Phục Truyền Luật Lệ, bài 32

Phục Truyền 31:1-30

Sau khi giảng nhiều ngày liên tiếp, từ việc thuật lại từng đoạn đường Israel đã đi qua, cho tới việc nhắc lại luật pháp và tiếp tục lập giao ước với Đức Chúa Trời, Môi-se trở lại trước mặt toàn dân để công bố rằng đã đến lúc ông sẽ sớm qua đời: “Hôm nay tôi được một trăm hai mươi tuổi, không thể đi ra đi vào được nữa” (1-2).

Có phải là Môi-se đã yếu sức theo ý nghĩa của câu nói đó không? Phục Truyền 34:7 chép rằng “Môi-se qua đời khi ông được một trăm hai mươi tuổi, nhưng mắt ông không mờ, sức ông không giảm;” vậy, câu nói “không thể đi ra đi vào được nữa” phải có ý nghĩa khác.

Theo một cách giải nghĩa thì câu đó có nghĩa là: “Ta không còn thẩm quyền nữa, vì uy quyền của ta đã trao cho Giô-suê rồi.” Vì ngay sau đó ông tiết lộ: “Đức Giê-hô-va đã phán với tôi rằng: ‘Con sẽ không được qua sông Jordan nầy đâu’” (2).

Biết rằng dân Israel nao núng khi nghe tin vị lãnh đạo đã dẫn họ ra khỏi Ai-cập cho tới ngày nay, đến giai đoạn quyết liệt là qua sông tiến chiếm đất hứa, thì người lãnh đạo ấy đến ngày qua đời, không đi với họ vào các trận chiến có tính cách quyết định, Môi se hứa chắc với Israel rằng:

Chính Giêhôva Đức Chúa Trời của anh em sẽ qua sông trước anh em. Ngài sẽ diệt các dân tộc nầy trước mặt anh em và anh em sẽ chiếm đất của chúng. Giôsuê sẽ lãnh đạo và dẫn anh em qua sông như Đức Giêhôva đã phán dặn” (3).

Môi-se nói lời bảo đảm nhằm làm cho dân Israel vững chí. Vì nếu Đức Chúa Trời sẽ qua sông với họ thì họ sẽ không sợ hãi; đằng nầy, Môi-se nói rằng Ngài sẽ đi qua trước họ để diệt các dân tộc hùng mạnh bên kia sông, và Israel sẽ chiếm được đất đai của họ cách dễ dàng. Họ càng yên tâm khi Giô-suê sẽ lãnh đạo họ theo lời Chúa dặn.

Đức Giêhôva sẽ tiêu diệt chúng như Ngài đã tiêu diệt Sihon và Og, vua dân Amorite, và xứ sở của chúng. Đức Giê-hô-va sẽ phó chúng cho anh em và anh em phải xử chúng theo mọi mệnh lệnh tôi đã truyền cho anh em” (4–5).

Israel hiểu rằng họ sẽ được chiến thắng nhờ sự phù trợ của Chúa; bởi vì trước đó chính họ đã chiến đấu anh dũng, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho thế trận của các vua Amorite tan vỡ, những người to lớn bị đánh bại, bị giết chết, và không lực lượng nào có thể chống lại sức tấn công của Israel.

Môi-se khích lệ họ hãy cứ mạnh dạn và can đảm, không sợ cũng không kinh khiếp trước mặt các dân tộc lớn xác hơn họ, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vẫn đi với họ, không lìa khỏi, cũng chẳng từ bỏ dân của Ngài đã chọn (6).

Môi-se gọi Giô-suê đến để trao trách nhiệm trước mặt toàn Israel; vì làm như vậy thì không ai có thể nghi ngờ thẩm quyền lãnh đạo của Giô-suê sau khi Môi-se qua đời:

Hãy mạnh dạn và can đảm lên, vì chính anh sẽ cùng với dân nầy vào đất mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho tổ phụ họ” (7). Môi-se, người được nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời từ hơn bốn mươi năm qua, nói lời khích lệ Giô-suê “Chính Đức Giê-hô-va sẽ đi trước anh; Ngài sẽ ở với anh, không lìa anh không từ bỏ anh đâu. Đừng sợ và đừng kinh khiếp” (8).

