Giô-suê, bài 15
Giô-suê 22:1-34
Sau khi cùng với toàn quân Israel đánh trận để chinh phục đất đai trong vùng đất hứa, và sau khi tất cả các chi tộc đã nhận được sản nghiệp của họ rồi, Giô-suê triệu tập các chiến binh của hai chi tộc Reuben và Gad cùng với nửa chi tộc Manasseh, là các chi tộc đã được cấp các vùng đất ở phía đông sông Jordan. Giô-suê khen ngợi họ “đã tuân giữ mọi điều Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, truyền cho anh em, và vâng theo mọi điều tôi truyền bảo” (1-2). Những chiến binh của hai chi tộc rưỡi nầy đã thực hiện lời họ hứa với Môi-se (Dân-số 32:16-22); tức là để gia đình vợ con lại bên kia sông để chăn giữ bầy súc vật, còn tất cả chiến binh của họ đều cầm vũ khí để cùng đi với các anh em của những chi tộc khác vượt sông Jordan tiến chiếm lãnh thổ.
Giô-suê nói tiếp với họ: “Trải qua một thời gian dài cho đến hôm nay, anh em đã không bỏ rơi anh em mình, nhưng đã làm tròn bổn phận, theo mệnh lệnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (3). Thời gian dài mà Giô-suê nói ở đây thì chưa chỗ nào trong Kinh Thánh ghi chép rõ ràng bao nhiêu năm. Theo sự tính toán của các sử gia thì thời gian chinh chiến là bảy năm, cộng thêm bảy năm phân chia đất đai.
Như vậy, có hai ý kiến về thời gian dài. Ý kiến thứ nhất là bảy năm, nghĩa là lúc ấy không còn cần đến sự hi sinh trợ lực của các chiến binh thuộc hai chi tộc rưỡi nữa. Còn ý kiến thứ nhì thì cho rằng họ phải chờ cho đến khi chia đất xong. Ý kiến thứ nhất hợp lý hơn, vì ý kiến thứ nhì chỉ dựa vào lời văn của câu 4: “Bây giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã cho các anh em của anh em được nghỉ ngơi đúng như lời Ngài đã hứa.” Sự nghỉ ngơi theo ý câu nầy có nghĩa là không còn phải chinh chiến nữa; vì thế, người ta có thể tin rằng các chiến binh đã xa gia đình của họ được bảy năm, nên Giô-suê nói: “Vậy, hãy trở về nhà trong vùng đất thuộc về anh em mà Môi-se, đầy tớ Đức Giê-hô-va, đã ban cho anh em ở bên kia sông Jordan” (4).
Tuy nhiên, Giô-suê không quên dặn dò những lời rất quan trọng về việc tuân thủ các điều răn và luật pháp của Chúa, kính yêu, gắn bó và đi theo đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn phục vụ Ngài. Sau khi nhận sự chúc phước của Giô-suê, họ trở qua bên kia sông để về với sản nghiệp của họ (5-6).
Lời chúc phước của Giô-suê tiết lộ đoàn chiến binh ở bờ đông sông Jordan đã thành giàu có của cải sau bảy năm chiến đấu và được chia chiến lợi phẩm. Ông khuyên họ hãy chia xẻ chiến lợi phẩm cho những người ở lại giữ nhà. Các chiến binh Reuben, Gad và một nửa Manasseh tạm biệt đất Shiloh có Đền Tạm và Rương Giao Ước để trở về nhà (7-9).
Các sử gia và học giả Kinh Thánh không đồng ý với nhau về độ lớn và địa điểm bàn thờ mà các chiến binh Reuben, Gad và Manasseh đã lập ở bờ sông Jordan (10). Người thì cho rằng ở bờ Tây, người khác nói bờ Đông. Theo ghi chép của sách Giô-suê thì bàn thờ thuộc địa phận đất Canaan tức là bờ Tây. Nhưng người khác lại dựa vào lý do dân Israel định tiến đánh (11-14) là vì bàn thờ phải ở bờ Đông Jordan mới hợp lý, tức là dân Israel nghĩ rằng hai chi tộc rưỡi định làm một bàn thờ riêng cho họ và tách rời khỏi Israel, lấy dòng sông Jordan làm ranh giới vĩnh viễn, nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời (15-20).
Các nhà khảo cổ đã tìm được một bàn thờ lớn tại Kurn Surtabeth khoảng hai mươi dặm ở phía bắc của Jericho, bờ tây sông Jordan; họ tin rằng đó là bàn thờ mà các chiến sĩ của hai chi tộc Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh đã lập tại bờ sông Jordan. Khi nghe tin ấy, Israel tưởng đó là dấu hiệu các chi tộc ở bờ bên kia sông Jordan sinh lòng phản bội Đức Chúa Trời. Nếu điều đó thật như vậy thì toàn Israel lại gặp nguy cơ bị tiêu diệt, vì Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt họ về tội phản bội như đã phạt họ tại Baal Peor và vì tội A-can mà họ bị thua trận trước A-hi (17, 18-20).
