Sáng Thế Ký, bài 32

Sáng Thế Ký 24:10 – 67

Người đầy tớ chọn mười con lạc đà trong bầy của chủ rồi lên đường, đem theo tất cả các lễ vật quý từ tay chủ giao. Ông đi đến vùng Mê-sô-pô-ta-mi, vào thành của Na-cô” (10).

Người đầy tớ cần đến mười con lạc đà để chở người và hàng hoá. Như vậy, ngoài số người cùng đi với ông (32), người đầy tớ nầy phải mang theo rất nhiều sính lễ và tặng vật (53).

Xứ Mê-sô-pô-ta-mi trong tiếng Hê-bơ-rơ là “Aram Naharaim,” nghĩa là “Aram của hai con sông.” Aram có nghĩa là cao nguyên, nhưng nó trở thành tên gọi của chủng tộc Syrian. Cho nên, Aram Naharaim nói về phần đất Syri nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates ở phía tây bắc của vùng Canh-đê, không phải là vùng thuộc xứ Ur nơi Áp-ra-ham lìa bỏ quê hương ra đi.

Cái giếng nước chung ở bên ngoài vách thành là nơi các cô gái ra múc nước vào buổi chiều lúc trời mát. Quỳ là cách nằm nghỉ của loài lạc đà (11); người đầy tớ già nhiều kinh nghiệm và có lòng kính sợ cùng đức tin hoàn toàn vào Đức Chúa Trời, đã chọn đúng chỗ để cầu xin Đức Chúa Trời và quan sát các cô gái.

Ông tìm biết ý Chúa bằng cách nghĩ ra một dấu hiệu rõ ràng (12–14). Lòng tin vào sự toàn tri và toàn năng của Đức Chúa Trời khiến các thánh xưa tìm sự đáp lời của Chúa qua những dấu hiệu của các sự việc thường không xảy ra cách tình cờ hay bình thường, mà dù là bất bình thường, Chúa vẫn làm cho nó xảy ra để bày tỏ ý Ngài cho người cầu xin (15–21).

Chắc chắn là Rebekah thấy các vị khách lạ đang ngồi nghỉ cạnh giếng nước, nhưng nàng vẫn thản nhiên làm bổn phận của mình (16). Người đầy tớ bèn dạn dĩ thực hiện lời ông xin Chúa tỏ ra dấu hiệu (17).

Mỗi con lạc đà cần phải uống khoảng vài chục lít nước; thế mà cô gái chẳng những cho người khách lạ nước uống, cô còn đề nghị sẽ cho các con lạc đà uống nước đã khát mới thôi (19). Như vậy, Rebekah phải đi xuống giếng nhiều lần, múc từ hai chục vò nước trở lên mới đủ cho mười con lạc đà uống (20).

Nhân cách của người được Đức Chúa Trời chọn làm tổ mẫu của dân Israel thật là hoàn hảo. Khi thấy mọi điều mình cầu xin được Đức Chúa Trời cho diễn ra trước mắt, lòng của người đầy tớ hân hoan và cảm xúc biết bao (21).

Những lời cầu xin và sự đáp lời của Chúa tương tự như thế vẫn luôn diễn ra trong đời sống của nhiều con cái Chúa từ thời đó đến nay. Bí quyết để được đáp lời cầu nguyện là lòng tin chắc vào sự thành tín của Đức Chúa Trời.

Trước các sự việc hoàn toàn ăn khớp với lời người đầy tớ của Áp-ra-ham cầu xin thật cụ thể, người nào đọc sách Sáng-thế-ký phải hiểu rằng đức tin và cuộc đời trung thành với Chúa của Áp-ra-ham đã truyền đạt đức tin của ông cho cả nhà mình. Ông đã làm gương trong đời sống của ông để mọi gia nhân đều có lòng tin vững chắc vào Đức Chúa Trời của ông. Ông đã thành công trong sự truyền đạt ấy.

Người đầy tớ của Áp-ra-ham không bỏ lỡ cơ hội, ông đem quà tặng đầu tiên biếu Rebekah (22) và hỏi về thân thế và gia đình của cô gái trẻ. Những lời đáp của Rebekah đối với câu hỏi của ông, càng làm cho ông thấy sự sắp xếp thần diệu của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân của Y-sác (23–25).

Vào thời mà lữ quán hay khách sạn không có nhiều như ngày nay, việc cô gái nói: “Nhà chúng tôi có nhiều rơm và cỏ, cũng có chỗ nghỉ đêm nữa,” là một niềm vui vô cùng cho người đầy tớ kính sợ Chúa nầy. Hành động thờ kính và lời cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời của ông, trước mặt Rebekah, khiến cô gái ngạc nhiên, vì biết ông là đầy tớ của bác mình (26–27).

Rebekah chạy về, “thuật mọi chuyện cho cả nhà mẹ mình nghe” (28), trong tay cầm theo đôi xuyến vàng và mũi đeo chiếc khoen vàng (30, 47).

Người anh, là La-ban, nghe em gái kể chuyện thì vội vàng chạy ra mời người đầy tớ của Áp-ra-ham vô nhà mình: “Xin mời người được Đức Giê-hô-va ban phước vào nhà! Sao ông lại đứng ngoài nầy? Tôi đã chuẩn bị chỗ nghỉ cho ông và cho cả mấy con lạc đà rồi” (29–31).

Dù có thể chưa biết rõ người khách là ai, nhưng La-ban biết chắc đây là một người giàu sang, có địa vị và hào phóng. Sau khi vào nhà và làm xong các thủ tục rửa chân, người đầy tớ của Áp-ra-ham chưa chịu ăn bữa đã dọn, mà đi ngay vào nhiệm vụ chính của mình (32–33).

