Sách Công Vụ, bài 22

Công Vụ 10:1–23

Hai đoạn 1011 của sách Công Vụ trình bày bước ngoặt quan trọng trong sự phổ biến đạo Chúa của các sứ đồ cho những người ngoại bang. Cho đến lúc ấy, trong sự hiểu biết của mười hai sứ đồ của Đức Chúa Giêxu, đều là người Do-thái giữ nghiêm luật pháp Môi-se, thì giao thiệp và ngồi ăn đồng bàn với người ngoại bang là vi phạm luật pháp. Tuy luật pháp chỉ nêu lên một nguyên tắc chung về việc người Do-thái được biệt riêng ra khỏi các dân tộc khác và thuộc về Đức Chúa Trời (Lê-vi-ký 20:24 26). Nhưng từ khi được trở về quê hương từ xứ lưu đày, trong cộng đồng Do-thái đã thành hình hai nhóm người Sa-đu-sê và Pha-ri-si, đều thuộc chi tộc Lê-vi, trở thành giới lãnh đạo tôn giáo của người Giu-đa, thì qua mấy trăm năm cho đến thời các sứ đồ, họ đã đặt thêm nhiều luật lệ khe khắt hơn, vì sợ bị Đức Chúa Trời trừng phạt một lần nữa.

Theo luật pháp thì những người nào chưa chịu phép cắt bì đều bị xem là ô uế. Vì vậy, dù các thức ăn là thanh sạch nhưng nếu thứ thực phẩm đó được nấu nướng bởi những người chưa chịu cắt bì, thì đều bị xem là ô uế. Hiểu biết bối cảnh lịch sử và xã hội của các sứ đồ, chúng ta theo dõi các sự kiện và hiểu biết một cách dễ dàng hơn. Chúng ta cũng nhớ là tất cả sứ đồ và tín hữu thời đó đều đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Dù đã được kinh nghiệm một ơn phước lớn như thế, nhưng thành kiến về người ngoại bang chưa bị loại trừ khỏi lòng họ. Những truyền thống lâu đời đã ăn sâu vào niềm tin rất khó bị loại trừ ra khỏi nếp suy nghĩ. Có lẽ tín hữu và các sứ đồ thời đó đã suy diễn mệnh lệnh của Đức Chúa Giêxu về rao giảng Tin mừng khắp thế giới là rao giảng cho người Do-thái đang bị lưu lạc khắp nơi. Tuy vậy, một bước tiến bộ đã diễn ra khi hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng chấp nhận sự quy đạo của người Sa-ma-ri. Nhưng lý do khiến họ dễ chấp nhận là vì người Sa-ma-ri cũng chịu cắt bì và giữ luật Môi-se.

Sê-sa-rê nằm cách Giốp-bê khoảng 30 dặm về hướng bắc. Đó là thủ phủ của xứ Giu-đê dưới sự cai trị của một viên quan La-mã. Có một trung đoàn quân La-mã trấn đóng tại Sê-sa-rê với số quân đông khoảng một ngàn binh sĩ. Cọt-nây là một đại đội trưởng chỉ huy khoảng 100 quân của trung đoàn ấy. Vào thời đó, Kinh-thánh thường đề cập tới các đội trưởng La-mã đều là người tốt và biết kính sợ Đức Chúa Trời, tức là những người có đức tin. Đức Chúa Giêxu đã nói lời khen đức tin của một viên đội trưởng La-mã rằng: “Tôi nói với các ông, ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy ai có đức tin lớn như thế” (Luca 7:9). Không có tài liệu nào của thời đó lưu lại nói về sự kính sợ của họ đối với Đức Chúa Trời có phải là Đức Chúa Trời mà Kinh-thánh bày tỏ hay chỉ là một Đấng Tối Cao họ chưa biết rõ ràng. Lòng mộ đạo của Cọt-nây và người nhà có lẽ là hướng về Đức Chúa Trời của dân Do-thái đang thờ kính (1–2); cho nên, ông “rộng rãi cứu tế dân nghèo và thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Chúa thấu rõ lòng hướng thiện của Cọt-nây. “Một hôm, vào khoảng giờ thứ chín, ông thấy rõ ràng trong khải tượng, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đến gọi: ‘Cọt-nây!’ Ông nhìn chăm thiên sứ, sợ hãi, nói: ‘Thưa chúa, có việc gì?’” (3–4). Giờ thứ chín tức là buổi cầu nguyện ba giờ chiều của Do-thái-giáo. Khải tượng mà Cọt-nây thấy không phải là nằm mơ, mà là thị tượng thấy bằng mắt trần. Thiên sứ nói:“Lời cầu nguyện và việc cứu tế của ông đã thấu đến Đức Chúa Trời, được Ngài ghi nhớ. Bây giờ, hãy cho người đến Giốp-bê, mời ông Si-môn gọi là Phi-e-rơ về đây. Ông nầy đang trọ trong nhà một người thợ thuộc da tên là Si-môn, ở gần bờ biển” (4–6). Không gì mừng rỡ hơn là biết rằng việc mình làm được Đức Chúa Trời khen và ghi nhớ. Nếu tin tức ấy do một người có ơn tiên tri nói lại, thì nỗi mừng không bằng được thấy và nghe lời thiên sứ nói.

