Sáng Thế Ký, bài 37

Sáng Thế Ký 31:1–55

Sự thịnh vượng của người được Đức Chúa Trời ban phước luôn luôn khiến cho những người ở ngoài Chúa ghen tị, vu khống, nói hành, và ganh ghét (1).

Đoạn trước và đoạn nầy mới nhắc tới các con trai của La-ban. Có lẽ tuổi của những người nầy cũng đã trên 60. Họ nói với nhau thật ra cố ý cho Gia-cốp nghe chứ không phải nói lén sau lưng. Sự giàu sang, hay vinh quang mà họ nói tới là sự tôn trọng mà xã hội ấy dành cho Gia-cốp.

Sự khó chịu và ác cảm của La-ban đối với Gia cốp cũng lộ ra (2), vì ông thấy sự tính toán xảo trá của mình đem tới kết quả trái ngược. Gia-cốp biết được điều đó thì thấy rằng mình chẳng nên ở gần gia đình La-ban.

Chúa lại phán với ông là: “Hãy trở về quê cha đất tổ và họ hàng của con. Ta sẽ ở với con” (3). Vì thế, ông quyết định phải lên đường trở về nhà cha mình ở Bê-e-shê-ba.

Gia-cốp sai gia nhân của mình gọi Rachel và Lê-a ra chỗ ông đang chăn bầy (4). Hãy để ý là Rachel được đặt trước Lê-a. Trong lời giải thích cho hai vợ chánh của mình, Gia-cốp nêu ra mấy điều:

Trước hết, thái độ của La-ban đối với Gia-cốp đã trở nên xấu, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ở cùng và ban phước cho Gia-cốp (5);

Ông đã “dốc sức phục vụ” cha vợ mình (6), nhưng bị La-ban lường gạt, tráo trở thay đổi tiền công đến mười lần; tuy vậy, Đức Chúa Trời không cho phép La- ban làm hại được Gia-cốp (7).

Dấu hiệu sự bênh vực của Chúa dành cho Gia-cốp là, nếu La-ban định: “Những con vật có đốm sẽ là tiền công của con,” thì cả bầy đều sinh con có đốm, “còn nếu ông nói: ‘Những con vật có sọc sẽ là tiền công của con,’ thì cả bầy đều đẻ con có sọc” (8).

Như vậy, trong sáu năm chăn bầy cho La-ban để lãnh tiền công, sau mười bốn năm làm việc không công để trả tiền sính lễ cho hai vợ, thì La-ban đã thay đổi công giá của Gia-cốp đến mười lần.

Nghĩa là, ở cuối năm đầu tiên của sáu năm, La-ban thấy Gia-cốp bắt đầu phát đạt từ con số không, thì cứ nửa năm một lần ông ta thay đổi tiền công của Gia-cốp với lòng mong mỏi sẽ giảm bớt sự phát đạt của Gia-cốp, khi ông hi vọng sự tính toán mới của mình sẽ khiến bầy vật chỉ sinh ra toàn các thú con toàn màu trắng. Nhưng mỗi lần thay đổi cách tính tiền công, thì cách tính tráo trở đó lại có lợi cho Gia-cốp hơn. La-ban thay đổi công giá chăn bầy của Gia-cốp mười lần trong năm năm là như vậy.

Gia-cốp kết luận rằng: “Đức Chúa Trời đã lấy bầy gia súc của cha các bà mà ban cho tôi như vậy đó” (9). Dù Gia-cốp dùng mánh lới lột vỏ cây để chiên và dê sinh ra đều có vằn, đốm và sọc, nhưng nếu Đức Chúa Trời không ban ơn làm cho thành thì cũng vô ích.

Trong lời kể chiêm bao cho hai vợ nghe, Gia-cốp đã gộp hai lần chiêm bao làm một. Chiêm bao thứ nhất là lời thiên sứ chỉ dẫn để bênh vực Gia-cốp đối với tính tráo trở của La-ban (10–12). Chiêm bao thứ nhì là lệnh của Chúa bảo Gia-cốp hãy trở về quê cha đất tổ của ông, vì Ngài xưng là “Đức Chúa Trời tại Beth-El, nơi con đổ dầu trên trụ đá và khấn nguyện với Ta” (3,13).