Nhưng mối lo sợ đó chỉ là sự hiểu lầm ý muốn tốt lành của các chi tộc Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh (21-29). Tại sao việc lập một bàn thờ ở bờ sông Jordan trở nên quan trọng quá vậy? Theo luật Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se, thì không ai được giết một con thú dâng làm tế lễ ở một nơi nào khác ngoài địa điểm mà Đức Chúa Trời chọn đặt Danh Ngài ngự, tức là Đền Tạm sau khi vào đất hứa, và Đền Thờ được xây sau nầy (Phục 12:13-14).
Nếu hai chi tộc Reuben và Gad, cùng với nửa chi tộc Manasseh dựng một bàn thờ để dâng sinh tế, không phải là bàn thờ ở Đền của Đức Chúa Trời, thì đó là một sự vi phạm luật lệ của Chúa và đáng bị tiêu diệt. Nhưng bàn thờ bên bờ sông Jordan không phải là loại bàn thờ để dâng các loại sinh tế như bàn thờ tế lễ thiêu ở Đền Tạm đóng bằng gỗ.
Họ xác chứng với anh em Israel: “Giê-hô-va, Thần của các thần! Giê-hô-va, Thần của các thần! Ngài biết điều đó và Israel cũng sẽ biết điều đó! Nếu đây là sự nổi loạn hay bất trung với Đức Giê-hô-va, thì ngày nay đừng dung thứ chúng tôi!” (22).
Nguyên nhân khiến họ lập bàn thờ là vì sợ rằng trong tương lai những hậu duệ của dân Israel ở xứ Canaan sẽ ngăn trở không cho con cháu Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh tham dự vào cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời với họ. Vì nếu không có bàn thờ đã xây dựng bên nầy sông làm bằng chứng, thì ranh giới thiên nhiên là sông Jordan ngăn cách, làm hai miền trở nên xa lạ.
Mục đích xây bàn thờ thật lớn là để nó sẽ làm chứng rằng, khi các thế hệ cha anh còn sống, họ đã sang Đền Thờ Đức Chúa Trời tại Shiloh để dâng tế lễ theo luật Môise đã quy định (23-28). Điều mà họ lo lắng không phải là sự thù nghịch giữa các chi tộc ruột thịt, nhưng điều họ sợ là: “Con cháu anh em sẽ làm cho con cháu chúng tôi không tiếp tục kính sợ Đức Giê-hô-va nữa” (25b).
Đến đây thì đã rõ địa điểm của bàn thờ làm chứng đó không nằm ở bờ đông nhưng là bờ tây sông Jordan như đã chép: “Người Reuben, người Gad, và phân nửa chi tộc Manasseh đã lập một bàn thờ trong địa phận Jordan thuộc đất Canaan” (12).
Đại diện Reuben, Gad và Manasseh xác nhận rằng: “Chúng tôi ngày nay không hề có ý nổi loạn chống lại Đức Giê-hô-va và lìa bỏ Ngài, mà lập một bàn thờ khác hơn bàn thờ của Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta trước mặt đền tạm để dâng tế lễ thiêu, tế lễ chay và sinh tế. Khi thầy tế lễ Phinehas và các nhà lãnh đạo hội chúng, tức là các thủ lãnh của hàng nghìn người Israel đi theo ông, nghe những lời của người Reuben, người Gad và phân nửa chi tộc Manasseh nói, thì họ đều lấy làm hài lòng” (29-30).
Sau khi thầy tế lễ Phinehas và phái đoàn các vị lãnh đạo Israel trở về và tường trình mọi việc, dân Israel hài lòng, họ ca ngợi Đức Chúa Trời, như Phinehas đã nói “Ngày nay chúng tôi nhận biết rằng Đức Giê-hô-va ngự giữa chúng ta, vì anh em không phạm tội bất trung với Đức Giê-hô-va” (31-33). Người Reuben và người Gad đặt tên bàn thờ là Ed (làm chứng) vì họ nói “Bàn thờ nầy làm chứng giữa chúng ta rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” (34).
Đoạn nầy có vài bài học chính cho chúng ta suy gẫm. Trước hết là có điều bất bình, không hiểu thì phải gặp và hỏi chính người mà mình có thắc mắc. Thứ nhì là hãy quan tâm tới các thế hệ con cháu, giúp chúng biết và thờ kính Đức Chúa Trời; đừng bao giờ lơi lỏng. Sự cầu thay và cầu nguyện chiến đấu sẽ giúp giải thoát con cái khỏi bẫy rập của ma quỷ.
Nhưng chính mình cũng phải hết sức cảnh giác để không làm cớ cho con cháu chống trả Đức Chúa Trời. Thứ ba là sự hoà thuận trong nội bộ của tập thể Hội Thánh là dấu hiệu có sự hiện diện của Chúa ở với Hội Thánh. Vì vậy, hãy hết sức hoà thuận và giải quyết tất cả các sự bất hoà bằng phương pháp hoà bình. Hội Thánh sẽ được phước.
Giosue15.docx
Rev. Dr. CTB