Sáng Thế Ký, bài 34
Sáng Thế Ký 26:1–35
Có lẽ đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ nạn đói thời Áp-ra-ham mới cư ngụ ở Ca-na-an được vài năm tới nạn đói thời Y-sác (1). Ghê-ra là một vùng thuộc xứ Philistine. Còn Abimelech là danh hiệu của các vua người Philistine.
Áp-ra-ham chưa sinh Y-sác khi ông kiều ngụ ở Ghê-ra. Lúc Y-sác xuống đó, thời gian đã qua hơn 75 hoặc 80 năm. Y-sác xuống Ghê-ra gặp Abimelech, vua Philistine của thời ấy (không phải là Abimelech mà cha mình đã gặp), vì Đức Chúa Trời đã hiện đến với ông và phán: “Đừng xuống Ai-cập, hãy ở trong xứ mà Ta sẽ chỉ cho con. Hãy tạm cư trong xứ nầy. Ta sẽ ở cùng con và ban phước cho con” (2–3).
Theo thứ tự của sự việc đã ghi chép, sự hiện ra của Chúa hình như xảy ra tại Ghê-ra. Nhưng nếu suy xét kỹ, thì chắc đã diễn ra tại Lachai Roi, vì Y-sác đã xuống Ghê-ra ở hướng tây, thay vì dọn qua Ai-cập về hướng nam.
Chuyện đời của Y-sác, chỉ ghi chép Đức Chúa Trời hiện ra với ông hai lần, mà lần nầy là lần thứ nhất. Bất cứ sự hiện ra nào của Đức Chúa Trời cũng là một kinh nghiệm vô cùng hạnh phúc cho người được thấy Ngài hiện ra và phán dặn.
Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho Y-sác và dòng dõi của ông “tất cả các vùng đất nầy và Ta sẽ làm trọn lời Ta đã thề với Áp-ra-ham, cha của con. Ta sẽ làm cho dòng dõi con nhiều như sao trên trời và ban cho dòng dõi con tất cả các vùng đất nầy. Mọi dân tộc trên thế giới sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước” (3–4).
Lý do mà Chúa giữ lời hứa và ban phước cho Y-sác, vì Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa, tuân giữ những điều Ngài truyền dạy cũng như các điều răn, mệnh lệnh và luật lệ của Ngài (5).
Như vậy, bí quyết để được Đức Chúa Trời ban phước cho chính mình và dòng dõi của mình là vâng lời Ngài truyền dạy, làm theo những điều răn, mệnh lệnh và luật lệ của Chúa. Mà tất cả các điều răn, mệnh lệnh và luật lệ của Chúa đều liên quan đến luật đạo đức thanh sạch của thiên đàng. Cuộc đời của Y-sác là bằng chứng về đức thành tín của Đức Chúa Trời qua những lời Ngài hứa với Áp-ra-ham.
Sự hiện ra của Đức Chúa Trời là ơn phước đặc biệt cho một số rất ít người thời Cựu-ước, khi Đức Thánh Linh chưa được ban xuống, và người có lòng kính sợ Ngài vào lúc ấy cũng không nhiều. Ngày nay, mọi người tin đều có Đức Thánh Linh trong lòng hướng dẫn đời sống tâm linh lẫn thể xác; hầu cho con cái Chúa có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Dù được Chúa hiện ra chỉ dẫn và hứa ban phước, nhưng Y-sác lại phạm lỗi giống giống lỗi của cha là Áp-ra-ham, nói dối rằng Rebekah là em gái của mình thay vì là vợ, vì ông sợ bị người ta giết để cướp vợ. Sắc đẹp của Rebekah khiến cho dân địa phương phải trầm trồ (6-7).
Sự kiện Y-sác lánh xuống Ghê-ra để tránh nạn đói không biết xảy ra vào lúc Y-sác được bao nhiêu tuổi. Các sử gia Kinh-thánh cho rằng lúc ấy Y-sác đã 75 tuổi. Nếu đúng như vậy thì khi đó Rebekah khoảng trên 50 tuổi; còn Ê-sau và Gia-cốp được 15 tuổi.
