Thời Tận Thế
Khải Huyền 1:6-11
Sứ đồ Giăng biết rằng thư nầy sẽ được lưu truyền qua khắp các Hội Thánh, nên ông dùng nó để nhắc nhở tín hữu ở các Hội Thánh nhiều chân lý quan trọng của Lời Chúa. Lời chào thăm của ông chứa đầy phúc âm trong đó. Không phải chỉ lời chào thăm của ông, mà ông còn gửi đến họ lời chào của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời (4-5).
Giăng nhắc lại một chân lý nền tảng của ơn cứu chuộc mà Chúa ban cho loài người là: sự đổ huyết của Đấng yêu thương chúng ta để rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm chúng ta nên Vương quốc Ngài, thành thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Đấng ấy đáng được vinh quang và quyền năng đời đời vô cùng. Đây không phải là lời ca tụng ngợi khen Đức Chúa Giêxu Christ theo nghi lễ, mà là một sự nhắc nhở vô cùng quan trọng để đối phó với một số điều dạy dỗ sai lạc đang tràn lan trong các Hội-thánh có nhiều tín hữu không phải là người Dothái. Sau khi Phaolô qua đời, các Hội Thánh dân ngoại đã bị nhiều tín đồ người Giuđa từ Giêrusalem đến dạy rằng họ phải chịu cắt bì và giữ các ngày tháng mùa năm như luật Môise dạy thì mới được cứu rỗi, đây là thứ giáo lý đã bị Phao-lô lên án trong hai thư Rôma và Galati.
Điều nầy cũng nhắc nhở chúng ta về nhiều luật lệ và điều răn do vài giáo hội ngày nay đặt ra trái ngược chân lý cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được câu 6 nói đến: Ấy là chẳng phải nhờ công đức hoặc giữ luật pháp Môise, nhưng là quà tặng miễn phí vô giá bởi ân sủng của Đấng Christ dành cho mọi người tin Ngài. Chức tế lễ thời Cựu Ước có hai nhiệm vụ: Thứ nhất là đại diện cho người ta trước mặt Đức Chúa Trời, kế đến là đại diện Đức Chúa trời trước mặt người ta. Thầy tế lễ giống như người trung gian giữa người và Chúa; Hêb.4:14 nói rằng Đức Chúa Giêxu Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã từ trời đến bày tỏ Đức Chúa Trời cho chúng ta biết, hiện nay đang vì chúng ta vào chính trong trời hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời (Hêb.9:24), có nghĩa Ngài là Thầy Tế Lễ của chúng ta. Khi Chúa đến thiết lập Vương quốc của Ngài ở thế gian thì tín hữu sẽ vì loài người đến trước mặt Đấng Christ, và đại diện cho Đấng Christ trước mặt người ta.
Câu 7 là lời tiên báo về sự ngự đến của Đức Chúa Giêxu Christ để đoán phạt thế gian. Mọi mắt đều sẽ trông thấy lần đến ấy, kể cả mắt của kẻ đã đâm Ngài; và mọi chi tộc nào ở thế gian đã từ chối phúc âm hoặc đi theo sự dạy dỗ sai lạc sẽ than khóc khi thấy Ngài đến. Vì lúc họ nhận ra niềm tin sai trật của mình thì đã quá muộn. Loạt bài học về “Thời Tận Thế” đã nói về sự tái lâm của Đấng Christ để đoán phạt tội lỗi của thế gian, không phải lần Ngài đến tiếp rước Hội Thánh. Hội-Thánh sẽ được tiếp rước về thiên đàng trước, rồi sẽ cùng Đấng Christ trở lại thế gian trong vinh quang vào ngày phán xét. Sau đó Đức Chúa Giêxu và Hội Thánh sẽ trị vì 1000 năm trên đất bằng cây gậy sắt (Khải 2:27), có nghĩa là cai trị bằng uy quyền nghiêm khắc. Chúa không cai trị Hội Thánh bằng loại uy quyền nầy, vì thân thể của Chúa sẽ giống như Chúa; nhưng sẽ có những loại người phải bị trị bằng loại uy quyền nghiêm khắc như cây gậy sắt. Câu “mọi mắt đều trông thấy” sẽ hoá giải tất cả các lời đoán mò về việc Chúa sẽ tái lâm cách kín đáo vào các năm 1848, 1878, 1917, 18, vv… Các chủ trương nầy thường nói rằng Chúa đến trong một phòng bí mật. Đức Chúa Giêxu thì dặn rằng: “Nếu người ta nói với các ngươi rằng.. nầy, Ngài ở trong nhà, thì đừng tin.” Math 24:26b
Những kẻ đã đâm Ngài là ai? Xachari 12:10 chép: “Ta sẽ đổ thần của ân điển và của sự nài xin ra trên nhà Đavít và trên dân cư Giêrusalem; chúng nó sẽ nhìn xem Ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng.” Người Dothái sẽ than khóc trong ăn năn; họ sẽ nhận ra Đấng Cứu Thế mà họ vẫn chối bỏ đến nay. Các dân khác sẽ than khóc vì khiếp sợ sự phán xét và huỷ diệt sẽ đến trước mắt, bởi họ cũng đã hung hăng đâm Đấng Christ bằng sự vô tín, những lời chửi rủa, chê bai giễu cợt, cự tuyệt phúc âm cứu rỗi đã được Hội Thánh trung kiên rao truyền cho họ qua hàng bao nhiêu thế kỷ, cùng mọi hành động hụp lặn trong tội lỗi tởm lợm.
