Sáng Thế Ký, bài 38
Sáng Thế Ký 32:1–32
Gia-cốp tiếp tục cuộc hành trình về quê quán, nơi ông được sinh ra và lớn lên. Nhưng Gia-cốp mang một mối lo canh cánh bên lòng; vì ông sợ người anh của ông, là Ê-sau, vẫn còn nhớ mối thù năm xưa, sẽ đến chém giết cả gia đình ông.
Có lẽ lúc đoàn súc vật và gia đình ông trên đường tiến về hướng nam được khoảng một tuần, thì “các thiên sứ của Đức Chúa Trời gặp ông. Khi thấy các vị đó, Gia-cốp nói:‘Đây là trại quân của Đức Chúa Trời!’ Vì thế ông đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im” (1–2), nghĩa là “hai trại quân.”
Ý của Gia-cốp muốn nói về trại quân dưới đất của ông gồm có một bầy vợ con yếu đuối, với một mình ông, tuy là gia trưởng, chẳng có gì để tự vệ, ngoài một số gia nhân, nếu bị tấn công; còn trại quân kia ở trên cõi vô hình, được Chúa sai đến bảo vệ ông. Vì lời Chúa hứa năm xưa lúc ông chạy trốn anh mình, là Ngài sẽ theo gìn giữ ông (Sáng Thế 28:15).
Chi tiết nầy dạy dỗ chúng ta vài điều qúy báu: Các thiên sứ của Chúa vẫn đi cạnh bên để gìn giữ các con cái Ngài trong cuộc hành trình bình thường mỗi ngày của cuộc sống trên đất. Vấn đề khó khăn là chúng ta có nhận biết sự hiện diện của các vị ấy hay không mà thôi.
Kinh thánh không nói rõ các thiên sứ đã gặp Gia-cốp như thế nào, trong hình dạng nào, ra sao… Có thể là chỉ một mình Gia-cốp thấy các thiên sứ; còn cả nhà ông không ai thấy.
Trại quân còn có nghĩa là quân đội của Đức Chúa Trời. Các thiên sứ của Chúa hiện ra để khích lệ Gia-cốp; cho nên, ông thêm tin cậy và an tâm, vì biết có các đấng vô hình sẵn sàng bảo vệ mình.
Khi Đức Chúa Trời đưa dân sự Ngài vào hoạn nạn, Ngài dùng sự an ủi lớn để chuẩn bị lòng họ trước hoàn cảnh khó khăn.
Chắc rằng vì tinh thần được phấn chấn khi gặp các vị thiên sứ trong đạo quân của Đức Chúa Trời, Gia-cốp mạnh dạn “sai sứ giả đi trước đến gặp anh mình, tại xứ Sê-i-rơ thuộc địa phận Ê-đôm” (3). Ông bảo họ thưa với Ê-sau về chỗ ông sinh sống trong hơn hai mươi năm vắng mặt là tại nhà La-ban, cậu của hai anh em (4); rồi xin Ê-sau vui lòng cho ông đến gặp mặt (5).
Dù được các thiên sứ hiện đến cho biết ông được bảo vệ, Gia-cốp vẫn kinh hãi khi các sứ giả trở về báo tin: “Chúng tôi đã đi đến Ê-sau, anh của chủ. Ông ấy đang đem bốn trăm người đến để đón chủ” (6).
Giữa lòng tin vào cõi huyền nhiệm với lý trí con người trước thực tế, vẫn có một khoảng cách rất lớn. Dù đức tin của người ta có mạnh đến đâu đi nữa, mọi con cái Chúa đều kinh hãi trước mối hiểm nguy thình lình xảy ra cho mình.
“Gia-cốp vô cùng kinh hãi và lo lắng. Ông chia các gia nhân cũng như các bầy chiên, bò, lạc đà thành hai toán. Ông nghĩ:‘Nếu Ê-sau đến và tấn công toán nầy thì toán kia sẽ chạy thoát được’” (7–8).
