Sách Công Vụ, bài 47
Công Vụ 27:1–44; 28:1–31
Rô-ma, kinh đô của đế quốc La-mã, có hai sắc thái đặc biệt. Với quyền lực chính trị và quân sự bao trùm một lãnh thổ rộng lớn, đế quốc La-mã lại đối xử với các đối tượng đã bị chinh phục và các tôn giáo của những dân tộc bị trị ấy với một tinh thần khoan dung và nhân đạo hiếm thấy ở các đế quốc khác trước họ.
Chính quyền La-mã đã hoà nhập người chính quốc, người Hy-lạp, người Do-thái và các dân tộc dã man khác vào đời sống xã hội của họ cách khéo léo. Họ bảo vệ ngôn ngữ và văn hoá Hy-lạp. Họ tạo nên một tinh thần tôn trọng luật pháp; họ nổi tiếng về hiệu quả hành chánh và hệ thống chuyển thư từ; họ thiết lập đường xá và nhiều hải cảng để tạo sự dễ dàng cho lưu thông thương mại; dùng lực lượng quân sự trên bộ và đường thuỷ để bảo vệ mọi huyết lộ giao thông. Đấy là sắc thái tích cực và tốt lành của đế quốc La-mã.
Ngược lại, sắc thái thứ nhì là mặt tối tăm của đế quốc nầy trong phương diện giải trí. Không biết từ bao giờ, thú tiêu khiển của dân chúng tại kinh đô Rô-ma là vui thích thưởng thức nỗi đau đớn của những người giác đấu chém giết nhau, và cảnh thú dữ vồ xé ăn thịt những người lãnh án tử hình bị đưa vào đấu trường để chống lại bầy ác thú đói thịt người.
Tâm lý tàn bạo và ác độc ấy có thể lý giải nguyên nhân chịu khuất phục của dân chúng các nước ở dưới ách đô hộ của người La-mã.
Và nhu cầu cung cấp tù nhân cho thú tiêu khiển độc ác của dân La-mã tại Rô-ma, đã giúp chúng ta hiểu lý do có một số tù nhân khác được giao cho đại đội trưởng Giu-li-ô, để cùng đi với Phao-lô tới kinh đô Rô-ma (1).
Khi dùng chữ “chúng tôi,” Luca chứng tỏ ông cùng đi với Phao-lô tới Rô-ma, và có lẽ vẫn ở bên cạnh Phao-lô suốt hơn hai năm tại Caesarea trước chuyến đi nầy (2). Cũng có Aristarchus lên tàu cùng đi qua Rô-ma với Phao-lô.
Vì Lu-ca không ghi rõ, nên không biết lý do nào họ có thể đi chung chuyến tàu với Phao-lô. Có lẽ đó là những chiếc tàu lớn chở hàng hoá và hành khách, nên ai có tiền trả cước phí đều được lên tàu; hoặc hai người được cho phép đi theo săn sóc Phao-lô.
Chắc rằng đại đội trưởng Giu-li-ô biết rõ Phao-lô là một người tù nổi tiếng; cho nên, ông đối xử với Phao-lô rất tử tế (3).
Các chiếc tàu buồm thời bấy giờ chỉ đi các hải trình nhất định (4-5); vì thế đoàn của Phao-lô phải chuyển sang tàu khác có hải trình đi Rô-ma (6).
Gió ngược khiến chiếc tàu đi tới rất chật vật (7–8). Ngày kiêng ăn của Do-thái-giáo nhằm ngày 10 của tháng thứ bảy lịch Do-thái, tương ứng với cuối tháng chín đầu tháng mười dương lịch, là mùa bão ở Địa Trung Hải bắt đầu. Họ định tới Rô-ma trước mùa bão, nhưng vì ngược gió, nên bị vào ngay mùa bão (9).
