Chúa Nhật, October 26th, 2014

Sáng Thế Ký, 18

Sáng-thế-ký 11:10 – 12:3

Kinh-thánh Cựu ước chủ yếu ghi chép về nguồn gốc, tổ tiên và lịch sử của dân tộc Israel, bởi vì chương trình của Đức Chúa Trời cứu độ nhân loại được Ngài thực hiện qua dân tộc ấy.

Vì thế, sau ký thuật về nguyên nhân người trên thế giới nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, cũng là lý do làm cho họ phân tán khắp địa cầu, sách Sáng-thế-ký bắt đầu dành riêng nói về gia phả từ đời Sem cho đến Áp-ram, là tổ phụ trực tiếp của người Do-thái.

Có tất cả mười đời trong một khoảng thời gian là 290 năm, từ lúc Sem được một trăm tuổi tới lúc Áp-ram được sinh ra, tức là lúc Sem được ba trăm chín mươi tuổi. Tất cả con và cháu của Sem đến đời thứ chín đều qua đời trước ông tổ của họ. Vì sau khi sinh A-bác-sát, Sem sống thêm được tới năm trăm năm (11:10).

Phong tục về cách tính gia phả của người ta lúc ấy chỉ nói về dòng con trưởng nam. Còn hậu duệ của những người con thứ không được nhắc đến, ngoại trừ Lót, có lẽ là cháu gọi Áp-ram bằng bác hay chú, vì cha của Lót hoặc là anh hoặc là em ruột của Áp-ram (11:26–27).

Cũng cần nên nhắc lại là tới đời Pê-léc, cháu đời thứ năm kể từ Sem, thì đất bị chia cách ra (10:25) làm cho các dân tộc bắt đầu bị phân tán ở nhiều lục địa.

Tất cả các sử liệu về thời thái cổ được Môi-se ghi chép lại lúc ông trở thành con nuôi của công chúa Ai-cập, được học tất cả tri thức của hoàng gia Ai-cập.

Nếu những trận địa chấn từ thời xa xưa so với thời Môi-se không được ghi lại, thì trong các sách do Môi-se và những người thuộc về lớp hậu bối của ông viết, đều không được nhắc đến. Bởi vì thời ấy rất hiếm có hiện tượng động đất nhiều như thời tận thế bây giờ.

Cha của Áp-ram là Tha-rê dùng tên cha của mình, là Na-cô, đặt cho người con trai thứ nhì của ông. Vì vậy người ta thấy có hai người thuộc hai thế hệ ông nội và cháu đều mang tên Na-cô.

Người thời ấy lập gia đình với những người họ hàng gần gũi với mình; cho nên, hai người vợ của Na-cô, em của Áp-ram, là con gái của Ha-ran (11:29). Nghĩa là hai người cháu lấy bác hay chú ruột của họ làm chồng.

Còn theo sự giải thích của các nhà nghiên cứu lịch sử Kinh-thánh, và theo chính lời từ miệng của Áp-ram nói ra, thì Sa-rai, vợ Áp-ram, là người em cùng cha khác mẹ của ông (Sáng-thế 20:12).

Các chi tiết nầy gây nên nhiều thắc mắc cho người thời nay; nhưng vào lúc ấy, những người trong một gia đình kết hôn với nhau là chuyện bình thường.

Ur là một thành phố nằm bên bờ sông Euphrates cách ngã ba hợp lưu hai sông Euphrates và Tigris khoảng 100 cây số về phía thượng lưu, và ở về phía Tây Bắc của mỏm tận cùng vịnh Ba-tư khoảng 200 cây số. Nghĩa là từ chỗ hợp lưu của hai con sông thành một dòng sông lớn đổ vào vịnh Ba-tư, thì đoạn sông ấy dài 100 cây số.

Tha-rê dẫn Áp-ram, con trai mình, Lót, con trai Ha-ran, cháu mình, và Sa-rai, vợ Áp-ram, tức dâu mình, cùng ra khỏi Ur, thuộc xứ Canh-đê, hướng đến Ca-na-an. Nhưng khi đến Cha-ran thì họ định cư tại đó” (11:31).