Đối với Gia-cốp, có lẽ đã quên mất lời khấn nguyện từ hai mươi năm trước; nhưng Đức Chúa Trời không quên lời khấn nguyện ấy. Rachel và Lê-a đồng ý với chồng về thái độ xấu xa của La-ban, và xác nhận rằng: “Tất cả tài sản mà Đức Chúa Trời lấy từ cha chúng tôi đương nhiên thuộc về chúng ta và con cái chúng ta;” rồi khuyến khích Gia-cốp làm theo mọi điều Chúa phán dạy (14–16).

Mặc dù được cả hai vợ đồng ý, Gia-cốp phải âm thầm chuẩn bị mọi việc và chờ đến mùa hớt lông chiên thì mới có thể ra đi mà không ai hay biết. Để có thể đem hết gia tài, lều trại, súc vật và gia nhân mà gia đình La-ban không thể biết được, Gia-cốp phải tính một kế hoạch rất kỹ càng và hoàn hảo.

Cho nên, Gia-cốp lúc đã “trốn đi, đem theo tất cả những gì mình có, bắt đầu vượt qua sông và hướng thẳng về vùng đồi núi Ga-la-át,” thì La-ban chẳng hề hay biết; kể cả bị Rachel ăn cắp các tượng thần ‘teraphyim’ mà trong nhà cũng chẳng ai hay (17–21).

Gia-cốp lợi dụng lúc La-ban, các con trai và gia nhân bận rộn hớt lông chiên, mùa thu hoạch đầy hào hứng của những ông chủ các bầy chiên, có lẽ ở một nơi cách xa Charan mấy ngày đi đường, để ra đi êm thấm.

Vì thế, mãi ba ngày sau La-ban mới được báo tin là Gia-cốp đã trốn đi mất rồi (22). La-ban bèn huy động cả bà con và anh em của ông “đuổi theo Gia-cốp suốt bảy ngày, và bắt kịp tại núi Ga-la-át” (23).

Từ Charan đi về hướng tây đến sông Euphrates là 70 dặm. Có lẽ nơi La-ban đi hớt lông chiên ở phía đông của Charan. Khi La-ban tới chỗ Gia-cốp chăn bầy khi trước, thì có lẽ Gia cốp đã đi được năm ngày đường. Vì thế, kể từ lúc Gia-cốp ra đi tới ngày bị La-ban bắt kịp tại núi Ga-la-át, thì cả gia đình ông đã đi được 300 dặm trải qua mười hai ngày đường.

Để có thể đưa cả bầy thú đi hết kịp thời, chắc rằng Gia-cốp đã cho bốn đứa con trai lớn cùng với số gia nhân thân tín lùa bầy thú qua sông đi trước nhiều ngày hướng về núi Ga-la-át. Sau đó ông mới đỡ các bà vợ và mấy đứa con còn nhỏ lên lưng lạc đà âm thầm đi về quê hương.

Trong lúc La-ban đang hăng hái rượt theo Gia-cốp như vậy, thì Đức Chúa Trời hiện ra cảnh cáo ông trong giấc mơ là cẩn thận về lời nói, dù lành hay dữ, cũng không được nói nặng Gia-cốp (24). Sự kiện La-ban vâng lời Chúa phán bảo, chứng tỏ ông ta sợ hãi vị thần đã hiện ra trong giấc ngủ.

Mấy ngày rượt theo Gia-cốp với sự hung hăng, nóng giận, bây giờ La-ban đuổi kịp gia đình của Gia-cốp đang đóng trại trên núi, thì ông và những người đi theo cũng phải đóng trại trên núi ấy để gặp Gia-cốp mà nói chuyện (25).

