Sách Công Vụ, bài 09


Công Vụ 3:17–26

Sau khi quy trách nhiệm trên người Do-thái tại Giêrusalem về sự chết đau thương của Đức Chúa Giêxu, Phierơ nói rõ rằng ông hiểu họ đã làm điều đó vì thiếu hiểu biết (17). Có nghĩa là họ chưa biết Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-sai-a, cũng chẳng biết Ngài là Con Đức Chúa Trời. Nhưng sự thiếu hiểu biết không thể giảm bớt tội lỗi mà họ đã phạm, mặc dù trong Cựu Ước đã luôn luôn có sự tha thứ cho những tội lỗi làm ra trong sự thiếu hiểu biết nhưng sau đó nhận ra lỗi lầm và dâng tế lễ chuộc tội (Lê-vi-ký 4:2, 13, 22; Êxêchiên 45:20); và mặc dù trên thập tự giá, Đức Chúa Giêxu cầu xin: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì” (Luca 23:34), người Do-thái vẫn phải ăn năn tội ấy để nhận được sự tẩy sạch (19).

 

Mặc dù sự chịu khổ và chết của Đức Chúa Giêxu là sự ứng nghiệm những lời của các tiên tri do Đức Chúa Trời sai thông báo từ nhiều trăm năm trước (18), thì điều đó cũng không làm giảm nhẹ tội lỗi của người Do-thái ở Giêrusalem. Giống như lời ông đã khuyên lơn những người nghe trong ngày lễ Ngũ tuần, Phierơ lại kêu gọi: “Vậy hãy ăn năn, hãy trở về với Chúa để tội lỗi đồng bào được tẩy sạch” (19). Ăn năn trong trường hợp nầy có nghĩa là người Do-thái phải thay đổi ý tưởng và thái độ của họ đối với Đức Chúa Giêxu. “Trở về với Chúa” nghĩa là chấp nhận chương trình của Đức Chúa Trời, để những tội chối bỏ và giết chết Chúa Cứu Thế có thể được tha thứ và xoá sạch. Họ cần phải được tha tội “hầu cho các thời kỳ tươi mới mà Chúa ban cho sẽ đến, và để Ngài sai Đấng Christ, tức là Đức Chúa Giêxu, Đấng đã được chỉ định trước,đến với họ (20).

 

Sự ăn năn tội, trở lại với Chúa chẳng những làm cho mọi tội lỗi mình được xoá sạch mà còn mở đường cho các thời kỳ tươi mới có thể đến trong lúc ta còn ở thế gian nầy, không cần phải chờ đợi tới ngày Đức Chúa Giêxu trở lại. Bởi vì “hiện nay, Đấng ấy (tức là Đức Chúa Giêxu) còn phải ở lại trên trời cho tới thời kỳ phục hồi muôn vật” theo như lời “Đức Chúa Trời đã phán dạy từ xưa qua miệng các nhà tiên tri thánh” (21). Thời kỳ tươi mới có nghĩa là những ơn phước thuộc cõi tâm linh, các phép lạ, sự phấn hưng toàn thể con người, sẽ được ban cho những người ăn năn tội lỗi, ngay bây giờ, vào lúc họ còn đang sống trên thế gian, bởi sự tuôn đổ mạnh mẽ và tươi mới của Đức Thánh Linh.

 

Thời kỳ phục hồi muôn vật” nói về thời một ngàn năm bình an sau khi tận thế, lúc thế giới đã được phục hồi khỏi tình trạng hư hoại hiện nay và làm cho mới trở lại; là lúc Đức Chúa Giêxu cai trị trên toàn thế giới. “Muôn vật” là những gì đã được nói tiên tri rằng sẽ được phục hồi; điều đó không bao gồm các thế lực thần linh trên trời đã sa ngã và chống nghịch Đức Chúa Trời. Chỉ linh hồn của những người tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu mới được tham dự vào kỳ phục hồi muôn vật mà thôi. Không ai biết khi nào thời kỳ ấy sẽ đến. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không cần phải đợi Vương quốc ấy đến trước khi chúng ta được kinh nghiệm những ơn phước và quyền phép của Đức Chúa Trời. Nếu bây giờ chúng ta đáp ứng được điều kiện đòi hỏi về sự ăn năn và trở lại với Đức Chúa Trời, thì được hưởng thời kỳ tươi mới do Đức Thánh Linh ấn chứng trong lòng chúng ta như một món đặt cọc chứng nhận chúng ta đã thuộc về Ngài.

 

Phierơ nhắc lại lời tiết lộ của Môi-se đã được chép: “Từ trong đồng bào của anh em, Giê-hô- va Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một nhà tiên tri như tôi. Anh em phải nghe lời vị tiên tri ấy” (Phục Truyền 18:15) (22). Đây là lời hứa tiên tri mà người Do-thái vẫn hằng chờ đợi qua nhiều thế hệ. Vì thế, khi Giăng Baptist xuất hiện thì họ liền hỏi “Ông là nhà tiên tri phải không?” (Giăng 1:21, 25). Vài lãnh tụ người Do-thái trong lịch sử được người đương thời ngưỡng mộ như Giô-suê và Sa-mu-ên, có lúc người ta nghĩ rằng họ là người ứng nghiệm của lời hứa, nhưng sau đó thất vọng. Chỉ có Đức Chúa Giêxu mới làm ứng nghiệm hoàn toàn vai trò của vị tiên tri mà Môise đã nói đến. Hãy so sánh để hiểu rõ tại sao Đức Chúa Giêxu đến đã làm ứng nghiệm lời hứa tiên tri ấy:

