Sách Công Vụ, bài 30
Công Vụ 15:22–41
Các vị lãnh đạo của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem đã chứng tỏ họ thật có sự khôn ngoan từ Đức Thánh Linh khi quyết định “chọn người cử đi An-ti-ốt với Phao-lô và Ba-na-ba” (22) để trình bày quyết định của hội nghị ghi trong bức thư của “các sứ đồ, trưởng lão và anh em” tại Hội-thánh ở Giê-ru-sa-lem gửi cho các “anh em dân ngoại tại An-ti-ốt, Sy-ri và Si-li-si” (23). Hai người được chọn là “Giu-đa (cũng gọi là Ba-sa-ba) và Si-la, thuộc hàng lãnh đạo của anh em” (22).
Lòng tôn trọng các anh chị em trong Chúa với nhau được thể hiện qua sự đề cử hai người thuộc hàng lãnh đạo, thay vì chỉ cử vài đại biểu đi thông báo rồi trở về mà thôi. Về sau, Si-la, tên gọi tắt của Sin-vanh (2Cô-rinh-tô 1:19), đã ở lại An-ti-ốt tham gia đoàn truyền giáo để mở rộng nước Chúa khắp vùng Tiểu-Á và Nam-Âu, trong chuyến đi truyền giáo thứ nhì của Phao-lô.
Nội dung của bức thư ngắn gọn và đầy đủ đã giải quyết những câu hỏi của các tín hữu tại An–ti-ốt cậy Ba-ba-ba và Phao-lô chuyển đến các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem. Thư xác nhận rõ rằng một số người từ Hội-thánh Giê-ru-sa-lem đã đến An-ti-ốt để “nói những lời gây hoang mang, làm rối loạn tinh thần anh em,” mà chẳng ai sai bảo hoặc cử họ đi làm điều đó (24).
Thời nào cũng có vài người đi rao truyền ý riêng của họ trong sự thiếu hiểu biết, làm cho những tín hữu yêu mến Chúa nhưng non trẻ trong đức tin bị hoang mang và bối rối tinh thần. Như vậy các sứ đồ và trưởng lão đã khẳng định rằng mấy người đó không do các sứ đồ sai bảo, nhưng tự động nói theo ý riêng họ. “Vì thế, chúng tôi đồng lòng hợp ý quyết định chọn hai người, cử họ đến thăm anh em, cùng đi với anh em thân yêu của chúng tôi là Ba-na-ba và Phao-lô” (25).
Tinh thần của bức thư nói về sự nhất trí của cả hội nghị; đồng thời cũng cho anh em tín hữu ở An-ti-ốt biết Ba-na-ba và Phao-lô rất là thân yêu đối với Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem; để chứng nhận rằng đây là “hai người đã liều chết vì danh Đức Chúa Giêxu Christ” (26).
Thư cũng cho biết rằng hai sứ giả là: “Giu-đa và Si-la …sẽ nói trực tiếp những điều nầy” (27). Nghĩa là Giu-đa và Si la sẽ giải thích về những điều trong thư nói cần phải tránh, không nên phạm.
Cũng để cho tín hữu tại An-ti-ốt, Sy-ri và Si-li-si biết rằng những lời dặn dò trong thư không phải là ý kiến của các sứ đồ, nhưng là sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, Đấng chỉ dẫn và điều động Hội-thánh. Cho nên, vài sự kiêng cữ theo dặn dò trong thư sẽ áp dụng cho toàn thể các Hội-thánh của Chúa ở mọi nơi:
“Đức Thánh Linh và chúng tôi quyết định không thêm gánh nặng gì cho anh em, ngoài mấy điều cần thiết nầy: Anh em phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thịt thú vật chết ngạt, và đừng gian dâm” (28–29).
Bốn điều cấm kỵ, hay là cần phải kiêng cữ, thì không có gì là khó khăn. Một vài tín hữu thời nay có thắc mắc: ‘Thức ăn dù đã cúng cho thần tượng cũng chỉ là thức ăn thôi; tại sao tôi không được phép ăn?
Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Những lễ vật người ngoại đạo cúng, họ cúng cho ác quỷ chứ không dâng cho Đức Chúa Trời. Vì thế, tôi không muốn anh em có phần với ác quỷ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ác quỷ; không thể đồng thời dự tiệc của Chúa và tiệc của ác quỷ. Chúng ta dám chọc Chúa ghen sao?” (1Cô-rinh-tô 10:20–22).
Việc thờ cúng tổ tiên tuy không trực tiếp cúng tế cho các quỷ, nhưng thật ra chính các tà, uế-linh là bọn hưởng sự cúng bái ấy. Bởi vì, người chết không về được, còn các thứ quỷ thì tha hồ nấp sau các thứ ảnh tượng và nhang đèn để được người ta cúng bái. Cho nên, con cái Chúa không nên dính líu vào sự cúng bái hình tượng gì. Mà ăn thức ăn đã cúng, thì sẽ bị dính líu tới sự cúng thờ ma quỷ.
Từ thời Nô-Ê sau cơn đại hồng thuỷ, Đức Chúa Trời đã cấm loài người không được ăn thịt còn máu, tức là còn sự sống (Sáng Thế 9:4–5). Điều cấm đó được nhắc lại trong luật pháp Chúa ban cho Môi-se (Lê-vi 17:10–14). Bây giờ, Đức Thánh Linh nhắc lại một lần nữa cho tín hữu thời Tân ước; cho nên, lệnh cấm nầy có hiệu lực vĩnh viễn.
Thú vật bị chết ngạt thì máu vẫn còn nguyên trong các thớ thịt. Ăn thịt còn nguyên máu của thú vật đã chết thì không an toàn cho sức khoẻ con người. Những điều kiêng cữ nầy đều nhằm bảo vệ sức khoẻ của chúng ta. Đấng dựng nên loài người biết rõ cái gì có hại cho thân thể con người. Và những điều cấm kỵ thì quá nhỏ so với mọi thứ chúng ta được ăn và thưởng thức sự ngon miệng
Sở dĩ các tín hữu thuộc dân ngoại được dặn đừng gian dâm, vì dân ngoại thường phạm điều ấy, dù họ vẫn biết là xấu xa.
“Phái đoàn lên đường đến thành An-ti-ốt, triệu tập Hội-thánh và trao bức thư. Đọc thư xong, mọi người đều vui mừng vì được an ủi.” (30–31). Ai nấy đều vui mừng vì những lo phiền về gánh nặng luật pháp đã được cất bỏ. Giu-đa và Si-la bắt đầu phục vụ Hội-thánh An-ti-ốt trong chức vụ tiên tri của họ.
Những “lời khích lệ và gây dựng” (32) là sự giảng dạy thêm để xác nhận những sự kiện ghi trong bức thư. Người được gọi là tiên tri, là những người được ơn khải thị từ Đức Thánh Linh để nói những lời khích lệ, gây dựng và an ủi cho Hội-thánh.
Chức vụ tiên tri thời Cựu-ước được Đức Chúa Trời dùng để cảnh tỉnh và chấn chỉnh dân tộc Israel, rồi cũng dùng để báo trước những việc sẽ xảy đến. Chức vụ tiên tri thời Tân-ước là nhắm vào ích lợi của Hội-thánh.
Sự giảng dạy của Giu-đa và Si-la nhằm đánh tan những tác động xấu của các tín hữu gốc Do –thái-giáo đã gieo ra; cũng nhằm củng cố đức tin vào Đấng Christ và tin mừng mà họ đã nhận, là tin mừng được cứu rỗi chỉ nhờ ân điển và đức tin mà thôi.
Những sự giảng dạy và khuyến khích đó rất cần thiết. Bởi vì những điều dạy dỗ sai trật của nhóm tín hữu gốc Do-thái-giáo từ Giê-ru-sa-lem đã gây nên một cuộc khủng hoảng về tín lý trong Hội-thánh tại An-ti-ốt. Nơi mà môn đồ gồm cả người Giu-đa lẫn người Hy-lạp và có thể có các sắc dân ngoại khác. Sự dạy dỗ sai trật ấy tạo niềm hãnh diện và yên tâm cho người Do-thái về ơn cứu rỗi; nhưng tạo ra sự lo âu thắc mắc trong lòng các tín hữu khác. Cho nên, Giu-đa và Si-la đã giảng dạy và giải thích tận tường về ơn cứu rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin của tín hữu.