Tuy vậy, không có bằng cớ chắc chắn nào cho biết số tuổi của Y-sác và vợ con ông vào thời điểm ấy. Chỉ biết rằng nhan sắc của Rebekah vẫn còn rất đẹp. “Y-sác đã ở đó một thời gian dài thì một hôm, Abimelech, vua Philistine, nhìn qua của sổ và thấy Y-sác đang âu yếm vợ là Rebekah” (8).
Abimelech đòi Y-sác đến để trách ông về tội nói dối. Y-sác thưa rằng vì ông sợ bị người địa phương giết để cướp vợ. Abimelech nói rằng việc Y-sác nói dối có thể khiến dân của nước mình bị mắc tội (9-10). “Vì thế, Abimelech truyền lệnh cho toàn dân rằng: ‘Ai đụng đến người nầy hoặc vợ ông ta thì sẽ bị xử tử’” (11). Đức Chúa Trời đã dùng Abimelech bảo vệ Y-sác là như vậy.
Y-sác được Chúa ban phước trong việc trồng trọt, trở nên ngày càng thịnh vượng và vô cùng giàu có, nên ông bị người Philistine ghen tị (12-14). Họ gây khó khăn cho Y-sác bằng cách lấy đất lấp tất cả những giếng mà Áp-ra-ham đã đào trước đây (15); còn Abimelech thì ra lệnh cho Y-sác phải dọn đi nơi khác “vì ngươi đã trở nên quá hùng mạnh so với chúng ta” (16).
Giếng hay mạch nước là biểu tượng ơn phước hay sự sống từ Đức Chúa Trời hoạt động giữa con dân Ngài. Giếng bị lấp là biểu tượng sự ngăn cản hay phá hoại của ma quỷ trên đời sống của con cái Chúa. Sự đào lại các giếng bị lấp là hình ảnh những hoạt động tích cực loại trừ mọi điều đã gây ra sự ngăn trở ơn phước, hoặc tìm kiếm sự tái viếng thăm của Đức Chúa Trời trên Hội-thánh Ngài (17–18).
Trong thực tế của đời sống, ma quỷ luôn luôn cản trở chúng ta nhận ơn phước của Đức Chúa Trời. Thời Cựu-ước, người Philistine là biểu tượng của ma quỷ thù địch với con dân Chúa. Còn dân Israel, hậu tự Áp-ra-ham theo lời hứa, là hình ảnh Hội-thánh Chúa ngày nay.
Vì vậy, việc người Philistine tranh giành các giếng nước do đầy tớ của Y-sác đào, là biểu tượng về sự cản trở của ma quỷ không cho con dân Chúa nhận ơn phước và sức sống từ thiên đàng (19–21). Kẻ thù có thể tranh chấp và thắng thế khi chúng ta tìm kiếm ơn phước trong lãnh địa chúng có thẩm quyền. Nhưng chúng phải tránh xa khu vực nào ngoài thẩm quyền của chúng (22).
Bài học nầy là hết sức quan trọng cho sự áp dụng các nguyên tắc chiến trận trong cuộc chiến tâm linh. Chúng ta thường khó chiếm thế thượng phong khi cư ngụ hay hoạt động trong lãnh vực mà kẻ thù đang có chủ quyền.
Ban đêm, Đức Chúa Trời hiện ra cho Y-sác lần thứ nhì, nghĩa là trong chiêm bao, và phán: “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha của con. Đừng sợ, vì Ta ở với con. Ta sẽ ban phước cho con và làm cho dòng dõi con gia tăng, vì Áp-ra-ham là đầy tớ Ta” (23–24). Như vậy, sự hiện ra của Chúa cho Y-sác lần đầu có lẽ cũng là chiêm bao.
