Chúa Nhật, November 2nd, 2014

Sáng Thế Ký, 19

Sáng Thế Ký 12:1–9

Áp-ram được sinh ra trong một gia đình thờ hình tượng (Giô-suê 24:2), nhưng chắc rằng trong lòng ông phải có một nỗi khắc khoải được biết rõ một thần linh tối cao, chân thật. Dù đã trưởng thành nhưng Áp-ram chưa bị ô nhiễm các thói tục thờ cúng tà thần của những người ở xứ Canh đê, trong khi cha của ông là Tha-rê có lẽ thờ nữ thần mặt trăng hay các tượng teraphyim.

Ở giữa một xã hội thờ lạy hình tượng của xứ Canh-đê, Đức Chúa Trời tìm thấy Áp-ram, một người khác hẳn những người chung quanh. Vì vậy, Đức Chúa Trời vinh quang hiện ra với ông (Công-vụ 7:2), để phán dạy và kêu gọi ông hãy ra khỏi quê hương mình đi tới một xứ xa lạ (1).

Áp-ram không phải là phía khởi động cuộc gặp gỡ thiên mệnh ấy. Đức Chúa Trời mới là bên chủ động tìm gặp Áp-ram. Chúng ta không biết rõ cuộc gặp gỡ ấy đã diễn ra như thế nào, chỉ biết rằng sau đó thì Áp-ram vâng lời ra đi.

Giả sử ai đó trong chúng ta ngày nay được thấy Đức Chúa Trời hiện ra trong vinh quang sáng loà và phán với ta rằng: “Ta đã chọn con. Ta sẽ ban phước cho con và dùng con làm nguồn phước cho cả thiên hạ. Nhưng con phải lìa bỏ quê hương, thân tộc bà con, bạn bè, nhà cửa, công ăn việc làm, và đi tới một tương lai bất định.

Lúc ấy chúng ta sẽ nghĩ thế nào? Vui mừng hớn hở hay khổ sở lo lắng? Sẽ có bao nhiêu người sẵn lòng ra đi?

Điều gì đã khiến Áp-ram vâng lời đi tới một xứ xa lạ, bỏ lại quê hương, thân quyến, mọi thứ quen thuộc, cuộc đời sung túc ấm êm, để bước vào một tương lai vô định và đầy bất trắc? Cái gì đã thu hút hấp dẫn ông?

Hãy xem bảy thứ phước Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ram (2–3), ta sẽ thấy sự khác biệt đã hấp dẫn Áp-ram, so với các điều ao ước tầm thường của con người. Chúa không hứa ban cho ông danh vọng. Sự ham mê danh vọng là điều quá tầm thường của loài người; vị thần nào hứa hẹn điều đó thì chắc chắn không có gì trổi hơn tâm lý tầm thường của người thế gian.

Chúa không hứa cho Áp-ram sự giàu có, vì ông đã giàu sẵn rồi; ông thần nào hứa hẹn sự giàu sang, kích thích lòng tham của cải, thì thần ấy thật quá tầm thường.

Đức Chúa Trời cũng không hứa sẽ ban cho Áp-ram nhiều con cái. Đàn ông thời đó muốn có đông con thì chỉ cần lấy nhiều vợ. Chúa cũng không hứa ban cho ông vật chất nầy nọ, vì điều đó cũng không phải là lý do hấp dẫn Áp-ram.

Nhưng Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ram lời hứa vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đó là Ngài sẽ làm cho ông trở thành nguồn phước, và cả thiên hạ sẽ nhờ ông mà được phước. Đấy chính là điều hấp dẫn Áp-ram khiến ông can đảm vâng lời Đức Chúa Trời, để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà tương lai thì rất mờ mịt.

Điều mà Áp-ram thấy ở vị Thần Linh Tối Cao nầy là tính cách vượt trội hơn hẳn mọi vị thần linh khác mà đồng bào ông thờ lạy. Đây là vị Thần Linh không hứa hẹn sẽ ban cho những thứ lợi lộc tầm thường nhằm thoả mãn những ham muốn thấp hèn tầm thường của xác thịt.

Tất cả những nỗi khát khao của người chưa tin Chúa đều xoay quanh lợi lộc vật chất. Khi họ cầu khẩn các thứ thần tượng của họ, thì chỉ khao khát nhận được những điều tầm thường của những tấm lòng cũng tầm thường. Do đó, các tôn giáo trần gian không thể sánh nổi với đạo Chúa.

Bây giờ xét lại chính mình, nếu quý tín hữu tin Chúa, thờ phượng Ngài chỉ để được cứu giúp, được ban phước, thì chúng ta đã hạ Đức Chúa Trời Tối Cao xuống ngang hàng với các thứ thần tượng của người ngoại đạo. Và chúng ta cũng chẳng hơn gì họ cả.

Ngày nay chúng ta có Thánh-kinh để đọc, nghiên cứu và suy gẫm, đã được Đức Chúa Trời khải thị cho biết rất nhiều điều mà các thánh xưa chưa hề được nghe. Chúng ta được biết tình yêu của Đức Chúa Trời qua sự giáng sinh và sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu; đã được ban cho Đức Thánh Linh để biết phân biệt những điều thuộc về thế giới tối tăm.

Khi chúng ta tin Chúa thì lòng được tái sinh và có một số người được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Tuy vậy, không ai so được sự gần gũi Đức Chúa Trời bằng Áp-ram, người thiếu tất cả các điều kiện chúng ta đang có.

Lúc ấy, Áp-ram không có các buổi nhóm để được giải nghĩa Kinh-thánh, không được tham dự các đại hội phục hưng để học hỏi, không có một hệ thống thần học hay giáo lý để được dạy dỗ, không có một gương mẫu nào để noi theo.

