Phục Truyền Luật Lệ, bài 38
Phục Truyền 33:12–17
Benjamin là con trai út của Jacob, con trai thứ nhì của người vợ mà Jacob vô cùng yêu quý là Rachel. Vì Joseph, anh cùng mẹ với Benjamin đã mất tích nên Benjamin được cha yêu thương hơn tất cả con cái còn lại.
Tuy nhiên, ý nghĩa ẩn sâu trong lời chúc phước của Môi-se cho Benjamin không phải chỉ nhằm vào chi tộc Benjamin, mà mọi nhà nghiên cứu Kinh thánh đều đồng ý rằng lời chúc phước nhắm vào vùng đất sẽ dành cho chi tộc Banjamin nhiều hơn, vì đó là nơi sẽ được Đức Chúa Trời chọn giữa các chi tộc Israel để đặt Đền Thờ làm nơi ngự của Ngài, tức là thành Jerusalem (12).
Lịch sử của chi tộc Benjamin vào thời các quan xét chứng minh quan điểm nầy đúng hơn là nghĩa đen tin rằng chi tộc Benjamin được Chúa yêu mến và che chở suốt đời.
Chi tiết nầy cũng có thể là nghĩa bóng áp dụng cho câu chuyện Jacob không cho các anh của Benjamin đem ông ra khỏi nhà để trình diện tể tướng Ai-cập hầu cho được mua lúa về nuôi cả nhà đang sắp chết đói.
Khi dân Israel còn trung thành với Chúa, Ngài vẫn yêu mến và bảo vệ Jerusalem trong vùng đất của Benjamin. Lúc mười chi tộc Israel phía bắc chống lại vua Rô-bô-am, cháu nội của David, tức là từ chối sự cai trị của dòng họ David, sau đó phản nghịch cả Đức Chúa Trời, thì Benjamin vẫn trung thành với Giuđa, vì Chúa đã đặt nơi ngự của Ngài giữa Benjamin “Chúa che chở người suốt đời, và ngự giữa núi đồi của người.”
Môise đặt Benjamin ngay sau Lêvi và trước Joseph, vì Lêvi là những người sẽ phục vụ tại Đền Thờ. Hơn nữa, danh giá của Jerusalem vượt cao hơn hẳn Samari thuộc đất của chi tộc Épraim, nên Benjamin được nhắc tới trước các con của Joseph.
Vấn đề vị trí thành Jerusalem nằm trên đất của Benjamin đã làm cho nhiều người bối rối, vì núi Sion sát với Jerusalem là đất thuộc chi tộc Giu-đa; còn Đền Thờ lại tượng trưng cho Jerusalem; sở dĩ người ta bối rối vì ít người biết Đền thờ nằm trên đỉnh Môria thuộc về đất của Benjamin.
Nói tới Joseph là nói về dòng dõi hai con trai của ông là Épraim và Manase. Lời chúc phước dài nhất của Jacob dành cho các con mình là lời chúc phước cho Joseph.
Rashi, học giả người Do thái, có nhận xét rằng lời chúc phước của Môi-se cho tất cả các chi tộc đều bắt nguồn từ lời chúc phước của Jacob.
Cha của Joseph chúc phước cho con mình: “Đức Chúa Trời của cha sẽ giúp đỡ con; Đấng Toàn Năng sẽ ban phước cho con, tức là phước lành từ trời cao sa xuống cùng phước lành từ vực thẳm dâng lên” (Sáng thế 49:25).
Môi se thì nói: “Nguyện đất của người được Đức Giê hô va ban phước, với sương móc quý báu từ trời ban tặng, và những mạch suối ngầm nằm ngay bên dưới” (13).
Thời xưa cũng như thời nay, loài người phải sản xuất lương thực và thực phẩm để sống; vì thế, thời nào đất cũng cần nước. Vào thời người ta sống nhờ nông nghiệp, thì nước mưa từ trời là quý hơn bất cứ thứ gì khác. Nó là sương móc từ trời ban tặng cho vùng đồi núi.
Joseph còn được phước hơn thế nữa, khi hạn hán thỉnh thoảng xảy ra thì các mạch suối ngầm ngay bên dưới đất của Épraim giữ gìn sự sống họ cho đến khi trời lại mưa.
“Với sản phẩm tuyệt hảo từ mặt trời” (14a), ngũ cốc và trái cây đều cần ánh nắng của mặt trời để kết hột, tăng trưởng và chín tới cho mùa gặt hái, thu hoạch.
Trái cây ngon ngọt nhờ có đủ ánh nắng và nhiệt lượng từ mặt trời. Người làm nông biết rõ điều đó, cho nên mọi sản phẩm nông nghiệp tốt nhất đều là kết quả của ánh sáng mặt trời.
Mỗi chu kỳ của mặt trăng đi một vòng quanh trái đất là đơn vị để tính tháng. Mặt trăng cũng tiêu biểu cho hơi nước và sương đêm. Sức nóng của mặt trời ban ngày, hơi mát của sương đêm luôn luôn cần thiết cho cây cỏ phát triển và kết quả; vì thế, tất cả nông phẩm đều được xem như quà tặng của mặt trời và sự xoay vần theo mùa của mặt trăng (14b).
Các ngọn núi từ thời thượng cổ vẫn còn chứa đựng biết bao khoáng sản quý báu cho các cây ăn trái, đã được dòng dõi của Joseph là các chi tộc Épraim và Manase chiếm hữu, trở nên những vùng đất nổi tiếng về sự màu mỡ trù phú.
Vùng đất nầy đã ban cho con cháu của Joseph “những sản vật hàng đầu của núi xưa, các bông trái dồi dào từ các đồi vĩnh cửu” (15). Từ thời rất xa xưa vùng đồi núi ấy đã có, chúng sẽ tồn tại cho đến ngày tận cùng của trái đất. “Với tặng phẩm quý cùng sự sung mãn của đất, và ơn lành của Đấng ngự giữa bụi gai” (16a).
Lãnh thổ của Épraim và Manase dù là đồi núi hay thung lũng, mọi ngũ cốc và các loại trái cây tuyển chọn đều do đất sản xuất ra, mà sự màu mỡ trù phú không bao giờ suy giảm vì nơi đó là vùng đất sung mãn. Mọi thứ cây cỏ mọc lên và gia súc sinh sản, phát triển, đều là ơn lành của Đức Chúa Trời ban cho.
Vì lúc Môi-se được Đức Chúa Trời gọi từ giữa bụi gai cháy không tàn, tựa như Ngài ngự giữa bụi gai. Câu chuyện Đức Chúa Trời làm cho bụi gai cháy không tàn ở giữa hoang mạc nắng cháy để gợi sự chú ý của Môi-se, người chăn cừu cô đơn giữa khung cảnh hoang vắng, là câu chuyện độc nhất vô nhị chưa từng xảy ra ở đâu khác trong lịch sử từ trước hay về sau nầy cũng vậy.
Đấng ấy đã dùng ơn lành thiện hảo gọi Môi-se để dùng ông lãnh đạo dân Israel của Ngài ra khỏi cảnh đời nô lệ tại Ai-cập. Cho nên, “ơn lành của Đấng ngự giữa bụi gai”(16b) giải thoát dân Israel khỏi Ai cập là thiện ý mà con cháu Joseph đừng bao giờ quên sau khi được hưởng sản phẩm tuyệt hảo từ mặt trời, và sự phong phú đến từ mặt trăng.
Chữ ‘ơn lành’ trong câu nầy có nghĩa là ‘thiện ý’ tức là ý định tốt lành của Đức Chúa Trời. Khi suy nghĩ về chữ nầy áp dụng cho loài người, thì có thể người ta có thiện ý, nhưng người ấy có đủ ý định, ý chí hay khả năng thực hiện thiện ý của mình hay không lại là một việc khác hẳn; vì nhiều người không định thực hiện thiện ý của họ.
So sánh câu “nguyện mọi phước nầy tuôn tràn trên đầu Joseph và trên trán của người đứng đầu anh em mình” (16b) qua lời chúc phước của Môi-se, với lời chúc phước của Jacob cho Joseph “Nguyện các phước lành nầy ngự trên đầu Joseph, trên trán của ông hoàng giữa anh em mình” (Sáng-thế 49:26b), thì hai lời chúc ấy gần như giống hệt nhau.
Các phước lành tuôn tràn trên đầu có nghĩa là các phước lành ấy công khai, mọi người đều thấy và nhận ra, phước ấy lại dư dật và đầy dẫy qua sự thịnh vượng của Joseph. Jacob nhắc lại sự vinh quang mà con trai yêu quý của mình đã có tại Ai-cập vượt hẳn lên giữa các anh em.
Khi các anh của Joseph bán em mình cho lái buôn Ma-đi-an, họ muốn làm cho chiêm bao tiên tri của Joseph phải vĩnh viễn tan biến, thì hành động ấy lại mở đường cho những hình ảnh trong chiêm bao tiên tri trở thành sự thật.
Cặp sừng dũng mãnh của con bò đực tiêu biểu cho sức mạnh oai phong giữa các gia súc trên đồng ruộng. Vì không loài gia súc nào của người trung đông thời bấy giờ có sức mạnh bằng con bò. Vì thế câu chúc “oai phong như con bò đực đầu lòng, với cặp sừng dũng mãnh của bò rừng!” (17a) được dùng để nói về vinh dự tột đỉnh và phẩm giá của nhà Joseph đứng trên tất cả mười một chi tộc còn lại của Israel.
Ngày xưa, người ta cũng dùng hình ảnh con bò để tiêu biểu cho quyền uy và địa vị của vương quyền; cho nên, câu nầy cũng tiên tri về Jeroboam của chi tộc Épraim sau nầy được mười chi tộc tôn lên làm vua của Israel.
Trong Cựu ước, cái sừng là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực: “Người dùng sừng ấy quật ngã mọi dân tộc, cả đến các dân ở cùng trời cuối đất” (17b). Đây là lời tiên tri về Épraim sẽ đánh bại các dân ở xứ Canaan, chiếm đất của họ, ‘cùng trời cuối đất’ không phải là khắp thế gian nhưng là tất cả đất đai ở xứ Canaan.
“Đó là hàng vạn quân Épraim, hàng ngàn người Manase” (17c). Ở đây Môi-se nói quân của Épraim là hàng vạn, còn Manase chỉ là hàng ngàn. Hãy nhớ lại lời chúc tiên tri của Jacob cho hai cháu nội: “Con ơi, cha biết rõ lắm. Manase sẽ trở thành một dân tộc và nó cũng sẽ lớn mạnh; tuy nhiên, em nó sẽ lớn hơn và dòng dõi em nó sẽ trở thành vô số nước” (Sáng thế 48:19);
Nhưng Rashi, học giả Do thái, thì giải nghĩa rằng khi vào chiếm xứ Canaan, Giô-suê thuộc chi tộc Épraim, lãnh đạo toàn dân Israel tiêu diệt hàng chục ngàn người Canaan; về sau thì Ghê-đê-ôn, người Manase, đã diệt hàng ngàn quân Ma-đi-an. Ông cũng giải nghĩa là câu nầy nói về Giô-suê với cuộc chinh phục vùng đất Canaan sau khi Môi-se đã qua đời; Épraim với Manase là cặp sừng của Joseph sẽ đánh bại các kẻ thù của Israel.
PhucTruyen38.docx
Rev. Dr. CTB