Dân-số-ký, bài 13
Dân-số-ký 19:1–22
Lệnh truyền về việc dùng tro của toàn thể xác một con bò cái lông màu đỏ, bị thiêu ở ngoài trại quân, để dùng làm nước tẩy uế, thì có lẽ đã được truyền phán từ khi dân Israel còn đóng trại ở hoang mạc dưới chân núi Si-nai-i.
Trong sách Dân-số-ký, thỉnh thoảng có một số luật lệ được chép chen vào giữa các biến cố hay sự kiện xảy ra trên đường dân Israel đi đến đất hứa.
Những luật lệ ấy thường được truyền từ lúc họ đóng trại khoảng gần một năm ở hoang mạc Si-nai-i, mà chưa được ghi chép lại, chứ không phải sau khi họ đã khởi hành từ đó. Cho nên, luật về nước tẩy uế từ tro bò cái lông màu đỏ cũng vậy.
Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se và A-rôn hãy bảo dân Israel “đem đến một con bò cái màu đỏ không tật nguyền, không tì vết và chưa mang ách” (1–2). Vài thắc mắc sẽ nẩy sinh: Tại sao phải là bò cái, khác với các tế lễ khác là bò đực? Tại sao nó phải do toàn hội chúng đem tới, mà không do một chi tộc nào đó chịu trách nhiệm cung cấp?
Trước hết, vì mọi người đều được ích lợi từ nước tẩy uế, nên toàn hội chúng phải chung với nhau cung cấp một con bò cái màu lông đỏ. Kế đến, nó phải là bò cái để dẹp tan ảnh hưởng niềm tin mê tín của người Ai-cập đã có trên dân Israel qua nhiều thế kỷ đối với bò cái.
Người Ai-cập tôn thờ bò cái, họ dùng bò đực để dâng tế lễ chứ không bao giờ dâng bò cái. Họ thà ăn thịt người hơn là thịt bò cái. Để mở mắt cho dân Israel thấy sự dại dột của niềm tin đó, Đức Chúa Trời bảo Môi-se phải giết con bò cái để dùng làm nghi lễ trang nghiêm tẩy uế.
Con bò cái tơ lông đỏ tiêu biểu cho bản chất của tội lỗi, và là hình bóng của huyết Đấng Christ sau nầy có quyền lực xoá bỏ mọi tội. Con bò không tì vết tiêu biểu cho tính cách thánh sạch toàn hảo không nhiễm chút tội lỗi nào của Đấng Christ. Chưa mang ách cho thấy sự hoàn toàn không bị ràng buộc của Đấng Christ khi Ngài vì chúng ta mà chịu chết, nhưng Ngài sẵn sàng chịu vì tình yêu vĩ đại đối với chúng ta.
Thầy tế lễ Eleazar có phận sự làm công tác nầy (3); thầy tế lễ thượng phẩm Aaron không thể để cho mình bị ô uế, vì bất cứ ai chạm đến con bò cái bị thiêu đó đều bị ô uế đến chiều tối (6–10).
Nói rằng thầy tế lễ Eleazar dùng ngón tay nhúng huyết nó rồi rảy bảy lần phía trước cửa Lều Hội Kiến (4), thì có nghĩa là ông hướng về Lều Hội Kiến mà rảy huyết, vì con bò bị giết ở bên ngoài trại quân trước mặt ông. Ông không thể trở vào trại nếu chưa giặt áo quần và chưa tắm, đừng nói gì tới việc đến gần Lều Hội-Kiến.
Toàn thể con bò phải bị thiêu trước mặt thầy tế lễ (5), tiêu biểu cho sự thống khổ mà Đức Chúa Jesus phải chịu cả thân, hồn và linh của Ngài để thoả mãn công lý của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Gỗ bá-hương tiêu biểu cho mùi thơm và sự không bị hư nát; cành bài-hương, một loại rau thơm, là biểu tượng cho sự tẩy sạch; và chỉ màu đỏ sậm được xem như tiêu biểu cho tội lỗi, cũng tiêu biểu cho huyết, là sự sống, đổ ra để tội được tha (6).