“Sau một thời gian, anh em tiễn họ lên đường bình an” để trở về Giê-ru-sa-lem; “nhưng Si-la quyết định ở lại” (33–34). Phao-lô và Ba-na -ba cũng ở lại An-ti-ốt, để “cùng với nhiều anh em khác giảng dạy đạo Chúa” (35).
Sự việc Si-la ở lại An-ti-ốt là chương trình của Đức Thánh Linh như ta sẽ thấy sau nầy. Vì Si-la là một tiên tri, đồng thời cũng được xem như một sứ đồ, cho nên ông không quyết định theo cảm tính nông nổi, mà do sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Lìa quê hương quen thuộc để dấn thân vào một tương lai vô định là một quyết định đòi hỏi một ý chí sắt đá và một lòng tin chắc chắn vào Đấng chăn dắt, hướng dẫn và bảo vệ mình.
Sự rạn nứt xảy ra giữa hai người lãnh đạo vì ý kiến bất đồng và xung khắc. Khi “Phao-lô nói với Ba-na-ba: ‘Chúng ta hãy trở lại thăm các anh em trong những thành chúng ta đã truyền bá đạo Chúa, xem họ ra sao!’” (36), thì Ba-na-ba muốn đem Giăng Mác theo (37), “còn Phao-lô cho là không nên, vì tại Bam-phi-ly, Mác đã bỏ đi, không theo họ làm xong công tác” (38).
Ý kiến bất đồng, hay xung khắc, mà không hoà hợp được là từ ý chí và lý trí của bản ngã con người. Sự chia tay giữa hai sứ đồ lớn của thời Hội-thánh sơ lập thật là đáng tiếc. Vì sau khi “Ba-na-ba đem Mác xuống tàu qua đảo Síp” (39), thì không thấy sách Công-Vụ nhắc đến ông nữa. Cho đến nay không ai xác định lý lẽ của người nào trong hai vị sứ đồ khả kính ấy ai đúng, ai sai.
Ý của Phao-lô là vì Mác đã bỏ rơi họ vào thời điểm hết sức quan trọng, nên ông không muốn đem tới các Hội-thánh còn non trẻ một người có thể sẽ làm gương xấu về đức tin và không siêng năng trong công việc.
Ba-na-ba là người hay an ủi người khác, nên muốn cho người bà con mình một cơ hội ‘đoái công chuộc tội.’ Một người hết sức nóng lòng về công việc và nghiêm khắc về kỷ luật. Ba-na-ba thì thiên về sự cảm thông và tha thứ đối với người có lỗi. Cả hai đều thấy ý của mình là đúng; cho nên xảy ra xung khắc đến nỗi phải chia tay.
Tuy nhiên, về sau thì Phao-lô cần đến Giăng Mác, vì Mác là người hữu ích cho công việc của Phao-lô (2Ti-mô-thê 4:11), chứng tỏ là Ba-na-ba đã có lý khi cho Mác có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Có lẽ về sau Phao-lô đã nhận ra mình quá khắt khe với Giăng Mác, nên ông gọi Mác đến cộng tác với ông.
“Còn Phao-lô chọn Si-la rồi lên đường, sau khi được anh em giao phó cho ân điển của Chúa. Ông ghé qua Sy-ri và Si-li-si, củng cố các Hội-thánh” (40–41). Phao-lô khởi đầu vòng truyền giáo thứ nhì có Si-la đồng hành; một người bạn đồng hành đúng nghĩa.
Dù Luca không ghi chi tiết, nhưng các Hội-thánh ở Sy-ri và Si-li-si mừng rỡ biết bao khi gặp lại vị thầy đức tin của họ.
SachCongVu30.docx
Rev. Dr. CTB