Không rõ vì lý do gì mà họ định cư tại Cha-ran. Theo các ký thuật ở phần Kinh-thánh nầy, thì có lẽ Đức Chúa Trời gọi Áp-ram ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha mình, để đi đến vùng đất Chúa sẽ chỉ cho (12:1), sau khi cha ông đã qua đời (11:32).

Năm Áp-ram sinh ra đời thì ông tổ Sem được 390 tuổi. Khi Tha-rê qua đời thì ông tổ Sem đã được 525 tuổi và vẫn còn sống. Theo những ký thuật về số tuổi thọ của những người ở thời gian nầy, thì các con số không khớp với nhau.

Như: “Tha-rê được bảy mươi tuổi, sinh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran” (11:26). Nhưng sau khi Tha-rê qua đời ở tuổi hai trăm lẻ năm, nếu Áp-ram là con cả, thì lúc đó Áp-ram phải là một trăm ba mươi lăm tuổi. Thế mà sách Sáng-thế ký thuật Áp-ram rời Cha-ran lúc được bảy mươi lăm tuổi (12:4). Con số sai biệt là 60 năm.

Đến đây chúng ta mới thấy rằng vào thời ấy, cách ghi tên những người con không phải theo thứ tự lớn nhỏ, nhưng theo thứ tự vai trò quan trọng của những người được nêu tên. Mà Kinh-thánh Cựu Ước tập trung nói về dân Israel là dòng dõi của Áp-ra-ham. Cho nên, có lẽ Ha-ran là con trưởng thì hợp lý hơn; và Tha-rê sinh Áp-ram lúc đã được một trăm ba mươi tuổi.

Điều đó cũng giải thích lý do Na-cô cưới Minh-ca và Dích-ca đều là con gái của Ha-ran. Nghĩa là Na-cô với Minh-ca và Dích-ca có lẽ đồng trang lứa. Còn Sa-rai thì nhỏ hơn Áp-ram mười tuổi.

Kể từ đoạn 12 trở đi, tất cả những biến cố chính đều xoay quanh Áp-ram và con cháu dòng dõi của ông. Thuở ấy, sự thờ kính Đức Chúa Trời chưa thành một tôn giáo có hình thức tổ chức, mà có tính cách cá nhân nhiều hơn.

Nếu đọc theo mạch văn ở chỗ nầy, thì việc Chúa gọi Áp-ram lìa bỏ quê hương hình như vào lúc ông ở Cha-ran, khi Tha-rê vừa qua đời.

Nhưng người Do-thái thời Hội-thánh sơ lập, tức là thời Tân-ước, thì biết rõ các chuyện tích về tổ Áp-ra-ham hơn hẳn người thời nay. Cho nên, chấp sự Ê-tiên đã giảng rằng: “Đức Chúa Trời vinh quang đã hiện ra cùng tổ phụ chúng ta là Áp-ra-ham, khi ông còn ở tại Mê-sô-pô-ta-mi, trước khi đến định cư tại Cha-ran” (Công-vụ 7:2).

Như vậy, Áp-ram đã vâng lời ra đi vì đã thấy Đức Chúa Trời hiện ra với ông. Kinh-thánh không nói rõ Chúa đã hiện ra như thế nào, hình dạng ra sao.

Áp-ram chưa thể vâng lời Chúa hoàn toàn khi cha của ông vẫn còn sống. Vì Ha-ran đã chết, còn Na-cô thì có tới hai vợ và có lẽ đông con, nên Áp-ram phải phụng dưỡng cha già tới khi cha qua đời.

Lời Chúa phán với Áp-ram là: “Hãy ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha của con để đi đến vùng đất Ta sẽ chỉ cho con” (12:1). Ông vâng lời, nhưng phải đem theo cha và một người cháu, con của ông anh Ha-ran đã qua đời. Thế nên, họ định cư ở Cha-ran.

