Thời Tận Thế

Khải Huyền 3:7-13

Đức Chúa Giêxu gửi lá thư thứ sáu cho Hội Thánh tại Philađenphi, một thành phố nổi tiếng về rượu, cách Sạtđe khoảng 30 dặm về hướng đông nam. Thành phố nầy cũng đã bị sụp đổ trong trận động đất lớn vào năm 17 AD. Về sau Tibêriút đã xây dựng lại thành phố nầy. Hội Thánh tại đây tồn tại cho tới năm 1300 AD, khi người Thổ hồi giáo tràn đến phá huỷ nhà thờ, thành phố và tàn sát tất cả các Cơ-đốc-nhân tại đây. Những gì còn sót lại của thành phố cổ đại Philađenphi là đống đổ nát của một nhà nguyện Byzantine. – “Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Philađenphi rằng: Nầy là lời phán của Đấng Thánh, chân thật, là Đấng có chìa khóa của Đavít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được(7).  Đức Chúa Giêxu xuất hiện cho Hội Thánh Philađenphi trong tính cách một Đấng có bản tánh thánh khiết, lời Ngài luôn chân thật với bản tánh thánh khiết của Ngài. Ngài lại cầm chìa khóa của Đavít, là chìa đã mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được.

Chìa khóa của Đavít nghĩa là thẩm quyền cai trị trên tất cả các Hội Thánh. Với thẩm quyền ấy, Chúa đóng hoặc mở tùy ý Ngài, không ai có quyền ngăn trở. Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng làm Đầu của Hội Thánh vẫn thường bày tỏ ý muốn hoặc sự chỉ dẫn của Ngài qua việc đóng hoặc mở cửa, nghĩa là mở ra cơ hội để con dân Ngài bước vào hưởng các phước lành hoặc mở rộng sự truyền giáo, hay đóng lại để ngăn trở không cho con cái Ngài tiếp tục làm những việc đã thất bại. Mỗi con cái Chúa cần để ý kỹ lưỡng vấn đề nầy hầu cho có thể nắm bắt cơ hội thuận lợi hoặc rút lui để tránh thiệt hại nhiều mặt mà loài người không thấy trước nổi. Chúa vẫn thường hướng dẫn chúng ta bằng cách mở các cửa cơ hội, hoặc ngăn trở chúng ta bằng cách đóng mọi cánh cửa, bịt kín các ngõ đường chúng ta dự định tiến tới. Khi nào Chúa đóng một cửa nào đó, thì Ngài sẽ mở một cửa khác tốt hơn. Đừng bao giờ tìm cách cạy mở những cửa mà Chúa đã đóng. Hãy học biết chấp nhận những cửa đóng cũng như những cửa mở.

Ta biết công việc ngươi; nầy, Ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được; vì ngươi có ít năng lực mà đã giữ đạo Ta và chẳng chối Danh Ta“(8). Đây là lời khen của Chúa đối với một Hội Thánh ít về nhân số nhưng vững vàng về lòng trung thành đối với Ngài. Nếu người nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh nầy xem xét lịch sử thời đại được mệnh danh là Philađenphi, thì sẽ thấy con dân Chúa thuộc nhóm người trung tín với Chúa vào thời ấy phải đối phó với một thời kỳ mà hầu như mọi tổ chức giáo hội đều đã chối bỏ hoặc lãng quyên quyền phép của thập tự giá của Đức Chúa Giêxu, sự thần ứng của Kinh Thánh, quyền năng vô địch của huyết Chúa, thần tánh, sự sống lại, và sự tái lâm của Ngài. Để sống bằng một đức tin không bị lay chuyển và vững vàng giữ lấy đạo Chúa giữa một bối cảnh đen tối như thế thật không dễ dàng.

Philađenphi là Hội Thánh thứ nhì không bị khiển trách trong số bảy Hội Thánh nhận thư của Đức Chúa Giêxu gửi cho. Philađenphi có nghĩa là tình thương yêu huynh đệ. Thư nầy là thời kỳ từ năm 1750 tới 1905 AD của lịch sử Hội Thánh. Hội Thánh trong giai đoạn ấy truyền rao phúc âm bằng tình tương yêu thật của Chúa đối với những người đang lầm lạc, hư mất. Các giáo sĩ đã được gửi tới những nơi hẻo lánh trên khắp thế giới chưa được nghe đạo Chúa. Trong khoảng một thế kỷ rưỡi, Hội Thánh của Chúa đã được thấy lửa phấn hưng tràn qua các đại lục, xã hội bị rung chuyển và thức tỉnh. Tên của các sứ giả phấn hưng như George Whitefield, Jonathan Edwards, John Wesley, Charles Finney, Charles Spurgeon, và Dwight Moody, đã trở thành quen thuộc và hầu như bất tử. Các phong trào Methodist, Salvation Army, và Hội Thánh thanh sạch đều thành hình trong giai đoạn ấy. Các tổ chức truyền giáo được thành lập và hoạt động mạnh mẽ khắp thế giới. Tin Mừng truyền đến vùng Đông Nam Á cũng vào khoảng cuối của thời nầy. Chúa không quở trách một Hội Thánh biết truyền giáo. Những cuộc phục hưng bền bỉ của lịch sử Hội Thánh hiện đại đều mang đặc điểm chung là lấy truyền giáo làm mục tiêu chính; như đã thấy tại Trung Hoa và Argentina.

Về ý nghĩa tiên tri thì Philađenphi là Hội Thánh thật của Chúa vào thời tận thế, không phải là một hệ phái nào cả. Đó là những nhóm người không có nhiều năng lực hoặc ảnh hưởng mạnh trên Cơ-đốc-giáo nói chung. Họ chỉ là những người trung tín giữ Lời của Đức Chúa Trời, dạy dỗ con dân Chúa theo đúng những gì chép trong Kinh Thánh không thêm bớt, không suy diễn theo ý riêng hoặc a dua theo dư luận thời thế. Tính cách của họ là trung thành với đạo Chúa, không bao giờ chối bỏ Danh Ngài.

9-11Nầy Ta ban cho ngươi mấy kẻ trong những kẻ thuộc về hội quỷ satan, chúng nó xưng mình là người Giuđa mà kỳ thực không phải, nhưng chúng nó nói dối; nầy, Ta sẽ khiến chúng nó đến sấp mình xuống dưới chân ngươi, và sẽ cho chúng nó biết rằng Ta đã yêu ngươi. Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trong khắp thế gian để thử những người ở trên đất. Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi.” Giuđa là một chi tộc của dân Israel, dòng dõi của người được Chúa hứa sẽ ban phước là Ápraham. Nhưng khi họ cậy việc tuân theo luật pháp Môise để được xưng công nghĩa, chứ không phải cậy đức tin, thì họ không còn là người Israel thật. Galati 3:6-7 chép “Như Ápraham tin Đức Chúa Trời thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Ápraham. 9 Ấy vậy, ai tin thì nấy được phước với Ápraham là người có lòng tin.” Sẽ có ngày người Dothái nhận ra rằng tổ phụ của họ đã phạm sự sai lầm thê thảm nhất trong lịch sử dân tộc họ khi không nhận ra Đức Chúa Giêxu là Đấng Mếtsaia theo lời hứa.

Việc ấy sẽ xảy ra khi cơn đại nạn đổ xuống thế gian. Con người mà họ tung hô là Mếtsaia của mình hoá ra là tên Antichrist; khi tên nầy đứng trong đền thờ của họ được xây dựng lại, tự xưng là Đức Chúa Trời và buộc mọi người phải thờ lạy hắn, thì họ sẽ nhận ra rằng họ bị lừa bịp. Lúc ấy từng đoàn đông đảo trong người Dothái sẽ chạy đến với Đức Chúa Giêxu. Lúc ấy họ sẽ nhận ra chân lý về Hội Thánh và biết rằng Chúa yêu Hội Thánh của Ngài.

Thư nầy đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc Chúa hứa sẽ đưa Hội Thánh của Ngài thoát khỏi cơn đại nạn sẽ đổ xuống khắp thế gian. Điều nầy không có nghĩa là mọi giáo hội nào mang danh Chúa đều sẽ được cất đi, nhưng chỉ những người nào trung thành với lời Chúa, giữ vững niềm tin nơi Ngài, mặc cho người ta trêu chọc, châm biếm, công kích, ghét bỏ, sẽ khỏi phải trải qua cơn đại nạn. Đức Chúa Giêxu phán trong Luca 21:36Vậy hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người.” Ngài cũng khuyên Hội Thánh Philađenphi hãy giữ sự trung tín và truyền giáo là điều họ có, để cho không ai có thể cướp lấy mão triều thiên của họ.

12-13Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời Ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; Ta lại sẽ lấy Danh Đức Chúa Trời Ta, danh của thành Đức Chúa Trời Ta, là Giêru -salem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời Ta mà xuống, cùng danh mới Ta, mà viết lên trên người. Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh.” Lời hứa được làm trụ trong đền Đức Chúa Trời, nhận được danh Đức Chúa Trời, danh Giêrusalem mới, và Danh mới của Đức Chúa Giêxu, đều có nghĩa là được ở cạnh bên Đức Chúa Trời mãi mãi. Ngày nay chúng ta hãy khuyên giục nhau về lòng trung thành đối với Chúa; mà biểu hiện minh bạch nhất là phải có tinh thần rao truyền phúc âm cho người đang hư vong. Đừng sợ loài người, cững đừng sợ ma quỷ. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời để nhận được lời khen mà không có một lời quở trách. A-men.

KhaiHuyen09.doc

Rev. Dr. CTB