Lê-vi-ký, bài 1

Nhóm bảy mươi hai học giả Do-thái, những người được vua Ai-cập gốc Hy-lạp Ptolemy II Philadelphus nhờ dịch Ngũ-kinh của Môi-se từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, đã đặt tên cho sách thứ ba của bộ Ngũ-kinh là Lê-vi-ký; có nghĩa là liên quan tới chi tộc Lê-vi.

Đề tựa trong tiếng Hê-bơ-rơ của sách nầy là “Wayyiqra,” chữ Hê-bơ-rơ đầu tiên của sách. Chữ ấy có nghĩa là “Và Ngài gọi” (1:1).

Sở dĩ sách được đặt tên là Lê-vi-ký, vì sách được viết chú trọng về các việc thờ phượng Đức Chúa Trời ở Đền Tạm; mà những người được chỉ định thực hiện các bổn phận thờ phượng đó là những thầy tế lễ, các con trai của A-rôn, được sự giúp sức và hỗ trợ bởi toàn thể chi tộc Lê-vi.

Sách Xuất Ai-cập viết về lịch sử cuộc ra đi của người Do-thái, dòng dõi trực tiếp từ Gia-cốp, người được xem là cháu nội đích tôn của tổ phụ Áp-ra-ham, ra khỏi phận làm nô lệ cho người Ai cập suốt bốn trăm năm.

Sau khi dân Israel tới được chân núi Si-nai-i và đóng trại tại đó, thì phần lớn còn lại của sách ghi chép những sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về việc thiết lập Đền Thờ tạm có thể tháo ráp cách dễ dàng, để dùng vào cuộc thờ phượng Ngài trong thời gian Israel di chuyển trong hoang mạc về đất hứa ở xứ Ca-na-an.

Bây giờ, sách Lê-vi-ký ban luật pháp và các luật lệ về thờ phượng. Những luật lệ ấy chỉ dẫn các lễ nghi về sự thanh sạch, các luật về đạo đức, các ngày lễ, năm Sa-bát và năm Hân-hỉ.

Thật ra, phần lớn các luật lệ ghi trong Lê-vi-ký đã được ban truyền vào năm Israel đóng trại ở chân núi Sinaii, lúc Đức Chúa Trời truyền bảo Môi-se tổ chức cuộc thờ phượng, việc cai trị và lực lượng quân đội của Israel.

Tuy nhiên, Môi-se dành riêng sách Lê-vi-ký để ghi chép lại những luật lệ Chúa truyền bảo cho ông thành một hệ thống luật lệ.

Ý tưởng then chốt của sách Lê-vi-ký là sự thánh khiết (11:44). Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và của loài người, trong đó loài người phải biết kính sợ Đức Chúa Trời bằng sự thánh khiết.

Trong Lê-vi-ký, sự thánh khiết tâm linh thì được biểu tượng hóa bằng sự hoàn hảo thể chất. Cho nên, tất cả các loại sinh tế đều được đòi hỏi phải hoàn hảo (từ đoạn 1 tới 7). Các thầy tế lễ thì không được có tật nguyền hay dị hình (21:17–20); việc đàn bà bị hậu sản (12); phong hủi và vết mốc trong nhà (13–14); đàn ông bị ô uế do di tinh và đàn bà bị ô uế vì kinh nguyệt (15).

Tất cả các hình thức bị tì vết (không hoàn hảo) có thể tiêu biểu cho những khiếm khuyết tâm linh của người, khiến người đó bị mất sự hoàn hảo trong tâm linh. Cho nên, những người bị bệnh rõ ràng ngoài da thì bị không được ở trong trại, là nơi có sự hiện diện đặc biệt của Chúa; họ phải bị đuổi ra bên ngoài trại quân.

Họ chỉ được trở vào trong trại sau khi được thầy tế lễ khám xét và chứng nhận các vết ngoài da đã hết hay được lành. Nhưng trước khi trở vào trại, người bệnh phải được thầy tế lễ ra tận nơi làm lễ thanh tẩy.

Sau đó người ấy phải giặt quần áo, cạo sạch tóc lông, tắm trong nước, ở lại bên ngoài trại quân bảy ngày rồi mới được vào trại dâng một tế lễ toàn hảo bằng hai con chiên đực và một con chiên cái, được thầy tế lễ lấy máu sinh tế bôi lên trái tai phải, ngón cái tay phải và ngón cái chân phải. Lễ thanh tẩy nhiêu khê ấy tiêu biểu cho sự thánh khiết.

Sau khi thiết lập giao ước với Chúa tại núi Sinaii, dân Israel đã trở thành đại biểu cho Vương quốc của Đức Chúa Trời trên thế gian (một chế độ thần quyền). Và vì Chúa là Vua của họ, Ngài thiết lập quyền cai trị trên mọi mặt đời sống của Israel.

Từ nếp sống tín ngưỡng, cộng đồng và cá nhân đều phải theo luật lệ để họ được trở thành dân thánh của Đức Chúa Trời và được chỉ dẫn về sự thánh khiết. Các lễ nghi tôn giáo được quy định chặt chẽ. Những món tế lễ phải được dâng lên tại một đền thờ thánh được Chúa chuẩn thuận, do các thầy tế lễ thực hiện.

Đền Thờ Thánh là biểu tượng về sự thánh khiết và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Nhiệm vụ của các thầy tế lễ là phải coi sóc và cẩn thận dạy dỗ dân chúng về ý nghĩa của sự thanh sạch. Mỗi một món tế lễ đều mang biểu tượng tâm linh và có ý nghĩa riêng rõ ràng đối với dân Israel.

Ví dụ như cuộc tế lễ trong ngày đại lễ chuộc tội, thì A-rôn phải mặc toàn thể bộ lễ phục của thầy tế lễ thượng phẩm, kể cả quần áo lót và mũ đội trên đầu. Ông phải dâng một con bò đực tơ làm tế lễ chuộc tội và một con chiên đực làm tế lễ thiêu.

A-rôn cũng nhận từ hội chúng Israel hai con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội và một con chiên đực làm tế lễ thiêu. Con bò thì A-rôn dùng làm tế lễ chuộc tội cho ông và cho nhà ông. Hai con dê thì A-rôn phải bắt thăm chọn, một thăm thuộc về Đức Giê-hô-va, một thăm thuộc về Azazel. Con dê thuộc về Đức Giê-hô-va sẽ dâng lên làm tế lễ chuộc tội. “Còn con dê thuộc về Azazel sẽ dâng sống trước mặt Đức Giê-hô-va để làm lễ chuộc tội trên nó rồi thả vào hoang mạc cho Azazel” (16:3–10). Chúng ta sẽ tìm hiểu về Azazel khi nghiên cứu tới phần nầy.

Các lời phán dặn của Đức Chúa Trời cho Môi-se về các luật lệ tế lễ, thì đã được ông truyền đạt lại cho A-rôn và các con trai của người. Sau khi A-rôn dâng tế lễ và được Đức Chúa Trời vui đáp bằng “một ngọn lửa phát ra từ trước mặt Đức Giê-hô-va thiêu hủy tế lễ thiêu và mỡ trên bàn thờ. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng reo mừng và cúi rạp xuống đất” (9:24).

Quá hào hứng, Na-đáp và A-bi-hu, hai con trai cả của A-rôn bèn tự ý “dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va, là điều Ngài không phán dạy họ. Một ngọn lửa phát ra từ trước mặt Đức Giê-hô-va thiêu nuốt họ; họ chết trước mặt Đức Giê-hô-va” (10:1–2). Đức Chúa Trời dùng điều đó dạy A-rôn biết tôn trọng Nơi Chí Thánh.

Vì Chúa phán với Môi-se: “Con hãy nói với A-rôn, anh con, rằng không phải lúc nào cũng có thể vào Nơi Chí Thánh ở phía trong bức màn, trước nắp thi ân đặt trên Rương Giao Ước được đâu; nếu bất tuân sẽ phải chết, vì Ta hiện ra trong đám mây trên nắp thi ân” (16:2).

Tất cả các luật lệ về nghi lễ trong sách Lê-vi-ký đều tập trung về việc dạy dỗ dân Israel phải nhận biết rằng Đức Chúa Trời là một Đấng thánh khiết. Họ phải biết sự thánh khiết của Ngài qua ý nghĩa của từng nghi lễ mà Ngài truyền dạy cho Môi-se.

Sách Lê-vi-ký giúp cho người đọc thấy Đức Chúa Trời vượt hẳn các thứ thần mà loài người thờ kính. Sự thánh khiết là một ý niệm hoàn toàn mới và xa lạ đối với người chưa biết Chúa; bởi vì những sự đúc kết về luân lý, đạo đức của một số vị hiền triết đời xưa, dù vượt xa hơn cách suy nghĩ tầm thường của người trần thế, vẫn là quá thấp kém so với sự thánh khiết mà Đức Chúa Trời giới thiệu cho tuyển dân Israel của Ngài qua sách Lê-vi-ký nầy.

Chẳng những thế, mỗi một hình thức lễ nghi trong các cuộc tế lễ thờ phượng của thời ấy đều là biểu tượng tâm linh về các hình thức thờ phượng, mà Hội-thánh phải học hiểu để áp dụng ngày nay.

Nếu chúng ta học rồi hiểu lịch sử dân tộc Israel từ thời tổ phụ Áp-ra-ham của họ tới ngày họ được giải thoát ra khỏi kiếp làm nô lệ trong xứ Ai-cập, rồi đoạn đường bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc, tới khi vào chiếm đất hứa và cư ngụ ở đó nhiều thế kỷ qua nhiều đời thẩm phán, chúng ta sẽ thấy lịch sử của họ là hình ảnh hết sức chính xác của tất cả Cơ-đốc-nhân từ thời khởi đầu Hội-thánh Tân Ước cho đến nay và cả trong tương lai nữa. Trong khi đó, những nghi lễ chép trong sách Lê-vi-ký tiêu biểu cho tính chất thánh khiết của công cuộc thờ kính Đức Chúa Trời.

Mặc dù Hội-thánh của Chúa đời nay không còn áp dụng các nghi thức tế lễ dùng các con thú hi sinh nữa, bởi vì Đức Chúa Giêxu đã hoàn thành tất cả các điều kiện đòi hỏi của luật pháp thiên đàng để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, chúng ta vẫn phải nghiên cứu sách nầy để hiểu biết các ý nghĩa hình bóng áp dụng cho nếp sống hàng ngày thờ kính Chúa của chúng ta. Trong đó có vài sự nghiêm cấm đã được Hội-thánh thời Tân Ước tiếp tục duy trì (Công vụ 15: 20, 29).

Thánh khiết là một thuộc tính không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời; cho nên, những gì Ngài nhờm tởm thời xưa thì hiện nay Ngài vẫn còn vĩnh viễn nhờm tởm. Vì thế, khi con cái Chúa biết cách tránh những điều mà Chúa nhờm tởm thì vô cùng ích lợi hơn người không biết.

Chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu sơ lược sách Lê-vi-ký trong thời gian tới. Nhưng sẽ dừng lại ở những chỗ chúng ta cần nghiên cứu kỹ một số điểm quan trọng, rồi lại tiếp tục tới hết sách.

Leviky01.docx
Rev. Dr. CTB