Chúa Nhật, February 8th, 2015

Sáng Thế Ký, 27

Sáng Thế Ký 19:1–29

Hai thiên sứ đi bộ từ chỗ Áp-ra-ham đến Sodom. Quãng đường không phải là gần, nhưng hai thiên sứ đến nơi vừa lúc chiều tối. Hai thiên sứ nầy đã cùng Đức Chúa Trời đến thăm Áp-ra-ham, rồi họ rời khỏi chỗ đó tiến về hướng Sodom, trong khi Chúa ở lại trò chuyện với Áp-ra-ham đang đứng chầu trước mặt Ngài (18:22).

Lúc đó, Lót đang ngồi tại cổng thành” (1). Có hai thuyết tranh luận nhau về việc Lót vẫn sinh sống ở Sodom.

Ý thứ nhất nói rằng ông đã quen với tội lỗi kinh tởm ở Sodom nên lòng trở nên chai lì; vì ngồi nơi cổng thành có nghĩa là có quyền thế và được tôn trọng. Do được dân thành Sodom trọng vọng, cho nên ông nhắm mắt làm ngơ trước các hành động đồng tính luyến ái của người dân thành ấy. Và ông đã sẵn sàng gả con gái mình cho họ (14).

Quan điểm thứ nhì dựa trên 2Phi-e-rơ 2:7–8 rằng: Chúa “đã giải cứu Lót, là người công chính rất đau buồn về cách sống phóng túng của những kẻ vô luân (vì người công chính nầy sống giữa họ, ngày lại ngày linh hồn công chính của ông bị dằn vặt bởi những hành động vô luân của họ).” Và Lót đã chần chừ nán lại Sodom với lòng mong mỏi sẽ cảm hoá được một số người mà ông sẽ có cơ hội tiếp đãi. Ông đã học được tính hiếu khách của chú mình là Áp-ra-ham.

Nhưng cả thành phố đó đều quá sức dâm dục, không tìm đâu ra được một người công chính thứ hai. Lót vẫn ngồi ở cổng thành để quan sát xem có khách lạ nào đi qua thì ông sẽ mời họ về nhà mình để tránh tình cảnh bị bọn người dâm dục đồng tính luyến ái hiếp dâm.

Tuy nhiên, đoạn nầy nói rõ lý do Lót được các thiên sứ cứu thoát để không bị tiêu diệt chung với dân thành Sodom, là do lòng thương xót của Chúa đối với Áp-ra-ham (29).

Khi thấy hai thiên sứ đến, Lót đứng dậy tiếp đón và quỳ sấp mặt xuống đất” (1). Đứng dậy tiếp đón là thái độ hoan hỉ sẵn sàng. Quỳ sấp mặt xuống đất thì không phải là hành động tôn giáo thờ kính, nhưng là cử chỉ tôn trọng theo phong tục người vùng Trung-Đông.

Có lẽ Lót thấy phục sức của hai người khách lạ, thì nghĩ là người lành và đàng hoàng, nên ông cố gắng nài ép họ chịu về nhà ông để ông được tiếp đãi họ (2–3).

Tiếng than trách về Sodom và Gomorrah thật quá lớn, tội lỗi các thành đó thật nghiêm trọng” (18:20), thì giờ đây tội lỗi nhớp nhúa của họ đã bộc lộ cho các thiên sứ thấy cách rõ ràng (4–9). Nhưng bọn vô lại đó không biết họ đang đòi gặp ai (10–11).

Hành động hiếu khách và liều mình bảo vệ khách, của Lót, đã được ban thưởng xứng đáng, vì “hai thiên sứ hỏi Lót: Ngươi còn có ai khác ở đây nữa không? Con rể, con trai, con gái và bất cứ ai trong thành có liên hệ với ngươi, hãy đưa tất cả ra khỏi nơi nầy” (12).

