Dân-số-ký, bài 07

Dân-số-ký 12:1–16

Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về người nữ Ethiopia mà ông đã cưới, vì ông đã cưới một người Ethiopia làm vợ” (1). Người ta đoán rằng tên Mi-ri-am, chị của Môi-se, được đặt trước tên A-rôn vì bà là người khởi xướng việc nói hành nầy. Người khác thì cho rằng tên của bà được đặt trước vì bà là vai chị của cả hai người.

Sự nhận xét rằng bà là người khởi xướng chuyện nói hành thì đúng hơn, vì sau khi cả hai người bị Đức Chúa Trời quở trách, bà là người bị phạt chứ không phải A-rôn (10); A-rôn chỉ là người bị lôi cuốn vào việc sai trật bởi áp lực của bà chị.

Sự nói hành ở chỗ nầy liên quan tới vài điểm khác nhau. Trước hết là thái độ kỳ thị đối với người thuộc sắc dân Cush, thường bị diễn giải là người Ethiopia. Sự kỳ thị nầy bắt nguồn từ việc người Cush là dòng dõi của Cham, con trai thứ nhì của Nô-ê, người bị cha mình nguyền rủa (Sáng 9:25); vì thế, những người thuộc dòng dõi của Cham thường bị người Israel kỳ thị, khinh bỉ.

Hơn nữa, các học giả Kinh-thánh thường gán tên Ethiopia, một nước nằm về phía Nam của Ai-cập, cho vài sắc dân Cush. Kinh-thánh tiếng Hebrews chép rằng Môi-se cưới một bà vợ người Cush nên người ta dịch là người Ethiopia.

Vì dòng dõi Cush, con của Cham, phân bố cả ở Phi-châu lẫn Á-châu; tức là Arabia, Babylonian và Nineveh của Assyri, mà Ethiopia dòng dõi của Cush, là một nước lớn.

Nhiều học giả nghiên cứu thấy rằng người Ma-đi-an ở vùng bán đảo Si-na-i cũng thuộc dòng dõi Cush có màu da sậm; cho nên, có học giả cho rằng bà vợ người Cush của Môi-se có thể là Sê-phô-ra, trưởng nữ của Reuel. Chi tiết nầy thường bị các học giả lấy ra tranh luận về người vợ Ethiopia của Môi-se (Xuất Ai-cập 2:21).

Nhưng theo mạch văn của truyện tích nầy thì nếu Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về người vợ mà ông đã cưới từ hơn 40 năm trước thì hoàn toàn không hợp lý. Vậy, người đàn bà Ethiopia không phải là Sê-phô-ra.

Kinh-thánh chỉ nhắc đến vợ và con của Môi-se khi Giê-trô dẫn họ đến thăm Môi-se ở hoang mạc Si-nai (Xuất Ai-cập 18:2–6); rồi sau đó không nhắc gì đến họ nữa.

Người ta tin rằng bà Sê-phô-ra qua đời trong hoang mạc, Mi-ri-am nghĩ rằng bà sẽ là người có ảnh hưởng lớn trên Môi-se, vì là chị cả; nhưng có lẽ hi vọng đó bị tàn lụi khi Môi-se cưới một người vợ kế thuộc sắc dân Cush.

Cũng có lý luận cho rằng Môi-se cưới thêm một bà vợ người Cush trong lúc Sê-phô-ra vẫn còn sống. Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban hành tại núi Si-na-i không cấm những người đàn ông có nhiều vợ.

Sử sách không ghi chép rõ ràng về việc nầy, nên ngày nay chi tiết về việc Môi-se cưới thêm một bà vợ người Cush, đã bị nhiều dịch giả Kinh-thánh quả quyết là người Ethiopia. Rất có thể người nầy là một người Ethiopia trẻ tuổi đi theo Israel ra khỏi Ai-cập; hoặc là một người sắc dân Cush ở bán đảo Arabia tùng phục Do-thái-giáo và đi theo đoàn người lữ hành.

