Chúa Nhật, February 22nd, 2015
Sáng Thế Ký, 29
Sáng Thế Ký 21:1–34
Đức Chúa Trời luôn luôn làm thành những lời Ngài đã thề hứa và tiên báo. Loài người hoàn toàn bất năng trong việc quyết định giới tính nam hay nữ của bào thai.
Việc thai nghén của Sa-ra trong tuổi già đã là một phép lạ, nhưng đứa con sinh ra là bé trai để nối dõi cha, cũng là một điều kỳ diệu khác nữa. Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban phước cho Sa-ra sinh một con trai, thì Ngài hoàn thành đúng kỳ hạn điều Ngài hứa (1–2).
Áp-ra-ham cũng vâng theo lời dặn bảo của Chúa mà đặt tên cho con trai mình, do Sa-ra sinh ra, là Y-sác, có nghĩa là cười (3; Sáng-thế 17:17,19). Sự vâng lời của Áp-ra-ham về mọi điều Chúa truyền dặn, vào thời luật pháp thiên đàng chưa được ghi thành văn bản, là gương cho con dân Chúa ngày nay suy gẫm (4).
Bởi vì tín hữu vẫn thường tỉnh queo vi phạm vô số điều trong Kinh-thánh nghiêm cấm hoặc dặn bảo nên làm, hay không nên làm, mà chẳng thấy chút áy náy nào.
Đúng 25 năm kể từ lúc Áp-ra-ham rời khỏi Cha-ran đến cư ngụ tại đất của người Philistine, ông chính thức nhận được điều Chúa hứa về đứa con nối dõi; ông thấy lời Chúa hứa được thành tựu. Nếu tính từ ngày ông được Chúa kêu gọi lìa bỏ quê hương Ur của ông, có lẽ đã đủ ba mươi năm dài (5).
Một năm trước, khi nghe Chúa bảo năm sau bà sẽ sinh con trai, Sa-ra cười vì không tin và nghi ngờ. Bây giờ bà cười nói luôn miệng vì cuộc sinh nở đã tiến triển êm thấm (6–7); điều lo ngại bị sẩy thai đã qua rồi. Lời Chúa hứa đã thành sự thật.
Theo lẽ bình thường thì đứa trẻ dứt sữa khi vừa đầy năm. Có lẽ Y sác cũng ở trong thông lệ đó. Tiệc mừng đứa con trai dòng chính lên một tuổi, của tộc trưởng Áp-ra-ham, thật linh đình thì không có gì đáng ngạc nhiên (8).
Nhưng chẳng may cho Ismael, năm đó đã lên 16 tuổi, bị bà Sa-ra bắt gặp đang chọc ghẹo em cùng cha khác mẹ với mình (9). Chữ ‘đùa giỡn’ ở đây khiến người đọc thấy khó hiểu.
Ismael vẫn được Áp-ra-ham rất yêu thương hơn 16 năm qua; bây giờ Ismael thấy vai trò mình bị thay đổi. Y sác được mọi người dọn tiệc mừng quá linh đình, mình thì chẳng mấy ai quan tâm tới nữa; cho nên cậu ta chọc phá đứa trẻ cho bõ ghét.
Có lẽ thái độ và hành động chọc phá đầy ác ý, nên sứ đồ Phao-lô cho biết: “Thưa anh em, cũng như Y-sác, anh em là con của lời hứa. Nhưng như thuở ấy, kẻ sinh ra theo xác thịt bắt bớ người sinh ra theo Thánh Linh, thì bây giờ cũng vậy” (Galati 4:28–29). Như thế, có lẽ Ismael bị bắt gặp quả tang đang bắt bớ em, nên mới ra nông nỗi.
Nếu sự việc đã xảy ra như vậy, thì nó có thể biện minh cho thái độ khắc nghiệt của Sa-ra đối với hai mẹ con A-ga và Ismael.
