Chúa Nhật, September 7th, 2014

Sáng Thế Ký, 11

Sáng Thế Ký 4:17 – 5:32

Bà Ê-va sinh được một con trai khác giống y hệt A-đam và đặt tên là Sết (4:25). Không ai biết khoảng cách thời gian giữa lúc A-đam được dựng nên tới ngày Ê-va được tạo thành là bao lâu. Cũng không ai biết thời gian đã trải qua bao nhiêu năm từ ngày Ê-va được tạo thành cho tới khi bà sinh Ca-in là con đầu lòng.

Vì thế, dù biết rằng A-đam đã được 130 tuổi khi sinh Sết, không ai biết khoảng cách tuổi tác giữa Ca-in với người em trai là Sết. Nếu người nào dám khẳng định về tuổi của Ca-in, thì cũng chỉ là đoán mò; bởi vì không có bằng chứng nào rõ ràng để xác định.

Vì bà Ê-va là người duy nhất có thể sinh ra loài người vào lúc đó; cho nên, vợ mà Ca-in cưới phải là em gái của ông (4:17). Từ chỗ loài người còn rất hiếm hoi, chắc chắn anh em cùng một gia đình phải kết hôn với nhau để sinh sản con cháu.

Dòng dõi của Ca-in sinh ra được tính thành một nhánh riêng biệt, không được kể như dòng dõi chính của A-đam nữa. Hơn nữa, vì tên của những người nữ không được nhắc đến trong gia phả, người đời nay không thể biết rõ các con và cháu trai của Ca-in có liên hệ hôn nhân gì với những người nữ do bà Ê-va sinh ra sau nầy hay không.

Hoặc là hôn nhân có xảy ra giữa con cháu của Sết với con cháu của Ca-in hay không. Hoặc những người con trai, con gái của bà Ê-va sinh ra sau khi sinh Sết, thì việc hôn nhân của họ là thế nào.

Kinh-thánh chỉ ghi vắn tắt gia phả của dòng Ca-in tới thời Gia-banh, Giu-banh và Tu-banh-ca-in. Theo bối cảnh ấy, thì loài người tới thời đó đã tản ra sinh sống ở nhiều vùng khác nhau, vì các nguồn lương thực ở chỗ đầu tiên đã cạn dần; đất canh tác cũng cần phải mở rộng thêm để đủ nuôi dân số ngày càng gia tăng.

Ai đã dạy cho Gia-banh sống trong lều trại và chăn nuôi gia súc? Người ta nghĩ rằng vào thời đó loài người chưa biết cất nhà để ở; có lẽ hầu hết đều cư ngụ trong các hang hốc thiên nhiên.

Rồi ai dạy cho Giu-banh sáng chế ra các nhạc khí; và ai dạy Tu-banh-ca-in “rèn các loại dụng cụ bén bằng đồng và sắt” (4:18–22)?

Những chi tiết nêu trên cho thấy loài người đã đạt các bước văn minh rất dài trong khoảng thời gian chừng sáu thế hệ. Điều đó khác hẳn với các lý luận của những người chủ trương thuyết tiến hoá về lịch sử văn minh của loài người.

Người ta đã phân chia lịch sử đó thành các thời kỳ “đồ đá,” “đồ đồng” và “đồ sắt.” Tức là loài người ở từng thời kỳ đã sáng chế các dụng cụ hay vật dụng dùng cho các nhu cầu sinh hoạt từ đồ bằng đá tiến lên dụng cụ và vũ khí bằng đồng, rồi tiến lên đồ bằng sắt.

Theo tính toán của lý thuyết nầy, thì mỗi thời kỳ cách nhau hàng ngàn hay hàng chục ngàn năm. Nhưng Kinh-thánh cho biết sáu thế hệ sau ông tổ Ca-in, thì con cháu ông đã biết rèn các dụng cụ và vũ khí bằng đồng và bằng sắt rồi. Như thế, đã có ai dạy cho họ.

Theo vài áng văn cổ của người Do-thái không được kinh điển vào Kinh-thánh, thì có vài chi tiết rất đáng chú ý khi nghiên cứu vấn đề nầy. Sách Jubilees ghi rằng vào thời Ma-ha-la-lel, cháu bốn đời của Sết, sinh con trai thì đặt tên là Giê-rệt [Jared] (5:15), có nghĩa là “sẽ giáng xuống.

