Quan Xét, bài 02

Quan Xét 1:1-36

Đây là một giai đoạn lịch sử được ghi chép lại khá lâu ngày về sau nên người đọc sẽ gặp một số sự kiện ở thời gian sau có vẻ mâu thuẫn với phần nói phía trước. Vì vậy, câu mở đầu “Sau khi Giô-suê qua đời” (1) dùng để nói về những việc sẽ xảy ra trong sách; bởi vì qua đoạn kế tiếp, việc Giô-suê qua đời và được an táng sẽ tường thuật rõ ràng (2:8-9).

Thế thì, những việc được kể trong phần nầy đều phải xảy ra trước khi Giô-suê qua đời. Người ta cũng tin rằng, quan xét Ốt-ni-ên đã cai trị vào thời Giô-suê còn sống và đã quá cao tuổi.

Nhiệm vụ của Israel trong lúc nầy là phải đi đánh chiếm những vùng đất thuộc về họ. Vì họ đã vượt sông Jordan vào miền đất hứa, đánh một số trận chiến lớn, hạ được nhiều thành và đánh bại tất cả những dân tộc cản đường họ, nhưng sau đó thì ngừng không chiến chinh nữa, dù đất phải chiếm còn nhiều (Giô-suê 18:3).

Vậy, bổn phận của Israel sau thời Giô-suê lãnh đạo là phải đi chiếm đất đã được giao cho họ. Khi nào dân Israel cần cầu hỏi Đức Chúa Trời thì họ nhờ các thầy tế lễ đương nhiệm. Chúa sẽ trả lời họ qua các thầy tế lễ đó (2).

Giu-đa là chi tộc đi tiên phong mỗi lần toàn Israel lên đường hành trình tới một nơi mới. Chi tộc Giu-đa hùng mạnh nhất và có nhân số đông nhất, nên họ được giao trách nhiệm lên đường chiến đấu chiếm toàn vùng đất mà họ đã bắt thăm được. Giu-đa bèn rủ chi tộc Simeon, cùng đi lên chiến đấu với mình và hứa sẽ giúp anh em mình chiếm đất đã được phân chia cho họ, vì Giu-đa với Simeon đều là con trai của Leah (3).

Giu-đa đi lên dưới sự lãnh đạo của Caleb (4, Giô-suê 14:6), đánh bại dân Pirizzites, tức là một trong các sắc dân Canaan, diệt mười ngàn quân địch ở Bezek. Trong đó có vua của Pirizzites là Adonibezek (5) (Adoni nghĩa là vua).

Dù Adonibezek chạy trốn nhưng vẫn bị bắt; ông ta bị chặt các ngón tay cái để không giương cung được nữa, và chặt các ngón chân cái để không thể đi nhanh được nữa; đồng thời người mất các ngón thì không được chấp nhận làm vua (6). Adonibezek đã đối xử tàn bạo với những lãnh tụ hay lãnh chúa, vào thời ấy gọi là vua, nên ông ta tin rằng sự báo trả đến từ Đức Chúa Trời (7).

Sự ghi chép kế tiếp (8), mâu thuẫn với câu (21). Theo các học giả Kinh Thánh thì chỗ nầy chỉ là sự hi vọng của người ghi chép; vì Jerusalem vẫn còn nằm trong tay của người Jebusite cho tới khi mất vào tay David. Có thể là dân Giu-đa chỉ chiếm được một phần rồi sau đó tấn công dân Canaan ở vùng đồi núi, Negev và đồng bằng (9).

Hebron nằm giữa Jerusalem với Beersheba. Đối chiếu với (Giô-suê 11:21; 14:6-15; 15:13-14) thì câu nầy chỉ nhắc lại các việc cũ (10). Sheshai, Animan và Talmai là ba chi tộc thuộc dòng dõi của Anak; Anak là người Nephilim (Sáng thế 6:4) còn sống sót.

Những câu (11-15) nhắc lại các sự việc đã tường thuật ở (Giô-suê 15:13-19). Người Kê-nít là anh lớn của Ma-đi-an. Họ vốn sống trong các hang động.

Khi Israel rời Sinaii, thì Môi-se mời Hobab, anh vợ mình, làm người hướng đạo dẫn đường cho Israel trong hoang mạc. Vì vậy, dòng dõi của Hobab, người Kê-nít, vẫn ở với Israel; nhưng họ đã ở lại Jericho sau khi Israel đánh chiếm thành ấy.

Bây giờ, họ rời thành Cây Chà Là (Jericho) để lên sống với người Giu-đa ở Negev gần Arad, nhưng họ lại sống giữa dân Amalek là một chi tiết rất lạ (16). Điều nầy được xác nhận vào thời Saul làm vua Israel vâng lời Samuel tấn công dân Amalek để tiêu diệt họ. Người Kê-nít nghe sự cảnh cáo của vua Saul nên rút xa khỏi người Amalek (1Samuel 15:1-6).

Sau đó, chi tộc Giu-đa giúp chi tộc anh em mình, là Simeon, đánh chiếm Zephath, tiêu diệt dân Canaan ở đó và đổi tên thành là Hormah (17). Giu-đa cũng đánh chiếm các thành ven biển là Gaza, Askelon và Ekron (18).

Mặc dù chiếm hết vùng đồi núi và ven biển, nhưng Giu-đa không đuổi được dân đồng bằng, là dân có chiến xa bằng sắt. Có lẽ các chiến xa nầy quá nặng, không hoạt động vùng đồi núi được như ở đồng bằng; còn Giu-đa lúc bấy giờ chưa đủ đức tin để đánh bại dân có thiết xa.