Nhưng có lẽ do hậu quả lỗi lầm của A-ga dám khinh thường chủ của mình, nên cách bà Sa-ra đối xử với con trai của đứa tớ gái, dù là con ruột của chồng bà, chắc lạt lẽo lắm. Bây giờ bắt gặp việc ấy, Sa-ra nhất quyết không bỏ qua: “Bà nói với Áp-ra-ham: ‘Xin ông đuổi hai mẹ con đứa tớ gái nầy đi, vì con trai của đứa tớ gái nầy sẽ không được cùng thừa kế với Y-sác, con trai tôi đâu’” (10).
Tập tục của xã hội thời nô lệ là như thế. Người nô lệ trong nhà không có quyền gì hết; mọi việc đều do chủ quyết định. Nếu được chủ thương và tin cậy, thì rất hạnh phúc; ngược lại, nếu bị chủ ghét, thì bao nhiêu cực khổ không để đâu cho hết.
“Lời nầy làm cho Áp-ra-ham đau lòng lắm, bởi vì đó là con trai mình” (11). Chắc rằng Áp-ra-ham than thở giãi bày nỗi lòng mình với Chúa; cho nên, “Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham: ‘Con đừng nặng lòng về đứa con trai và đứa tớ gái của mình nữa. Sa-ra nói gì con cứ nghe lời nàng; vì bởi Y sác, sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên con. Ta cũng sẽ làm cho con trai của đứa tớ gái nầy trở thành một dân tộc, vì nó cũng từ nơi con mà ra’” (12–13).
Là tộc trưởng giàu có của một bộ tộc, Áp-ra-ham không thể làm điều gì trái ngược với luật lệ của xã hội thời nô lệ, mà đuổi Ismael đi thì đau đớn cho ông biết bao. Tình cha con đã 16 năm qua không dễ gì dứt bỏ chỉ trong chốc lát. Nhưng lời Chúa đến làm ông an tâm và vâng theo lời Ngài.
“Sáng hôm sau, Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước đưa cho A-ga. Ông đặt các thứ đó trên vai nàng, trao đứa con trai cho nàng rồi bảo đi. Nàng ra đi, lang thang trong hoang mạc Bê-e-Sê-ba” (14). Không hiểu Áp-ra-ham đã nghĩ gì khi đưa bánh và một bầu nước cho hai mẹ con. Ông có bảo họ đi về Ai-cập hay chỉ đuổi đi khỏi nhà ông?
Đối với A-ga thì sự việc xảy ra quá bất ngờ. Bà chưa chuẩn bị sẵn cho hoàn cảnh nầy. Thân phận nô lệ không được phản đối quyết định của ông chủ. Cho nên, bà ra đi, “lang thang trong hoang mạc Beer-sheba” chứ chẳng biết phải đi về đâu.
Nếu A-ga và Ismael không phạm những lỗi lầm trầm trọng, có lẽ họ vẫn còn ở trong gia đình của Áp-ra-ham cho đến khi Ismael lập gia đình và ở riêng. Nhưng điều mà A-ga phải đối diện lúc hết nước trong bình thì ngoài khả năng của bà, bà chỉ biết than khóc (15–16).
Không phải chỉ một mình A-ga khóc, mà Ismael cũng khóc; tiếng khóc của đứa trẻ vang lên đến Đức Chúa Trời, vì nó là con trai của Áp-ra-ham, và Chúa đã có một chương trình cho nó nữa (13).
“Thiên sứ của Đức Chúa Trời từ trên trời gọi A-ga và nói: ‘A-ga, có việc gì với con vậy? Đừng sợ! Vì Đức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ khóc ở đâu đó rồi. Hãy đứng dậy, đỡ đứa trẻ lên và ôm chặt nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân lớn’” (17–18).
Có lẽ 16 năm vừa qua trong đời A-ga đã trôi qua cách êm ấm tại nhà của Áp-ra-ham, làm cho bà quên mất lời hứa của Chúa về tương lai của đứa con trong bụng, lúc bà chạy trốn chủ hơn 16 năm trước (Sáng-thế 16:10–12). Còn Ismael lớn lên trong nhung lụa, chưa bao giờ phải chịu cảnh khổ; nên khát lả người khi hết nước uống.
