Dân-số-ký, bài 10
Dân-số-ký 15:1–41
Mặc dù không ai biết những lời Chúa phán với Môi-se ở phần nầy vào khoảng thời gian nào, nhưng hầu hết các học giả Kinh-thánh đều nghĩ rằng những lời phán ấy không diễn ra ngay sau khi Đức Chúa Trời tuyên án phạt những người cằn nhằn phản nghịch Ngài. Bởi vì những lời đó dành cho những người sẽ được vào đất hứa.
Cho nên, dựa trên các lời dặn dò của Chúa trong chỗ nầy, thì:
- Các luật lệ về những tế lễ ấy sẽ chỉ áp dụng sau khi dân Israel đã vào đất hứa.
- Mục tiêu của lời dặn là những người đã trưởng thành.
- Thời điểm là vào khoảng cuối thời kỳ đi lang thang trong hoang mạc, trước khi tiến vào đất hứa. 4. Luật lệ được dặn dò vào lúc ấy là một lời bảo đảm chắc chắn rằng dân Israel sẽ được sinh sống trong đất họ sẽ nhận làm cơ nghiệp (1–2).
Có hai loại tế lễ dùng lửa dâng lên. Loại thứ nhất là chỉ một phần của tế lễ hoặc sinh tế được thiêu, phần còn lại thuộc về các thầy tế lễ để nuôi sống họ. Như luật đã quy định: “Các thầy tế lễ dòng Lê-vi và cả chi tộc Lê-vi sẽ không được chia phần sản nghiệp với Israel. Họ sẽ sống bằng các sinh tế dùng lửa dâng lên Giê-hô-va, là phần thuộc về Ngài” (Phục-truyền 18:1).
Loại thứ nhì là sinh tế phải được thiêu hết; ví dụ như con bò hay con chiên dùng làm tế lễ chuộc tội và tế lễ thiêu (Lê-vi-ký 8:14–21).
Vì trong loại tế lễ một phần dùng lửa dâng lên, phần còn lại thuộc về thầy tế lễ, nên trong lễ vật ấy phải có bột, dầu và rượu (3–12), để các thầy tế lễ dùng ăn chung với thịt của tế lễ thuộc về họ. Khi tế lễ là một con chiên đực thì số lượng bột phải gấp đôi (6) vì lượng thịt nhiều hơn. Cũng vậy, người dâng tế lễ phải kèm theo ba phần mười ê-pha bột cho con bò tơ (9).
Bất cứ người nào được sinh ra trong dòng giống dân tộc Israel thì đều phải thực hiện các luật lệ về tế lễ dùng lửa dâng lên cho Đức Giê-hô-va sau khi vào trong xứ (13). Luật cũng quy định sẽ phải áp dụng cho bất cứ ngoại kiều nào sinh sống giữa Israel qua nhiều thế hệ mà muốn dâng lên Đức Giê-hô-va tế lễ dùng lửa:
“…Trong hội chúng, chỉ có một luật lệ chung áp dụng cho các con và cho các ngoại kiều sống giữa các con. Đó là một quy định đời đời cho mọi thế hệ … Các con và ngoại kiều đều như nhau trước mặt Đức Giê-hô-va. Sẽ có một luật pháp và một quy định như nhau cho các con và cho ngoại kiều sống giữa các con” (14–16).
Sự áp dụng nầy hàm ý rằng mọi ngoại kiều sống giữa Israel đã phải từ bỏ sự thờ hình tượng, hoặc thờ cúng tà thần, của tôn giáo cũ và đã chấp nhận kính thờ Đức Chúa Trời của Israel, thì mới được hưởng các quyền lợi.
Sau khi đã vào xứ và đã gieo trồng, có bột ngũ cốc của mùa gặt đầu tiên làm lương thực (ở đây là bột lúa mì), thì lệnh của Đức Giê-hô-va là mọi nhà đều phải dâng một lễ vật cho Ngài bằng một cái bánh nhỏ bằng mớ bột nhồi đầu tiên và dâng theo cách đưa lên (17–21).