Môi-se là lãnh tụ cao nhất của Israel; cho nên, việc ông cưới một người đàn bà sắc dân Cush không phải là hành động âm thầm, mà đám cưới có lẽ long trọng lắm; vì thế, Mi-ri-am và A-rôn mới nói hành Môi-se về việc nầy.

Tuy vậy, trong việc cưới một bà vợ người Cush, Môi-se không vi phạm lệnh cấm của Đức Chúa Trời, vì dân Israel không bị cấm cưới gả với người Ethiopia hay Cush. Họ chỉ bị cấm không được làm thông gia, cưới gả với các sắc dân ở Canaan (Xuất Ai-cập 34: 11–16).

Về sau, nữ hoàng Nam-phương, tức là Ethiopia, đến thăm vua Solomon. Trong thời gian ở thăm vương quốc Israel bà đã mang thai với Solomon; cho nên, khi trở về quê hương thì hoàng gia Ethiopia đều gia nhập Do-thái-giáo. Những người là dòng dõi của nữ hoàng Ethiopia cho đến ngày nay tự nhận họ là người Do-thái. Vì lý do ấy, hoạn quan Ethiopia mới lên Jerusalem thờ phượng, gặp sứ đồ Phi-líp và đem Cơ-đốc-giáo về nước (Công vụ 8:26–39).

Những chi tiết lịch sử trên chứng tỏ người Ethiopia không bị xấu xí, dị hình như nhiều người Phi -châu khác. Vì ngoại hình họ đẹp đã giải thích lý do tại sao Môi-se cưới thêm bà vợ Cush sau khi Sê-phô-ra qua đời, hoặc tại sao vua Solomon ăn nằm với nữ hoàng Ethiopia.

Ngoài vấn đề kỳ thị chủng tộc, Mi-ri-am và A-rôn còn ganh tị với Môi-se về khả năng được nghe Đức Chúa Trời phán (2). Nói hành có nghĩa là nói lén chứ không nói trước mặt Môi-se. Nhưng họ quên rằng Đức Chúa Trời nghe những lời họ nói lén. Trong khi họ lén lút nói xấu em mình, thì Môi-se lại là một “người rất khiêm hoà, khiêm hoà hơn hết mọi người trên thế gian” (3).

Sở dĩ hai người ganh tị là vì Mi-ri-am mang danh nghĩa một nữ tiên tri (Xuất Ai-cập 15:20). Còn A-rôn thì có tài ăn nói, được Chúa dùng thay mặt Môi-se phát biểu những gì Chúa phán (Xuất Ai-cập 4:16). Vì vậy, hai người ấy thầm thì với nhau: “Đức Giê-hô-va chỉ phán qua Môi-se thôi sao? Không phải Ngài cũng phán qua chúng ta nữa sao?” (2). Từ ganh tị tới phạm tội thì không xa.

Thình lình Đức Giê-hô-va phán với Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am rằng: ‘Cả ba người hãy đến Lều Hội-Kiến.’ Vậy là cả ba đều đi” (4).

Đối với Môi-se thì ông hiểu rằng Chúa có việc cần phán cho cả ba người đều nghe. Ông là người khiêm hoà nên chẳng có gì cho ông phải suy nghĩ hay lo lắng. Nhưng hai người kia thì có lẽ nhiều tư tưởng chạy qua trong trí não; hoặc là lo sợ hoặc là hi vọng. Vì khi họ vừa nói “không phải Ngài cũng phán qua chúng ta nữa sao?” thì chợt nghe tiếng Chúa gọi cả ba người đều phải đến Lều Hội-Kiến.

A-rôn thì biết rõ rằng ông không thể so bì với Môi-se được. Mà khi Chúa gọi thình lình như vậy thì không phải Ngài muốn khen ngợi ông điều gì, nhưng có lẽ là để khiển trách. Riêng Mi-ri-am thì có lẽ nghĩ khác. Bà ganh tị với Môi-se có lẽ vì có tham vọng muốn lãnh đạo. Việc Môi-se cưới vợ Ethiopia khiến bà tị hiềm thêm. Nhưng tới lúc đó thì chưa bao giờ bà được Chúa gọi ra trước Lều Hội-Kiến, nên có lẽ bà cũng hoang mang.