 

Đức Chúa Trời đã dùng Môise đem đến Giao-ước cũ (Cựu-ước); Đức Chúa Giêxu đem Tân ước đến. Môise đưa dân Do-thái ra khỏi Ai-cập và dắt họ tới núi Si-nai để Đức Chúa Trời dẫn họ đến với chính Ngài (Xuất Ai-cập 19:4); Đức Chúa Giêxu đã trở thành con đường mới và sống để qua Ngài, chúng ta có thể tiến thẳng vào nơi có sự hiện diện chí thánh của Đức Chúa Trời. Môise truyền cho dân Israel mệnh lệnh về dâng Chiên-con làm tế lễ; Đức Chúa Giêxu là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Môise đã được Đức Chúa Trời dùng để thi hành nhiều dấu kỳ phép lạ; Đức Chúa Giêxu lại làm phép lạ và dấu kỳ nhiều hơn. Nhưng khác với các dấu kỳ phép lạ mà Môise đã làm là để trừng phạt vua Ai-cập, các phép lạ của Đức Chúa Giêxu thực hiện đều là dấu hiệu của tình yêu thương; như tác giả thư Hêbơrơ đã so sánh:

Ngài đáng được tôn trọng hơn Môise, cũng như người xây nhà được tôn trọng hơn cái nhà; vì nhà nào cũng phải có người xây lên, mà Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vạn vật. Môise trung thành phục vụ trong khắp nhà Chúa như một người đầy tớ để làm chứng cho những điều Ngài sẽ phán dạy về sau. Nhưng Đấng Christ trung thành với tư cách là Con trai quản trị nhà Chúa, mà nhà Chúa là chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững lòng can đảm và tin tưởng vào điều chúng ta hi vọng cho đến cuối cùng” (Hêbơrơ 3:3–6).

 

Môise cảnh cáo: “Ai không vâng lời nhà Tiên tri ấy phải bị tiêu trừ khỏi nhân dân” (23). Như vậy, mặc dù Đức Chúa Trời rất nhân từ, nhưng ai không ăn năn vẫn phải bị hình phạt và cá nhân đó phải bị huỷ diệt khỏi dân Chúa. “Tất cả các nhà tiên tri từ Sa-mu-ên trở về sau, cũng đều báo trước về những ngày nầy” (24). Nghĩa là các lời tiên tri của các đấng tiên tri từ khoảng hơn 1,000 năm cho đến khoảng hơn 400 năm trước khi Đức Chúa Giêxu giáng sinh đều nói đến hoặc chuẩn bị cho những ngày Đấng Christ đến thi hành thánh vụ của Ngài, thực hiện các dấu kỳ phép lạ, hy sinh chịu chết, bị chôn, sống lại và thăng thiên về trời.

 

Những người Do-thái đang nghe Phierơ giảng đều là dòng dõi chính thức của các tiên tri, và cũng là dòng dõi của Áp-ra-ham theo lời hứa, cho nên họ cũng được hưởng lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham: “Nhờ hậu tự của con, cả nhân loại sẽ hưởng phước” (25) (Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước, vì con đã vâng lời Ta) (Sáng Thế 22:18; Galati 3:16). Người Do-thái tại Giêrusalem được đặc ân có một không hai là những người đầu tiên hưởng các phước lành được hứa cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Đây không phải là vì Đức Chúa Trời đã thiên vị người Do-thái, nhưng là cơ hội để họ nhận được phước lành bằng sự ăn năn từ bỏ tội lỗi rất nặng của họ là chối bỏ Đấng Thánh và nộp Ngài cho Phi-lát để bị đóng đinh trên thập tự giá.

 

Bởi vì: “Đức Chúa Trời đã cất nhắc đầy tớ Ngài lên, và sai Người đến chúc phước cho đồng bào trước tiên, làm cho mỗi người từ bỏ con đường tội ác mình” (26). Phải có ai đó được sai đi để rao truyền thông điệp tốt lành của Đức Chúa Trời cho người chưa được nghe tin lành. Người Do thái được nghe thông điệp trước các dân tộc khác bởi vì họ có Kinh-thánh Cựu-ước, được sinh ra trong bối cảnh lời hứa của Đức Chúa Trời và ai cũng biết về lời hứa ấy. Sau nầy, khi Phaolô quy đạo và đi truyền giảng Phúc âm thì ông luôn luôn tới giảng cho người Do-thái trước. Sau khi họ cự tuyệt không chịu nghe, ông mới chuyển sang giảng cho người ngoại bang: “Chúng tôi giảng lời Đức Chúa Trời cho đồng bào trước nhất, nhưng đồng bào khước từ và xét mình không đáng được sự sống vĩnh cửu, nên chúng tôi mới quay sang người nước ngoài” (Công Vụ 13:46).

 

Tất cả những nhà truyền giáo đầu tiên rao giảng về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua công ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, đều là người Do-thái. Chúa đã chuẩn bị họ trước cho công tác truyền giáo đầy vinh dự nầy. Nhưng họ không thể mang thông điệp và ơn phước đến cho người khác nếu họ không ăn năn tội lỗi của họ. Vì nhờ sự ăn năn đó, họ mới kinh nghiệm được ân phúc cho chính mình, rồi mới công bố tin mừng ấy cho người chưa biết. Chúng ta ngày nay cũng vậy, phải biết ăn năn bản chất xấu xa của mình và kinh nghiệm ơn Chúa trước khi có thể truyền giáo.

SachCongVu09.docx  (Sách tham khảo: The Book of Acts, của Stanley M. Horton)

Rev. Dr. CTB