Sách Công Vụ, bài 18

Công Vụ 8:1–25

Sau-lơ (Saul), một người trẻ tuổi cuồng nhiệt với Do-thái-giáo, học trò của Ga-ma-li-ên, bắt đầu được nhắc tới ở cuối đoạn 7, và giữ vai chính trong việc bách hại Hội-thánh; nhưng chỉ trở thành một người giữ vai trò quan trọng từ đoạn 9 của sách Công Vụ. Lời tường thuật: “Sau-lơ là người đồng ý việc giết Ê-tiên” (1), có nghĩa là Sau-lơ hết lòng và hoàn toàn ưng thuận việc sát hại Ê-tiên, rồi tiếp tục hành vi bách hại Hội-thánh của Đức Chúa Giêxu Christ. Chủ trương của Sau-lơ đi ngược lại ý kiến của thầy mình, là Ga-ma-li-ên, người đã khuyên hội đồng tôn giáo chớ nên bắt bớ môn đồ của Đức Chúa Giêxu (5:35–39). Vì thế, ông là một trong những người khởi xướng chủ yếu của phong trào bách hại Hội-thánh (3). Ngoại trừ các sứ đồ còn lưu lại Giê-ru-sa-lem, tất cả tín hữu “đều đi tản mác khắp nơi trong xứ Giu-đê và Sa-ma-ri” (1).

Tuy nhiên, có mấy người mộ đạo lo chôn cất Ê-tiên và khóc thương ông rất nhiều” (2). Đây là hiện tượng trái ngược thói tục của người Do-thái là không bày tỏ sự kính trọng và khóc thương đối với một người bị ném đá chết vì tội phạm thượng. Những người mộ đạo nói đến ở đây có thể là những người Do-thái-giáo kính sợ Đức Chúa Trời mà chưa tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a, nhưng kính trọng Ê-tiên và cho rằng quyết định của hội-đồng tôn giáo là sai và không công chính. Vì vậy, rất có thể họ là nhóm người đứng ra chôn cất và thương khóc Ê-tiên. Hoặc những ‘người mộ đạo’ là một số anh chị em tín hữu bạo dạn của Hội-thánh Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ.

Trái ngược tinh thần kính sợ Đức Chúa Trời và công chính của những người một đạo, Sau-lơ ngày càng hung hãn trong việc bắt bớ Hội-thánh (3). Tuy thế, sự bách hại con cái Chúa không thể cản trở nổi sự loan truyền Tin-mừng, mà đem lại hiệu quả trái ngược. Trước khi Hội-thánh bị bắt bớ, các sứ đồ chỉ huấn luyện và giảng dạy tín hữu tại Giê-ru-sa-lem mà thôi. Dù cho số tín đồ gia tăng nhanh chóng và trở thành đông đảo, họ vẫn truyền rao phúc âm quanh quẩn trong thành phố Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận, chưa có kế hoạch mở rộng xa hơn, mặc dù Đức Chúa Giêxu đã căn dặn họ: “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng, làm chứng cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất”(1:8)

Bây giờ, cơn bắt bớ xảy đến, các tín hữu đem những gì họ đã học được từ các sứ đồ, áp dụng vào việc truyền rao phúc âm tới những nơi họ đi tản mác để tránh cơn bách hại. Sự tản mác theo ý nghĩa ở đây thì có lẽ họ không ở cố định một chỗ nào, mà đi từ nơi nầy sang nơi khác để truyền bá tin mừng của Chúa. Như Luca ký thuật ở Công Vụ 11:19, một số tín hữu đã đi tới tận đảo Síp, Phê-ni-xi, và thành An-ti-ốt, người ta có thể biết chắc rằng các tín hữu cũng toả đi xa về mọi phía khác nữa, hướng về những nơi họ có thể vừa sinh nhai, vừa thi hành đại mệnh lệnh mà Đức Chúa Giêxu đã truyền dạy. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả tín hữu đều là những nhà truyền giáo theo cách chúng ta hiểu ngày nay. Họ chỉ là những tín hữu bình thường tận dụng mọi cơ hội để Chúa có thể dùng họ bày tỏ tình yêu và quyền phép của Ngài cho vô số người khác (4).