Đức Giê-hô-va ngự xuống trong trụ mây đứng tại cửa Lều Hội Kiến rồi gọi A-rôn và Mi-ri-am” (5). Cả ba người đều phải đứng xa xa trước cửa Đền Tạm. Theo lẽ bình thường thì A-rôn có quyền đi vào trong Đền. Nhưng trụ mây ngự xuống đứng chắn ngay cửa Đền chứng tỏ sự không hài lòng của Đức Chúa Trời. Khi hai người nghe Chúa gọi tiến đến, thì Môi-se vẫn đứng phía xa.

Chúa phán: “Hãy lắng nghe lời Ta. Khi có một nhà tiên tri ở giữa các con thì Ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra với người ấy trong khải tượng và phán với người ấy trong giấc chiêm bao. Nhưng với đầy tớ Ta là Môi-se thì không giống như vậy. Người thật trung tín trong cả nhà Ta. Ta nói chuyện với người miệng đối miệng một cách rõ ràng, không lời bí ẩn, và người thấy hình dạng Đức Giê-hô-va. Vậy tại sao các con không sợ mà nói hành đầy tớ Ta là Môi-se?” (6–8).

Lời phán của Chúa đã làm sáng tỏ vấn đề mà nhiều người thắc mắc về cách Chúa truyền lời Ngài cho các nhà tiên tri vào thời xưa, để họ có thể thuật lại chính xác những lời họ nhận được từ Chúa; đó là Ngài dùng khải tượng và chiêm bao.

Ê-li-hu nói: “Vì Đức Chúa Trời phán dạy cách nầy hay cách khác nhưng con người không để ý đến. Có thể trong chiêm bao, trong dị tượng ban đêm, lúc người ta ngủ mê khi đang say giấc trên giường mình” (Gióp 33:14–15).

Không phải tất cả tiên tri đều nhận được sự khải thị giống nhau, nhưng mỗi người một cách; thường là qua các khải tượng hoặc chiêm bao. Con cái Chúa ngày nay vẫn thường được chỉ dẫn như vậy, nhưng vào thời đại Đức Thánh Linh thì Chúa phán bảo cho con dân trung tín của Ngài bằng nhiều cách hơn.

Môi se được ơn đặc biệt nói chuyện với Chúa miệng đối miệng. Thấy ‘hình dạng’ là thấy cách lờ mờ, không rõ ràng, tương tự như Ê-li-pha, bạn ông Gióp mô tả (Gióp 4:12–16).

Khi Đức Giê-hô-va nổi giận với hai người và “đám mây lìa khỏi Lều Hội-Kiến thì Mi-ri-am bị phong hủi trắng như tuyết (9–10). A-rôn không bị phạt vì ông không khởi xướng việc nói xấu Môi-se và vì ông là thầy tế lễ thượng phẩm. Ông xin Môi-se đừng trừng phạt tội dại dột nói hành của họ. Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời chữa lành cho Mi-ri-am.

Chúa sẵn lòng chữa lành, nhưng Mi-ri-am phải bị cách ly khỏi trại quân trong bảy ngày mới được trở vào trại (11–14). Israel phải ở lại chờ tại Hát-sê-rốt cho đến khi Mi-ri-am được nhận trở vào trại quân. Sau đó họ rời Hát-sê-rốt để tới đóng trại tại hoang mạc Paran (15–16).

Bài học nầy nhắc chúng ta hãy cẩn thận về việc phê phán các đầy tớ của Chúa là những người được Chúa xức dầu. Nếu có điều gì bất mãn, hãy thảo luận với họ là tốt nhất.

Dansoky07.docx
Rev. Dr. CTB