Bằng cớ là Y-sác lo sợ người địa phương có thể giết mình để cướp vợ. Nếu Chúa hiện ra cho ông cách cụ thể như Ngài đã hiện ra cho Áp-ra-ham gần các cây sồi của Mam-rê (Sáng-thế 18:1–2), thì ông đã chẳng sợ người ở Ghê-ra đến như vậy. Và Chúa cũng đã từng hiện ra với Áp-ra-ham qua chiêm bao (Sáng-thế 15:1), rồi với Gia-cốp và Giô-sép sau nầy cũng thế.
Cho nên, Chúa vẫn phán bảo với con dân Ngài qua chiêm bao suốt lịch sử Kinh-thánh và cả hiện nay nữa. Chúng ta cần hiểu biết để nhận ra các chiêm bao ấy.
Để tỏ lòng tin, “Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó. Rồi các đầy tớ của ông đào ở đó một cái giếng” (25).
Sự ban phước và phù hộ của Đức Chúa Trời đối với Y-sác quá rõ ràng; cho nên, Abimelech và quần thần người Philistine của ông ta, trước giờ vẫn tìm dịp quấy phá Y-sác vì ganh ghét, nay phải tìm đến gặp ông để thiết lập một hoà ước (26).
Câu hỏi của Y-sác là một câu hỏi khó: “Các ông ghét tôi và đã đuổi tôi xa các ông, sao các ông còn tìm đến tôi làm gì nữa?” (27) Lời hỏi ấy khiến người Philistine phải ngượng ngùng trả lời: “Chúng ta thấy rõ Đức Giê-hô-va đã phù hộ ngươi, nên chúng ta nghĩ là giữa ngươi với chúng ta phải có một lời thề để kết ước với nhau” (28).
Họ nhắc lại cách họ đối xử tốt với Y-sác trước kia, và đề nghị rằng: “Ngươi phải thề chẳng bao giờ làm hại chúng ta cũng như chúng ta đã không đụng đến ngươi, trái lại còn hậu đãi và để ngươi ra đi bình an. Bây giờ, ngươi là người được Đức Giê-hô-va ban phước” (29).
Hãy để ý là sau khi những giếng nước cũ đã được đào trở lại, những thứ cản trở mạch nước đã bị dẹp bỏ, rồi những giếng mới được đào thêm, thì phe đối nghịch không còn dám khiêu khích hay quấy phá dân sự của Chúa nữa. Họ phải tìm đến cầu hoà với người được Đức Giê-hô-va ban phước.
Trong bài học nầy, khi những người bị ma quỷ dùng để chống nghịch con dân Chúa nhận ra sự sai trật của họ và cầu hoà, thì bổn phận của chúng ta là hòa thuận với họ. Giống như “Y-sác dọn một bữa tiệc và họ cùng ăn uống với nhau. Sáng hôm sau họ dậy sớm, lập lời thề với nhau. Rồi Y-sác tiễn các người đó lên đường và họ ra đi bình an” (30–31).
Mạch nước mới tượng trưng cho sự hưng thịnh của sức sống từ Chúa tuôn tràn vào dân sự Ngài (32–33).
Ê-sau vẫn giữ tánh tình cũ của người thích làm theo ý riêng. Ông cưới hai cô vợ người Hêtít; chẳng những hai cô dâu ấy là nỗi đắng cay cho cha mẹ ông (34–35), mà dòng dõi con cháu ông về sau không còn thuần chủng của người từ vùng Paddan A-ram.
Sau nầy, dòng dõi Ê-sau trở thành dân tộc Ê-đôm chỉ tồn tại một thời gian rồi bị tiêu diệt. Đời sống của Ê-sau đã không chứng tỏ sự kính sợ Đức Chúa Trời như ông nội là Áp-ra-ham và cha là Y-sác; vì thế ông đã mất phước lành.
SangTheKy34.docx
Rev. Dr. CTB