Mệnh lệnh: “Hãy đứng đậy, đỡ đứa trẻ lên và ôm chặt nó trong tay,” có nghĩa là phải hết lòng giữ mạng sống của đứa trẻ và nuôi nấng nó. “Đức Chúa Trời mở mắt cho nàng và nàng thấy một giếng nước. Nàng đến múc đầy bầu da và đem cho đứa trẻ uống” (19).
Trong rất nhiều người có nhu cầu, thường thấy những sự quẫn bách trước mắt và ngồi than thở, mà không thấy cách giải quyết ở kề bên. Tới khi Đức Chúa Trời mở mắt cho họ thấy nguồn gốc nan đề của họ là thế nào và cách thức giải quyết, thì họ mới thấy.
Không biết hai mẹ con sống trong hoang mạc Pharan cách nào, nhưng Chúa là Đấng cung cấp cho các nhu cầu của họ (20–21).
Một số học giả Kinh-thánh tin rằng việc Áp-ra-ham kết ước với Abimelech đã xảy ra trước sự kiện A-ga và Ismael bị đuổi khỏi nhà Áp-ra-ham. Bởi vì hoang mạc nơi A-ga tìm thấy giếng nước trước đó không có tên.
Tên gọi Beer-sheba chỉ có sau khi Áp-ra-ham và Abimelech đã kết ước (31). Ông vua xứ Philistine đã để ý theo dõi sát sự thịnh vượng của Áp-ra-ham; vì thế ông ta biết Áp-ra-ham được Chúa phù hộ: “Đức Chúa Trời giúp đỡ ngươi trong mọi việc ngươi làm” (22). Điều đó xảy ra vì đi đến đâu Áp-ra-ham cũng lập bàn thờ để thờ kính Chúa, nhưng đời sống thờ phượng Chúa của ông mới thật là bí quyết của việc được ban phước.
Người khôn ngoan chẳng bao giờ muốn nghịch với người được Đức Chúa Trời ban phước; cho nên, Abimelech bảo Áp-ra-ham hãy thề sẽ không làm gì hại đến ông, con cái và cả dòng dõi của ông nữa (23–24).
Nhân dịp đó, “Áp-ra-ham phàn nàn với vua Abimelech về một giếng nước bị đầy tớ Abimelech chiếm đoạt” (25). Và cũng nhân dịp Abimelech bày tỏ lòng hối tiếc cho sự việc đã xảy ra mà ông không biết, Áp-ra-ham tặng quà cho Abimelech và kết ước với ông vua của xứ (26–27).
Áp-ra ham tỏ ra rất khôn khéo trong cách xử thế. Ngày nay chúng ta cần phải bắt chước Áp-ra-ham đáp đền xứng đáng với những người đã đối xử tốt với mình.
Cách Áp-ra-ham làm cho Abimelech vui lòng và chứng nhận cái giếng nước là do gia nhân của ông đào (28–30), thì tránh được những việc tranh chấp chắc chắn sẽ có trong tương lai; ở nơi mà nước là tài nguyên vô cùng quý giá.
Vì việc nhận 7 con chiên cái tơ từ Áp-ra-ham (28, 30), là công nhận quyền làm chủ giếng nước của ông. Địa danh Beer-sheba, có nghĩa là cái giếng thề nguyện, hay cái giếng của số bảy, ra đời từ sự kiện lịch sử ấy (31).
Sau khi Abimelech và Phi-côn đã ra về, Áp-ra-ham trồng một vườn me, biểu hiện của ý định cư trú lâu dài. “Tại đó ông cầu khẩn danh Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời hằng hữu” (32–34), Đấng luôn luôn thành tín và không bao giờ thất hứa với người Ngài đã thề hứa.
SangTheKy29.docx
Rev. Dr. CTB