Caleb đuổi được dòng dõi của Anak ra khỏi Hebron, nhưng chi tộc Benjamin không đuổi được dân Jebusites ra khỏi thành Jerusalem (20-21). Phần nầy được chép trước thời vua David chiếm Jerusalem và dời đô về đó.

Khu vực nầy có hai phần; dân Jebusites giữ phần hiểm yếu nhất nên dân Israel không tấn công chúng được. Dân Jebusites tự hào về địa thế hiểm trở, khó tấn công của thành Jerusalem; về sau, họ chế giễu khi David dẫn quân đến tấn công “Ngươi sẽ không vào đây được đâu, những người mù và què cũng đủ sức đánh đuổi ngươi” (2Samuel 5:6b). Nhưng các thuộc hạ của David theo đường lấy nước đã chiếm được thành (2Samuel 5:8-9).

Nhà Giô-sép là hai chi tộc Ép-ra-im và Ma-na-se. Beth-El nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời, do Jacob đặt tên trên đường trốn về quê mẹ ở Padan-Aram (Sáng thế 28:18-19). Sau mấy thế kỷ, nơi đó do dân Canaan xây dựng và trú ngụ.

Sau khi Israel vào chiếm đất thì Beth-El nằm ở lãnh thổ đã chia cho chi tộc Benjamin. Nhưng Beth-El lại ở ngay ranh giới giữa Ép-ra-im và Benjamin nên Ép-ra-im đánh chiếm thành (22-26).

Mặc dù thành Bethshean và Taanach được kể là của Ma-na-se nhưng nó nằm trong lãnh thổ của Issachar và Asher (Giô-suê 17:11). Lúc ấy, Ma-na-se không đủ khả năng đuổi dân Canaan ở các thành Dor, Ibleam và Megiddo, nên dân Canaan cứ ở đó cho đến khi Israel trở nên cường thịnh và bắt họ phải phục dịch (27-28).

Trái với thời kỳ Giô-suê mới đưa dân Israel vượt sông Jordan, tiến vào đất hứa, đánh thắng và tiêu diệt rất nhiều dân tộc bị Đức Chúa Trời định phải bị tận diệt; đến thời kỳ về sau, lúc họ đã sống yên ổn, thì tình hình có nhiều sự thay đổi.

Ép-ra-im không đuổi được dân Canaan ở Gezer, nên dân Canaan vẫn sống cạnh bên họ. Chi tộc Sa-bu-lôn cũng không đuổi nổi dân ở Kitron hoặc dân ở Nahalol, người Canaan vẫn sống ở đó, tuy rằng họ phải phục dịch dân Sa-bu-lôn (29-30). A se và Néptali cũng không đuổi người Canaan ở các thành Accho, Zidon, Ahlab, Achzip, Helbah, Aphik, Rehob, Bethshemesh, và Bethanah. Họ để các dân ấy ở lại, sống chung với họ nhưng phải phục dịch họ (31-33).

Không phải Đức Chúa Trời không giúp họ thực hiện bổn phận chiếm đất và tiêu diệt các dân tộc sẽ làm hại họ, nhưng Israel đã bất cẩn và ngày càng trở nên lười nhác.

Chi tộc Đan cũng không đủ sức đánh người Amorite, bị chúng dồn lên núi, không cho xuống đồng bằng (34). Dân Amorite mặc dù bị phục dịch nhà Joseph, nhưng họ quyết tâm không ra khỏi vùng núi quê hương của họ tại Heres, Aijalon và Shaalbim. Cho nên, những dân tộc mà Môise đã truyền dặn theo lệnh của Đức Chúa Trời là phải bị tiêu diệt (Phục Truyền 7:1-6), thì tới thời con cháu Israel vào đất hứa rồi không còn vâng theo mệnh lệnh đã truyền. Sự không vâng lời đó dẫn tới hậu quả rất đau đớn về sau (35-36).

Chỉ mới phần đầu của sách Quan Xét đã cho thấy hậu quả sự lơ là với nhiệm vụ Chúa giao. Tình trạng con cái Chúa trong các Hội Thánh ngày nay giống y như tình trạng của dân Israel thời đó vậy. Số người biết và hiểu Kinh Thánh rất ít; đại đa số thờ ơ với sự học hỏi và nghiên cứu Lời Chúa. Thế gian chưa ra khỏi lòng của rất nhiều tín đồ thời nay.

Đức Chúa Trời luôn luôn giữ lời hứa của Ngài. Nếu người nào vâng lời và nương cậy Ngài, thì người ấy sẽ được Ngài bảo hộ, dẫn dắt và ban cho sự chiến thắng. Nhưng ai còn nuôi dưỡng những điều đáng lẽ ra phải bị dẹp bỏ, thì chính những điều đó sẽ là các thứ bẫy rập làm tổn hại đời sống tâm linh lẫn thể chất, hãm hại cả linh hồn; bởi vì, đã sa bẫy rồi rất khó thoát ra.

Hễ điều gì hình như không chính đáng thì chúng ta hãy tránh xa. Vâng lời Chúa, gần gũi với Ngài là cách tốt nhất để gìn giữ tâm linh mình trong sạch, và cũng đánh bại mọi sự tấn công của quân thù vào đời sống chúng ta.

Hãy nhớ lại rằng: “Những gì đã được chép từ xưa đều nhằm dạy dỗ chúng ta, để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh Thánh mà chúng ta có niềm hi vọng” (Rôma 15:4).

QuanXet02.docx

Rev. Dr. CTB