Câu 8 nói rằng Đức Chúa Giêxu Christ là Đức Chúa Trời hằng hữu, Đấng toàn năng là khởi nguyên và cũng là cuối cùng. Anpha và Ômêga là hai chữ cái khởi đầu và kết thúc của mẫu tự Hi văn, thường được dùng để diễn đạt khái niệm hằng hữu. Ở câu 17, Đức Chúa Giêxu lại cho biết một lần nữa rằng Ngài là đầu tiên và là cuối cùng. Những người chối bỏ không công nhận Đấng Christ là Đức Chúa Trời thì cho rằng câu 8 không phải nói về Đấng Christ. Nhưng câu 17 chứng minh Đức Chúa Giêxu Christ cũng là Anpha và Ômêga.
Giăng xác nhận ở câu 9 rằng ông là người viết sách. Ông khiêm tốn xưng mình là một anh em và bạn đồng chịu hoạn nạn vì Lời của Đức Chúa Trời và vì sự làm chứng về Đức Chúa Giêxu Christ. Hoàng đế Lamã Domitian đã đày ông ra nơi giam giữ tù nhân án nặng tại đảo nhỏ Patmos ở Địa Trung Hải trong cơn bách hại Hội Thánh vào khoảng cuối thế kỷ 1. Cơn bách hại lớn khởi đầu dưới triều đại Nero; hàng chục ngàn tín hữu bị đóng đinh và xử tử. Cả Phierơ và Phaolô đều bị giết vào thời kỳ nầy. Kế đến là cuộc bách hại dưới thời Domitian (AD 81-96), có khoảng hơn 40,000 tín hữu nữa bị giết vì đức tin của họ. Theo Eusebius, sử gia của Hội Thánh, thì Giăng lúc ấy đang làm giám mục tại Êphêsô đã bị luộc trong chảo dầu, nhưng ông chẳng bị tổn hại gì hết; cho nên Domitian đày ông ra giam giữ ở đảo Patmos. Chính nơi đây ông nhận được sự mặc thị và viết sách nầy.
Câu 10: Ngày của Chúa là lối nói của Hội Thánh thời ấy gọi ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật). Sự kiện được Đức Thánh Linh cảm hoá vào ngày của Chúa có thể có hai nghĩa. Một, nó có thể là sự mặc thị đến với Giăng vào Chúa Nhật, ngày Hội Thánh thời ấy cử hành tiệc thánh và dành riêng để nhóm lại thờ phượng Chúa (theo sử gia Tertullian cho biết gần 2 thế kỷ trước khi Constantine đại-đế quy đạo. Phái Cơ-đốc-phục-lâm dạy rằng sự đổi ngày thờ phượng Chúa do Constantine chủ xướng là không đúng). Nghĩa thứ hai theo Hivăn có thể dịch là “Tôi được Đức Thánh Linh đưa tới thời tận thế.” Ở đó Giăng được thấy mọi diễn tiến và ghi lại như thể ông thực sự có mặt trong những ngày ấy. Điều nầy có thể lấy ví dụ Đức Chúa Giêxu phán ở Mathiơ 16:28 “Quả thật Ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con Người ngự đến trong nước Ngài.” Vài ngày sau, Chúa đem Phierơ, Giacơ và Giăng lên núi rồi hoá hình cho họ thấy vinh quang của Ngài (Math.17:4). Nghĩa là các môn đồ được chuyển tới một thời tương lai để thấy vinh quang của Đức Chúa Giêxu. Rất có thể Giăng được Chúa đem đến thời tận thế để chứng kiến những việc sẽ diễn ra sau nầy.
Dù là ý nghĩa thứ nhất hay thứ nhì thì Giăng đã được chuyển vào linh giới để thấy những sự kiện diễn ra trong cõi linh. Tiếng nói như tiếng loa mà Giăng nghe cũng là âm thanh trong linh giới, không phải là âm thanh mà lỗ tai thể chất của loài người có thể nghe được. Chúng ta chỉ có thể nghe, thấy, ngửi, rờ được các âm thanh, vật, hay mùi trong cõi linh khi được Chúa cho phép chạm tới cõi linh. Câu 11: Tiếng ấy bảo Giăng rằng điều ông thấy hãy chép vào một quyển sách gửi cho bảy Hội Thánh. Tên của bảy Hội Thánh ấy là địa danh của bảy thành phố ở Tiểu Á (nay là Thổnhĩkỳ) có thứ tự nối tiếp nhau theo chiều quay của kim đồng hồ thành một hình tròn hơi có hình bầu dục. Như bài trước đã nói, số bảy tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn. Vì thời ấy đã có hàng trăm Hội Thánh ở vùng Thổnhĩkỳ, cho nên bảy Hội-Thánh ở đây là tiêu biểu cho 7 thời kỳ lịch sử của Hội Thánh kể từ ngày khai sinh vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Giê-xu đã về trời cho đến khi chấm dứt thời đại Hội Thánh. Khi nhìn lại lịch sử, người ta thấy tình trạng của 7 Hội Thánh chép ở hai đoạn 2, 3 hoàn toàn ăn khớp với bảy giai đoạn của lịch sử Hội Thánh chung kể từ thế hệ thứ nhì, tức là con cái của tín hữu thế hệ thứ nhất, cho đến tình trạng thời hiện tại của Hội Thánh ngày nay.
KhaiHuyen02.doc
Rev. Dr. CTB