Dân-số-ký, bài 01
Dân-số-ký 1 – 2
Sau khi Đền Tạm, cũng gọi là Lều Hội Kiến, được chế tác xong, chức vụ thầy tế lễ được chỉ định, mọi luật lệ đã được truyền bảo, thì Israel đã bước sang tháng thứ nhì của năm thứ hai sau khi ra khỏi Ai-cập. Họ đã đóng trại tại hoang mạc đối diện núi Si-nai được mười một tháng.
Bây giờ trước khi khởi hành về đất hứa, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se phải kiểm tra dân số tất cả nam đinh từ hai mươi tuổi trở lên (1–3). Chúa cũng chỉ định một trưởng tộc trong mỗi chi tộc đến giúp đỡ Môi-se và A-rôn trong việc kiểm tra dân số (4).
Không tính chi tộc Lê-vi thì mười hai thủ lãnh của mười hai chi tộc được Chúa kêu gọi đích danh để giúp Môi-se (5–16).
Ngày mồng một tháng hai của năm thứ nhì, cả hội chúng được Môi-se và A-rôn triệu tập tại hoang mạc Si-na-i để khai phả hệ từng người theo từng chi tộc (17–19). Tổng số đàn ông hai mươi tuổi trở lên của từng chi tộc là:
Hậu tự của Reuben có 46,500 người;
hậu tự của Simeon có được 59,300 người;
dòng dõi của Gát có 45,650 người;
dòng dõi của Giu-đa có 74,600 người;
hậu tự của Y-sa-ca có 54,400 người;
con cháu Zebulun có 57,400 người,
dòng dõi Ép-ra-im, con trai Giô-sép, có 40,500 người,
dòng dõi của Ma-na-se có 32,200 người;
hậu tự Benjamin có 35,400 người,
con cháu của Đan có 62,700 người;
con cháu A-se được 41,500 người;
và hậu tự Nép-ta-li được 53,400 người.
Chưa tính chi tộc Lê-vi, tổng số đàn ông của Israel là 603,550 người (20–46).
Các lý do khiến chi tộc Lê-vi được biệt riêng ra thì trước hết Môi-se là người được Chúa lựa chọn làm lãnh tụ Israel, xuất thân từ chi tộc ấy; nhưng lý do chính rõ ràng là người Lê-vi đã chọn đứng về phía Đức Chúa Trời khi dân chúng Israel thờ lạy tượng bò con bằng vàng sau đó buông tuồng công khai diễn trò dâm dật suồng sã. Họ không tham dự vào các hành vi tội lỗi, và họ cung hiến mình cho Đức Giê-hô-va (Xuất 32:25–29).
Đức Chúa Trời biết trước mọi việc, nên Ngài chọn họ trông coi và chăm sóc Đền Tạm cùng mọi thứ liên quan tới Đền thánh (47–54). Người Lê-vi đã được biệt riêng ra vì họ sẽ có bổn phận phục vụ Đền Thánh và các vật thánh; vì thế, họ không thể dính líu vào các việc phàm tục.
Con cái Chúa ngày nay đều được gọi là dân thánh, thầy tế lễ của hoàng gia, thì chúng ta không nên tham dự những việc tội lỗi nữa (1Phie-rơ 2:9; 4:1–4).
Mỗi khi dùng chân và đóng trại, thì dân Israel phải đóng trại chung quanh xoay mặt vào Đền Tạm ở chính giữa trại quân. Vị trí ngay chính giữa trại quân của Đền Tạm là ơn đặc biệt của Đức Chúa Trời vui lòng ngự giữa con dân Ngài. Tuy vậy, không có nghĩa là họ được đóng trại gần sát với Đền Tạm, mà phải cách một khoảng xa, “mỗi người ở dưới ngọn cờ và bảng hiệu của chi tộc mình” (2:1).
Để tỏ lòng tôn kính Đền Thánh của Chúa, không một người Israel nào được tự động dựng trại theo ý riêng. Vì sự an toàn và vẻ đẹp của cộng đồng họ, chẳng gia đình nào được cãi cọ lằm bằm về vị trí họ phải đóng trại.
Hội-thánh ngày nay cần noi theo gương mẫu nầy; được Chúa đặt để ở cương vị nào thì vui lòng phục vụ trong cương vị ấy, không tị hiềm tranh chấp.
Chi tộc Giu-đa được Chúa chỉ định đóng trại về phía đông Đền Tạm, đối diện cửa chính vào hành lang Đền. Bên trái Giu-đa là Ysaca và bên phải là Sabulôn. Đội quân phía đông do Giu-đa lãnh đạo đi tiên phong có tổng cộng một trăm tám mươi sáu ngàn bốn trăm người đàn ông có thể đánh giặc.
Vì Giu-đa có nghĩa là ca ngợi, hay ngợi khen (Sáng-thế 29:35), vũ khí rất hữu hiệu đánh bại và phá tan phòng tuyến của kẻ thù, nên mỗi khi ra đi thì Giu-đa đi tiên phong. Tiếng ca ngợi Chúa của chúng ta luôn luôn khiến cho kẻ thù phải khiếp đảm.
Trong lời trăng trối trước khi qua đời, Giacốp đã nói tiên tri: “Giu-đa! Các anh em sẽ ca tụng con, tay con sẽ nắm cổ quân thù, các con trai cha sẽ quỳ lạy trước mặt con. Giu-đa! Con là một sư tử tơ… Vương trượng chẳng rời xa Giu-đa” (Sáng-thế 49:9–10).
Sư tử uy dũng nắm vai trò tiên phong là vô cùng hợp lý. Thiên đàng đã gọi Đức Chúa Jesus, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Sư-tử của chi tộc Giu đa (Khải 5:5).
