khiến bạn bè rất ngạc nhiên, là tính cách con người của chúng ta được đổi mới qua tiến trình Đức Thánh Linh thánh hoá con người bề trong của ta.

Mệnh lệnh thứ ba là sự thay đổi về thức ăn. Từ thời đó trở đi, mọi người đều được phép ăn thịt tất cả các loài động vật. Chúng ta chưa có các dữ kiện cần thiết để biết lương thực thực phẩm chính của người thời Nô-ê. Nhưng qua mệnh lệnh của Chúa (3), thì người thời nay có thể đoán là họ ăn nhiều rau xanh, ít ăn thịt cá. Bây giờ họ được phép ăn tất cả.

Thay đổi tập quán thực đơn là một sự thay đổi rất lớn. Một số tập quán về ăn uống của người mới theo Chúa cũng phải thay đổi theo chiều hướng lành mạnh hơn. Và nhiều tập quán khác cũng phải thay đổi theo.

Trái với thời đại Nô-ê sau cơn lụt, Ngày nay chúng ta phải biết kiêng cữ nhiều thứ vốn quen dùng ngày trước. Ví dụ như hút xách, chè chén nhậu nhẹt, bài bạc trác táng, vv…

Mệnh lệnh thứ tư là không được ăn thịt còn máu và không được giết người (4–6). Điều cấm nầy là Đức Chúa Trời coi sự sống là có giá trị, Ngài quý trọng sự sống, vì sự sống từ Ngài mà có, mà máu là sự sống.

Sự cấm ăn huyết có cả trong luật pháp Cựu-ước lẫn huấn thị của Đức Thánh Linh và Hội-thánh trong thời Tân-ước (Lê-vi-ký 17:10–14; Công-vụ 15:20, 29). Mệnh lệnh nầy là khá rõ ràng đối với những người Việt thích ăn tiết canh hoặc các món ăn có huyết.

Trong mệnh lệnh nầy, Đức Chúa Trời cũng nói rõ cách Ngài sẽ xử những người phạm tội sát nhân. Ngài phán: “Ta sẽ đòi lại sinh mạng con người từ tay đồng loại nó, tức là từ tay anh em nó. Kẻ nào làm đổ máu người, sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời tạo nên loài người theo hình ảnh của Ngài” (5–6).

Sự giết người có thể do cố ý, có dự mưu, hoặc vô ý làm đổ máu. Có nhiều vụ sát nhân bị khám phá sau một thời gian ngắn, nhiều vụ phải mất một thời gian dài; cũng có một số vụ án sát nhân mà ở trên đời không ai tìm ra manh mối. Nhưng không vụ sát nhân nào có thể giấu khỏi mắt Đức Chúa Trời.

Người nào phạm tội sát nhân, thì sẽ bị trừng phạt ở đời nầy hoặc đời sau. Dù cho người ta khéo che đậy để không bị người khác khám phá, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đòi nợ máu, tức là đòi lại sinh mạng con người từ tay kẻ sát nhân. Suy nghĩ về việc “Đức Chúa Trời tạo nên loài người theo hình ảnh Ngài,” chúng ta sẽ nghĩ kỹ khi ghét ai đó.

Sau các mệnh lệnh ấy, Đức Chúa Trời ban lời hứa giao ước cho toàn thể sinh vật từ chiếc tàu bước ra ngoài, sau cơn lụt, là Ngài sẽ không bao giờ dùng nước lụt để tiêu diệt tất cả sinh vật một lần nữa (8–17).

Dấu hiệu của giao ước đó là sự tán sắc của ánh sáng tạo nên cái mống cầu vồng có bảy màu. Ngày nào cái mống còn xuất hiện trên bầu trời hay ở chân trời sau cơn mưa, thì lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời là sẽ không có cơn đại hồng thuỷ thứ nhì xảy ra trong lịch sử nhân loại.

Trong lời hứa của Ngài ở phần Kinh-thánh nầy, Đức Chúa Trời nhắc chữ giao ước tới bảy lần. Ngài tỏ ra sự nhẫn nại của Ngài đối với bản chất cứng cỏi và phản nghịch của loài người.

Trong thiên nhiên có bảy âm thanh. Quang phổ của ánh sáng có bảy màu. Có người nói rằng hai số bảy nầy chứa đựng nhiều bí ẩn. Có thể là sự phối hợp kỳ diệu giữa âm thanh và ánh sáng theo công thức thiên đàng sẽ đem đến quyền phép chữa lành tật bệnh trong tương lai. Cầu xin Chúa ban cơ hội để chúng ta có thể hiểu vần đề đó.

SangTheKy16.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký