Dân-số-ký, bài 05

Dân-số-ký 10:1–36

Đức Chúa Trời ra lệnh cho Môi-se làm hai cây kèn bằng bạc dát mỏng (nguyên tác là làm ra từ một thỏi bạc nguyên). Kèn ống loa thon nhỏ, dài và thẳng, khác với hình thức kèn tù-và shofar làm bằng sừng ống dài và xoắn của chiên đực già.

Người ta thường so sánh kèn loa nầy với chiếc kèn trên khải hoàn môn chiến thắng của tướng Titus ở La-mã. Tiếng Hebrew gọi là Khatsoserah. Công dụng của kèn là “để triệu tập hội chúng cũng như truyền lệnh cho các trại quân ra đi” (1–2).

Có lẽ lúc ấy chỉ cần hai cây kèn vì chỉ có hai thầy tế lễ. (Vào lễ khánh thành Đền Thờ thời vua Solomon thì đã có thêm nhiều kèn, vì lúc ấy đã có thêm nhiều thầy tế lễ [2Sử-ký 5:12]). Hơn nữa, tiếng của hai cây kèn cũng đủ vang vọng không gian tĩnh mịch của hoang mạc Si-na-i.

Khi nào trại quân nghe tiếng hai kèn cùng thổi, thì toàn thể hội chúng phải tập họp trước Lều Hội Kiến. Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môi-se cách dùng tiếng kèn tạo ra các hiệu lệnh khác nhau để chỉ huy một đoàn dân đông ô hợp thành một đội quân có trật tự (3–7).

Cho nên, đội quân Israel sẽ phân biệt được những hiệu lệnh chỉ huy khi nghe tiếng kèn và cách thổi kèn của hai thầy tế lễ. Quy định vĩnh viễn từ Chúa cho Israel là chỉ các thầy tế lễ mới có nhiệm vụ thổi kèn ra hiệu lệnh cho quân đội Israel và trong các nghi lễ thờ phượng về sau (8–10).

Kèn tiếng vang là tiếng kèn dài và tiếng lớn. Kèn thúc quân thổi tiếng vang nhưng đứt quãng rất ngắn và cứ thổi liên tục như thế khi trận đánh đang diễn ra để thúc giục tinh thần hăng hái tiến lên của quân sĩ. Tiếng kèn trong các lễ thờ phượng giúp hội chúng nhớ lại rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ.

Israel đến chân núi Si-na-i vào tháng ba của năm trước (Xuất Ai-cập 19:1). Họ đã ở đó được mười một tháng cộng mười chín ngày, thì đám mây cất lên khỏi mái Đền Tạm vào ngày hai mươi tháng Hai của năm thứ nhì.

Đền Tạm được dựng và khánh thành từ ngày một tháng Giêng, nghĩa là đám mây vinh quang ngự trên Đền Tạm chưa được hai tháng thì dân Israel phải nhổ trại lên đường về đất hứa (11).

Từ hoang mạc Si-nai, dân Israel ra đi từng chặng cho đến khi đám mây dừng lại tại hoang mạc Paran. Đây là lần thứ nhất dân Israel ra đi theo lệnh Đức Giê-hô va đã truyền qua Môi-se” (12–13).

Theo sự tường thuật ở câu 33 thì dân Israel phải đi ba ngày đường trong chuyến khởi hành nầy. Họ chẳng thể đi không nghỉ suốt ba ngày đường, nên phải đi từ chặng nầy đến chặng khác, nghĩa là có nghỉ dọc đường để ăn uống, nhưng không hạ trại.

Trại quân Giu-đa đi tiên phong cùng với các trại quân của Y-sa-ca và Sa-bu-lôn theo thứ tự đi kế tiếp (14–16). Kế đó là người của gia tộc Ghẹt-sôn và gia tộc Mê-ra-ri khiêng vác và chuyên chở Đền Tạm đi tiếp theo, vì Đền Tạm đã được tháo dỡ và xếp sẵn trên sáu chiếc xe kiệu rồi (17).

