Giô-suê, bài 16

Giô-suê 23:1–16

Theo sự tính toán của các sử gia thì thời gian dài (1) chép ở đây có lẽ là mười bốn năm; gồm có bảy năm chinh chiến chiếm đất và bảy năm chia đất còn lại. Lúc ấy Israel đã được Đức Chúa Trời ban cho sự yên ổn, mọi kẻ thù chung quanh đều đã bị tiêu diệt. Nhưng vào thời Giô-suê gọi các vị lãnh đạo của Israel, gồm các trưởng lão, các thủ lãnh, các thẩm phán, và các quan chức tới gặp ông, thì ông nói: “Tôi nay đã già, cao tuổi rồi” (2).

Trong phần cuối của sách, thì Giô-suê có hai cuộc nói chuyện để từ biệt trước khi qua đời; rồi khi ông đã bày tỏ tâm tình của mình, từ biệt xong thì ông qua đời ở tuổi một trăm mười (24:29). Nếu xem lại tuổi tác của Giô-suê sau bảy năm chinh chiến là tám mươi lăm (14:10), thì thời gian dài từ lúc được ngơi nghỉ là hai mươi lăm năm.

Giô-suê chỉ triệu tập tất cả các cấp lãnh đạo của Israel, có lẽ tập trung tại Đền Tạm ở Shiloh để nói chuyện với họ (2). “Anh em đã thấy mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm cho những dân tộc nầy chỉ vì anh em, chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã chiến đấu cho anh em” (3).

Nhớ lại thời các thám tử đã vô cùng nao sờn khi thấy dân trong đất cao lớn (Dân số 13:32-33), thành quách của họ thì kiên cố và vững bền (Dân số 13:28). Với sức của họ, người Israel tự biết họ sẽ không thắng nổi dân trong xứ; cho nên, thành quả mà họ được hưởng là do Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chiến đấu cho họ; không phải chỉ chống lại người mà còn đánh đuổi các tà thần đang cai trị dân trong xứ nữa. Israel đã bắt thăm chia đất từ bờ Tây sông Jordan tới tận bờ Địa Trung Hải về phía tây của vùng đất hứa (4).

Vào lúc ấy, dân Philistines đang sinh sống ở phía đồng bằng giáp với Địa Trung Hải. Israel chưa đánh đuổi được họ; cho nên Giô-suê tuyên bố “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em sẽ đẩy lui và đuổi các dân ấy khỏi anh em và anh em sẽ chiếm lấy đất của chúng, như Giê-hôva Đức Chúa Trời của anh em đã hứa” (5).

Con cái Chúa ngày nay cũng cần nhắc lại bài học ở chỗ nầy. Mọi việc Đức Chúa Trời thực hiện chỉ vì ích lợi của chúng ta. Ngài luôn luôn bênh vực con cái Ngài vì ích lợi của linh hồn họ.

Tuy nhiên, mọi việc đều có điều kiện rõ ràng. Nếu Israel gìn giữ và làm theo mọi điều đã chép trong sách luật pháp của Môi-se, không đi lạc khỏi các nguyên tắc của luật pháp (6), không pha trộn với các dân tộc thờ hình tượng; vì nếu pha trộn với họ thì sẽ nhắc hay dùng danh các tà thần của chúng mà thề, rồi tới chỗ sẽ phục vụ và thờ lạy chúng (7).

Vì Chúa đã đuổi các dân tộc lớn và hùng mạnh trước mặt Israel, khiến cho không một ai có thể đứng nổi trước mặt họ, thì Israel phải gắn bó với Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, như họ vẫn làm (8-9), thì họ mới tiếp tục được phước và được Ngài bảo vệ. Họ cần phải nhớ rằng một người mà đuổi được một ngàn người thì không thể nào do sức riêng mà làm được. Hàng ngàn người bỏ chạy trước mặt vài người Israel bởi vì Đức Chúa Trời chiến đấu cho họ. Ngài gieo sự hãi hùng vào trí não của các sắc dân ở Canaan, khi dân Israel thật lòng kính mến Ngài. Nên Giô-suê dặn: “Vậy, hãy cẩn thận giữ mình để kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (10-11).

Dù thế nào đi nữa Israel phải giữ gìn chính họ. Vì nguy cơ bị tiêu diệt sẽ xảy ra khi Israel trở lòng, hiệp với phần còn sót lại của các dân đã bị tiêu diệt, mà kết thông gia với họ (12-13).

