1Samuel, bài 13
1Samuel 12:1–25
Khi toàn dân Israel đã tề tựu đông đủ ở Gilgal, Samuel nói lời từ giã với họ rằng ông không còn làm thẩm phán để xét xử họ nữa, vì theo lời họ yêu cầu thì đã có một vua lãnh đạo rồi, (1–2a). Phần ông đã già, sẽ tới ngày qua đời, nhưng con cháu ông là những thường dân, sẽ ở lại với họ. Câu nói: “Các con trai tôi ở với anh em” có nghĩa là không còn làm thẩm phán như trước nữa, mà phải ở dưới sự cai trị của vua và chịu trách nhiệm về mọi việc họ làm cũng như mọi người Israel khác vậy. Người ta đã thấy Samuel giúp việc tại Đền Tạm ở Shiloh từ hồi còn là ấu nhi mới vừa thôi bú. Vậy, thời gian ông làm thẩm phán từ khi thầy tế lễ Eli qua đời cho tới lúc ông lập Saul làm vua là một quãng thời gian khá dài (2b); đủ lâu để dân Israel đánh giá tư cách của ông.
Bây giờ, Samuel bảo mọi người Israel, có vua Saul ở bên cạnh, rằng trước mặt Đức Chúa Trời họ phải xác nhận trong suốt thời gian làm thẩm phán, có khi nào ông ức hiếp, gian lận, lạm quyền, thu lợi bất chính, ăn hối lộ để nhắm mắt trước sự bất công chăng? Nếu có, thì ông sẽ bồi thường. Tất cả đều xác nhận: “Ông không lừa dối chúng tôi, không áp bức chúng tôi, và không lấy bất cứ vật gì từ tay của ai cả” (3–4). Samuel buộc toàn dân Israel và vua Saul phải được Đức Giê-hô-va làm chứng lời xác nhận của họ là ông chẳng phạm một lỗi gì trong suốt thời gian làm thẩm phán xét xử Israel từ Dan tới Beer-Sheba. Họ đồng thanh nói: “Nguyện Ngài làm chứng cho” (5).
Samuel lại nhắc nhở Israel rằng, lúc còn ở Ai-cập, Đức Chúa Trời đã dấy Môise từ hoang mạc Madian và Aaron từ xứ Goshen ở Ai-cập; rồi Ngài dùng họ lãnh đạo dân Israel ra khỏi Ai-cập theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (6). Vì vậy, mọi người Israel hãy đứng dậy để Samuel tranh luận với họ “trước mặt Đức Giê-hô-va về mọi việc công chính mà Đức Giê-hô-va đã làm cho anh em và tổ phụ anh em” (7). Mục đích của Samuel là trình bày mọi ơn lành mà Đức Chúa Trời đã làm vì dân Israel của Ngài. Người Israel phải hiểu rằng dân tộc họ vẫn hiện hữu và được tự do đến đất nầy đều là bởi tình thương bao la và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời đối với họ.
Samuel nhắc lại vắn tắt lịch sử gia đình Jacob dời xuống Ai-cập, rồi Đức Chúa Trời đã đem họ về định cư tại đất hứa sau khi đã trở thành một dân đông người (8). Nhưng khi được yên ổn nơi vùng đất trù phú và màu mỡ rồi, Israel chẳng những quên Đức Chúa Trời mà còn phản bội bằng sự thờ cúng hình tượng tà thần. Vì lý do đó, Đức Chúa Trời cho phép các lân bang tấn công và đối xử họ cách tàn bạo. Bị áp bức, bóc lột, họ lại kêu cầu Đức Chúa Trời và xưng tội: “Chúng con đã phạm tội, vì chúng con đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va mà phục vụ các thần Baal và Astarte. Nhưng bây giờ xin giải cứu chúng con khỏi tay kẻ thù, thì chúng con sẽ phụng sự Ngài” (9–10).
Đức Chúa Trời nhậm lời khẩn cầu của họ và sai các dũng sĩ đứng lên đánh bại quân thù, giải cứu họ khỏi tay những kẻ áp bức chung quanh, ban cho họ cuộc sống yên ổn (11). Nhưng Israel lại muốn có một vua cai trị, đi ra đánh nhau với các vua lân bang, không còn nhớ gì Vua của họ xưa nay là Đức Chúa Trời (12). Tâm trạng và thái độ phản bội, chóng quên của Israel là hình bóng hoàn toàn chính xác về tâm trạng và thái độ của tín hữu ngày nay đối với Đức Chúa Trời. Nếp sống tâm linh nguội lạnh, lòng ham mê tôn thờ của cải vật chất, danh vọng, sắc đẹp, và quyền lực vẫn không ngừng lôi kéo vô số tín đồ trong Hội Thánh nguội lạnh với Chúa, lơ là với Kinh Thánh, là thực tế lan tràn phổ biến khắp nơi. Người ta chỉ trở lại cầu cứu với Chúa khi họ bị bó tay, bất lực.
“Bây giờ, đây là vua mà anh em đã chọn và đã cầu xin. Đức Giê-hô-va đã lập người làm vua trên anh em. Nếu anh em kính sợ Đức Giê-hô-va, phụng sự Ngài, vâng theo tiếng Ngài, không chống lại mệnh lệnh của Ngài; nếu anh em và vua cai trị anh em vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, thì chắc chắn anh em sẽ được may mắn. Còn nếu anh em không vâng theo tiếng của Đức Giê-hô-va, mà chống lại mệnh lệnh của Ngài, thì tay của Đức Giê-hô-va sẽ giáng họa trên anh em như đã giáng họa trên tổ phụ của anh em” (13–15).