Người đời chưa biết khả năng tiên tri của Phao-lô nên coi thường lời khuyên của ông (10–11). Họ cậy sự phán đoán của mình nên sa vào tai hoạ (12–15).
Về mặt nghề nghiệp chuyên môn, Phao lô chỉ là một người thợ may lều; ông không phải là một nhà hàng hải chuyên nghiệp. Nhưng hiểu biết tiên tri của ông rất thấu đáo. Nghĩa là Chúa đã bày tỏ cho ông cách siêu nhiên về những điều sẽ xảy ra.
Vì không nghe lời Phao-lô, nên thuyền trưởng, chủ tàu, đại đội trưởng, lính La-mã, với tất cả những người đi trên tàu đều phải vất vả chống đỡ với gió bão trong sự tuyệt vọng (16-20).
Những lời khuyên giục đầy lạc quan của Phao-lô (21–26) khiến mọi người phải nghe; vì trong hoàn cảnh chẳng còn hi vọng sống sót lại được nghe lời của người có liên hệ với cõi thần, họ chỉ hi vọng những lời ấy là đúng.
Lúc ấy, họ đang bị trôi dạt trên biển Adriatic mà chưa biết mình sẽ tới đâu (27–29). Mưu định của đám thuỷ thủ không qua được mắt đầy tớ của Chúa (30–32). Lời của Phao-lô và sự làm gương của ông khiến mọi người vững dạ (33–36).
Đúng như lời Phao-lô cho biết trước, chiếc tàu bị sóng đánh vỡ đuôi (39–41). Đức Chúa Trời đã dùng đại đội trưởng Giu-li-ô để cứu mạng Phao-lô và tất cả tù nhân. Quân lính La-mã thì luôn luôn coi thường sinh mạng của những người tù (42–43). Nhưng chương trình của Chúa phải được hoàn thành. Cho nên mọi người đều vào bờ an toàn (44).
Thổ dân ở đảo Malta thật là hiền hoà và tử tế (28:1–2). Họ lý luận theo lẽ thường tình khi con rắn độc quấn trên tay Phao-lô (3–4) nhưng đổi ý khi thấy ông không bị hề hấn gì (5–6).
Con rắn có cắn Phao-lô hay không là một đề tài gây tranh cãi. Vài bản Việt-ngữ và bản Hán văn dịch là con rắn cắn cứng tay Phao-lô và đeo lòng thòng. Nhiều bản dịch là quấn. Chúng ta xem xét phản ứng của thổ dân Malta thì tin rằng nó đã cắn Phao-lô rồi. Bởi vì nếu nó không cắn, thì thổ dân rành rẽ về loại rắn ấy chẳng chờ xem tay ông bị sưng và ngã xuống chết. Và việc ông không hề hấn gì là một phép lạ Chúa đã làm để chinh phục nhiều linh hồn người Malta.
Đức Chúa Trời đã dùng tay Phao-lô làm phép lạ chữa bệnh; nhưng trước khi đặt tay, ông cầu nguyện để biết ý Chúa.
Lòng hiếu khách của chúa đảo Publius chẳng những đem phước lành cho nhà ông, mà dân đảo cũng được phước (7–9).
Quyền phép và ơn Chúa làm cho Phao-lô và hai bạn đồng hành được dân đảo rất kính trọng; nên khi ra đi họ không thiếu gì cả (10).
Trong ba tháng ở đó, chắc rằng Phao-lô đã rao giảng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho dân đảo, kể cả những hành khách bị đắm tàu cũng được nghe, dù không thấy Lu-ca ghi lại các hoạt động của Phao-lô hay số người tin Chúa qua quyền phép của Ngài và chức vụ của Phao-lô.
Chiếc tàu từ Alexandria, Ai-cập, đã đến trú đông tại cảng Valetta của đảo Malta, mang tên là Discuri (hai con trai song sinh của thần Zeus, Castor và Pollux, theo thần thoại Hy-lạp 11).
