Sách Công Vụ, bài 32

Công Vụ 16:16–40

Sau khi Đức Chúa Trời dựng nên thế giới và loài người, thì trong linh giới luôn luôn diễn ra việc giành giật linh hồn người ta về một trong hai phía. Hội thánh của Chúa nỗ lực truyền giáo để đem người hư vong về Nước Chúa. Thế giới tối tăm thì hết sức giành giật và cản trở. Cho nên, truyền giáo là tiến hành chiến tranh chống ma quyền trong linh giới.

Không ai biết thiên sứ trưởng Lu-xi-phe bị đuổi khỏi thiên đàng của Đức Chúa Trời (Ê-sai 14:12–17) và quyến dụ thêm một phần ba thiên sứ tham dự cuộc phản loạn (Khải-huyền 12:3–4, 9) là từ lúc nào. Kinh thánh tiết lộ rất ít chi tiết về thế giới ma quỷ.

Cuộc chạm trán quyền lực diễn ra quyết liệt giữa những tín đồ của Đức Chúa Giêxu, tức là Hội-thánh, với thế giới ma quỷ từ khi Hội-thánh được thành lập cho tới ngày nay. Tân-ước tường thuật các hiện tượng quỷ ám người bị quyền phép của Đức Chúa Giêxu trục xuất chúng ra khỏi những người bị nhập. Sách Công vụ thì ghi chép vài lần chạm trán giữa sứ đồ Phao-lô với các quyền lực thuộc thế giới tối tăm.

Để có thể hiểu các chi tiết liên quan tới vài trường hợp đã được ký thuật, chúng ta phải nhận biết và hiểu các diễn biến xảy ra trong cõi vô hình, là những việc không thể thấy bằng mắt người. Ngoài việc nhận thức rõ rằng chúng ta phải thường xuyên đối phó với quyền lực ma quỷ của thế giới tối tăm, là tất cả các nhóm người, tổ chức hay phương tiện mà chúng dùng để tìm mọi kẽ hở tấn công con cái thật của Chúa cũng như ngăn trở việc truyền giáo của họ, chúng ta còn phải biết những thủ đoạn mà chúng sử dụng nữa.

Thế giới tối tăm trong cõi vô hình không phải chỉ có một đẳng cấp, mà phân ra thành nhiều đẳng cấp có quyền hạn cao thấp khác nhau (Ê-phê-sô 3:10; 6:12). Tuy nhiên, chiến tranh linh giới chia chúng làm ba cấp: cấp thấp, cấp tà đạo, và cấp chiến lược. (Quý độc giả có thể nghiên cứu thêm lãnh vực nầy trong loạt bàiCác Vấn Đề Tâm Linhở ‘Phần đọc’ của tabBài Giảng‘).

Những diễn biến trong phần sau của đoạn 16 nầy liên quan tới cuộc va chạm quyền lực trong linh giới ở thành phố Phi-líp, lúc đoàn truyền giáo của Phao-lô bắt đầu thành lập Hội-thánh tại đó.

Người nữ nô lệ bị linh bói toán nhập vào và có lẽ thường bói chính xác cho thân chủ, cho nên các người chủ mới kiếm được nhiều tiền (16). Quỷ bói toán nhập cô gái có thể nói chính xác tương lai của các thân chủ địa phương, bởi vì lúc ấy quyền lực thế giới tối tăm đang làm chủ toàn thể vùng nầy, và chúng có quyền định đoạt những gì sẽ xảy ra (1Giăng 5:19). Chính khả năng siêu nhiên của chúng làm cho người ta lầm lạc. Nhưng khi đoàn truyền giáo đem ánh sáng của Đức Chúa Giêxu đến Phi-líp, thì tình hình bắt đầu thay đổi.

Con quỷ quảng cáo cho đoàn truyền giáo nhằm mục đích gì? Không phải quỷ nói cái gì cũng là dối trá. Ở đây nó nói đúng (17), nhưng mục đích của nó vẫn là lừa dối người dân. Nếu Phao-lô và đoàn truyền giáo không biết quyền lực nào đang làm chủ linh giới của thành phố, tưởng cô gái đó là đồng minh, thì bị mắc lừa, tạo cho quỷ bói toán vẫn có quyền pháp lý trong khu vực, không bị trục xuất; rồi chúng cũng sẽ rêu rao là các sứ đồ nhờ con quỷ trợ lực mới phát triển Hội-thánh.