Sách đó cũng giải thích rằng sở dĩ ông đặt tên con trai mình như vậy, là vì vào lúc đó các thiên sứ từ Chúa được sai xuống trần để dạy cho con cái loài người biết thực hiện sự nhận định các điều quan trọng và điều công chính trên mặt đất. Các thiên sứ ấy được đặt tên là những vị “Canh giữ” (Watchers). Một số người nghĩ rằng những vị thiên sứ nầy đã chỉ dẫn cho loài người khám phá ra những việc họ chưa biết.

Vì A-đam với Ê-va là thuỷ tổ loài người, và sau khi sinh Sết ông bà còn sinh thêm nhiều con trai con gái, cho nên dù sau nầy có nhiều dòng tộc, thì họ cũng đều từ một gia đình mà ra (4:17–24). Sết phải cưới một em gái của ông làm vợ và sinh ra Ê-nót (4:26). “Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.” Khi câu nầy được căn cứ trên nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, thì các nhà thần học của nhiều khuynh hướng khác nhau giải nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau.

Có người hiểu theo nghĩa đen, nhưng người khác cho rằng người ta bắt đầu gọi, hay làm ảnh tượng các thiên thể trên trời là thần của họ. Nghĩa là người ta bắt đầu hướng về những thứ mà họ tôn làm thần để cầu khẩn các thần ấy. Hơn nữa, vào thời đó danh của Đức Giê-hô-va (Yahweh) chưa được bày tỏ cho loài người.

Về vấn đề nầy, một số nhà thần học đã trích dẫn nhiều phân đoạn của sách Enoch, một sách được người Giu-đa dùng vào thời Cựu-ước và Hội-thánh ở vài thế kỷ đầu của thời Tân-ước có trích dẫn hoặc đề cập tới (Giu-đe 14), nhưng sau nầy bị các học giả Do-thái loại ra, không được kinh điển vào Kinh-thánh Cựu-ước nữa. Chúng ta cũng cần biết là không phải ông Hê-nóc (Enoch), người đồng đi với Đức Chúa Trời (5:24), viết sách nầy, mà là người đời sau viết lại. Cũng giống như Môi se viết hầu hết Ngũ Kinh, nhưng phần cuối do người vô danh hoàn tất.

Vài chi tiết về chuyện các thiên sứ sa ngã trong sách Enoch đã được các nhà thần học ấy dùng làm bối cảnh để giải thích cho tình trạng tội lỗi và sự gian ác của loài người lan tràn trước thời Nô-ê.

Theo đó, vài nhà nghiên cứu Kinh-thánh cho rằng nhiều người trên đất đã tạc hình tượng các vị thiên sứ ‘Canh-giữ’ để thờ lạy, khiến họ bị sa ngã. Chúng ta sẽ lần lượt suy xét và nhận định các lý luận nói trên để biết ai đúng, ai sai, khi xem xét phần dầu của đoạn 6 tiếp theo bài nầy.

Không ai biết rõ lý do tại sao A-đam và các con cháu của ông đã đặt tên cho con trưởng nam của họ như họ đã đặt. Đức Chúa Trời đặt tên cho người đầu tiên là A-đam, nghĩa là ‘người.

Sết có nghĩa là ‘được định.’ Sết đặt tên con trai mình là Ê-nót, có nghĩa là ‘phải chết.’ Ê-nót đặt tên con trưởng nam mình là Kê-nan, có nghĩa là ‘khổ đau.’ Kê-nan thì đặt tên con là Ma-ha-la-lel, có nghĩa là ‘Đức Chúa Trời đáng chúc tụng.

Ma-ha-la-lel đặt tên con là Giê-rệt, nghĩa là ‘sẽ giáng xuống.’ Con của Giê-rệt tên là Hê-nóc (Enoch), có nghĩa là ‘dạy dỗ.’ Tên con trưởng nam của Hê-nóc là Mê-tu-sê-la, có nghĩa là ‘sự chết của người sẽ đem đến.’ Mê-tu-sê-la đặt tên con là Lê-méc, với ý nghĩa là ‘sự tuyệt vọng.’ Lê-méc thì đặt tên con là Nô-ê, có nghĩa là ‘nghỉ ngơi và an ủi.’ (5:1–32).

