Sách Công Vụ, bài 10


Công Vụ 4:1–22

Bài giảng của Phierơ có lẽ dài gần 3 giờ; vì phép lạ xảy ra vào khoảng 3 giờ chiều, và lúc hai sứ đồ bị bắt thì trời đã tối (3). Lúc đó không phải chỉ có Phierơ nói, mà cả sứ đồ Giăng cũng đang khuyên giục dân chúng (1). Nghĩa là họ chia ra mỗi người nói với một nhóm đông người, có lẽ vì người nghe đang đặt nhiều câu hỏi về Đức Chúa Giêxu để được trả lời về những lời nói của Phierơ cho họ biết họ phạm tội chối bỏ và giết Đấng Christ (3:14–15). Có lẽ họ cũng muốn biết họ cần phải làm gì để bày tỏ lòng ăn năn của họ. Thời ấy phái Sa-đu-sê nắm giữ các chức vụ quan trọng trong đền thờ. Họ “hết sức bực tức vì Phierơ và Giăng dạy dỗ dân chúng và lấy trường hợp Đức Chúa Giêxu phục sinh để giảng về việc người chết sống lại” (2), là do phái nầy không tin sẽ có sự sống lại của người đã chết, hoặc sự sống lại vào ngày tận thế (Mathiơ 22:23; Luca 20:27).

 

Họ xông đến bắt hai ông và đem giam vào ngục vì lúc ấy trời đã tối (3). Tuy vậy, có thêm hai ngàn người tin Đức Chúa Giêxu và gia nhập Hội-thánh vì thấy phép lạ và nghe lời giảng (4). Việc nầy đã được một số người dùng làm gương mẫu về công tác truyền giảng tin-lành cho đám đông, nên họ hết sức cổ suý áp dụng khuôn mẫu truyền giáo ấy ở mọi nơi. Thế nhưng, trường phái nầy không chịu xem xét bối cảnh niềm tin của những người Do-thái-giáo cuồng nhiệt thời ấy vẫn chờ đợi Đấng Mết-si-a được Đức Chúa Trời sai đến, khác hẳn người Việt. Những kết quả của các buổi truyền giáo quy mô thời nay là sự gặt hái hạt giống Tin-mừng đã được thầm lặng gieo ra bởi nhiều người đi trước; nó không phải là cách thức truyền giáo hiệu quả cho một sắc dân hay nhóm người chưa có ý niệm gì về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ.

 

Các nhà lãnh đạo, các trưởng lão và thầy dạy luật họp thành một hội đồng gọi là San-he-drin giống như tối cao pháp viện của người Do-thái. Trong nhóm nầy có nhiều người là họ hàng, thân quyến của thầy tế lễ thương phẩm đương quyền (5-6). Khi họ giải Phierơ và Giăng đến đứng giữa hội đồng để tra hỏi một câu hết sức kỳ quái và ngớ ngẩn: “Các anh nhờ quyền nào, nhân danh ai để làm việc nầy?” (7). Họ đã tạo điều kiện quá tốt cho Phierơ rao giảng về Đức Chúa Giêxu và sự sống lại quyền năng của Ngài (10–12). Tra hỏi một người đầy dẫy Đức Thánh Linh (8) về phép lạ chữa lành của Ngài (9) thì thật là đúng người và đúng chỗ.

Phierơ chỉ chờ chừng đó để có dịp tôn cao Chúa của mình: “Xin tất cả quý ông và toàn dân Israel hãy biết rằng, đây là nhờ danh Đức Chúa Giêxu Christ ở Na-xa-rét, Đấng mà quý ông đã đóng đinh trên cây thập tự, Đấng mà Đức Chúa Trời đã khiến sống lại. Chính nhờ Ngài mà người nầy được khoẻ mạnh đứng trước mặt quý ông. Ngài là Tảng đá bị quý ông là thợ xây nhà loại bỏ, nhưng đã trở thành Tảng đá góc chủ yếu ” (10–11).