Hình như trong vài ngày đầu Phao-lô không mấy quan tâm tới cô gái nầy; hoặc ông biết nếu ông đuổi con quỷ ngay ngày đầu thì sẽ tạo sự thù nghịch với dân trong thành; cũng có thể là mấy ngày trước đó ít người chứng kiến.

Một nguyên tắc rất quan trọng khi chiến đấu với thế giới tối tăm là phải biết thời điểm nào mà Chúa bảo phải tiến hành. Chắc chắn Phao-lô biết điều nầy, nên ông đuổi con quỷ đúng lúc (18). Với Danh Đức Chúa Giêxu truyền từ một người đầy dẫy Đức Thánh Linh, con quỷ phải vâng lời.

Bọn quỷ khu vực liền phản công, chúng xúi giục lòng các người chủ của cô nô lệ nói những lời gây khích động tự ái địa phương của đám đông (19–22). Các thẩm phán đều ở dưới quyền ma quỷ; cho nên, họ ra lệnh đánh đòn hai ông và giam vào ngục tối (22–24).

Các diễn biến kế tiếp (25-26) là bằng chứng chiến thắng ngoạn mục của vũ khí ca tụng, ngợi khen Chúa (Thi-thiên 149:5–9). Không phải trận động đất xảy ra cách tình cờ. Những lời hát ca ngợi Chúa của hai sứ đồ đầy dẫy Đức Thánh Linh đã làm rúng chuyển linh giới dù mắt trần không thể thấy được. Tính cách siêu nhiên của cơn động đất thể hiện rõ qua chi tiết là: “Xiềng xích tù nhân bị tháo tung ra cả.” (26). Vì động đất thiên nhiên chỉ làm sập nhà cửa chứ không tháo xiềng xích.

Vậy, tiếng ca tụng ngợi khen Đức Chúa Trời của hai sứ đồ đã làm sụp đổ quyền lực của thế giới tối tăm ở thành phố Phi-líp. Bằng chứng là cả gia đình viên giám ngục đã tin nhận Chúa, cùng với quyết định của các thẩm phán phóng thích những người họ mới sai bỏ tù hôm trước đó (30–35).

Diễn biến trong lòng viên giám ngục đêm ấy giống như trải qua một trận cuồng phong làm biến đổi tất cả. Cai ngục trong bất cứ xã hội nào cũng là một vai trò tàn bạo và độc ác không được ai yêu mến. Động đất ở vùng ấy vào thời bấy giờ là một hiện tượng vô cùng hiếm hoi. Chắc hẳn người giám ngục và cả gia đình đều sợ hãi, kinh hoàng khi cơn động đất diễn ra. Bổn phận nghề nghiệp khiến ông ta phải đi kiểm soát xem còn đủ số tù nhân đang bị giam không; khi “thấy các cửa ngục đều mở, tưởng các tù nhân đã trốn thoát, nên rút gươm toan tự sát” (27).

Tâm trạng của người toan tự sát là tuyệt vọng. Từ sợ hãi, lo lắng, sang kinh hoàng, rồi tuyệt vọng muốn tự kết liễu mạng sống, người giám ngục càng giật mình thảng thốt khi nghe tiếng kêu lớn của Phao-lô: “Ông chớ hại mình, chúng tôi còn cả đây!” (28). Cách xử sự cao thượng và ngay thẳng đó đã làm biến đổi vận mệnh tương lai của viên giám ngục và toàn gia ông ta.

Giám ngục bảo lấy đèn, vội vàng chạy vào, run sợ, phục xuống trước Phao-lô và Si-la, rồi đưa hai ông ra ngoài, và hỏi: ‘Thưa các ông, tôi phải làm gì để được cứu?’” (29–30). Câu hỏi ấy chứng tỏ người giám ngục đã nghe đồn về đạo giáo mà hai sứ đồ rao giảng từ ngày họ đến thành phố Phi-líp, kể cả sự kiện con quỷ bói toán bị trục xuất khỏi người nữ nô lệ, thì chắc ông cũng có nghe kể lại.