Chi tiết về việc thiên sứ đi ra chứng tỏ đó không phải là một giấc mơ thần tiên (7). Không lần khân, chần chừ chút nào, “Cọt nây gọi hai gia nhân và một binh sĩ có lòng mộ đạo, thuộc trong số những người túc trực phục vụ ông, thuật cho họ nghe mọi điều, rồi sai họ đi Giốp-bê” (7–8). Ý tứ cẩn thận dù trong tâm trạng vui mừng của Cọt-nây thật đáng khen. Ông chỉ sử dụng người tâm phúc và mộ đạo cho công việc cực kỳ quan trọng của đời ông. Được thiên sứ viếng thăm và nghe sự chỉ dẫn từ trời là một nỗi mừng không tả nổi. Người ta có thể đoán chắc rằng sau khi gia nhân do ông sai đã đi rồi, Cọt-nây cũng kể lại sự gặp mặt thiên sứ đầy phước hạnh đó cho cả nhà mình nghe. Chẳng những thế, ông còn báo tin cho tất cả bà con họ hàng, bạn bè quen thân nữa (24).

Trong lúc các gia nhân của Cọt-nây gần đến Giốp-bê, thì Đức Chúa Trời hành động trên sự suy nghĩ của Phi-e-rơ để chuẩn bị ông sẵn sàng thực hiện một bước ngoặt vô cùng quan trọng về công tác truyền giáo. Khi Đức Chúa Trời sắp đặt việc gì, thì Ngài sắp xếp cả hai đầu ăn khớp với nhau. Vì lẽ đó khi “Phi-e-rơ lên sân thượng cầu nguyện, lúc ấy vào khoảng giờ thứ sáu. Ông đói, muốn ăn, nhưng khi người ta dọn thức ăn, ông xuất thần, thấy trời mở ra, có vật gì như tấm vải lớn buộc bốn góc, hạ xuống đất, trong đó có đủ loài thú vật bốn chân, loài bò sát dưới đất, và loài chim trên trời” (9–12). Trong tất cả các loại thú, loài bò sát và chim trên trời, thì chỉ một số ít được chỉ định là loài thanh sạch; còn lại đều là ô uế cả (Lê-vi 11:2–23). Nhưng trong tấm vải lớn túm bốn chéo góc đó thì có đủ các loài thanh sạch lẫn ô uế theo luật Môi-se. Người Giu-đa thuần thành của Do-thái-giáo không khi nào chịu ăn thịt của loại thú bị kể là ô uế.