Câu chuyện Phi-Líp, một trong bảy chấp sự được bầu chọn trước kia, đi truyền giáo ở xứ Sa-ma-ri là một ví dụ điển hình (5); không phải vì Sa-ma-ri quan trọng hơn các nơi khác, nhưng một vài sự kiện lớn đã xảy ra ở đó, và cũng là nơi kề cận xứ Giu-đê theo thứ tự trong mệnh lệnh của Đức Chúa Giêxu. Tin mừng đến Sa-ma-ri đã phá sập một rào cản quan trọng. Người Sa-ma-ri là dòng dõi của người Israel thuộc mười chi tộc phía bắc được hoàng đế A-si-ri cho ở lại trong xứ sau khi Israel bị giải thể. Những người Israel đó đã cưới gả và pha trộn với các dân tộc khác do hoàng đế A-si-ri đưa đến. Họ kính thờ Đức Chúa Trời lẫn các thần tượng của những dân tộc nầy (2Vua 17:24–41). Vua Hy-lạp Alexander đại đế cho phép họ xây một đền thờ trên núi Ghê-ri-xim, nhưng đến năm 128 BC., lãnh tụ người Giu-đa, John Hyrcanus, đã phá huỷ đền thờ nầy. Vào thời Tân Ước thì người Sa-ma-ri theo luật Môi-se nhưng dâng tế lễ trên núi Ghê-ri-xim (Giăng 4:20).

Một số bản sao cổ ghi rằng Phi-Líp tới thành Sa-ma-ri, cách làng Si-kha nơi Đức Chúa Giê-xu nói chuyện với thiếu phụ Sa-ma-ri, khoảng 10 dặm về hướng bắc. Chắc rằng ảnh hưởng thánh vụ của Đức Chúa Giêxu tại Sa-ma-ri vẫn chưa phai mờ, vì người Sa-ma-ri giống như dân Giu-đa, vẫn trông chờ Đấng Mết-si-a xuất hiện. Vì thế, khi họ nghe Phi-Líp “giảng dạy và thấy các phép lạ ông thực hiện, dân chúng đồng lòng lắng nghe” (6). Các sự kiện nầy chứng minh cho sự chính xác của lời ký thuật trong sách Phúc-âm Mác 16:20: “Còn các môn đồ ra đi truyền giảng khắp nơi. Chúa cùng làm việc với họ, củng cố đạo họ giảng bằng nhiều phép lạ.” Người Sa-ma-ri đã thấy quyền phép Chúa thể hiện trước mắt họ: “Nhiều người bị tà linh ám, khi bị trục xuất, chúng nó lớn tiếng kêu la. Cũng có nhiều người tê liệt, què quặt được chữa lành. Dân trong thành phố ấy vui mừng lắm” (7–8). Họ vui mừng vì ơn cứu rỗi của Chúa còn đem đến sự chữa lành tật bệnh.

Sự thành công của Tin-mừng còn có một hiệu quả mạnh mẽ khác nữa. Vì tại Sa-ma-ri có “một người tên là Si-môn vốn làm nghề phù phép trong thành, khiến cho người Sa-ma-ri phải kinh ngạc. Ông ta tự xưng mình là một vĩ nhân. Mọi người từ trẻ đến già đều nghe theo Si-môn. Họ nói: ‘Người nầy là biểu hiện của cái gọi là quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời.’ Họ nghe theo Si-môn vì bấy lâu nay ông ta đã dùng phù phép mê hoặc họ” (9–11). Nhưng người ta đã thấy sự khác biệt giữa quyền phép Đức Chúa Trời do Phi-Líp thi thố với phù phép của Si-môn. Phép lạ từ Vương quốc thiên đàng củng cố Phúc-âm và đem đến sự vui mừng khi người ta được giải thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi và phù phép. Vì vậy, “khi Phi-líp giảng Tin lành về nước Đức Chúa Trời và về danh Đức Chúa Giêxu Christ, họ tin và chịu phép báp têm cả nam lẫn nữ” (12).