Nói về Đức Chúa Giêxu là Tảng đá góc, Phierơ muốn nhắc cho các thầy tế lễ, thầy dạy luật nhớ lại Kinh-thánh Cựu-ước nói về Đấng Mết-si-a sẽ được sai đến: “Hòn đá mà thợ xây nhà loại ra đã trở nên đá góc nhà” (Thi-thiên 118:22); “Chúa là Đức Giêhôva phán thế nầy: ‘Nầy, Ta đặt tại Si-ôn một hòn đá, là đá thử nghiệm, đá góc nhà, đá quý, làm nền tảng vững chắc”(Ê-sai 28:16). Ý niệm ấy cũng đã được sứ đồ Phaolô sau nầy nhắc lại: “Anh em được xây dựng trên nền của các sứ đồ và các nhà tiên tri mà chính Đấng Christ Giêxu là đá góc nhà” (Êphêsô 2:20). Vì vậy, nghĩa của Tảng đá góc là Tảng đá kết nối, làm nền tảng vững chắc cho cái nhà.

 

Câu nói kế tiếp của Phierơ là tuyên ngôn vĩnh cửu về vai trò Đấng Cứu-chuộc, Đấng Trung bảo duy nhất, của Đức Chúa Giêxu (12). Dù cho sau nầy đã có giáo hội cố hạ thấp vai trò và công tác cứu chuộc duy nhất của Đức Chúa Giêxu, thì họ cũng phải thừa nhận tính xác thực và quyền uy tuyệt đối của tuyên ngôn nầy; đó là: “Ngoài Ngài, không ai cứu được; vì dưới bầu trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ danh ấy mà được cứu.” Tuyên ngôn nầy là sự thật, là chân lý vĩnh viễn; vì ngoài Chúa ra, chẳng ai cứu được loài người chúng ta. Các bản dịch bây giờ của câu 12 thiếu chữ ‘phải’ từ nguyên văn: “để chúng ta phải nhờ danh ấy mà được cứu.” Chữ nầy nhấn mạnh rằng người ta không thể tìm được sự cứu rỗi qua bất cứ ai khác ngoài Đức Chúa Giêxu Christ.

 

Lúc Đức Chúa Giêxu còn trên đất đi lại giữa họ và làm các phép lạ, thì các nhà lãnh đạo Do-thái-giáo chẳng thấy Ngài có ích lợi gì cho họ cả. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài thành quý báu tột đỉnh, không ai có thể sánh bằng. Vì chỉ có một sự cứu rỗi, một con đường duy nhất. Sẽ chẳng bao giờ có một Đấng Cứu Thế nào khác do Đức Chúa Trời sai đến. Nhiều người đã tự xưng là đấng cứu thế, đấng cứu độ nhân loại nầy nọ, nhưng chẳng ai đưa ra được một con đường cứu rỗi có hiệu quả nào mà ai cũng có thể áp dụng. Trái lại tất cả họ đều đã chết thân thể mục rữa và linh hồn hư vong, chẳng thể sống lại được. Những người tin họ thì vẫn hoàn toàn vô vọng.

 

Hội đồng chất vấn hai sứ đồ thì hết sức ngạc nhiên, vì họ biết “hai ông là người tầm thường, ít học” (13). Một điều làm cho họ phải suy nghĩ khi thấy Phierơ và Giăng ăn nói dạn dĩ vì nhận ra “hai ông đã từng sống với Đức Chúa Giêxu.” Một vị Thầy có thể dạy các ngư phủ tầm thường ra thành những nhà truyền giáo lý luận sắc bén, chứng minh rằng việc họ coi thường Ngài là một sự sai lầm nghiêm trọng. “Lại thấy người què được chữa lành đứng cạnh hai ông, họ không biết nói thế nào” (14). Họ không biết sự biến đổi trong cách ăn nói dạn dĩ của các sứ đồ và quyền phép họ đã thi thố, đều là do sự xức dầu tươi mới của Đức Thánh Linh. Giết Đức Chúa Giêxu rồi, họ nghĩ là đã trừ khử được một người ăn nói đầy uy quyền mà họ chống không nổi, bây giờ phải đối phó với các môn đồ của Ngài cũng ăn nói đầy uy quyền như vậy, họ không thể nói năng chi được khi bằng chứng người què được chữa lành đang đứng sờ sờ trước mắt.