Lời của La-ban bây giờ là trách móc với một thái độ hoàn toàn thay đổi (26–28). Để giải thích thái độ của mình, La-ban tiết lộ việc Đức Chúa Trời ngăn cản ông không được làm hại Gia-cốp. Ông nại việc nghi ngờ Gia-cốp ăn cắp các tượng thần để biện minh cho hành động rượt đuổi của mình (29–30).

Gia-cốp nêu lý do ông phải đi trốn là vì không muốn hai người vợ, mình đã cưới bằng mười bốn năm làm việc cực nhọc cho La-ban, bị cha giữ lại. Vì không biết Rachel đã ăn cắp các tượng thần, nên Gia-cốp thách thức La-ban cứ lục soát các trại và hành lý của cả nhà mình để tìm ra vật mà La-ban nghĩ là Gia-cốp đã lấy (31–32).

La-ban hăng hái đi lục soát hành lý của mọi người nhà Gia-cốp mà chẳng tìm thấy gì, vì Rachel đã giấu các tượng ‘teraphyim’ dưới bành lạc đà rồi ngồi lên trên, viện cớ đang bị kỳ kinh nguyệt nên không tiện đứng lên đón cha mình (33–35).

La-ban bị bẽ bàng lại còn bị Gia-cốp được thể lên tiếng cật vấn, vạch trần sự gian xảo của ông trong sự tính toán nhỏ nhen với người con rể. Hai mươi năm dãi dầu mưa nắng chăn bầy sinh lợi cho La-ban để được hai người vợ và một bầy gia súc, mà còn bị La-ban mười lần thay đổi tiền công; mà vẫn phải đền bù cho La-ban con vật nào bị ăn cắp (36–41).

Lời tuyên bố của Gia-cốp khiến La-ban thêm ê chề: “Nếu Đức Chúa Trời của tổ phụ con, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, là Đấng mà Y-sác kính sợ, không phù hộ con, chắc bây giờ cha đã đuổi con đi với hai bàn tay trắng. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy nỗi đớn đau và công lao của con, nên đêm qua Ngài đã phân xử rồi” (42). La-ban bị đuối lý nên nói vớt vát rằng, cả vợ, con và bầy súc vật mà Gia-cốp đang sở hữu đều là từ ông mà ra. Ông đề nghị Gia-cốp hãy lập giao ước với ông, để ông có cớ rút lui trong danh dự (43–44).

Vào thời mà giao ước bằng chữ viết thì hiếm hoi, và không có gì bảo đảm rằng các bản văn sẽ được lưu giữ làm bằng chứng cho mọi người đều biết. Vì thế, để tỏ sự đồng ý lập bằng chứng kết ước với La-ban:

Gia-cốp lấy một tảng đá, dựng lên làm trụ; rồi bảo anh em họ hàng mình: ‘Hãy gom đá lại.’ Họ gom đá lại, chất thành một đống, và ngồi ăn bên đống đá. La-ban đặt tên đống đá đó là Jegar-sahadutha; còn Gia-cốp gọi là Galeed, ” có nghĩa là đống đá làm chứng (45  –46).

La-ban căn dặn Gia-cốp không được bạc đãi hai con gái mình, cũng không được cưới thêm vợ khác, và hãy nhân danh Đức Giê-hô-va lập lời thề với nhau rằng, hai bên sẽ không vượt qua ranh giới, mà đống đá làm mốc, với ý định hãm hại nhau, vì Chúa sẽ làm chứng (48–53).

Gia-cốp nhân danh Đấng cha mình kính sợ, mà thề, rồi dâng sinh tế tại trên núi, và mời các anh em bà con mình dùng bữa. Sau khi dùng bữa, họ nghỉ qua đêm trên núi.

Phía La-ban tới với sự giận dữ, tức tối; nhưng chia tay với Gia-cốp trong hòa bình (54–55). Đức Chúa Trời giải quyết sự việc tốt hơn cách loài người mong đợi. Lòng tin vào Ngài chẳng bao giờ là vô ích.

SangTheKy37.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký