Phục Truyền Luật Lệ, bài 36

Phục Truyền 33:1-7

Khi nghiên cứu ngũ kinh của Môi-se, tức là năm sách đầu tiên của Kinh-thánh Cựu-ước, độc giả sẽ gặp một số chỗ nói rõ ràng thời điểm các sách nầy được viết, hoặc là sao lại và có thêm vài chi tiết, hoặc là do một hay vài tác giả viết sau khi dân Israel đã định cư lâu ngày ở vùng đất hứa xứ Canaan. Ví dụ các câu Sáng-thế 26:33; 32:32; 35:20; Phục truyền 34:6, đều chứng tỏ rằng lời tường thuật được viết lâu ngày về sau so với lúc sự việc xảy ra.

Vì thế, có học giả cho rằng Môi-se tự nhận mình là ‘người của Đức Chúa Trời’ (1), thì chắc không đúng, mà do một hoặc vài tác giả khác về sau nầy xác nhận Môi-se là người của Đức Chúa Trời.

Câu nói “Đức Giê-hô-va đến từ Sinaii” không có nghĩa Môi-se cho rằng nơi ở của Đức Chúa Trời là núi Sinaii; nhưng lần đầu tiên Ngài xuất hiện trong sự vinh quang cho dân Israel thấy, thì xảy ra ở núi Sinaii (2).

Vùng núi ‘Seir’ và hoang mạc ‘Paran’ là hai chỗ mà dân Israel dừng chân lâu ngày trên con đường dài bốn mươi năm về đất hứa. Độc giả của sách Xuất Ai-cập chỉ thấy một mình Đức Chúa Trời hiện ra ở núi Sinaii.

Nhưng ở đây nói “Ngài đến từ giữa muôn ngàn đấng thánh,” tức là bên cạnh Đức Chúa Trời luôn luôn có muôn ngàn thiên sứ phục vụ Ngài, khi Ngài ban bố luật pháp ở núi Sinaii và dùng Môi-se truyền lại cho Israel; như sứ đồ Phao-lô đã giải thích: “Luật pháp được ban bố bởi các thiên sứ và qua một người trung gian” (Galati 3:19b).

Tác giả thư Hebrew cũng viết rằng luật pháp do thiên sứ rao truyền: “Vì nếu lời thiên sứ rao truyền là chắc chắn, …” (Hê-bơ-rơ 2:2); cho nên, Đức Chúa Trời đến đâu thì có muôn ngàn thiên sứ thánh cùng đi với Ngài.

Tiên tri Daniel cũng miêu tả “Trước mặt Ngài, một dòng sông lửa chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Ngài, vạn vạn chầu trước mặt Ngài” (Daniel 7:10). Vậy muôn ngàn đấng thánh là các thiên sứ.

Lửa luật pháp phát ra từ tay phải Ngài” (2c). Bản tiếng Việt nầy khiến người đọc dễ bị lầm lẫn và hiểu sai rằng luật pháp của Chúa là lửa! Bản dịch tiếng Anh cổ “fiery law,” có nghĩa là sự thánh khiết phát ra từ luật pháp. Các bản dịch tiếng Anh mới đều nói, “có lửa phát ra từ tay phải của Ngài,” không có chữ ‘luật pháp’ kèm theo.

Vậy, theo ý nghĩa của toàn câu 2 thì dân Israel đã được thấy Đức Chúa Trời lần đầu tại núi Sinaii, rồi Ngài vẫn tiếp tục đi theo bảo vệ, soi sáng cho họ ở mọi nơi dừng chân tại vùng núi Seir và hoang mạc Paran, có các thiên sứ thánh đi theo ban bố luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời cho họ, như lửa phát ra từ tay phải của Chúa.

Chúa thương yêu dân Ngài, tất cả các thánh đều ở trong tay Chúa, phủ phục dưới chân Ngài để đón nhận lời Ngài chỉ dạy” (3). Dân của Chúa nói ở đây là Israel, dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn, nên được gọi là các thánh; mặc dù có rất nhiều lúc họ không vâng lời và phản nghịch mệnh lệnh của Chúa, nhưng vì đã thuộc về và ở trong tay Ngài nên được xem là các thánh.

Điều nầy giúp cho chúng ta, những con cái ngày nay đã thật thuộc về Chúa hiểu và an tâm rằng chúng ta xứng đáng được gọi là các thánh đồ của Đức Chúa Trời; và nếu là thánh đồ biết phủ phục dưới chân Chúa để nghe lời Ngài chỉ dạy, thì luôn ở trong sự yêu thương và chăm sóc của Ngài (Giăng 15:10).

– Đến đây thì đã rõ người viết lời chúc phước của Môi-se là một người khác, khi đại danh từ ở ngôi thứ nhất, số nhiều, xưng là “chúng tôi.” Vì “luật pháp mà Môi-se truyền cho chúng tôi là sản nghiệp của cộng đồng Gia-cốp” (4).

Sở dĩ luật pháp được gọi là sản nghiệp của cả cộng đồng, vì nhiệm vụ phải giữ gìn luật pháp là một sự thừa kế chuyển từ cha mẹ sang con cháu của họ. Luật pháp cũng là món thừa kế tuyệt diệu nhất; nó là món quà lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban xuống cho Israel. Vì lý do đó, tác giả Thi thiên nói rằng “Chứng ước Chúa là cơ nghiệp đời đời của con” (Thi-thiên 119:111a).

Ngôi vua hay tước vị ‘vua của Jeshurun’ ở chỗ nầy thì có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất tin rằng đó là Đức Chúa Trời, vì Ngài là Vua trên Israel; hơn nữa, Môi-se không bao giờ được kể là vua của Israel: “Môi-se đã trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời như một đầy tớ…” (Hê-bơ-rơ 3:5).

Ý kiến thứ nhì tin rằng tước vị nầy áp dụng cho Môi-se, mặc dù danh hiệu của ông không phải là vua, nhưng trên thực tế thì ông là người lãnh đạo tối cao của cả đoàn dân đông hàng triệu người, nên vai trò của ông là vua của Israel, tức là vua của Yeshurun, “khi cấp lãnh đạo của dân chúng họp lại cùng với các chi tộc Israel” (5).

Israel lúc bấy giờ theo chế độ thần quyền, và luật pháp của họ đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời; qua Ngài, họ được hướng dẫn và chỉ dạy trong mọi việc; vì vậy, nếu nói rằng Môi-se là vua của Yeshurun thì không thích hợp. Ông chỉ là một người lãnh đạo dưới quyền chỉ huy tối cao của Đức Chúa Trời mà thôi.

       Lời chúc phước của Môi se cho các chi tộc Israel bắt đầu từ chi tộc Reuben, con trưởng nam của Jacob, người anh cả của mười hai anh em trai và một em gái.

Lúc Jacob sắp qua đời, ông chỉ có lời tiên tri về Reuben rằng “con chẳng hơn ai, vì con đã lên giường cha làm cho giường cha ô uế” (Sáng thế 49:4).

Đến khi vào hoang mạc trên đường về đất hứa, thì các trưởng tộc của Reuben là Dathan và Abiram lại làm phản nên còn đang sống bị đất hả miệng nuốt cả nhà (Dân số 16:30-33) không một ai sống sót. Những người khác thuộc chi tộc Reuben không tham gia tạo phản thì vẫn được sống và vào đất hứa.

Tuy vậy, lời Môi-se chúc cho chi tộc nầy là “cầu cho Reuben sống và lưu truyền mãi mãi, dù cho số người nó không đông” (6), nghĩa là xin Chúa đừng trừng phạt chi tộc Reuben bằng cái chết, mà hãy cho được sống và phát triển. Trong câu nầy, bản 70 xin chi tộc Si-mê-ôn được gia tăng số người, các bản khác thiếu câu đó, dù Si-mê-ôn chỉ sau Reuben mà thôi.