Qua hơn hai mươi năm xa nhà, Gia-cốp chỉ mới nhìn thấy các ơn phước vật chất từ Đức Chúa Trời trên đời sống ông chứ chưa từng trải sự bảo vệ diệu kỳ từ Chúa.
Trước kia, Gia-cốp mở lời khấn nguyện sau khi được thấy chiêm bao và thấy Đức Chúa Trời hiện ra phán với mình. Bây giờ đứng trước mối hiểm nguy đối với mạng sống của các bà vợ và con, Gia-cốp thiết tha khẩn nài cầu nguyện lần đầu tiên trong đời.
Ông tuyên xưng Đức Chúa Trời là Chúa của ông nội mình, là Áp-ra-ham, và của cha mình là Y-sác. Ông nhắc lại lời Đức Chúa Trời hứa sẽ hậu đãi ông khi Ngài truyền bảo ông hãy trở về quê hương và họ hàng của ông (9).
Ông tự nói là “không xứng đáng với tình yêu thương và đức thành tín mà Ngài đã dành cho” ông. Ơn phước ấy đúng là quá lớn, vì ông thưa rằng: “Khi vượt qua sông Giô-đanh con chỉ có cây gậy thôi, thế mà hôm nay con đã có hai toán người và tài sản nầy” (10). Ông nhắc lại lời Chúa hứa về tương lai của ông, để xin Ngài giải cứu gia đình ông khỏi bị Ê-sau đánh giết (11–12).
Đức Chúa Trời đã đẩy Gia-cốp đến chỗ đường cùng, không có khả năng dùng sức riêng để giải quyết được nỗi khó khăn kinh hoàng trước mắt. Khi còn ở Paddan Aram, đối với một La-ban gian xảo, Gia-cốp đã ăn miếng trả miếng một cách thích đáng.
Nhưng nay, đứng trước một đội quân bốn trăm người đang tiến đến, Gia-cốp bị đẩy vào cảnh ngộ phải nhờ cậy nơi sự bảo vệ của Chúa. Ông không còn chút hi vọng nào vào con người mưu mẹo giỏi tính toán của mình để bảo toàn gia đình và tài sản ông đang có. Vì thế, ông hết lòng khẩn nài cầu xin sự giúp đỡ và che chở của Đức Chúa Trời (9–11).
Bây giờ thì ông đã biết rõ là nếu nương cậy sự bảo vệ của Chúa thì ông và gia đình sẽ được bình an, vì chỉ sức thần mới cứu giúp được ông trong hoàn cảnh nầy.
Sau khi cầu nguyện xong, Gia-cốp trấn áp nỗi sợ hãi, lấy lại sự khôn khéo vốn có để lập một kế hoạch làm giảm bớt sự giận dữ của Ê-sau. Ông tin rằng quà cáp đi trước sẽ làm giảm mối hận thù; nhiều món quà nối tiếp nhau càng làm vơi mất ý định hung bạo (20b).
Nghĩ như thế, Gia-cốp chọn “trong các thứ mình đang có để làm quà biếu cho Ê-sau, anh mình” (13). Tổng cộng là năm trăm năm mươi gia súc, chưa kể các lạc đà con còn bú, được sắp xếp theo thứ tự càng đi sau thì trị giá càng cao.
Loài dê chỉ dùng để cung cấp thịt và da không quý bằng chiên cho lông, thịt và da. Lạc đà chở hàng, cung cấp lông và sữa, cao hơn chiên. Gia-cốp xếp bò trên lạc đà một bậc, có lẽ vì biết anh mình sống nhờ nông nghiệp, mà đối với mọi nông gia ở khu vực ấy của thế giới, loài bò được coi trọng; vì ngoài thịt và da, chúng có khả năng cày bừa và cho sữa tươi nhiều hơn các con thú khác. Lừa được sắp xếp đi sau cùng, tượng trưng cho sự quyền quý, bởi vì chúng được những người có chức vị trong xã hội dùng để cỡi (14–15).