Có tiếng gọi: ‘Phi-e-rơ! Hãy dậy làm thịt mà ăn!’ Phi-e-rơ thưa: ‘Lạy Chúa, không đâu, vì con không hề ăn vật gì ô uế’” (13–14). Lời đáp của Phi-e-rơ chứng tỏ ông nhận ra tiếng của Thầy mình. Nhưng các định kiến về vật ô uế đang có sẵn trong ông mạnh hơn sự ưa thích bình thường của ông là vâng lời Chúa; vì thế, ông từ chối không làm theo lệnh truyền. “Tiếng ấy lại phán lần thứ hai: ‘Những gì được Đức Chúa Trời tẩy sạch, không được coi là ô uế.’ Lời đó lặp lại ba lần, và vật kia liền được thu lên trời” (15–16). Sự xác định và mệnh lệnh từ trời được lặp lại ba lần để người nghe biết chắc là cõi thiên đàng đã định như thế. Không ai được xem vật chi mà Đức Chúa Trời đã tẩy sạch là ô uế cả. Khải tượng ấy khiến cho Phi-e-rơ phải suy nghĩ để biết ý nghĩa thật là gì. Nhưng ông chưa kịp suy nghĩ lâu vì “những người Cọt-nây sai đi đã hỏi được nhà Si-môn, và đang đứng trước cổng. Họ lên tiếng gọi, và hỏi xem Si-môn gọi là Phi-e-rơ có đây không”(17-18).

Thấy một khải tượng dị thường khiến cho bất cứ ai cũng phải ngẫm nghĩ về ý nghĩa của khải tượng ấy. Trong khi Phi-e-rơ đang ngẫm nghĩ mà chưa hiểu, thì “Đức Thánh Linh phán với ông: ‘Kìa, có ba người đang tìm con. Con đứng dậy, xuống đi với họ. Đừng nghi ngại, vì Ta sai họ đến’” (19–20). Thật hạnh phúc thay là các sứ đồ của Đức Chúa Giêxu. Bởi vì họ có khả năng nghe tiếng Đức Thánh Linh phán rõ ràng, không chút lầm lẫn gì; đó cũng là lý do khiến cho những thư tín họ viết gửi đến các Hội-thánh và thánh đồ khắp nơi, nêu ra những giáo lý căn bản, những dạy dỗ có giá trị vĩnh cửu từ thiên đàng, không bao giờ lỗi thời, có uy quyền của Chúa và vô cùng ích lợi cho đời sống tâm linh của tín hữu, được kinh điển vào bộ Kinh-thánh Tân-ước của Hội-thánh Chúa ngày nay. Tất cả đều phát xuất bởi sự cảm ứng của Đức Thánh Linh đến với họ. Những lời vàng ngọc ấy được xem là Lời của chính Đức Chúa Trời phán cho con cái Ngài ở mọi nơi.

Phi-e-rơ nghe vậy, liền “xuống nói với họ: ‘Tôi chính là người các ông đang tìm. Lý do gì khiến các ông đến đây?’ Họ đáp: ‘Đại đội trưởng Cọt-nây, một người công chính và kính sợ Đức Chúa Trời, được mọi người Do-thái kính nể; ông ấy được Chúa phán dạy qua một thiên sứ thánh bảo phải mời ông về nhà để nghe lời ông chỉ dạy’” (21–22). Hãy đứng vào vị trí của Phi-e-rơ để cảm nhận tâm trạng vui mừng vô cùng của ông. Đức tin càng ngày càng vững chắc hơn khi được thấy sự hành động và chương trình diệu kỳ của Chúa.

Chắc rằng những gia nhân của Cọt-nây tới Giốp-bê và tìm được nhà Phi-e-rơ ở thì đã mệt và cần nghỉ ngơi. Vì thế, “Phi-e-rơ mời họ vào nhà nghỉ đêm. Hôm sau thức dậy, ông lên đường với họ. Có vài anh em ở Giốp-bê cùng đi” (23). Niềm vui của những tín hữu đồng hành với Phi-e-rơ thật khó tả khi được liên tiếp thấy những việc siêu nhiên. Họ cũng sẽ là người làm chứng về sau.

SachCongVu 22.docx

Rev. Dr. CTB