Không phải là các thiên sứ không biết gia đình Lót có bao nhiêu người, nhưng đặc ân được ban cho để các thiên sứ chứng tỏ họ quý trọng tâm tình của Lót đến mức nào. Họ cũng nói cho Lót biết: “Chúng ta sắp hủy diệt chỗ nầy, vì tiếng than oán về dân thành nầy đã thấu đến Đức Giê-hô-va, và Ngài đã sai chúng ta xuống để hủy diệt nó” (13).

Lót đi ra nói với các chàng rể sắp cưới con gái mình: Hãy mau ra khỏi nơi nầy, vì Đức Giê -hô-va sắp hủy diệt thành. Nhưng các chàng rể tưởng ông nói đùa” (14). Câu chuyện càng tường thuật sâu tới đâu, thì người đọc càng thấy rõ thêm về thái độ vô tín của người Sodom chừng nấy.

Hai thiên sứ kiên nhẫn chờ đợi gia đình Lót, nhưng có lẽ cả nhà đều quýnh quáng gói ghém đồ đạc có thể mang theo; cho nên, đến “rạng sáng, hai thiên sứ hối thúc Lót: ‘Hãy mau dẫn vợ và hai con gái ngươi đang ở đây đi ngay, kẻo ngươi cũng bị chết lây khi thành phố nầy bị trừng phạt chăng.’ Bởi lòng thương xót của Đức Giê-hô-va, nên trong lúc Lót còn chần chừ, hai thiên sứ đã nắm tay kéo ông, vợ và hai con gái ra khỏi thành” (15–16).

Có lẽ vì Lót vẫn còn tiếc tài sản lớn mà ông đã tạo dựng được từ ngày theo chú mình ra khỏi xứ Ur, nên thiên sứ phải lôi ông đi.

Khi hai thiên sứ đã dẫn họ ra ngoài rồi, một trong hai vị nói: ‘Hãy chạy trốn để cứu mạng sống mình, đừng ngó lại đằng sau và cũng đừng dừng lại bất cứ nơi nào ngoài đồng bằng! Hãy chạy trốn lên núi kẻo ngươi phải thiệt mạng chăng!” (17).

Gia đình Lót được thiên sứ trực tiếp đến để giải cứu họ khỏi tai hoạ; nhưng vẫn phải có sự cộng tác của họ, tức là chính họ phải gắng sức mà chạy trốn kịp thời để cứu mạng mình. Chi tiết nầy đã đánh tan các thứ lý luận sai lạc rằng: Dù tai hoạ đến gần và đã được báo trước, thì không cần phải làm gì hết, Chúa sẽ đến đem đi cách siêu nhiên.

Khi tai hoạ đã gần kề, Lót mới thấy hậu quả tai hại của việc ông chần chừ không chịu nhanh chóng ra đi lúc trời chưa sáng theo lời các thiên sứ thúc giục. Bây giờ ông cuống cuồng chạy hết sức để thoát chết (18–20).

Thiên sứ truyền lệnh là: “Hãy chạy trốn để cứu mạng sống mình, đừng ngó lại đằng sau và cũng đừng dừng lại bất cứ nơi nào ngoài đồng bằng! Hãy chạy trốn lên núi kẻo ngươi phải thiệt mạng chăng!

Lệnh nầy có bốn phần: 1) Hãy chạy trốn để cứu mạng sống; 2) đừng ngó lại đằng sau; 3) đừng dừng lại bất cứ nơi nào ngoài đồng bằng; và 4) hãy chạy trốn lên núi. Mỗi phần của mệnh lệnh đều có ý nghĩa rất sâu sắc, áp dụng cho cả gia đình Lót.

1) Đừng bị vướng bận của cải mà mất mạng, cũng đừng hi vọng có thể lấy đi được món gì, hãy gấp rút chạy trốn để cứu lấy mạng sống mình là điều quan trọng hơn cả.