Thái độ và cách xử sự ấy không phải là hấp tấp vội vàng, mà là cách trình bày công việc rất khôn khéo của một người đầy tớ trung thành và mẫn cán đối với chủ mình; bởi vì làm như thế thì dễ nói hơn là sau khi ăn, phải rào trước đón sau, mới trình bày được công việc của ông.

Gia đình nầy biết rõ tên của Áp-ra-ham và kính trọng ông; cho nên, khi người đầy tớ xưng là gia nhân của Áp-ra-ham, thì ông trở nên người nhà của Bê-tu-ên (34). Có thể danh xưng của Đức Chúa Trời chưa được gia đình nầy biết rõ và kính sợ như Áp-ra-ham, nhưng người thời ấy đều có một tri thức tối thiểu về Chúa trên trời.

Người đầy tớ kể: “Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào cho chủ tôi và làm cho chủ tôi trở nên thịnh vượng. Ngài ban cho chủ tôi chiên bò, bạc vàng, tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa” (35), tức là mọi điều được xem là của cải vào thời bấy giờ.

Ông lại nói về Y-sác, con trai độc nhất của chủ do Sa-ra sinh vào lúc về già; rồi ông nói tiếp lý do và nhiệm vụ của ông sang Aram Naharaim là để tìm một người vợ cho Y-sác trong vòng họ hàng (36–41).

Ông kể lại lời ông cầu xin Chúa trên trời, các dấu hiệu mà ông đưa ra, rồi Đức Chúa Trời đã sắp xếp cho Rebekah gặp và làm ứng nghiệm lời ông khẩn cầu với Chúa ra sao (42–48); chứng tỏ rằng nhân duyên nầy do Chúa dẫn dắt.

Ông kết luận: “Vậy bây giờ, nếu các ông muốn tỏ lòng ưu ái và chân thành với chủ tôi, xin nói cho tôi biết. Nếu không đồng ý, cũng xin cứ nói, để tôi liệu bề xoay sở” (49).

Bê-tu-ên và La-ban trả lời rằng, nếu các sự việc đã diễn ra là ý muốn và chương trình của Đức Giê-hô-va, thì “chúng tôi không thể nói với ông nên hay không nên được.” Họ nói tiếp: “Kìa, Rebekah đang ở trước mặt ông. Ông hãy dẫn cháu đi để nó được làm vợ của con trai chủ ông như lời Đức Giê-hô-va phán dạy” (50–51).

Cách tạ ơn Chúa của người đầy tớ thật đáng được chúng ta ngày nay suy gẫm và bắt chước (52). Vì ông biểu lộ lòng thờ kính và tạ ơn bằng cử chỉ bên ngoài ngay lập tức trước mặt người ta. Ông không chờ tới khi vào chỗ riêng tư. Tạ ơn Chúa ngay lúc nhận biết sự ban ơn hoặc can thiệp của Ngài là điều chúng ta phải giữ, tập tành thành thói quen.

Hàng hoá, sính lễ, quà tặng đã được đem theo và lấy ra đúng lúc (53). Sau đó họ mới ngồi xuống ăn uống, chắc hẳn là vui vẻ lắm (54); bởi vì người đầy tớ thành công vượt mức ước mong trong nhiệm vụ chủ giao, còn gia đình của cô dâu mới thì mừng vì con em họ được làm vợ một người thân vừa giàu sang, vừa có phước, và họ thì được nhiều quà cáp bằng bạc, vàng làm của cải.

La-ban, anh của cô dâu, giữ một vai trò quan trọng trong nhà; người cha là Bê-tu-ên chỉ giữ một vai trò mờ nhạt là chấp thuận cuộc hôn nhân; có lẽ Bê-tu-ên đa thê, mà La-ban là anh cùng mẹ với Rebekah, nên giữ vai trò chủ nhà.

Sau một đêm ngủ nghỉ, người đầy tớ quyết định lên đường trở về với chủ ngay sáng hôm sau. Dù anh và mẹ của cô dâu có nài nỉ cũng không lung lạc được quyết tâm của ông, vì Đức Giê-hô-va đã cho ông thành công trong nhiệm vụ (54b–56).

Họ phải gọi cô dâu để hỏi ý kiến. Rebekah thì cũng muốn đi, nên bà vú, các nữ tì của nàng đồng đi theo nàng lên đường về nhà chồng, sau khi được gia đình lên tiếng chúc phước (57–61).

Bấy giờ, Y-sác đang ở Nê-ghép và từ giếng La-chai Roi trở về. Trời về chiều, Y-sác đi ra ngoài đồng để suy gẫm. Chàng ngước mắt lên và chợt thấy đàn lạc đà từ đâu đang đến gần” (62– 63).

Rebekah cũng thấy Y-sác ở đằng xa; nàng hỏi người đầy tớ thì biết đó là chồng tương lai của mình, liền lấy lúp che mặt lại (64–65). Lúp che mặt có hai ý nghĩa: Thứ nhất là dấu hiệu của nàng dâu. Sau khi đã thành vợ chồng rồi thì người vợ không còn lấy lúp che mặt. Thứ hai là dấu hiệu của người vợ bày tỏ lòng kính trọng và sẽ vâng phục chồng.

Sau khi nghe người đầy tớ thuật lại mọi việc ông đã làm, “Y-sác đưa Rebekah vào trại của Sa-ra, mẹ mình, cưới nàng làm vợ và yêu thương nàng. Vậy, Y sác được khuây khoả sau cái chết của mẹ” (66–67).

SangTheKy32.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký