Phục Truyền Luật Lệ, bài 34

Phục Truyền 32:19-33

Đức Chúa Trời ghê tởm những kẻ đã từng thấy quyền năng của Ngài, nhận lãnh ơn phước và sự bảo vệ, sau đó trở ngược phản nghịch Ngài. Chữ ‘từ bỏ’ (19) ở đây phải dịch là gớm ghiếc tởm lợm mới đúng; vì Israel phản nghịch chọc giận Đức Chúa Trời bằng sự thờ lạy hình tượng không phải là thần thánh gì cả, thì họ đáng bị Ngài ghê tởm từ bỏ.

Ngài phán: “Ta sẽ giấu mặt đi để xem cuối cùng họ sẽ ra sao, vì họ là dòng dõi gian tà, là những đứa con bất trung” (20). Giấu mặt tức là không bênh vực hoặc ban phước gì hết, để Israel và những người khác sẽ thấy cái quả từ hành động phản bội của họ sẽ như thế nào.

Dòng dõi gian tà và bất trung là không giữ lời hứa nguyện, và dù cho những lời ăn năn thú tội cũng không thể tin được. Không gì đau khổ hơn là lời ăn năn cũng chẳng được kể xuất phát từ lòng thành thật, vì thành tích bất trung và gian tà đã quá nhiều.

Họ chọc Ta ghen tức với các thứ chẳng phải là thần, làm cho Ta tức giận vì những sự hư ảo của họ” (21a). Nhiều người vốn là tín đồ không biết rằng họ chọc cho Đức Chúa Trời nổi giận vì sự bất trung của họ đối với Ngài. Đã đành hình tượng không phải là thần, danh vọng phù hoa và của cải tiền bạc trong thế gian là thứ nay còn, mai mất, vẫn có biết bao nhiêu người theo đuổi xem như thần tượng, vì chúng là mục đích mà lòng họ ước mong đạt tới chứ không phải là hạnh phúc trong Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Vì vậy, Chúa sẽ làm cho họ “ghen tức với một dân không phải là dân, tức giận vì một dân tộc ngu dốt” (21b). Người Israel thường tự hào họ là một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn lựa, còn tất cả những người khác là dân ngoại; nhưng Chúa sẽ đem nhiều dân mà họ gọi là ngoại bang vào làm dân có giao ước mới với Ngài, khiến cho họ ganh tức.

Đối với người Do-thái và trong thực tế thì dân ngoại bang bị gọi là ngu dốt vì đi thờ những thứ không phải là thần. Đó là những người “mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối. Họ xưng mình là khôn ngoan nhưng đã trở nên điên dại” (Rôma 1:21-22).

Bây giờ những dân bị gọi là ngu dốt ấy lại được kể là dân của Đức Chúa Trời, vì họ đã từ bỏ tội lỗi và sự thờ hình tượng hư hoại để trở về với Ngài; trong khi đó, dân Do-thái lại bị loại trừ ra khỏi sự bảo vệ và bênh vực của Chúa. Những dân bị gọi là ngu dốt thì được hưởng giao ước mới mà Đức Chúa Trời lập với những người tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Vì Israel phản bội Chúa một cách trâng tráo nên lửa thịnh nộ bùng lên trong Ngài, mà Ngài định là lửa ấy sẽ “cháy cho đến tận đáy âm phủ, thiêu huỷ đất đai và mùa màng, đốt cháy tận nền các núi” (22). Lời phán định ấy đã ứng nghiệm không sót một chi tiết nào.

Chưa một dân tộc nào phải bị tai hoạ giáng xuống liên hồi qua hơn mười chín thế kỷ như dân Israel. Những gì Chúa đã phán trước đều phải diễn ra; khi nói rằng lửa thịnh nộ của Ngài phải cháy tận đáy âm phủ thì dân Do-thái bị Đức quốc xã thiêu sống hàng mấy triệu người trong các lò thiêu thời đệ nhị thế chiến, không ai giải cứu được.

Ngài cũng phán trước lửa ấy sẽ đốt cháy tận nền các núi thì dù Jerusalem được xây dựng vững chắc trên núi, đã bị quân La-mã thiêu rụi và sụp đổ tận nền. Đất nước Israel xinh đẹp và tốt tươi đã bị bỏ hoang suốt nhiều thế kỷ, đất đai tồi tàn chẳng ai cày cấy.

Không có gì đau khổ bằng tai ương chồng chất trên tai ương. Người không bị bệnh tật dù bị thiên tai, nhân hoạ vẫn còn đủ sức chịu đựng, nhưng khi tai ương là dịch bệnh xông tới như quân thù, thì số người sống sót sẽ chẳng là bao; giống như cả một dân tộc bị các mũi tên của Chúa bắn trúng ngã gục hết thảy (23-24). Đói ăn, hạn hán, dịch bệnh, thú dữ, và rắn độc hoành hành là cách mà Chúa dùng để thực hiện những lời Ngài đã phán trước.

Nhiều tín hữu thời nay tưởng rằng họ sẽ được bình yên dù có nhiều hành vi phản bội ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Nếu ngày xưa Chúa không dung tha một dân mà Ngài đã giải cứu và dẫn dắt, thì ngày nay những ai coi thường huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus chắc chắn cũng phải bị hình phạt quả báo nhãn tiền.

Chẳng cần đợi tới thời dân Do-thái mượn tay quân La-mã đóng đinh Đức Chúa Jesus, tai hoạ gươm đao giáng trên Israel do các đế quốc Assyri, Babylon, Ba-tư, Hy-Lạp, được Đức Chúa Trời lần lượt sai đến; khiến họ vừa bị gươm đao tàn sát bên ngoài, vừa bị nỗi kinh hoàng hoành hành, khủng bố trong lòng, phải ăn thịt con cái mình để mong được sống sót. Rốt cuộc, già trẻ lớn bé gì cũng chịu chung số phận diệt vong của cả một dân tộc (25).

Trong lịch sử nhân loại, đã có một số nền văn minh lừng lẫy bị xoá tên khỏi mặt trái đất, mọi kỷ niệm của họ cũng chẳng còn. Chúa đã định sẽ làm như vậy đối với dân Israel (26). Nhưng Ngài đã không làm vì biết chắc rằng kẻ thù sẽ dè bỉu, trêu chọc rằng Đức Chúa Trời không đủ khả năng bảo vệ dân mà Ngài chọn; chúng cũng hí hửng tự ca tụng rằng chúng đã chiến thắng, chứ không phải Israel bị Chúa trừng trị (27).

Người ta chưa xác định rõ câu nói “vì họ là một dân kém khôn ngoan, thiếu hiểu biết” (28) là nói về ai; dân Israel hay kẻ thù của họ? Các học giả Kinh thánh bất đồng ý kiến về ý nghĩa chính xác của câu nầy. Người thì cho rằng câu ấy nói về dân Israel; người khác thì tin câu đó nói về kẻ thù. Để có thể phân tích, người ta phải nối nó với những câu đi trước và những câu theo sau.

Nếu chỉ nối với câu nói đối phương sẽ hiểu lầm khi Đức Chúa Trời xoá sạch kỷ niệm của Israel khỏi loài người, thì câu nầy ám chỉ kẻ thù của dân Israel. Nhưng nếu nhắc lại những tai ương sẽ giáng trên Israel vì phản bội Đức Chúa Trời mà thờ hình tượng, và câu tiếp theo: “Nếu khôn ngoan, họ sẽ hiểu điều nầy, và ý thức được đến cuối cùng mình sẽ ra sao” (29), thì ý nghĩa rất rõ của lời ấy là áp dụng cho Israel. Bởi vì chỉ dân Chúa mới phải ý thức sự cuối cùng của họ khi phản Chúa.

Nhưng qua câu tiếp theo lại có nghi vấn: “Làm sao một người đuổi được ngàn người, và hai người làm cho mười ngàn người phải tháo chạy, nếu Vầng Đá của chúng không bán chúng đi, và Đức Giêhôva không giao nộp chúng?” (30). Vầng Đá và Đức Giê-hô-va chính là Đức Chúa Trời của Israel; bán và giao nộp họ vào tay kẻ thù tức là không còn ở cùng để bảo vệ họ nữa. Tội phản bội, chọc giận Ngài qua các tội ác chồng chất đã khiến cho Israel không thể chống nổi kẻ thù của mình.

Trước những chứng cớ quá rõ ràng rằng Israel bị sa vào tay kẻ thù là do Đức Chúa Trời đã không còn ở với họ, mà kẻ nào không hiểu, thì hoặc là dân Israel, hoặc là kẻ thù được thắng trận “là một dân kém khôn ngoan, thiếu hiểu biết.” Nhưng qua câu (31) là lời nói của Israel: “Chính kẻ thù chúng ta cũng phải thừa nhận vầng đá của chúng không sánh nổi với Vầng Đá chúng ta.

Đây là một lời tự thán, có ý muốn than thở rằng chẳng có lý do nào để giải thích sự thua trận của Israel ngoài việc Đức Giê-hô-va không đẹp lòng về thái độ của dân Ngài; bởi vì chẳng thần nào có đủ khả năng chiến đấu chống lại Israel cả.

Từ ý nầy, con cái Chúa đời nay có thể áp dụng để hiểu những nguyên nhân nào đã khiến mình bị ma quỷ đánh bại trong cuộc sống đạo, dẫn đến những rủi ro hay tai hoạ trong đời, chính là do thái độ phản nghịch của mình đối với Chúa, và sự phạm tội đó đã xảy ra nhiều lần mặc dù Chúa đã dùng Hội thánh thường xuyên nhắc nhở con cái Ngài.

Cây nho lấy giống từ Sô-đôm” nói về Israel bị lây nhiễm tội ác. Bởi vì Chúa phán về cách Ngài trồng họ: “Ta đã trồng ngươi như một cây nho tuyển từ giống nho thuần chủng. Nhưng sao ngươi lại thoái hoá thành cây nho hoang tạp chủng?” (Giê-rê-mi 2:21).

Rất nhiều tín hữu trong Hội thánh không biết giống độc của Sodom và Gomorrah từ thế gian đã lây nhiễm vào tâm tánh của mình. Người tin nhận Chúa, được Đức Thánh Linh ngự vào trong lòng để đổi mới, như một cây nho thuần chủng mới trồng. Nếu đời sống người ấy không tiến lên trong sự thánh hoá, thì sẽ sinh ra trái độc và chùm nho đầy trái đắng cay (32).

Bất cứ sự cay đắng nào đối với anh chị em trong Hội-thánh chỉ vì những điều nhỏ nhặt, thì đó là dấu hiệu sự nhiễm độc từ giống nho Sodom và Gomorrah.

Không ai có thể giấu giếm được bản chất của mình. Đức Chúa Jesus dạy rằng: “Nếu là cây lành thì quả cũng lành, nếu là cây độc thì quả cũng độc; vì xem quả thì biết cây” (Mathiơ 12:33).

Chúng ta phải nhờ Chúa để đời sống mình không tiết ra nọc rắn hổ mang độc địa (33), để được Chúa thương xót ban ơn thay vì tai hoạ trong thời cuối cùng nầy.

PhucTruyen34.docx

Rev. Dr. CTB