2) Đừng tiếc nuối mà ngó lại nơi đầy tội lỗi mà mình vừa được cứu thoát ra. Người ngó lại đằng sau sẽ tiếc nuối rồi trễ nải, cũng không còn ý chí để chạy trốn cứu lấy mạng mình.

3) Dừng lại nơi đồng bằng đồng nghĩa với việc sống với thế gian. Lót đã chọn đồng bằng và suýt bị huỷ diệt chung với người ở đó; cho nên, đừng tiếp tục chọn sống chung với thế gian tội lỗi.

4) Chạy lên núi có nghĩa là hướng về Chúa và thiên đàng ở trên cao, không còn quyến luyến gì ở trần gian nữa.

Lót xin thiên sứ và ông được cho phép trốn vào thành Xoa, vì ông không chạy kịp lên núi (18-21). Hãy để ý lời thiên sứ nói với người đã được Chúa định cho được giải cứu khỏi tai họa chung: “Hãy nhanh chóng trốn vào đó đi, vì ta không thể làm gì được khi ngươi chưa vào đến nơi” (22).

Tuy vậy, thái độ gấp rút của các thiên sứ chứng tỏ rằng, nếu thời điểm đã được định bởi Đức Chúa Trời, thì không thể thay đổi. “Khi mặt trời vừa mọc lên khỏi mặt đất, thì Lót vào đến thành Xoa” (23).

Như vậy, Sodom và Gomorrah đã bị định phải bị hủy diệt khi mặt trời vừa mọc; cho nên, các thiên sứ hối thúc Lót phải nhanh chóng tới nơi ẩn náu, bởi vì thời gian không dừng lại chờ đợi ai cả. Bài học nầy là hết sức quý báu cho chúng ta tập tánh đừng chần chờ.

Đức Giê-hô-va khiến mưa lưu huỳnh và lửa của Đức Giê-hô-va từ trời trút xuống Sodom và Gomorrah, hủy diệt hai thành nầy, cả vùng đồng bằng, cùng với tất cả cư dân trong thành và mọi cây cỏ mọc trên đất. Nhưng vợ của Lót ngoảnh nhìn lại đằng sau nên biến thành một tượng muối (24–26).

Đức Chúa Trời trừng phạt những kẻ phạm tội dâm dục vô độ mà không cảm thấy xấu hổ chút nào là như thế. Vợ của Lót bị biến thành một tượng muối vì đã bất tuân lời cảnh báo của thiên sứ “đừng ngó lại đằng sau.

Rất nhiều người trong Hội-thánh ngày nay vẫn coi thường những lời cảnh cáo của Chúa trong Kinh-thánh, nhưng e sợ sự đe doạ của ma quỷ qua những lời đồn đại hoang đường của giới mê tín và bói toán. Còn số phận của tượng muối thì bị tan rã nhanh chóng.

Sáng hôm sau Áp-ra-ham dậy sớm và đi đến chỗ mà ông đã đứng chầu Đức Giêhôva. Ông nhìn về hướng Sodom, Gomorrah và khắp vùng đồng bằng, thì thấy một luồng khói từ dưới đất bốc lên như khói của một lò lửa lớn” (27–28).

Có lẽ lòng ông quặn thắt vì nghĩ rằng gia đình của Lót, cháu ông, đều bị Đức Chúa Trời tiêu diệt chung với hai thành phố tội lỗi đầy ngập là Sodom và Gomorrah. Ông không biết rằng “khi Đức Chúa Trời hủy diệt các thành trong đồng bằng, nơi Lót đang ở, Ngài nhớ đến Áp-ra-ham nên đã cứu Lót ra khỏi cuộc tàn phá đó” (29).

Nếu mọi con cái Chúa ngày nay đều có đức tin vào Chúa và kính sợ Ngài như Áp-ra-ham, biết đâu nhờ chúng ta mà những người thân yêu của mình được Chúa cứu khỏi tai hoạ chung của cả một khu vực.

SangTheKy, 27.docx

Rev. Dr. CTB