Ông khéo léo “giao vào tay các đầy tớ từng bầy riêng rẽ và dặn họ: ‘Các ngươi hãy đi trước ta và giữ khoảng cách giữa bầy nầy với bầy kia’” (16). Ông cũng dạy họ nói những lời khôn khéo vuốt ve tự ái của Ê-sau (17–21).
“Đêm ấy Gia-cốp thức dậy, dẫn hai bà vợ, hai nữ tì và mười một người con đi qua chỗ cạn của sông Gia-bốc. Ông đưa họ qua rạch cùng với tài sản mình”(22–23).
Gia-cốp trở lại bên nầy sông ở lại một mình trong trại. Có lẽ ông tính rằng nếu có bị tấn công lúc nửa đêm, thì một mình ông có thể trốn thoát được.
Nhưng đêm ấy “có một người vật lộn với ông cho đến rạng đông. Trong lúc vật lộn, người đó thấy mình không thắng nổi nên đánh vào xương hông Gia-cốp, làm cho xương hông bị trặc” (24–25). “Người đó nói: ‘Trời đã sáng rồi, hãy để cho Ta đi.’ Nhưng Gia-cốp đáp: ‘Tôi không cho Ngài đi đâu, nếu Ngài không ban phước cho tôi’” (26).
Gia-cốp thấy người đó chỉ chạm một cái thì xương hông ông bị trặc. Ông nhận ra người ấy không phải là nhân loại bình thường. Ông biết rằng nếu người ấy không chữa cho thì ông không thể đứng nổi. Cuộc vật lộn phải chấm dứt lúc trời sáng khi Gia-cốp phải làm bổn phận.
“Người đó hỏi: ‘Ngươi tên gì?’ Ông trả lời: ‘Tên tôi là Gia-cốp.’ Người đó bảo: ‘Tên ngươi sẽ không còn là Gia cốp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã tranh đấu với Đức Chúa Trời và người ta, và ngươi đều thắng cả.’ Gia-cốp hỏi: ‘Xin cho con biết tên Ngài.’ Người ấy đáp: ‘Tại sao ngươi hỏi tên Ta?’ Rồi người ấy ban phước cho Gia-cốp tại đó. Gia cốp đặt tên chỗ đó là Peniel, và giải thích: ‘Vì tôi đã thấy Đức Chúa Trời mặt đối mặt nhưng mạng sống tôi vẫn được bảo toàn’” (27–30).
Cuộc vật lộn đã xảy ra để cho Gia-cốp thêm can đảm đương đầu với khó khăn, hiểm nguy bằng sức mạnh của đức tin. Nhưng cũng là một bước ngoặt trong đời Gia-cốp, buộc ông phải biết nương nhờ vào quyền phép trên cao, bỏ hẳn tính khôn lỏi của con người Gia-cốp nắm gót.
Israel có nghĩa là “quan trưởng của Đức Chúa Trời.” Khi Chúa muốn ban cho loài người kinh nghiệm tâm linh mới, thì Ngài cho người ấy khởi sự cảm nhận qua các giác quan. Từ đó Ngài dẫn người lên dần tới chỗ có thể chuyện trò với Ngài.
Qua sự chúc phước của Chúa, bây giờ Gia-cốp có thể đi được dù phải đi khập khễnh. Ông bắt đầu một giai đoạn mới của đời sống tâm linh. Sau sự kiện nầy, Gia-cốp biết thêm rất rõ về con người của mình (31–32).
Trong khung cảnh ấy, có ba điều quan trọng xảy ra: Trước hết, Gia-cốp vật lộn với Chúa qua hình thể một người và bị đánh trặc xương hông; kế đến là Gia-cốp nài xin Đức Chúa Trời chúc phước cho ông; thứ ba, Gia-cốp nhận được ơn phước của một danh xưng mới, một đời sống tâm linh mới được thiết lập, và một năng lực mới cho thân thể.
Vì vậy, Gia-cốp đặt tên cho địa điểm đó là Peniel, có nghĩa là “mặt của Đức Chúa Trời.” Ông đã thấy mặt Chúa và được biến đổi.
SangTheKy38.docx
Rev. Dr. CTB