Chiếc tàu ghé lại ba ngày tại cảng Syracuse của đảo Sicily, miền cực nam của nước Ý-đại-lợi. Rhegium là hải cảng ở ngay mũi đất giống ngón chân cái của bán đảo Ý-đại-lợi có hình bàn chân.
Đi vòng nghĩa là đi ngược gió; nhưng chỉ một ngày sau có gió nam, thì chiếc tàu chỉ mất một ngày là đến hải cảng Puteoli (bây giờ là Pozzuoli) nằm trong vịnh Napoli (12–13).
Ở đây họ gặp các anh em tín hữu ở nước Ý mời họ ở lại đó một tuần (14). Sự kiện nầy chứng tỏ đại đội trưởng Giu-li-ô rất kính trọng Phao-lô, sau chuyến hải hành đầy gian truân mà vẫn duy trì được mạng sống.
Từ đó, họ đi đường bộ đến kinh đô Rô-ma của đế quốc La-mã uy danh lừng lẫy. Anh em tín hữu ở Rô-ma nghe tin Phao-lô đang đến, họ ra tận Chợ Áp-pi-u (Appii Forum), cách Rô-ma hơn 39 dặm Anh về phía nam, và một nhóm nữa tới làng Ba Quán (Three Taverns), cách Rô-ma khoảng 30 dặm, để tiếp đón ông (15).
Họ yêu mến và kính trọng Phao-lô qua thư tín ông viết cho họ từ Cô-rinh-tô hoặc Cencrea vài năm trước đó; cho nên, họ hết sức thân thiện. Về phần Phao-lô thì việc được gặp anh em trong thân thể Chúa khiến ông cảm tạ Chúa và vững tâm.
Ở Rô-ma, Giu-li-ô phải chia tay với Phao-lô và giao ông lại cho một đội trưởng vệ binh của hoàng đế Nero.
Phao-lô được thuê nhà ở riêng, có một người lính canh giữ trong suốt hai năm (16). Việc đầu tiên của Phao-lô là ông mời các lãnh tụ Do-thái tới để giải thích cho họ biết lý do ông bị dẫn độ đến Rô-ma.
Có lẽ nhóm lãnh đạo Do-thái ở Giê-ru-sa-lem tin rằng Phao-lô sẽ bị án tử hình; cho nên không thông báo gì cho kiều dân Do-thái ở Rô-ma về việc của Phao-lô. Các người nầy cũng muốn biết quan điểm của Phao-lô, vì họ nghe “phái nầy bị phản đối khắp nơi” (17–22).
Một lần nữa, Phao-lô dùng tri thức mà Đức Thánh Linh đã ban, để giải thích về Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a, cho những người Do-thái ở Rô-ma đến nghe ông giảng suốt một ngày.
Kết quả là: “Một số người được thuyết phục, nhưng một số khác vẫn không tin lời ông nói” (23–24). Khi họ sửa soạn ra về, Phao-lô đã dùng lời tiên tri Ê-sai để chứng minh rằng Chúa đã biết trước một số trong họ sẽ cứng lòng không tin; cho nên dù “có nghe cũng không hiểu, nhìn cũng chẳng thấy” (25–27). Ông cũng cho họ biết sự cứu rỗi đã đến với dân ngoại. Lúc ra về, “họ tranh luận với nhau dữ dội lắm” (28–29).
Lu-ca và Aristarchus ở với Phao-lô và săn sóc ông suốt hai năm tại căn nhà thuê ở Rô-ma. Ở đó, Phao-lô được tự do tiếp khách và “giảng về nước Đức Chúa Trời và dạy về Đức Chúa Giêxu Christ cách mạnh dạn, không bị ai ngăn cấm” (30–31).
Dù sách Công Vụ chấm dứt ở đây nhưng công việc của Đức Thánh Linh cứ tiếp tục mạnh mẽ cho tới ngày nay.
SachCongVu47.docx
Rev. Dr. CTB