Đang cơn khiếp đảm nhưng bất ngờ được cất khỏi gánh nặng sợ bị trừng phạt, và cách cư xử cao thượng lạ thường của hai tù nhân nổi tiếng nầy, đã thức tỉnh tâm linh viên giám ngục; không cần hỏi lý do tại sao các ông không trốn thoát, mà hỏi mình phải làm gì để được cứu rỗi.

Lời đáp rất rõ ràng và đơn giản: “Hãy tin Đức Chúa Giêxu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu rỗi!” (31). Câu nói nầy có nghĩa là “cả nhà ông hãy tin Đức Chúa Giêxu, thì toàn gia đình ông sẽ được cứu rỗi.” Không phải như cách diễn giải của nhiều người hôm nay là: “Một người tin, cả nhà đều sẽ được cứu.” Mọi người đều phải tin, không phải chỉ chủ gia đình tin là đủ thay thế lòng tin cho cả nhà.

Sau khi “giám ngục và mọi người trong nhà” đã nghe giảng giải Lời Chúa, ông liền rửa các vết thương của hai sứ đồ, do bị đánh đòn, ngay giữa đêm khuya ông và cả nhà đều chịu báp têm (32–33).

Tinh thần hết lòng truyền giáo trong bất cứ hoàn cảnh nào của hai vị sứ đồ được thể hiện trong trường hợp nầy: Mình mẩy còn đầy thương tích, hai ông thản nhiên cầu nguyện, ca hát tôn ngợi Chúa, và sẵn sàng giảng đạo chứ không quan tâm gì về thân mình. Viên giám ngục mời hai ông lên nhà “dọn bàn khoản đãi, hết sức vui mừng vì ông và cả nhà đã tin Đức Chúa Trời” (34).

Trận chiến thắng vinh quang không phải chỉ là trục xuất con quỷ bói toán, mà còn đánh sập ma quyền trước đó cai trị thành phố Phi-líp, đem ơn cứu độ tới cho cả gia đình người giám ngục. Vũ khí họ dùng là Danh Đức Chúa Giêxu, sự khiêm nhường chịu đựng, lời cầu nguyện, tiếng hát ca tụng ngợi khen Chúa, và cách hành xử ngay thẳng cao thượng.

Chắc chắn các thẩm phán chưa biết việc gì đã xảy ra tại nhà ngục trong đêm. Nhưng khi quyền lực tối tăm bị liệt bại, trận động đất lớn diễn ra, khiến họ phát sợ nên truyền lệnh thả hai vị sứ đồ ra khỏi ngục (35–36).

Nhưng họ càng thêm kinh hãi khi biết mình là quan chức thuộc địa lại dám ra lệnh đánh đòn hai công dân La-mã trước công chúng, rồi giam vào ngục mà chưa xét xử kết án gì hết. Theo luật pháp La-mã, thì họ đã phạm pháp. Phao-lô đòi họ phải công khai tới xin lỗi và đưa hai ông ra thì ông mới chịu rời nhà giam. Họ phải đến “năn nỉ … và xin hai ông rời khỏi thành phố” (37–39).

Ra khỏi ngục, hai ông đến nhà bà Ly-đi gặp anh em, khích lệ họ, rồi lên đường” (40). Thánh vụ của Phao-lô không chủ trương ở một nơi, xây dựng Hội-thánh rồi cai quản Hội-thánh đó. Ông là một sứ đồ đúng nghĩa. Ông truyền giáo, thành lập Hội-thánh, huấn luyện người quản nhiệm rồi đi truyền giáo một chỗ mới. Ông mở rộng nước Chúa bằng cách đó.

Khi ông ra đi, thì Hội-thánh tại Phi-líp đã có ít nhất hai gia đình làm trụ cột, chưa kể nhiều người khác đã tin Chúa nữa.

SachCongVu32.docx

Rev. Dr. CTB