Ngay sau đó, Môi se chúc phước cho Giu-đa trước rồi mới tới Lê-vi, mặc dù Lê-vi được sinh ra trước Giu đa. Những lời chúc cho Giu-đa khác lạ với tất cả các anh em, nên đáng để ý đặc biệt. Jacob đã nói tiên tri về vai trò vương quyền về sau của Giu-đa trên tất cả anh em (Sáng thế 49:8-10).

Lời chúc phước của Môi-se cho Giu-đa cũng là lời cầu xin có tính tiên tri: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin Ngài nghe tiếng của Giu-đa” (7). Vì thế cho nên nhiều lời cầu nguyện trong Cựu ước là nghe từ miệng của con cháu Giu-đa trong vai trò làm vua: David và Solomon, vua A-sa lãnh đạo toàn dân Giu-đa kết ước với Đức Chúa Trời (2Sử-ký 15:10-15), vua Giô-sa-phát thay mặt dân chúng cầu nguyện với Chúa khi bị kẻ thù tấn công (2Sử-ký 20:5-12), vua Ê-xê-chia cầu xin Chúa đánh bại vua San-chê-rip của Assyria, tiên tri Daniel, thuộc chi tộc Giu-đa, kiêng ăn cầu nguyện xưng tội, nên được Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gabriel đến bày tỏ cho ông được biết trước tương lai.

Lời cầu nguyện cuối cùng được chép trong Cựu ước của người thuộc chi tộc Giu-đa là Nê-hê -mi, đã được Đức Chúa Trời nghe và làm cho thành tựu. Đến thời Tân ước thì lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus, cũng thuộc chi tộc Giu-đa, được ghi lại;

Và đem người về với dân mình” nghĩa là gì, khi Giu-đa vẫn còn ở chung với toàn dân Israel? Trong ơn thiên hựu của Đức Chúa Trời đã ban, Môi-se nói tiên tri về việc sau nầy Israel bị Assyria thôn tính và lưu đày không bao giờ được trở về, rồi tới Giu-đa bị Babylon tiêu diệt và lưu đày. Nhưng sau bảy mươi năm, họ được vua Cy -rus cho phép trở về quê hương. Tuy vậy, số người còn lại trở về quá ít: bốn mươi hai ngàn ba trăm sáu mươi người của cả ba chi tộc Giu-đa, Benjamin, và Lê-vi (E-xơ-ra 2:64).

Người nào không nghiên cứu lịch sử của Israel và Giu-đa, thì sẽ không hiểu lời chúc phước của Môi-se có ý nghĩa gì. Vì nếu chỉ quan sát tình hình đang diễn ra vào thời điểm Môi-se chúc phước cho dân Israel trước khi qua đời, thì những lời nói về Giu-đa rất là tối nghĩa và khó hiểu.

Lúc Nê-hê-mi được vua Ba-tư cử làm tổng trấn xây dựng lại Jerusalem, thì những kẻ thù của dân Giu-đa đều tức giận và mưu toan tiêu diệt họ.

Chúng nói: “Bọn Giu-đa yếu đuối ấy làm được gì? Chúng sẽ xây lại tường thành ư? Chúng sẽ dâng tế lễ sao? Liệu chúng sẽ làm xong trong một ngày chăng? Đá đã cháy thiêu thành đống bụi đất rồi có thể phục hồi thành đá xây được sao?” rồi họ nhạo “cái tường … chúng đang xây … con chồn leo lên cũng đủ sập…” (Nê-hê-mi 4:2-3).

Cho nên, lời chúc phước xin Chúa đem Giu-đa trở về “dùng đôi tay tự bảo vệ …… giúp người chống lại quân thù” đã được ứng nghiệm hoàn toàn trước kẻ thù hung hãn (Nê-hê-mi 4:7).

PhucTruyen36.docx

Rev. Dr. CTB