Quan Xét, bài 11

Quan Xét 10:1-18

Mặc dù Abimelech không được kể là quan xét, nhưng với sức mạnh quân sự thì Abimelech cũng khiến cho kẻ thù của Israel phải e ngại, không dám xâm lấn.

Có lẽ sau khi Abimelech chết rồi thì các dân tộc lân bang ở khu vực đó đã tấn công ức hiếp các thôn xóm của người Israel nên Đức Chúa Trời phải dấy lên một anh hùng tên là Tola, con của Puah, cháu của Dodo, chi tộc Issachar, quê ở Shamir, vùng đồi núi Éphraim, để giải cứu dân Israel.

Mặc dù giai đoạn Tola làm quan xét kéo dài hai mươi ba năm, nhưng Kinh Thánh nói rất vắn tắt về quan xét nầy (1-2). Tola không xưng vương như Abimelech. Ông chỉ làm một quan xét để phân xử những sự tranh chấp, kiện tụng của người Israel thuộc các chi tộc Issachar, Manasseh và Ephraim ở quanh quẩn khu vực đồi núi Ephraim; cho nên, lịch sử ghi chép rất ít về Tola.

Về vị quan xét người ở Galaát tên là Jair thì nẩy lên một số nghi vấn. Ở Dân số ký 32:40-42, và Phục Truyền 3:14-15 ghi chép về ông Jair là dòng dõi của Manasseh được giao cho đất Gala-át và đặt tên các làng ông chiếm được là Havoth-Jair (havoth có nghĩa là làng).

Ông Jair của thời quan xét thì xuất hiện sau thời Giôsuê khá lâu, cũng ở Galaát, làm quan xét trong hai mươi hai năm, có ba mươi con trai, mỗi người cỡi một con lừa và cai trị một thành, nghĩa là những con trai của Jair làm quan xét lưu động giúp cho cha của họ, và cỡi lừa là dấu hiệu giai cấp quyền quý; nhưng ông Jair thời trước khi vào đất hứa với ông Jair vào thời các quan xét có phải là một người hay là hai người trùng tên của cùng một chi tộc ở hai thời kỳ khác nhau? Điều nầy không ai có câu trả lời chính xác, bởi vì thiếu sót tài liệu lịch sử của thời bấy giờ (3-5).

Dân Israel thời đó không thường xuyên được dạy dỗ luật pháp của Đức Chúa Trời, bởi vì người Lê-vi và các thầy tế lễ sinh sau đẻ muộn cũng chẳng biết bao nhiêu về luật pháp, đã để cho dân Israel thờ cúng các thần của các dân ở quanh họ, từ bỏ và không còn phụng sự Đức Chúa Trời (6).

Nếu các Hội Thánh ngày nay của các giáo hội mang danh Đức Chúa Trời, mà bắt chước ngoại giáo làm các trò quái đản trong các nhà thờ, khiến cho giáo đồ của họ không biết cái gì là thánh, cái gì là uế tạp, thì trách nhiệm nặng là kẻ chăn bầy và ban lãnh đạo của nhà thờ địa phương ấy quá lười biếng không học kỹ Kinh Thánh, hoặc không học gì hết.

Tội của họ ngày nay nặng hơn tội của dân Israel ngày xưa, vì họ có sẵn luật pháp trong tay mà không chịu học để làm theo. Khi Israel từ bỏ Đức Chúa Trời đi phục vụ các thần khác thì cơn thịnh nộ của Ngài nổi lên.

Chúa để yên cho dân Philistines ở phía tây và dân Ammon ở phía đông xúm nhau lại áp bức dân Israel (7). Thời gian bị hà hiếp lúc nào cũng lâu dài, lần nầy là mười tám năm.

Theo các học giả Kinh Thánh thì sự hà hiếp không phải bắt đầu sau khi Jair qua đời, chỉ bốn năm sau khi ông giữ chức quan xét thì dân Ammon đã xâm lấn và ức hiếp dân Israel ở vùng Galaát rồi.

Ông Jair đã không thể khuyên dạy dân Israel trung thành với Đức Chúa Trời, họ đã cứng cổ chạy theo các thần ngoại bang (8). “Dân Ammon còn vượt qua sông Jordan tiến đánh Giu-đa, Benjamin và nhà Éphraim. Dân Israel lâm vào cảnh khốn cùng” (9).

Những người bỏ Chúa chạy theo tiền bạc và danh vọng, phụng sự các tà thần giống như dân ngoại, thì gặp hoạn nạn không ai cứu giúp nổi vì đó là hoạn nạn do Chúa cho phép xảy tới cho những người ấy. Khốn cùng là vì vậy.