Gỗ bá hương, cành bài hương và chỉ đỏ đều phải được đốt chung với xác con bò cái tơ lông màu đỏ. Vì lửa sẽ làm cho tro của chúng trộn chung với nhau để trở thành chất pha với nước làm thành nước tẩy uế; bởi vì các biểu tượng của tội lỗi và chuộc tội đã được lửa thiêu đốt và làm cho sạch rồi. Mọi người có dính líu tới việc giết và thiêu xác con bò cái lông đỏ đều bị nhiễm ô uế tới chiều tối, nên họ đều phải giặt áo quần và tắm trong dòng nước chảy ở ngoài trại quân (7–8).
Bấy giờ, một người không bị ô uế mới hốt hết tro của xác bò, gỗ bá hương, rau bài hương, và chỉ màu đỏ sậm đã hoà lẫn với nhau. Tro ấy được trải ra ở một chỗ tinh sạch bên ngoài trại quân, để dành trong một đồ chứa dùng cho nhiều năm về sau. Người hốt tro cũng phải tắm giặt vì đã bị nhiễm ô uế (9–10).
Sau lần lấy tro đầu tiên, thì sử sách không ghi chép gì về lần kế tiếp. Về sau Aben Ezra ghi lại tám lần thiêu bò cái tơ màu đỏ từ thời của ông cho tới lúc Đền thờ thứ nhì bị quân La-mã phá huỷ.
Nước tro thanh tẩy được dùng để làm lễ tẩy uế, tức là rảy trên người bị ô uế vì chạm vào xác người chết (11–13). Luật quy định người nào chạm vào xác thú vật chết thì bị nhiễm ô uế tới chiều tối (Lê-vi-ký 11:24).
Nhưng tại sao luật quy định xác người chết là ô uế? Vì sự chết của người là hệ quả của tội lỗi, tức là sự chết đã qua tội lỗi mà vào thế gian và dùng quyền lực của nó cai trị trên nhân loại. Nên thời gian bị nhiễm ô uế vì chạm xác người thì lâu hơn (11).
Không có sự giải thích nào của luật pháp căn cứ trên lý do tự nhiên hay đạo đức để biết tại sao người bị nhiễm ô uế phải được rảy nước tẩy uế vào ngày thứ ba và thứ bảy. Người ta chỉ suy ra là ngày thứ ba, Đức Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết, thứ bảy là ngày sa bát.
Vì luật pháp không thể thắng được sự chết cũng không huỷ bỏ được nó; cho nên, nước tro bò cái tiêu biểu cho giá trị sự hi sinh của Đấng Christ; sự tắm rửa ở dòng nước chảy tiêu biểu cho quyền phép và ơn của Đức Thánh Linh thực hiện (12).
Cũng có người đụng tới xác người chết mà không ai thấy. Nếu người ấy giấu giếm và không làm lễ thanh tẩy mình mà tới Đền Tạm để dự lễ, thì “sẽ làm ô uế Đền Tạm của Đức Giêhôva và sẽ bị khai trừ khỏi Israel. Vì nước tẩy uế không được rảy trên mình nên người ấy vẫn bị ô uế; sự ô uế vẫn còn trên người ấy” (13).
Sự khai trừ khỏi Israel có thể xảy ra trong một của ba hình thức 1. Bị dứt phép thông công, loại trừ ra khỏi dân tộc; 2. bị xử tử; 3. bị chết bởi tay Đức Chúa Trời. Hình phạt tội ấy nặng vì không phải chỉ là việc riêng của một cá nhân mà liên quan đến tất cả hội chúng, thậm chí phạm tới Đức Chúa Trời, vì sự ô uế đó lan ra Đền Thánh: “Các con phải giữ cho dân Israel cách ly trong thời gian họ bị ô uế; nếu không, họ sẽ chết trong sự ô uế mình vì đã làm ô uế Đền Tạm của Ta đang ở giữa họ” (Lê-vi-ký 15:31).