Lý do là vì những dân tộc vốn thờ tà thần sẽ là lưới và bẫy cho dân Israel, là “roi đánh vào sườn, làm gai đâm vào mắt, cho đến khi nào anh em bị tiêu diệt khỏi xứ sở tươi đẹp mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã ban cho anh em” (13).

Việc nầy không phải chỉ xảy ra vào thời Israel vào đất hứa, mà vẫn tiếp tục xảy ra ngày nay đối với những người là con cái Chúa kết hôn với người chưa tin ở trong các gia đình thờ hình tượng hay thờ tà thần. Nhiều gương đã xảy ra là bài học để chúng ta nhìn vào mà tránh. Một khi chúng ta phạm các tội nầy và bị quyến dụ ăn của cúng thần tượng và ma quỷ, thì tai hoạ ào ào kéo đến rất nhanh chóng; bởi vì Đức Chúa Trời rút sự bảo vệ của Ngài lại, không đuổi kẻ thù nữa, thì các tà ma sẽ quay lại tấn công quyết liệt.

Bây giờ tôi sắp đi con đường mà cả thế gian phải đi. Vậy, hãy hết lòng, hết linh hồn nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã phán với anh em, chẳng có một lời nào sai, nhưng, tất cả đều ứng nghiệm cho anh em. Thật, chẳng một lời nào sai cả” (14).

Đức Chúa Trời luôn luôn giữ sự thành tín của Ngài đối với mọi lời lành mà Ngài đã hứa với con dân Ngài. Chẳng những Ngài làm thành mà Ngài còn làm thành một cách nhanh chóng. Một người lãnh đạo phải lên tiếng từ giã vì biết chắc mình sẽ qua đời thì có rất nhiều nỗi lo lắng cho một dân tộc mà ông biết rõ họ rất cứng cổ. Ông nhắc lại sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với Israel từ khi Ngài dẫn họ ra khỏi Ai-cập cho đến ngày chiếm xong đất hứa.

Nhưng ông cảnh cáo rằng “Nếu tất cả những điều lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã phán được ứng nghiệm cho anh em thể nào, thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ đem những điều dữ đến trên anh em thể ấy, cho đến chừng Ngài huỷ diệt anh em khỏi xứ tốt đẹp nầy” (15).

Chúng ta ngày nay cũng phải biết áp dụng quy luật quan trọng nầy của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng thành tín nên Ngài ban phước và gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại từ ma quỷ kéo tới con đường chúng ta đi. Những người thường xuyên nhận được ơn phước, thì ơn phước trở thành quen thuộc, người nhận ơn có thể trở nên bất cẩn, để lòng mình xu hướng về thế gian và tiền bạc của cải vật chất. Sự lo lắng về đời sống vật chất dễ làm cho chúng ta thoả hiệp với những lời dụ dỗ của kẻ thù. Khi tai hoạ kéo tới một cách bất ngờ, không ai có thể kịp trở tay; bởi vì điều dữ sẽ đến rất nhanh chóng.

Con cái Chúa hãy rất cẩn thận, đừng đánh mất mối tương giao thân mật với Ngài. Sự kết thông gia với dân Canaan là hình bóng về rất nhiều điều trong đời sống của chúng ta ngày nay thoả hiệp với thế gian. Vì hễ điều gì mình xem là quý báu thì thường tôn thờ nó.

Giao ước đã được thiết lập giữa hai bên thì không phía nào được phép vi phạm. Thời ấy, dân Israel vi phạm giao ước cũ nên bị Đức Chúa Trời trừng trị. Thời nay, rất nhiều người chưa ý thức được mình đã vi phạm giao ước mới trong rất nhiều quyết định hay hành động của mình, bị lâm vào tai hoạ mà không biết nguyên nhân. Nhiều tín hữu ngày nay theo đuổi tiền bạc và danh vọng mà chưa ý thức chúng là thần tượng mà Đức Chúa Trời gớm ghét.

Ông Giô-suê cảnh cáo Israel rằng nếu họ “đi phụng sự các thần khác cùng quỳ lạy trước chúng, thì cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va sẽ nổi bừng lên với anh em, và anh em sẽ sớm bị tiêu diệt khỏi xứ sở tươi đẹp mà Ngài đã ban cho anh em” (16).

Khi đã học biết và được nhắc nhở về nguy cơ bị Chúa từ bỏ, mỗi con cái Chúa cần phải rất cẩn thận canh giữ linh hồn mình trong đời sống đầy cạm bẫy ở trần gian. Nhất là thành phần lãnh đạo hay là những người tin Chúa đã lâu năm. Cứ ở trong Chúa thì chúng ta sẽ bình an.

Giosue16.docx

Rev. Dr. CTB