Điều bất ngờ là “Si-môn cũng tin, và sau khi chịu báp têm ông theo sát bên Phi-líp. Thấy các việc kỳ diệu và phép lạ lớn lao xảy ra, Si-môn rất kinh ngạc” (13). Chứng tỏ rằng quyền năng của Chúa là quá cao diệu so với phù phép của ma thuật. Phi-e-rơ và Giăng được các sứ đồ cử đi thăm công việc Chúa tại Sa-ma-ri, sau khi nghe tin người Sa-ma-ri tin Chúa. Việc đầu tiên hai ông làm là cầu nguyện cho tín hữu được nhận lãnh Đức Thánh Linh qua sự đặt tay (14–17). Đây là một chi tiết đáng để ý, vì dù tín hữu ở Sa-ma-ri chịu lễ báp-têm nhân danh Đức Chúa Giêxu, Đức Thánh Linh vẫn chưa giáng trên họ cho tới khi được các sứ đồ đặt tay và cầu nguyện cho. Phi-líp, người đầy dẫy Đức Thánh Linh và làm nhiều phép lạ, vẫn chưa giúp họ nhận được Đức Thánh Linh; có nghĩa là trong thời gian qua, các sứ đồ đã được Chúa chỉ dẫn cho nhiều điều sâu nhiệm hơn.

Thầy bùa Si-môn tưởng rằng tiền bạc có thể mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời (18-20) nhưng bị quở mắng về tư tưởng gian tà ấy. Có nghĩa là ông ta định bán Đức Thánh Linh để kiếm tiền. Ở chỗ nầy, bác sĩ Lu-ca không ghi rõ dấu hiệu nào làm bằng chứng cho sự nhận lãnh Đức Thánh Linh của những người được hai vị sứ đồ đặt tay. Ở hai chỗ khác, Lu-ca ghi chép rõ dấu hiệu của người nhận lãnh Đức Thánh Linh ở nhà Cọt-nây (10:44–46), và ở Ê-phê-sô (19:6) là nói các thứ tiếng khác và nói tiên tri. Vì thế, vài hệ phái tin rằng sự nói thứ tiếng khác, hoặc nói tiếng lạ là dấu hiệu của người đã nhận được phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. Có lẽ Lu-ca thấy không cần thiết phải ghi lại dấu hiệu nói thứ tiếng khác mỗi lần ông tường thuật về phép báp têm bằng Đức Thánh Linh; bởi vì chỉ có một Đức Thánh Linh vận hành trong Hội-thánh mà thôi.

Dùng tiền bạc mong mua được ơn Chúa là thứ tư tưởng gian tà định sử dụng Chúa cho mục đích tà ác (21–23). Chuyện tích nầy chỉ là một điển hình cho loại ý tưởng tà ác vẫn có trong nhiều người thời nay. Những người dùng tiền bạc mua chức vụ, thao túng công việc của Hội-thánh, giữ các vai trò quan trọng và trụ cột trong sự điều hành công việc chung. Những ai đang giữ ý nghĩ nầy là những người “đang ở trong mật đắng, và trong xiềng xích của tội ác” (23). Chỉ có sự ăn năn và thật lòng cầu xin Chúa mới mong được Ngài tha thứ cho tội tà ác ấy. Si-môn phải xin hai sứ đồ cầu thay cho mình, vì không biết phải cầu xin như thế nào (24).

Có lẽ hai sứ đồ đã giảng giải kỹ lưỡng trước khi đặt tay, để tín hữu hiểu biết và mong đợi sự ban cho Đức Thánh Linh (25). Trên đường về, họ tiếp tục rao truyền tin mừng ở mọi nơi.

SachCongVu18.docx

Rev. Dr. CTB