Lúc đó, Môi-se là người có học thức cao nhất trong vòng dân Israel; nên ông phải viết bản luật pháp rồi sao chép ra nhiều bản khác để có đủ cho các trưởng lão Israel và một bản cho những người Lê-vi khiêng Rương Giao-Ước (9).

Cuối mỗi bảy năm, vào năm tha nợ trong dịp lễ Lều Tạm, khi toàn dân Israel đến trình diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời, thì luật pháp nầy phải được tuyên đọc trước mặt toàn dân Israel, kể cả ngoại kiều, để mọi người đều được nghe đọc luật pháp (10-11).

Thời đó, sắm được một quyển luật pháp đầy đủ của Đức Chúa Trời là điều không thể thực hiện được. Hơn nữa, đàn bà và trẻ con rất ít được đi học chữ, nên đa số dân chúng không biết đọc. Người ta nghe qua thính giác rất dễ quên vì không thể nhớ hết nổi.

Vì vậy, cứ mỗi bảy năm một lần, toàn dân Israel, kể cả các ngoại kiều đang sống giữa họ, đều phải nghe luật pháp để biết mà làm theo.

Ngày nay, chúng ta có Kinh thánh ở cạnh bên, muốn đọc giờ nào cũng được; thế mà, nhiều người không đọc Lời Chúa, cũng không quan tâm bao nhiêu tới những lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với người lười biếng. (12-13).

Đức Chúa Trời ra lệnh cho Môi-se phải đem Giô-suê ra trình diện trước mặt Ngài; trước đó, Môi-se trao quyền cho Giô-suê trước mặt cả dân chúng, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời sẽ chuẩn nhận điều đó, để toàn dân Israel biết Giô-suê là người lãnh đạo kế tiếp được Ngài chỉ định. Đức Chúa Trời dùng trụ mây để bày tỏ sự hiện diện của Ngài (14-15).

Môi-se sắp được vĩnh viễn gần bên Đức Chúa Trời, nhưng Ngài cho ông biết trước rằng về sau nầy dân Israel sẽ phản bội Ngài, phá vỡ giao ước đã trịnh trọng thề hứa với Ngài mà thờ cúng các tà thần (16).

Ngày nay suy nghĩ về việc nầy, người đọc Kinh-thánh thường ngạc nhiên trước thái độ của dân Israel; nhưng chúng ta cũng cần xem xét lại cách mình đối xử với Chúa. Ngài đã thiết lập giao ước mới với chúng ta qua huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus; nhưng số người biết tôn trọng giao ước đó thì ít lắm; bởi vì chúng ta thường tôn vật chất hay danh vọng mà mình ham muốn làm thần tượng của mình.

Chúa cũng cho Môi-se biết trước là Ngài sẽ lìa bỏ, để mặc cho những kẻ phản bội bị lâm vào tai hoạ do họ tự rước vào mình: “Trong ngày ấy, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với họ. Ta sẽ lìa bỏ họ và ẩn mặt khỏi họ, mặc cho họ bị cắn nuốt và tai ương, thảm hoạ đổ xuống trên họ. Vào ngày đó họ sẽ nói rằng: ‘Có phải vì Đức Chúa Trời không còn ở với tôi nên những thảm hoạ nầy đổ xuống trên tôi không?’ Còn Ta, trong ngày đó, chắc chắn Ta sẽ ẩn mặt đi vì mọi điều gian ác mà họ đã làm khi chạy theo các thần khác” (17-18).