Sau hai gia tộc Lê-vi chuyên chở và di chuyển Đền Tạm là trại quân của các chi tộc Ru-bên, Si-mê-ôn và Gát sẽ lên đường. Họ giữ an ninh phía sau Đền Tạm và phía trước gia tộc người Lê-vi, là Kê-hát, khiêng vác các vật thánh (18–21). Họ phải đi cách quãng như vậy để khi đến chỗ dừng chân, hạ trại, thì nhóm đi trước đã dựng Đền Tạm xong rồi (21).

Bảo vệ phía sau đội Lê-vi khiêng các vật thánh là trại quân của các chi tộc Ép-ra-im, Ma-na-se và Bên-gia-min (22–24).

Người ta tin rằng nhóm người bị cách ly vì bị bệnh hoặc bị ô uế sẽ được đi theo sau trại quân Bên-gia-min một quãng xa, chen vào sau phần cuối của chi tộc Bên-gia-min và trước đoàn quân của các chi tộc Đan, A-se và Nép-ta-li sẽ đi đoạn hậu (25–28).

Đây là lần đầu tiên Israel ra đi theo đội ngũ chỉnh tề có đem theo Đền Tạm Thánh thờ kính Đức Chúa Trời. Mỗi chi tộc đi dưới lá cờ của trại quân mình. Đó là hình ảnh rất oai hùng của tuyển dân Đức Chúa Trời. Các chiến sĩ thì đi với trại quân của chi tộc mình nhưng cũng bảo vệ cả gia đình đang đi theo mình nữa.

Độc giả của Kinh Cựu-ước thời nay không thể mường tượng nổi những sự nhiêu khê và khổ sở trong mỗi lần di chuyển của Israel. Họ đã được nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi ở hoang mạc Si-na-i gần một năm trời, để quen với nếp sống tạm bợ trong lều, vì họ sẽ phải di chuyển thường xuyên.

Dù Israel có Thiên sứ của Đức Chúa Trời trong trụ mây dẫn dường đi trước, nhưng Môi-se vẫn thấy cần có một người hướng đạo thông thuộc đường lối và cách mưu sinh ở sa mạc nên đã cố gắng thuyết phục Hô-báp, anh vợ mình, là con trai của Rê-u-ên, người Ma-đi-an cũng gọi là dân Kê-nít, đồng đi với Israel đến vùng đất Chúa đã hứa ban cho.

Mới đầu Hô-báp từ chối vì sợ phải theo đuổi một hi vọng mong manh (29–30). Nhưng sau khi Môi-se nằn nì thuyết phục, ông đã bằng lòng đi theo để được chia sẻ mọi ơn lành (31–32).

Trong chi tiết nhỏ nhặt ít người để ý và thường bị bỏ qua nầy, ít nữa chúng ta cũng tìm được vài điều cho đức tin mình: Cuộc phiêu lưu của đức tin, đời sống đức tin và phần thưởng cho đức tin của Hô-báp, người Kê-nít và dòng dõi.

Các phần trước của Kinh thánh không có chỗ nào đề cập tới Hô-báp. Người ta không biết có phải Hô-báp theo cha, là Giê-trô, đến thăm vợ chồng Môi-se và các con rồi ở lại với Israel, hay là trên đường đi thì Israel đi ngang qua khu vực có người Kê-nít sinh sống, mà trước đây Môi-se đã từng đi chăn chiên cho cha vợ mình trong bốn mươi năm, nên gặp lại Hô-báp.

Đi theo dẫn đường chỉ lối cho Israel là một cuộc phiêu lưu vô định. Nhưng Hô-báp tin lời hứa của Đức Chúa Trời từ Môi-se truyền lại. Thay vì trở về với quê hương và hàng xóm thân quen, Hô-báp đã chọn một lối đi cao trọng hơn, chọn một đời sống đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời quyền năng vĩ đại; ông quay lưng với quá khứ, bước vào một đời sống mới dựa trên đức tin.