Chúa không quy định gì về lượng bột của cái bánh làm tế lễ theo cách đưa lên nầy. Nghĩa là lễ vật dâng lên sẽ tuỳ thuộc lòng rộng rãi của người dâng.
Nhưng theo các thầy thông giáo về sau nầy, thì lượng bột để làm cái bánh sẽ là một phần hai mươi bốn của lượng bột nhồi đầu tiên sau khi thu hoạch lúa mì làm lương thực. Một số học giả khác thì tin rằng cái bánh ấy là một phần bốn mươi bốn của lượng bột nhồi đầu tiên. Người khác nữa thì cho rằng cái bánh phải là một phần bốn mươi của lượng bột. Người ta chỉ đoán theo cách mà họ tin rằng các thế hệ Israel đã làm như vậy sau khi vào đất hứa.
Việc không cố ý phạm các lầm lỗi thì người ở mọi thế hệ đều có vi phạm và không thể tránh được; nhất là ở tầm mức quốc gia hay tập thể. Điều nầy xảy ra vì người ta không giữ đúng tất cả các điều răn mà Đức Giê-hô-va đã truyền phán qua Môi-se, kể từ ngày Ngài dùng Môi-se truyền các mệnh lệnh và từ đó về sau trải qua các thế hệ (22–23).
Thời ấy, văn tự, sách vở đều là rất hiếm hoi; mọi mệnh lệnh đều truyền khẩu cho cho nhau và cho các thế hệ kế tiếp. Vì các luật lệ đã rao truyền thì nhiều, mà mọi việc người ta nghe đều phải ghi nhớ hoặc được nhắc nhở; cho nên, không thế hệ nào có thể áp dụng cách hoàn hảo các điều răn đã được lưu truyền. Trong các trường hợp như thế thì Đức Chúa Trời đã dự bị cách thức và lễ nghi chuộc tội cho cả hội chúng (24–26).
Đức Chúa Trời đã đưa ra biện pháp dâng tế lễ chuộc tội đầy nhân từ nầy để cả hội chúng Israel và ngoại kiều sống giữa họ đều được tha tộivà không bị trừng phạt vì các lỗi không cố ý (25–26).
Vua David xưa biết rằng ông có thể vô ý phạm tội, nên ông đã cầu nguyện xin Chúa gìn giữ và bôi xoá những lầm lỗi mà ông không biết (Thi-thiên 19:12).
Đức Chúa Jesus đã chịu chết để mọi người phạm các lỗi mà họ không biết đều được tha thứ. Lời cầu xin của Ngài khi bị treo trên thập tự giá minh chứng rõ điều nầy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23:34).
Luật nầy còn nhân từ hơn mức loài người có thể nghĩ đến, vì nó bao gồm mọi kiều dân đều sẽ được tha thứ các tội họ không biết, khi tế lễ chuộc tội được thực hiện. Trong trường hợp chỉ một người vô ý phạm lỗi, dù là dân Israel hay kiều dân, thì người ấy phải dâng một con dê cái một tuổi làm tế lễ chuộc tội (27–29); nó khác với tế lễ chung là một con bò đực tơ và một dê đực.
Nhưng các sự cố ý phạm tội thì không được tha. Do điều đó xúc phạm Đức Giê-hô-va, khinh thường lời của Ngài và vi phạm điều răn của Ngài (30–31), thì người vi phạm phải bị khai trừ khỏi hội chúng, nghĩa là sẽ bị xử tử hình.
Một trường hợp đã xảy ra minh chứng cho điều nầy: Có một người bị một số người khác bắt gặp đi lượm củi trong ngày sabát (32). Họ dẫn anh ta đến Môi-se, A-rôn và cả hội chúng. Môi-se giam anh ta lại vì không biết phải xử như thế nào (33–34).