Đức Chúa Trời bảo Môise phải viết một bài ca do Ngài dạy để dạy cho dân Israel (19). Cách thức làm ra một bài ca hay bài thơ để dạy cho cả một tập thể đông người là rất thích hợp và hữu ích hơn là giao cho họ một bản văn luật pháp.

Cũng vì thế mà người ta dễ thuộc lời của các bài thánh ca có vần điệu hơn là thuộc các câu Kinh thánh văn xuôi.

Bài ca thuộc nằm lòng sẽ nhắc nhở những kẻ sau khi được no nê mập mạnh rồi mà phản bội Đấng đã ban ơn và gìn giữ họ.

Đây là điều vẫn xảy ra trong suốt lịch sử của Hội-thánh và những quốc gia kính thờ Chúa khi họ được bình yên, thì “chạy theo các thần khác và phụng thờ chúng, khinh thường Ta và phá bỏ giao ước với Ta” (20). Khi tai ương xảy đến thì các bài ca sẽ làm lời chứng cáo buộc kẻ phản bội, vì Đức Chúa Trời biết trước mọi ý định của loài người (21).

Môi-se vâng lời Chúa chép bài ca rồi dạy cho dân Israel học thuộc lòng (22). Về phần Giô-suê, Chúa bắt đầu phán trực tiếp với ông. Ngài phán: “Hãy mạnh dạn và can đảm, vì con sẽ đưa dân Israel vào xứ mà Ta đã thề ban cho họ. Còn Ta, Ta sẽ ở với con” (23).

Không hạnh phúc nào lớn bằng khi được Đức Chúa Trời phán dạy trực tiếp và hứa sẽ luôn ở với mình. Vì thế, Giô-suê rất can đảm.

Ngoài các bản luật pháp đã được phân phát cho các trưởng chi tộc và một bản cho người Lê-vi, bản ghi chép luật pháp nầy được bảo quản cẩn thận bên cạnh Rương Giao Ước (24-26).

Có lẽ một thầy tế lễ thượng phẩm thuộc đời sau đặt nó vào trong Rương Giao Ước để không bị thất lạc, nên tới nhiều đời vua Giu-đa về sau, chẳng ai nhớ tới bản luật pháp nữa vì họ không biết có luật pháp của Đức Chúa Trời truyền cho họ làm giao ước giữa Ngài với dân Israel (2Vua 22:8, 11; 23:1-7).

Môi se nói rất đúng về dân Israel, vì Đức Chúa Trời đã cho ông biết, hơn nữa vì ông là người lãnh đạo của họ trong suốt bốn mươi năm, nên ông biết rõ tánh nết của họ (27-29), như ông nói rõ “vì tôi biết tính phản trắc và ngoan cố của anh em. Hôm nay, khi tôi còn sống giữa anh em mà anh em đã phản nghịch Đức Giê-hô-va, huống chi là sau khi tôi qua đời!” Ông cũng nói trước là tai ương sẽ đổ xuống trên Israel trong tương lai, vì họ sẽ làm điều ác để chọc giận Chúa (29).

Khi xem lại các lời tường thuật trong sách 2Các Vua, chúng ta không thể tưởng tượng nổi vì sao các vua Giu-đa có thể đem đủ thứ tượng tà thần vào đền thờ của Đức Chúa Trời (2Vua 23:1-7).

Sự bại hoại đã đến mức cùng cực vì chính các thầy tế lễ cũng không biết luật pháp của Chúa trao cho họ gìn giữ. Nếu không có một bản luật pháp được đặt vào Rương Giao Ước, thì mọi thứ hình thức nghi lễ của Đền Thờ Đức Chúa Trời ở Jerusalem đã bị thay đổi hoàn toàn.

Xem lại điều nầy chúng ta phải thấy tính chất quan trọng của việc học thuộc lòng các lời Kinh-thánh và ghi nhớ lời các bài ca mà chúng ta thờ phượng Chúa (30). Các lời đã ghi nhớ sẽ theo chúng ta suốt đời.

PhucTruyen32.docx

Rev. Dr. CTB