Con dân Chúa ngày nay nên lưu tâm áp dụng nguyên tắc trên cho mình. Chúng ta luôn luôn có cơ hội để ăn năn các tội lỗi, các sự vi phạm do cái gốc gian ác trong bản ngã xúi giục vì nó chưa hoàn toàn bị bứng bỏ.
Sự ăn năn thành thật để nước và huyết tẩy uế của Đức Chúa Jesus thanh tẩy sự ô uế của tội lỗi trong chúng ta, trước khi tham dự cuộc thờ phượng thánh khiết của Hội-thánh, là điều cần phải làm để tránh sự trừng phạt mà chúng ta thường không thấy nó sẽ đến thình lình. Ai coi thường nguyên tắc phải được thanh sạch trước khi thờ phượng, thì các hậu quả sẽ bất ngờ giáng xuống không thể tránh khỏi.
Phần còn lại của đoạn nầy (14–22) có liên quan tới những luật về việc chạm tới thây chết của thú vật hay côn trùng nên bị nhiễm ô uế đã được nói đến trước đây (Lê-vi-ký 11).
Vì luật được rao báo trong lúc dân Israel đang phải cư ngụ trong các lều trại, nên luật phải giữ khi có người chết trong lều cũng sẽ áp dụng về sau trong nhà, khi họ vào đất hứa và ở trong nhà. Vì vấn đề chính là xác chết sẽ tạo nên sự ô uế cho người chạm tới, chứ không phải chết trong lều hay chết trong nhà. Vì xác chết mà người nào vào lều cũng bị ô uế trong bảy ngày (14). Các bình không đậy cũng bị nhiễm sự ô uế. Vì xác người chết bị kể là ô uế, nên dù là dụng tới người bị gươm giết ngoài đồng, hoặc xác chết hay hài cốt, hay mồ mả ở ngoài đồng đều bị nhiễm ô uế cả (15–16).
Để thanh tẩy các sự ô uế nầy, “người ta phải lấy tro của con sinh tế bị thiêu trong tế lễ thanh tẩy tội lỗi để trong một cái bình và pha với nước lấy ngoài sông hay suối. Một người tinh sạch sẽ lấy cành bài hương nhúng vào nước ấy rồi rảy lên trại, trên đồ đạc, trên những người có mặt tại đó và trên người nào đã đụng vào hài cốt hoặc người bị giết hoặc xác chết, hoặc mồ mả” (17-18).
Sự rảy nước tẩy uế phải làm, do bất cứ người tinh sạch nào cũng làm được không cần phải là thầy tế lễ, vào ngày thứ ba và thứ bảy. Dù đã được rảy nước tẩy uế, những người được tẩy uế vẫn phải giặt áo quần và tắm trong nước, rồi đến tối mới được tinh sạch (19).
Luật khai trừ vẫn áp dụng cho những người nào bị ô uế mà không chịu để người ta rảy nước tẩy uế để được thanh tẩy, hoặc giấu giếm sự bị nhiễm ô uế của mình (20).
Luật cũng buộc những người nào rảy nước tẩy uế, hay đụng tới nước tẩy uế đó đều sẽ bị ô uế đến chiều tối. Bởi vì người đó phải dùng tay khuấy tro vào nước nên bị nhiễm ô uế. Bất cứ vật gì mà người bị ô uế chạm đến đều trở nên ô uế; còn ai chạm tới vật ấy sẽ bị ô uế đến chiều tối (21–22).
Bài học ở đây là tự nước tẩy uế không có hiệu quả gì, mà sự tẩy uế được thực hiện là do Đức Chúa Trời chỉ định mà thôi.
Dansoky13.docx
Rev. Dr. CTB