 

Cách duy nhất để khỏi bị quá xấu hổ vì mất mặt, và để sự kiện ấy bớt lan truyền, là dùng sức mạnh của quyền lực thế tục cấm đoán mà thôi (15–17). Khi đồng ý với nhau sử dụng sự cấm đoán làm thượng sách, “họ gọi hai ông vào, ra lệnh cấm hai ông không được nói hoặc giảng dạy nhân danh Đức Chúa Giêxu” (18). Nhưng sự cấm đoán đó không doạ nổi hai vị sứ đồ. Họ rất nhã nhặn trong lời nói, mà vô cùng cương quyết trong ý chí: “Phierơ và Giăng trả lời: ‘Xin quý ông thẩm định. Trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng tôi nên vâng lời quý ông hay vâng lời Đức Chúa Trời? Vì chúng tôi không thể chẳng nói về những điều chúng tôi đã thấy và nghe” (19–20).

 

Hội đồng San-he-drin nầy đã tìm mọi cách để trừng phạt Phierơ và Giăng, nhưng chẳng tìm được cách nào. Câu nói của Phierơ do Đức Thánh Linh thúc giục làm cho họ cứng họng, không biết phải trả lời ra sao: “Nếu hôm nay chúng tôi bị xét hỏi về việc giúp đỡ một người tàn tật, về cách chữa lành cho người ấy” (9), thì thử hỏi trên thế gian có luật pháp nào trừng phạt những ai làm phước chữa lành cho những người tàn tật tội nghiệp chăng? Chính câu cật vấn của thầy tế lễ thượng phẩm cùng đồng bọn, đã bộc lộ lòng hèn hạ bỉ ổi của giới lãnh đạo tôn giáo, loại người không có chút liên hệ tâm linh nào với Đức Chúa Trời quyền năng. Họ khác xa với nhận xét của ông Ni-cô-đem: “Nếu Đức Chúa Trời không ở cùng, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm” (Giăng 3:2), một sự nhận xét rất sâu sắc và hoàn toàn chính xác.

 

Không có cách nào khác nên họ lại “hăm doạ lần nữa, rồi thả hai ông ra,…, lại sợ nhân dân, vì mọi người đều ca tụng Đức Chúa Trời về việc vừa xảy ra” (21). Lòng tự ái và thù ghét đã làm mờ lương tri của con người. Trong khi toàn thể người Do-thái được chứng kiến phép lạ đều ngợi khen, ca tụng Đức Chúa Trời, giới lãnh đạo tôn giáo lại sợ tin tức về phép lạ ấy loan truyền rộng rãi khắp nơi, chứng tỏ cho mọi người yêu mến Đức Chúa Trời sẽ thấy hành động chống báng thù nghịch Đức Chúa Giêxu của giới lãnh đạo tôn giáo là quá sai trật. Người què được chữa lành ấy đã hơn 40 tuổi (22), tức là tật nguyền đã lâu không ai chữa được. Những người chống trả phép lạ Chúa làm thời nay cũng vậy. Họ chẳng bao giờ phục thiện nhìn nhận sự thật; chỉ vì một lý do rõ ràng là: Họ không có gì chứng minh họ có Đức Thánh Linh và quyền phép thiên đàng ở với họ.

SachCongVu10.docx  (Sách tham khảo: The Book of Acts, của Stanley M. Horton)

Rev. Dr. CTB