Khi còn đóng trại ở chân núi Si-nai-i trước đó, đã có trường hợp phải giam giữ một người trong lúc Môi se cầu hỏi Đức Chúa Trời về hình phạt phải áp dụng ra sao (Lê-vi-ký 24:10–12).
Lần nầy cũng vậy, lời Chúa cho Môi-se biết phải xử tử hình người ấy để làm gương cho mọi người khác. Môi-se và cả hội chúng Israel dẫn người ấy ra khỏi trại quân và ném đá chết (35–36).
Cũng vậy, thời nay người nào đã biết chân lý mà vẫn cố ý phạm tội thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa (Hêbơrơ 10:26).
Có lẽ một số người cảm thấy bất nhẫn khi thấy người vi phạm ngày sa-bát chỉ vì mấy cây củi mà bị xử tử. Nếu người học Kinh-thánh nhớ lại rằng nếu ai giữ các điều răn, không vi phạm ngày sa-bát, thì được hưởng lời hứa về các sự nhân từ thương xót của ngày sa-bát. Nhưng người ấy đã quay lưng lại với các phước hạnh nghỉ ngơi trong ngày sa-bát, dùng thì giờ và sự chú ý của mình vào việc thu góp một ít của cải vật chất; vì có thể người ấy lượm củi để bán lại cho người có nhu cầu.
Người cố ý phạm tội là người khinh thường ý muốn và vinh quang của Đức Chúa Trời. Bởi vì người cố ý vi phạm các điều răn của Chúa là những người tự nghĩ rằng mình quá cao cả, quá giỏi, quá khôn ngoan, nên không chịu phục dưới các điều răn của Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại các điều răn của Chúa, thì chỉ tội ghét Chúa là bị rủa sả, còn lại không điều nào nói về hình phạt sẽ là ra sao hết. Vì lý do đó, cứ mỗi lần có người phạm lỗi thì người ấy phải bị giam giữ chờ nghe Chúa cho biết hình phạt phải như thế nào.
Tới ngày phán xét, không ai có thể tự biện hộ chi được, mọi tội nhân đều phải công nhận rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời là tuyệt hảo và đức công chính của Ngài thì không chút bợn nhơ. Chỉ những người vô tín và kiêu căng trong lòng mới không nhìn biết Đấng Thánh sẽ phán xét họ.
Dân Israel được lệnh phải làm một cái tua áo ở mỗi chéo áo. Họ khác hẳn các lân bang về sự ăn mặc và thực phẩm họ dùng. Họ tự hào là người Do-thái, rất hãnh diện về Đức Chúa Trời mình và luật pháp của Ngài.
Lệnh kết tua ở mỗi chéo áo không phải để làm đẹp cho trang phục của họ, mà để nhắc họ nhớ lại các luật lệ đã được truyền cho mình và vâng theo (37–39). Cái tua áo và sợi chỉ màu đỏ đã giúp cho bao đời người Do-thái giữ được các điều răn.
Chúng ta ngày nay thiếu sự nhắc nhở giống như vậy nên thường làm theo tư dục của lòng và mắt, dễ dàng sa vào sự tà dâm.
Chúng ta cũng cần thiết lập một dấu hiệu hay hình ảnh đặc biệt nào đó luôn đi theo mình, để dấu hiệu ấy luôn nhắc chúng ta nhớ lại chân lý và các giới răn của Đức Chúa Trời.
Trí nhớ đó sẽ củng cố và thức tỉnh sự vâng phục của chúng ta, cũng để trang bị trí óc mình vũ khí chống lại sự cám dỗ.
Hãy giữ sự thánh khiết cho Đức Chúa Trời, được tẩy sạch và tránh xa tội lỗi, chân thành phục vụ Ngài. Để luôn được Ngài xác nhận: “Ta là Đức Chúa Trời của con” (40–41).
Dansoky10.docx
Rev. Dr. CTB