Nói, giảng dạy, chỉ dẫn, quở trách, và khuyến cáo người nghe là một chuyện; nhưng người ta có chịu nghe để vâng lời hay không là một chuyện khác. Samuel được gần gũi với Đức Chúa Trời từ thời thơ ấu, ông vẫn thường xuyên được tương giao nghe tiếng Ngài; cho nên, chẳng phải ông chỉ nói suông, Samuel chứng minh cho Israel biết lời ông đại diện Đức Chúa Trời nói ra là có thẩm quyền thật sự. Thẩm quyền ấy phải được quyền năng của Chúa trên cõi thiên nhiên chứng nhận là có thật “Vậy, bây giờ hãy đứng tại đây, để xem việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va sẽ làm trước mặt anh em. Hiện nay chẳng phải đang là mùa gặt lúa mì sao? Tôi sẽ cầu khẩn Đức Giê-hô-va, và Ngài sẽ cho có sấm sét và mưa. Anh em phải biết và thấy rằng việc xin một vua là một tội lỗi lớn mà anh em đã phạm trước mặt Đức Giê-hô-va” (16–17).
Mùa gặt ở xứ Canaan là giữa tháng Năm qua tháng Sáu dương lịch. Bình thường vào thời gian ấy không có sấm sét, cũng chẳng có mưa. Nếu có sấm sét và mưa bất bình thường trong mùa không thể có các hiện tượng thời tiết đó, thì lời nói của vị tiên kiến có sức nặng vô cùng lớn trên số người đang nghe. “Rồi Sa-mu-ên kêu cầu Đức Giê-hô-va. Ngay hôm ấy, Đức Giê-hô-va cho sấm sét và mưa. Toàn dân rất kính sợ Đức Giê-hô-va và Sa-mu-ên. Tất cả dân chúng đều nói với Sa-mu-ên: ‘Xin cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông cho các đầy tớ ông, để chúng tôi khỏi chết, vì chúng tôi đã thêm tội xin một vua vào các tội khác của chúng tôi.‘” (18–19).
Samuel đã chỉ cho Israel thấy việc từ bỏ Đấng có quyền năng trên cõi thiên nhiên để nhờ cánh tay xương thịt của loài người giải cứu họ khỏi tay kẻ thù là sự suy tính ngu dại. Chúng ta ngày nay chẳng khác gì người Israel ngày xưa; chúng ta trông cậy vào những thứ mình thấy được, điều khiển hay năn nỉ được, thay vì đặt lòng tin vào sự chăm sóc của Chúa cho các nhu cầu của mình. Giống như Saul không thể làm cho mưa hay nắng, cũng không thể khiến sấm sét xảy ra, các phương tiện mà chúng ta nương cậy sẽ không thể giúp chúng ta đối phó với các quyền lực trong thế giới tối tăm hãm hại loài người. Nhưng ai nương cậy Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ bảo vệ người ấy.
“Sa-mu-ên nói với dân chúng: ‘Đừng sợ! Thật, anh em có làm mọi điều ác nầy; tuy nhiên, anh em đừng quay khỏi Đức Giê-hô-va, nhưng phải hết lòng phụng sự Ngài, đừng quay khỏi Ngài để đi theo những hình tượng hư không, chúng chẳng ích gì và cũng không thể giải cứu ai, vì chúng chỉ là hư không mà thôi. Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ dân Ngài, vì cớ danh lớn lao của Ngài, và vì Đức Giê-hô-va đã vui lòng cho anh em làm dân của Ngài‘” (20–22). Dù cho Israel đối xử tệ bạc với Chúa, Ngài vẫn yêu thương và không từ bỏ họ, vì Ngài đã vui lòng cho họ làm dân của Ngài. Sự thật về tính bất năng và vô ích của hình tượng hư không thì quá rõ: Chúng không thể giải cứu ai hết! Con cái Chúa phải giải thích sự thật nầy cho những người vẫn quen với thói tục mê tín.
Samuel lại nói: “Còn tôi cũng không phạm tội với Đức Giê-hô-va mà ngưng cầu nguyện cho anh em. Tôi sẽ dạy cho anh em biết con đường ngay lành. Chỉ cần anh em phải kính sợ Đức Giê-hô-va, hết lòng trung tín phụng sự Ngài. Hãy xem những việc Ngài làm cho anh em lớn lao là dường nào! Nhưng, nếu anh em cứ làm điều ác thì anh em và vua của anh em sẽ bị diệt vong” (23 –25). Lời Samuel ở đây nhắc nhở mọi người chăn dắt bầy chiên của Đức Chúa Trời phải siêng năng cầu thay cho anh chị em của mình trong Chúa. Rất ít người chăn bầy biết rằng sự lười biếng, không chịu cầu thay hoặc không cầu nguyện cho con dân Chúa là phạm tội với Chúa. Nhiệm vụ của người chăn bầy là dạy cho con dân Chúa biết con đường ngay lành.
Lời cảnh cáo cuối cùng của Samuel cho dân Israel là “nếu anh em cứ làm điều ác thì anh em và vua của anh em sẽ bị diệt vong” (25). Hãy nhớ kỹ lời dặn dò nầy, vì nó là bí quyết tránh khỏi tai họa. Hãy biết gìn giữ sự sống và sự tăng trưởng của Hội Thánh qua lòng trung tín với Chúa.
1Samuel13.docx
Rev. Dr. CTB