Trong cảnh khốn cùng, dân Israel kêu cầu và xưng tội phản Chúa. Nhóm chữ ‘các thần Baal’ là cách nói tắt của nhiều thứ tà thần khác nhau, biến thể của thần Baal (10). Bởi vì họ đã phụng sự “thần Baal và Ashtarte, các thần của dân Aram, các thần của dân Sidon, các thần của dân Moab, các thần của dân Ammon, và các thần của dân Philistines” (6).

Thời nay không ai biết dân Israel kêu cầu như thế nào. Có phải họ cùng nhau tới Đền Tạm của Chúa tại Shiloh để nhờ các thầy tế lễ cầu xin, và Chúa trả lời bằng cách nào? Thường thì Chúa đáp lời qua các nhà tiên tri, nhưng ở đây không thấy nêu tên vị tiên tri nào hết (11).

Con dân Chúa ngày nay chỉ hết lòng cầu khẩn với Chúa khi bí lối, không có cách giải quyết nào khác, hoặc là hoàn toàn vượt quá khả năng của con người; đối với họ trước đó thì Đức Chúa Trời chẳng bao giờ được xem là Đấng cai trị và hướng dẫn đời tâm linh, nói chi tới cuộc sống thuộc thể. Cũng chẳng để ý lời khuyên của người chăn bầy.

Đức Chúa Trời nhắc lại cho dân Israel nhớ quyền phép giải cứu của Ngài từ các thế hệ trước kia cho tới thời quan xét Gideon.

Các dân tộc nói tới ở đây đều là các dân chung quanh ở thời đó, nhưng không ai tìm được dân Maon là dân tộc nào. Các học giả Kinh Thánh tin rằng có thể do lỗi sao chép, hoặc Maon nói về dân Madian đã bị Gideon đánh bại (12).

Sau rất nhiều lần được tự do nhờ ơn giải cứu của Chúa, mà dân Israel vẫn tiếp tục phản nghịch, nên Đức Chúa Trời bảo họ hãy nhờ các thần mà họ phục vụ lâu nay giải cứu cho, vì Ngài sẽ không giải cứu nữa (13-14). Đã nhận ra các thứ thần, mà dân Israel bắt chước các dân tộc chung quanh thờ cúng, không có quyền lực gì để giải cứu họ, Israel lại xưng tội một lần nữa và sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt từ Chúa giáng xuống, vì có bị Chúa phạt, vẫn còn dư dật hi vọng hơn là ở dưới quyền của kẻ thù. Bày tỏ lòng chân thành ăn năn hối cải, họ dẹp bỏ các tà thần, trở lại phụng sự Đức Chúa Trời (15-16).

Lòng Đức Chúa Trời thương xót con dân Ngài vượt xa hơn lòng những người cha trong nhân loại yêu thương con của họ. Trong lúc chuẩn bị một người có thể lãnh đạo dân Isrel đánh bại dân Ammon, lòng Chúa đau buồn khi thấy dân của Ngài sầu khổ. Khi dân Ammon tập họp đóng trại trong đất Galaát, thì dân Israel cũng nhóm nhau lại để tìm người lãnh đạo. Ai có đủ khả năng lãnh đạo thì người ấy sẽ là lãnh tụ của toàn dân ở Galaát (17-18).

Để giải cứu Israel khỏi tay kẻ thù của họ, Đức Chúa Trời sắp đặt các cảnh ngộ để có một người tài năng được Ngài lựa chọn làm lãnh tụ của dân Israel, chẳng những để đánh bại dân Ammon, nhưng sẽ làm quan xét nhiều năm sắp tới.

Từ bài học nầy, chúng ta biết Đức Chúa Trời chúng ta luôn luôn là Vị Cha nhân từ, chậm giận, giàu ơn, và đầy lòng thương xót. Dẫu cho chúng ta đã phạm nhiều tội trọng xúc phạm đến sự thánh khiết của Ngài, Ngài vẫn thương xót tha thứ, bôi xoá hết mọi tội lỗi chúng ta, khi chúng ta trở lại với Ngài.

Nếu ngày xưa lòng Chúa đau buồn về sự khốn khổ của dân Israel, thì ngày nay Ngài vẫn đau buồn khi thấy con dân Ngài bị trừng phạt khốn khổ vì phạm tội. Như Chúa phó dân Israel vào sự áp bức của các dân tộc thù nghịch để mở mắt họ, thì ngày nay Chúa cũng dùng tai hoạ đau khổ để dẫn chúng ta đến sự ăn năn. Khi chúng ta thật lòng ăn năn và kêu cầu sự giải cứu của Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ dàn xếp các biến chuyển để giải cứu chúng ta. Hãy vững lòng tin cậy Chúa.

QuanXet11.docx

Rev. Dr. CTB