Vào cuối cuộc hành trình, người hứa lời phước lành cho Hô-báp là Môi-se đã không được vào đất hứa; có lẽ Hô-báp cũng qua đời trong hoang mạc, nhưng dòng dõi Kê-nít của ông đã được vào đất hứa và hưởng phước lành. Nhờ công trạng đó, về sau, họ được vua Sau lơ khuyến cáo tránh xa dân Amalek để không bị tiêu diệt chung với dân ấy (1Samuel 15:6).

Vậy, dân Israel khởi hành từ núi Đức Giê-hô-va trong ba ngày đường. Rương Giao-Ước của Đức Giê-hô-va đi trước dân chúng trong ba ngày đường để tìm cho họ một nơi an nghỉ” (33).

Gia tộc Kê-hát khiêng các vật thánh, trong đó có Rương-Giao-Ước, đi ở ngay chính giữa đoàn quân. Những người đi trước không thể thấy các người Lê-vi khiêng Rương Giao-Ước, những người đi phía sau cũng chẳng thấy được; cho nên, chúng ta phải hiểu hai chữ “đi trước” để dẫn đường thì không phải là Rương-Giao-Ước, mà là trụ mây ngự trên Rương.

Rất có thể trụ mây vươn cao lên, trải rộng ra che sức nóng của nắng cháy hoang mạc cho cả đoàn dân. Phần đầu của trụ mây đi tới đâu thì đoàn quân tiên phong Giu-đa đi theo tới đó. Vì đám mây của Đức Giêhôva ở trên họ (34).

Cụm chữ “để tìm cho họ một nơi an nghỉ” thì rõ ràng không thể là nghĩa đen. Vì trụ mây trên cao thấy bao quát hết khu vực; hơn nữa, Thiên sứ của Chúa đâu cần phải tìm, vì Ngài biết hết rồi.

Thế thì, chỗ nầy có nghĩa là trụ mây dẫn họ đi từ chỗ tạm dừng chân để ăn uống và nghỉ đêm nầy tới chỗ tạm dừng chân khác, trước khi họ sẽ đến chỗ hạ trại để nghỉ ngơi một thời gian, hồi phục sức khoẻ, chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp.

Khi Rương-Giao-Ước di chuyển thì Môi-se nói rằng: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, xin trỗi dậy để các kẻ thù Ngài tản lạc, và kẻ nào ghét Ngài chạy trốn trước mặt Ngài!’ Khi Rương Giao-Ước dừng lại thì Môi-se nói rằng: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, xin trở lại với muôn vàn con dân Israel!” (35–36).

Điều rất rõ là các lời Môi-se nói ở trên là Israel cầu nguyện với Chúa khi bắt đầu và khi kết thúc một chuyến đi. Đây là một gương sáng chói cho chúng ta bây giờ noi theo. Dù cảnh ngộ từng lúc của từng người có khác nhau, nhưng các lời cầu nguyện cổ xưa bất tử không bao giờ cũ mòn cả.

Vào mỗi lúc bắt đầu một ngày mới hay một nỗ lực mới, và tới lúc kết thúc công việc hay một ngày, lời cầu nguyện nầy giúp chúng ta biết cầu xin sự hiện diện thiêng liêng của Chúa bảo vệ và che phủ chúng ta, để mọi kẻ thù phải chạy trốn, mọi âm mưu hãm hại con dân Chúa phải thất bại, mọi sự cám dỗ phải tránh xa, và mọi điều chúng ta làm đều được ban phước dồi dào.

Nhớ rõ chi tiết nầy để áp dụng mỗi ngày. Hãy xin sự hiện diện của Chúa luôn ở với mình để chúng ta có thể làm gương sáng, làm chứng nhân có hiệu quả cho Chúa qua nếp sống hàng ngày của mình.

Dansoky05.docx
Rev. Dr. CTB