Chi-tộc Ysaca có những người lãnh đạo am hiểu thời cơ (1Sử-ký 12:32), vì thế họ cũng thuộc đạo quân đi tiên phong cùng với những người mạnh dạn của chi tộc Sabulôn.
Việc sắp xếp vị trí đóng trại và thứ tự di chuyển của quân Israel không phải tình cờ, mà tuỳ theo khả năng và nhiệm vụ của họ trong đội hình để hữu hiệu khi lâm trận và giữ an toàn cho các thầy tế lễ và chi tộc Lê-vi giữ vật thánh (2:3–9).
Chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về thứ tự và vị trí của từng chi tộc trong đội hình khi di chuyển của Israel sẽ được nói tới ở đoạn 10.
Chi tộc Ru-bên được chỉ định đóng trại ở phía nam Đền Tạm; bên phải họ là chi tộc Si-mê-ôn và bên trái là chi tộc Gát. Tổng quân số cánh quân phía nam là một trăm năm mươi mốt ngàn bốn trăm năm mươi người (2:10–16).
Khi đóng trại thì người Lê-vi thuộc ba gia tộc Ghẹt-sôn, Mê-ra-ri và Kê-hát đóng quanh Đền Tạm. Ở phía đông, ngay cửa Đền Tạm là gia đình Môi-se, gia đình A-rôn và các gia đình các con A-rôn. Mặt nam là gia tộc Kê-hát; mặt tây là gia tộc Ghẹt-sôn; mặt bắc là gia tộc Mê-ra-ri (2:17).
Chỉ huy mặt phía tây của Đền Tạm là chi tộc Ép-ra-im, bên phải họ là chi tộc Ma-na-se, bên trái là chi tộc Bên-gia-min (2:18–22). Ép-ra-im và Ma-na-se là hai con trai của Giô-sép, và Giô-sép lẫn Bên-gia-min là anh em ruột cùng một mẹ Rachel. Đức Chúa Trời đã chỉ định ba chi tộc ấy ở gần nhau vì họ là ruột thịt dễ thuận thảo với nhau hơn.
Dù có cùng một cha là Giacốp, nhưng các con trai của Israel là con của bốn bà mẹ khác nhau, hai vợ chính và hai hầu thiếp, cộng thêm lịch sử các anh của Giô-sép hãm hại ông vì ganh ghét, thì các chi tộc ruột thịt dễ sống hoà thuận hơn. Số người của đội quân nầy là một trăm lẻ tám ngàn một trăm chiến sĩ (2:23–24).
Chỉ huy trại quân mặt phía bắc là chi tộc Đan, bên phải họ là chi tộc A-se và phía bên trái là chi tộc Nép-ta-li. Cả ba chi tộc nầy đều là hậu tự của hai hầu thiếp của Giacốp là Xinhba và Bila. Đan là người lắm mưu mẹo (Sáng-thế 49:17), và dòng dõi của ông thì đông, nên được giao cho chỉ huy đội quân đoạn hậu. Tổng số quân của họ là một trăm năm mươi bảy ngàn sáu trăm người có thể đánh trận (2:25–31).
Với sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi chiến sĩ đóng trại vây quanh Đền Tạm, cùng với gia đình, các vợ và con cái của họ, thì trại quân Israel phải trải rộng trên một khoảng đất rất lớn cho khoảng trên hai triệu người sinh hoạt mỗi ngày.
Cách đóng trại của Israel khiến các kẻ thù nào muốn tấn công họ đều phải e ngại. Số người thì đông, mà sự đóng quân và di chuyển lại rất trật tự, chặt chẽ theo lệnh của Đức Chúa Trời (2:32–34).
Hội-thánh của Đức Chúa Jesus Christ từ xưa tới nay, Israel thuộc linh của Đức Chúa Trời, là một tổ chức không ai đếm được con số những người đã được Đức Thánh Linh đóng ấn xác nhận họ thuộc về Đức Chúa Jesus.
Hình thức trại quân Israel trong hoang mạc ngày xưa là biểu tượng về Hội-thánh của Đức Chúa Trời ngày nay dưới thời đại Tin Mừng ân điển.
Đấng Christ đến thế gian trong thân xác loài người như một Đền Tạm hiện diện giữa dân Ngài, là trái tim và sự sống của hội chúng các thánh đồ. Ngài là Vua ngự trên ngôi, chung quanh có bốn sinh vật phục vụ là hình ảnh vô số đầy tớ của Chúa đang rao giảng Lời Ngài, như chi tộc Lê-vi ngày xưa đóng quanh Đền Tạm.
Những đầy tớ chân thật của Chúa, được Đức Thánh Linh kêu gọi và xức dầu, là những người không mệt mỏi, miệt mài phục vụ Chúa và anh chị em mình.
Mọi thánh đồ của Đức Chúa Trời đều phải chịu phục tùng ở dưới ngọn cờ của một đội quân được Chúa chỉ định. Bổn phận của họ là yểm trợ và bảo vệ những đầy tớ của Chúa, người Lê-vi thuộc linh, những người gìn giữ Lời Thánh của Chúa và phục vụ, hướng dẫn các hội-chúng trong sự thờ phượng.
Tất cả hình ảnh và tình trạng của dân Israel ngày xưa từ khi ra khỏi Ai-cập rồi vô miền đất hứa, đều là hình ảnh và tình trạng tâm linh của con cái Chúa trong Hội-thánh ngày nay.
Khi chúng ta chịu nghiên cứu, học hỏi và suy gẫm các bài học về dân Israel ngày xưa, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh thật của chính mình trên bước dường tâm linh. Nhờ đó, đời sống tâm linh của chúng ta mới mạnh mẽ và trưởng thành theo mức hiểu biết Lời Kinh-thánh của mình.
DanSoKy01.docx
Rev. Dr. CTB