Có lẽ Tha-rê đã cảm thấy thoải mái khi dừng lại nơi nầy, cách quê hương Ur của ông khoảng 600 dặm về hướng Tây-Bắc, cũng gần bên thượng nguồn sông Euphrates, có cùng một nền văn hoá Canh-đê.

Cả xứ Canh-đê từ Ur cho tới Cha-ran vào thuở đó đều thờ lạy thần mặt trăng tên là Sin; biểu tượng là hình trăng lưỡi liềm. Hơn nữa, các dân tộc vùng Mê-sô-pô-ta-mi, tức là Lưỡng-hà, còn thờ các tượng ‘teraphyim,’ tức là hình tượng của các thiên sứ ‘canh giữ.’ Như sau nẩy có chép trong chuyện tích Gia-cốp, thì các chữ dịch ra tiếng Việt là ‘tượng thờ,’ thì nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là ‘teraphyim‘ (Sáng-thế 31:30–34).

Trong một môi trường thờ lạy hình tượng lan tràn như thế, thì sự thờ kính Đức Chúa Trời của Áp-ram sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.

Tha-rê lại là một người thờ hình tượng (Giô-suê 24:2); vì thế Đức Chúa Trời phải gọi Áp-ram ra khỏi quê hương, bà con thân tộc, và nhà cha của ông, để tâm linh ông không bị ô nhiễm sự thờ cúng thần tượng của những người đồng tộc với ông.

Chúa hứa sẽ ban cho Áp-ram bảy thứ phước:

1) Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn,

2) Ta sẽ ban phước cho con,

3) Ta sẽ làm rạng rỡ danh con,

4) Con sẽ thành một nguồn phước,

5) Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con,

6) Ta sẽ nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con,

7) Mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước (12:2–3).

Lời hứa ban phước cho Áp-ram được Đức Chúa Trời nhắc lại ở nhiều dịp, qua các hình thức khác nhau (Sáng-thế 15: 5–21; 17:4–8; 18:18–19; 22:17–18).

Để nhận được tất cả bảy thứ phước đó, Áp-ram phải vâng lời Chúa ra khỏi môi trường bị ô nhiễm hình tượng và sự thờ lạy tà thần.

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Vì lời hứa cho Áp-ram và con cháu ông cũng dành cho mọi tín hữu ngày nay trên khắp thế giới có đức tin vào Đức Chúa Trời. Lời Chúa qua sứ đồ Phao-lô dạy rằng ngày nay ai thuộc về Đấng Christ, người ấy là con cháu của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:26–29).

Ai muốn nhận các phước lành, người ấy phải vâng theo tiếng gọi của Đức Thánh Linh để kính thờ và phục vụ Chúa cách trung thành tuyệt đối. Ta chưa thể vâng lời Chúa khi còn để cho cái tôi điều khiển mình.

Vâng theo sự chỉ dẫn của Chúa thì Ngài sẽ dùng chúng ta đem nhiều người đến sự sống. Các ơn phước Chúa ban thì không gì so được.

Được Chúa làm rạng danh là quý báu vô cùng hơn mọi danh vọng chóng tàn của trần gian. Cuộc sống của chúng ta sẽ đầy ý nghĩa và ích lợi khi trở thành nguồn phước cho mọi người quanh mình.

Ai chúc phước cho người được Chúa quý trọng thì được Ngài ban phước. Niềm hạnh phúc của chúng ta là người nào đối xử tốt với chúng ta, mà chúng ta không biết lấy gì để đền đáp, thì có Đức Chúa Trời ban phước cho người đó.

Ngược lại, những ai nguyền rủa chúng ta sẽ bị Chúa nguyền rủa, chẳng những người đó sẽ không ngóc đầu lên nổi, mà sự huỷ phá thình lình đến trên người cố ý hãm hại con cái của Chúa.

Và không gì vui sướng hơn là chính mình đem ơn phước và hạnh phúc đế cho mọi dân tộc trên đất.

Hãy suy gẫm về các lời hứa tràn trề ơn phước nầy để sẵn sàng vâng theo tiếng gọi của Chúa.

SangTheKy18.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký