Thời Tận Thế
Khải Huyền 4:1
Đức Chúa Giêxu đã đưa ra bảy ẩn dụ về nước thiên đàng trong Mathiơ 13 khi Ngài dạy dỗ cho đoàn dân và các môn đồ của Ngài. Trong đó chỉ có ba ẩn dụ được Chúa giải nghĩa cho môn đồ, còn 4 ẩn dụ kia thì không thấy giải thích. Các nhà thần học nhận ra ý nghĩa của bảy ẩn dụ ấy đi song song với bảy thư mà Chúa gửi cho bảy Hội Thánh. Đầu tiên là ẩn dụ về gieo giống (3-9) trùng hợp với giai đoạn truyền giáo huy hoàng của Hội Thánh Êphêsô. Tiếp theo là ẩn dụ về lúa mì với cỏ lùng (24-30) áp dụng cho giai đoạn Hội Thánh Simiệcnơ làm tiêu biểu, lúc những hột giống gian ác đầu tiên gieo vào giữa lúa mì thật, gây ra thời kỳ Hội Thánh bị bách hại. Kế đến là ẩn dụ về hột cải (31-32) nói về sự phát triển rất bất thường của Hội Thánh vào thời kỳ Bẹtgăm, một giáo hội được nhà nước của Constantine đại đế đỡ đầu. Sau đó là ẩn dụ về men (33), nêu lên thời đại bại hoại mà tiêu biểu là Hội Thánh Thiatirơ, khi chất men giáo lý sai trật đi theo sự hành đạo lầm lạc pha trộn sự mê tín dị đoan của ngoại giáo vào sự dạy dỗ của Hội Thánh; khi nào men được nhắc đến trong Kinh Thánh đều tượng trưng cho sự ác.
Kế tiếp là ẩn dụ về kho báu giấu trong ruộng (44) trùng hợp với giai đoạn Hội Thánh Sạtđe của giáo hội cải cách, nghĩa là vào thời kho tàng chân lý ‘được xưng công nghĩa bởi đức tin‘ bị giấu kín hơn một ngàn năm được tái khám phá, và Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi cho mọi người; đặc biệt là sự tái khám phá về chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời cho quốc gia Israel cũng diễn ra vào giai đoạn nầy. Tiếp theo là ẩn dụ về viên ngọc vô giá (45-46) nói tiên tri về Hội Thánh Philađenphi, Hội Thánh thật của Đức Chúa Giêxu Christ. Cuối cùng là ẩn dụ về lưới cá (47-50), hình ảnh sự phán xét của Đức Chúa Trời vào ngày tận thế, khi Ngài phân chia người được cứu ra khỏi kẻ bị hư vong, giai đoạn cuối của thời đại Hội Thánh là thời kỳ mô tả trong thư của Đức Chúa Giêxu Christ gửi cho Hội Thánh Laođixê.
Nhìn vào toàn cảnh của Hội Thánh chung hiện nay trên thế giới nói chung và các Hội Thánh Việt Nam nói riêng, không ai chối cãi được tình trạng bạc nhược, nguội lạnh, và thờ ơ của đa số những người xưng là tín hữu. Đây là hiện trạng không giấu được mắt người thì cũng không thể giấu khỏi mắt Chúa. Hiện trạng nầy tượng trưng cho tình trạng của thời đại Hội Thánh Laođixê. Đức Chúa Giêxu không còn bước đi giữa các Hội Thánh, mà đã bị đẩy ra ngoài. Đoạn thứ 3 của sách Khải Huyền chấm dứt bằng hình ảnh Đức Chúa Giêxu đứng ngoài cửa mà gõ. Nhưng đoạn 4 bắt đầu bằng một cái cửa mở ra trên trời để đem Hội Thánh lên. Như vậy thư gửi cho Laođixê báo hiệu sự chấm dứt thời đại Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ trên mặt đất. Khi lòng bội đạo và đức tin hâm hẩm lan tràn trong các giáo hội và hệ phái, thì ấy là dấu hiệu kỳ Chúa trở lại đem Hội Thánh của Ngài đi khỏi thế gian.
Có một số người chế giễu ý tưởng hoặc khái niệm về việc Hội Thánh được đem đi (rapture). Họ nói rằng chữ đó không có trong Kinh Thánh. Thế nhưng trong 1Têsalônica 4:17, ông Phaolô nói về việc con cái Chúa ‘được cất lên.’ Chữ Hilạp là ‘harpazo‘ có nguyên nghĩa là ‘bị giật đi‘ hoặc ‘bị tóm đi cách mạnh bạo.’ Bản Kinh thánh Vulgate bằng tiếng Latinh dịch là ‘rapare‘ hay ‘raptus,’ được dịch sang tiếng Anh là ‘rapt‘ và ‘rapture.’ Cho nên, đây không phải là một khái niệm bịa đặt. Như vậy ‘được cất đi‘ là nói về lúc Đức Chúa Giê -xu giằng lấy Hội Thánh Ngài ra khỏi thế gian. Để có thể hiểu rõ biến cố nầy, chúng ta cần phân biệt sự khác nhau tách bạch giữa biến cố Chúa đến để đem Hội Thánh của Ngài đi, với sự kiện Chúa trở lại thế gian lần thứ nhì có Hội Thánh của Ngài theo sau. Một số câu Kinh Thánh tiết lộ rõ ràng việc nầy.
“Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng tất cả đều sẽ biến hoá, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta sẽ đều biến hoá.” (1Côr.15:51-52) “…chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta mong đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Giêxu Christ, Ngài sẽ biến hoá thân thể hèn mạt chúng ta ra giống thân thể vinh hiển Ngài …” (Philíp 3:20-21) “Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết” (1Côr.15:53). Nhưng ngày Chúa trở lại xét đoán thế gian, thì Ngài hiện ra và mọi mắt đều trông thấy. Đi theo sau Ngài là Hội Thánh mà Ngài đã đem đi khỏi thế gian trước cơn đại nạn. “Kìa Chúa đến với muôn vàn thánh.” (Giuđe 14). “Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cưỡi ngựa bạch theo Ngài.” (Khải 19:14). Những câu Kinh Thánh trên cho thấy hai sự kiện diễn ra khác nhau. Nếu Hội Thánh không được đem đi mà phải chịu chung cơn đại nạn với người tội lỗi và không tin, thì chắc không có các đạo quân đi theo Đức Chúa Giêxu để cùng Ngài trở lại đoán phạt và cai trị thế gian (các thiên sứ không có nhiệm vụ ấy).
Có câu hỏi rằng: ‘Khi nào thì Hội Thánh sẽ được cất đi khỏi thế gian?’ Như chúng ta đã biết sách Khải Huyền được chia ra làm 3 phần: 1) Những điều ngươi đã thấy (đoạn 1), 2) Những điều nay hiện có (đoạn 2 và 3); và 3) Những điều sau sẽ đến. Đoạn 4 mở đầu bằng 2 chữ “Kế đó” có nghĩa là bắt đầu cho một phần khác. Chữ meta tauta được dịch là ‘sau việc ấy.’ Sau việc gì? Ở hai đoạn 2 và 3 Chúa nói về thời đại Hội Thánh; vậy ‘sau việc ấy‘ nghĩa là sau khi kết thúc thời đại Hội Thánh thì Giăng nhìn xem và thấy: “nầy một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến.” Sứ đồ Giăng là một thành viên, đại diện cho Hội Thánh thật của Chúa, được gọi lên trời từ dưới đất. Đây là biểu tượng của sự kiện Hội Thánh được cất lên, được rước đi vào giai đoạn cuối của thời kỳ Laođixê, lúc Hội Thánh đã trở nên hâm hẩm và cửa lòng của nhiều người đã đóng lại đối với sứ điệp của Đức Chúa Giêxu.
Đức Chúa Giêxu phán với các môn đồ trong Luca 21:28 “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải cứu của các ngươi gần tới.” Hiện nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà tình trạng tâm linh nguội lạnh, bạc nhược, thờ ơ; đức tin hâm hẩm đang tràn lan trong khắp các Hội Thánh; địa vị trung tâm của Đức Chúa Giêxu bị chối bỏ; Ngài không còn bước đi giữa các chân đèn vàng. Đồng thời, các hiện tượng thời đại về thiên tai, chiến tranh, tội lỗi lan tràn, các sứ giả của satan đang hoạt động cật lực trong chính quyền và xã hội, làm cho lòng người ly tán, đạo đức suy đồi, vv… Khi chúng ta nghe tin tức thời sự về nhiều biến động xảy ra trên thế giới, chúng ta tự hỏi tại sao thời đại nầy lại có những tội ác mà bao đời trước không ai dám nghĩ tới? Hãy nhớ rằng lúc tình trạng tội lỗi đã đến mức tuyệt vọng, thì ấy là lúc con dân Chúa hãy ngước đầu lên trông đợi Ngài, để thấy cửa trên trời mở ra; rồi nghe tiếng Chúa phán cùng chúng ta rằng “Hãy lên đây!” Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà cửa trời đã mở ra và tuôn xuống các vật quý mà chúng ta đang có trong tay như hiện nay. Việc nầy cho thấy ngày ấy đã rất gần.
Giăng là sứ đồ cuối cùng còn sống. Ông được xem như đại biểu của Hội Thánh, đại diện cho mọi tín hữu chân chính được Chúa gọi ‘hãy lên đây!‘ Ngay tức khắc Chúa Thánh Linh biến hoá ông lên thiên đàng. Ông nhìn thấy Đức Chúa Trời trên ngai của Ngài. Sự kiện nầy là biểu tượng và bằng chứng về việc Hội Thánh sẽ được cất lên. Việc xảy ra trong nháy mắt, Giăng thấy mình đang ở thiên đàng. Lúc chúng ta, là Hội Thánh, được cất lên cũng sẽ y như vậy. Giăng không nói cái cửa trên trời mở ra rồi ông mới nhìn lên. Ông nói rằng ông nhìn lên thì thấy cái cửa trên trời mở ra. Hêb. 9:28 chép “… Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.” Có ai tự xưng là tín hữu chân chính mà không trông đợi sự trở lại của Chúa chăng? Có ai trong chúng ta vì quá yêu của cải trần gian hoặc sợ mình bị trừng phạt mà không dám trông mong Chúa trở lại chăng? Hãy trông đợi để thấy cửa trời mở ra gọi ta lên thiên đàng. A-men.
KhaiHuyen11.doc
Rev. Dr. CTB