Nô-ê là thế hệ cuối cùng, của thời các tổ phụ trực tiếp từ dòng dõi Sết, trước khi Đức Chúa Trời quyết định đổ cơn đại hồng thuỷ xuống trái đất để tiêu diệt hết loài người đã bị ô nhiễm, không còn thuần chủng.

Nếu ghép lại tất cả các tên của 10 đời tổ phụ từ A-đam đến Nô-ê; rồi xem xét ý nghĩa của các tên ấy đã được ghép lại thành một câu, người ta thấy đó là một thông điệp vô cùng huyền nhiệm từ Đức Chúa Trời cho biết trước chương trình của Ngài đối với trần gian. Câu ấy như sau:

A-đam – Sết – Ê-nót – Kê-nan – Mahalalel – Giê-rệt – Hê-nóc – Mê-tu-sê-la – Lê-méc – Nô-ê.

Có nghĩa là:

Người–đã được định–phải chết–(và) khổ đau. – Đức Chúa Trời đáng chúc tụng–sẽ giáng xuống –dạy dỗ. –Sự chết của Người sẽ đem đến–(cho người) tuyệt vọng–(được) nghỉ ngơi và an ủi.

Từ câu nầy, chúng ta nhận ra Đức Chúa Trời đã phán trước về Tin Mừng qua các tên những tổ phụ của các dòng dõi của lời hứa.

Có nghĩa là gia phả từ A-đam đến Nô-ê là một lịch sử được định trước, mà trong đó những tên của các tổ phụ là các ký hiệu đầy bí hiểm trong một chương trình Đức Chúa Trời sẽ thực hiện để hoàn thành kế hoạch cứu chuộc nhân loại mà Ngài đã định sẵn trước khi sáng thế.

Hơn nữa, nếu ai nghiên cứu về ông Mê-tu-sê-la, người sống lâu nhất từ xưa tới nay, 969 tuổi (5:27), thì sẽ thấy ý nghĩa của tên ông là lời tiên tri về một sự kiện vô cùng trọng đại diễn ra vào năm ông qua đời.

Mê-tu ra từ chữ Meth, có nghĩa là ‘chết.’ Sê-la được lấy từ chữ Shalak, nghĩa là ‘được sai đến.’ Như vậy, ý nghĩa của tên Mê-tu-sê-la thật rõ ràng là vào năm ông chết, sự phán xét được sai đến.

Nếu chúng ta chịu khó tính toán số năm, thì lúc cơn đại hồng thuỷ diễn ra, Nô-ê được 600 tuổi. Năm ấy Mê-tu-sê-la qua đời, còn con của ông là Lê-méc đã chết trước đó 5 năm. Như thế, không một vị tổ phụ nào có tên trong thông điệp bí hiểm đó bị tiêu diệt trong đại nạn.

Khi dân số của nhân loại bắt đầu gia tăng và người ta phải tản ra sinh sống trên một diện tích rộng, thì sự kiện Giu-banh sáng chế ra các thứ nhạc khí, và Tu-banh-ca-in rèn các dụng cụ bằng đồng và bằng sắt, chứng tỏ rằng loài người đã vượt qua khỏi giai đoạn chỉ kiếm sống để sinh tồn, mà đã bắt đầu có thì giờ giải trí bằng âm nhạc và nghiên cứu kỹ thuật chế tạo đồ kim khí.

Các chi tiết nầy chứng minh rằng loài người lúc ấy không ăn lông ở lỗ, cũng chẳng phải là các quần thể linh trưởng như khỉ, vượn, đười ươi, hay dã nhân. Họ cũng không sống theo kiểu sơ khai chỉ biết săn, bắt, hái, lượm, mà là loài người phát triển cao về trí tuệ cũng như óc sáng tạo.

Tuy vậy, loài người lại bị suy đồi về đạo đức khi bị kế hoạch phá hoại của satan xen vào qua những thiên sứ sa ngã theo sự phản loạn của hắn. Nhưng Chúa vẫn có chương trình của Ngài. (Xin đón xem bài rất quan trọng kỳ tới).

SangTheKy11.docx

Rev. Dr. CTB