Điều mà ông có là một tấm lòng ngưỡng vọng về Đấng Tối Cao; cho nên, ông nghe được tiếng kêu gọi của Đức Chúa Trời và ông đã vâng lời. Sự kêu gọi quá cao quý đến nỗi Áp-ram can đảm ra đi theo đức tin.

Kinh-thánh cho biết Sarai, vợ Áp-ram, bị hiếm muộn. Chúa không chỉ hứa hẹn sẽ chữa bệnh hiếm muộn của Sarai để họ có con nối dõi, mà còn hứa sẽ làm cho Áp-ram thành một dân tộc lớn đáp ứng ước vọng thẳm sâu của lòng Áp-ram.

Đức Chúa Trời là một Thiên Chúa hào phóng, khi ban phước cho con cái Ngài, Chúa vui vẻ cung ứng quá sự cần dùng của chúng ta. Hãy cùng xem kết quả lời Chúa hứa cho Áp-ram (2):

Ngoài dân Do-thái và một phần dân A-rập ở khắp nơi trên thế giới, hậu tự đức tin của Áp-ra-ham đã lên tới cả tỉ người. Ông được đổi tên thành Áp-ra ham (cha của nhiều dân tộc) và được gọi là bạn của Đức Chúa Trời, danh hiệu tôn trọng bậc nhất.

Đức Chúa Trời đã bảo vệ Áp-ra-ham vô cùng chặt chẽ. Dòng dõi ông, là dân Israel, đã được bảo vệ cách kỳ diệu từ ngày họ được Chúa đưa trở về cố quốc tái thành lập quốc gia cho đến nay.

Lời hứa: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con” (3) đã được Chúa thực hiện cách rõ ràng.

Hơn thế nữa, lời hứa: “Mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước” cũng đã thành sự thật; vì qua Áp-ra-ham, mọi dân tộc trên khắp thế giới nhận được phước hạnh tuyệt vời của ơn cứu rỗi và sự sống đời đời.

Bởi vì hễ ai tiếp nhận Đấng Christ làm Chủ và Đấng Cứu-tinh của mình, thì họ được hưởng phước hạnh của những lời hứa từ trời. Ấy là chưa nói tới biết bao lợi ích từ các nhà bác học gốc Do-thái đã cống hiến cho nhân loại.

Quan sát đời sống và thái độ thờ kính Đức Chúa Trời của Áp-ram (4–9), chúng ta thấy Chúa đã chọn đúng người. Khi Áp-ram vâng lời Chúa gọi và ra đi, thì ông chưa nhận được thứ phước gì từ bảy phước lớn được hứa.

Tuy vậy, ông bắt đầu lập bàn thờ để thờ kính Vị Thần Tối Cao đã hiện ra với ông (7). Sau đó, khi dời lên Bê-tên, ông lại lập một bàn thờ tại nơi ấy. Sự lập bàn thờ là cách thờ phượng cụ thể vào thời bấy giờ.

Bê-tên (Beth-El) nghĩa là “Nhà của Đức Chúa Trời” tên địa điểm do Gia-cốp, cháu nội của Áp-ram đặt vào khoảng 125 năm sau (Sáng-thế 28:19).

Từ đó, ông di chuyển đến vùng đồi núi phía đông Bê-tên, rồi đóng trại giữa Bê-tên ở phía tây, và A-hi ở phía đông. Ông cũng lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài” (8).

Bê-tên là biểu tượng về mối tương giao với Chúa; A-hi là biểu tượng về đời sống ở thế gian; tức là đời sống thờ phượng Chúa và nếp sống thường nhật của chúng ta; ‘ở giữa’ là sự quân bình giữa hai nếp sinh hoạt. Thờ phượng Chúa không phải là hối hả đi vào rồi đi ra, mà cần phải được thoải mái và thoả mãn, lúc nào cũng thuận tiện cho các sinh hoạt hàng ngày. Áp-ram dành thì giờ thờ phượng Chúa, nhưng cũng chẳng bỏ lơ bổn phận sinh hoạt hàng ngày kia.

Như thế, ý nghĩa hình bóng của nơi Áp-ram lập bàn thờ cho Chúa là để cho tín hữu ngày nay áp dụng. Thờ phượng Chúa trong sự gấp rút luôn luôn là sai trật.

Ngược lại, lê la kéo dài giờ tôn vinh ngợi khen để chứng tỏ mình thiêng liêng, hoặc kéo dài bài giảng lê thê để chứng tỏ mình có học thức cao siêu, lại là một sự sai trật trầm trọng khác.

Con cái Chúa đến nhà thờ để thờ phượng Ngài. Họ cần có môi trường để tập trung tâm linh vào sự thờ phượng. Một phòng nhóm âm thanh chát chúa quá đáng, lấn át hết mọi thứ, thì không thể làm hưng phấn tinh thần của người tham dự cuộc thờ phượng.

Bài giảng dài lê thê khiến thân thể và trí não tín hữu mệt mỏi, thật ra chẳng ích lợi bao nhiêu, mà sự thiệt hại thì rất nhiều.

Đức tin và sự thờ kính Đức Chúa Trời của Áp-ram ngày xưa là gương mẫu cho tín hữu ngày nay học hỏi và noi theo. Bởi đức tin của mình, Áp-ram đã được Chúa tương giao và kết bạn. Một điều hết sức vinh dự cho một người xác thịt.

Chúng ta ngày nay được hạnh phúc hơn hẳn Áp-ram ngày xưa; vì qua ơn cứu rỗi, Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể đến làm bạn với ta và sống trong lòng chúng ta.

SangTheKy19.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký