Sách Công Vụ, bài 07

Công Vụ 2:39–47

Sau khi bảo người Do-thái hãy hối cải và chịu báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu để được tha tội, rồi sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh (38), Phierơ giải thích tiếp lý do tại sao họ cũng sẽ nhận lãnh lời hứa của Đức Chúa Trời như các môn đồ đã nhận, mà họ đã thấy: “Vì lời Chúa hứa dành cho anh em, cho dòng dõi anh em, và cho tất cả những người ở nơi xa xôi, tức là vô số người mà Chúa, là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi” (39). Điều nầy có nghĩa là lời hứa ban Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời không bị giới hạn chỉ một lần cho 120 môn đồ, mà sẽ còn được ban mãi mãi về sau; khi nào còn có người tiếp nhận sự kêu gọi của Chúa, thì họ vẫn nhận lãnh lời hứa về Đức Thánh Linh, tức là Thần của Đức Chúa Trời sẽ đổ xuống cho mọi người vào thời tận thế (17).

 

Như thế, sự báp têm bằng Đức Thánh Linh không phải chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử, mà sẽ tái diễn mãi vì lời hứa dành cho những người đang có mặt lúc ấy, cho dòng dõi của họ, và cho vô số người do Đức Chúa Trời sẽ gọi trong tương lai ở những xứ xa xôi ngoài xứ Do-thái. Vì vậy, phép báp têm bằng Đức Thánh Linh vẫn có sẵn cho chúng ta ngày nay. Khi Phierơ giảng bài đầu tiên dưới sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, có lẽ ông chưa biết là ơn cứu độ cũng sẽ ban cho dân ngoại. Về sau ông hiểu được chân lý nầy khi thấy những người La mã, thân nhân bạn bè của đội trưởng Cọt-nây, được ban cho Đức Thánh Linh giống như lần ông được nhận lãnh.

 

Luca không ghi chép cả phần còn lại của bài giảng, những lời chứng thực và những lời khích lệ của Phierơ. Ông chỉ tóm tắt câu nói cuối cùng “Anh em hãy thoát ly thế hệ đồi truỵ nầy” (40b), nghĩa là tránh xa sự dâm dật và hư hoại của những người chung quanh họ. Xã hội quanh ta ngày nay còn tệ hơn bội phần. Những tín hữu nào không áp dụng lời khuyên chính đáng mà Phierơ nói vào ngày đó, chắc không thể nhận được lời hứa về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Cự tuyệt và dứt khoát tránh xa sức cám dỗ, lôi cuốn của sự đồi truỵ thời nay, là trách nhiệm mà mỗi chúng ta phải thực hiện; nếu muốn nhận được lời hứa ban Thánh Linh của Đức Chúa Cha.

 

Khoảng 3000 người đã đáp lại lời kêu gọi của Phierơ và chịu báp têm bằng nước nhân danh Đức Chúa Giêxu. Phép báp-têm bằng nước đã trở thành truyền thống về điều kiện đòi hỏi cho bất cứ ai muốn gia nhập Hội-thánh của Đức Chúa Giêxu Christ. Mặc dù tác giả Luca đã không kể lại những gì đã xảy ra cho khoảng 3000 người chịu phép báp-têm hôm ấy; nhưng với một không khí tràn ngập sự hiện diện của Đức Thánh Linh như thế, thì chắc chắn những tân tín hữu đó cũng đã nhận được lời hứa về Đức Thánh Linh như 120 môn đồ vậy. Những sự kiện diễn ra tiếp theo sau ngày ấy trong Hội-thánh mới thành hình chứng minh luận điểm nầy không sai.

 

Về sau, trong thư thứ nhất gửi cho Hội-thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phaolô nói: “Bởi một Thánh Linh, tất cả chúng ta–dù người Do-thái hay người Hy-lạp, nô lệ hay tự do–đều chịu báp têm gia nhập vào một thân thể. Tất cả chúng ta được uống cùng một Thánh Linh” (1Côrinhtô 12:13). Ngày nay, phép báp-têm bằng nước do người thực hiện cho cả người tin thật lẫn người tin giả; cho nên, phép báp têm bằng Đức Thánh Linh mới có thể cho phép tín hữu gia nhập thân thể của Chúa, tức là Hội-thánh, vì chỉ Thánh Linh của Chúa mới biết rõ sự thật trong lòng người. 3000 người thình lình gia nhập vào Hội-thánh lúc chưa có luật lệ qui củ hoặc giáo lý căn bản như chúng ta có ngày nay, đáng lẽ đã tạo ra nhiều vấn đề nan giải cho các sứ đồ; nhưng vì Đức Chúa Trời không nhằm cứu độ chúng ta rồi để cho chúng ta tự do lang thang một mình, nên Ngài đã khiến cho tất cả tân tín hữu đều “chuyên tâm vâng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự tương giao với anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện” (42), chứng minh rằng họ thật đã được báp-têm vào thân thể, là Hội-thánh.

 

Niềm vui của những người vẫn từng trông chờ Đấng Mết-sai-a, nay biết Ngài đã đến, là vô tận. Việc tiếp nhận Đấng Christ và sự ban cho Đức Thánh Linh đã mở ra một sự hiểu biết hết sức mới về chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời; vì vậy, họ khao khát được học biết nhiều hơn về Đức Chúa Giêxu. Các sứ đồ thì vâng theo mệnh lệnh và lời dặn dò của Đức Chúa Giêxu là “khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Mathiơ 28:19); nên họ chẳng những dạy về các giáo lý của Chúa, mà còn làm gương về sự tương giao hiệp thông với các anh chị em khác trong thân thể Ngài. Bởi vì Hội-thánh không phải chỉ là sự nhóm lại với nhau để thờ phượng Chúa, mà còn chia sẻ sứ điệp của Chúa cho người chưa tin, hoàn thành các mục đích và công tác của Hội-thánh nữa. Sự tương giao giữa các anh chị em trong Hội-thánh theo mục đích của Chúa không giống như sự hội họp của Hội-thánh ngày nay, vì ngày ấy tình yêu thương chăm sóc nhau là quan trọng hơn.

 

Có người cho rằng lễ bẻ bánh tức là tiệc thánh, nhưng nó còn có nghĩa là bữa ăn hiệp thông của các tín hữu. Vào những ngày ấy thì các hoạt động thờ phượng Chúa đều xoay quanh đền thờ. Các môn đồ không thể làm tiệc thánh tại đền thờ, nên phải làm ở các tư gia và kết hợp với bữa ăn chung theo khuôn mẫu Đức Chúa Giêxu đã làm vào cuối bữa ăn lễ Vượt-qua lần chót của Ngài. Điều nầy được sứ đồ Phaolô nhắc lại trong thư gửi cho tín hữu ở Cô-rinh-tô để chấn chỉnh những sai trật trong bữa ăn thân ái và tiệc thánh thời đó (1Côrinhtô 11:17–34). Một phần quan trọng khác ở các buổi nhóm họp là sự cầu nguyện. Vào những ngày ấy thì họ phải tới đền thờ để cầu nguyện mỗi ngày (46, 3:1), thêm vào đó, họ còn họp nhau cầu nguyện ở nhà (46).

 

Những phép lạ và việc phi thường mà Chúa cậy tay các sứ đồ để làm ra tại thành Giêrusalem nhằm mục đích chứng thực sự sống lại của Đức Chúa Giêxu. Không lời chứng nào hữu hiệu hơn là các việc quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời được thi thố qua con người. Vì thế cho nên “Mọi người đều kinh sợ, vì các sứ đồ làm nhiều phép lạ và việc phi thường” (43). Người nghe đạo Chúa có thể tin Ngài vì họ thấy Ngài chứng thực lời giảng của các sứ đồ bằng dấu kỳ phép lạ phi thường, mà không ai khác có thể làm được. Các phép lạ Chúa ban không phải để phô diễn nhưng nhắm tới hai mục đích: 1) Đức Chúa Giêxu thực hiện lời hứa của Ngài (Mác 16:20) để củng cố đức tin của các sứ đồ. 2) Xác nhận lời làm chứng của các sứ đồ rằng Ngài đã sống lại là sự thật. Hiệu quả kế tiếp của những dấu kỳ phép lạ ấy là thiết lập và củng cố đức tin cho người mới tin Chúa.

 

Tình yêu thương chân thật giữa các thánh đồ được bày tỏ cho thế gian thấy qua sự đóng góp của cải tài sản làm của chung rồi phân phát san sẻ cho những người có nhu cầu (44-45). Có người cho rằng đó là ý tưởng làm thành hình chủ nghĩa cộng sản ngày nay, hay là cách sống cộng đoàn, nhưng sự thật việc đó chỉ là sự san sẻ của tình yêu thương Cơ-đốc. Và việc đóng góp của cải như thế không phải là bị bắt buộc (Công vụ 5:4). Nó xảy ra vì mối tương giao, vui mừng và yêu thương mà thôi. Việc Hội-thánh thời ấy “họp từ nhà nầy sang nhà khác, bẻ bánh dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ đơn sơ, ca ngợi Đức Chúa Trời, và được nhân dân quý mến. Mỗi ngày Chúa cứ gia tăng số người được cứu” (46–47), là mẫu mực làm hình thành các nhóm tế bào thời nay.

 

Bởi vì với số tín hữu thời ấy nhiều như thế, thì lời diễn tả việc họp từ nhà nầy sang nhà khác, là nói về nhiều nhà của tín hữu trở thành nơi hội họp của các nhóm nhỏ; bởi vì không nhà nào đủ sức chứa vài ba ngàn người cùng một lúc. Hơn nữa sự tụ họp quá đông đảo thì thường làm phiền hàng xóm hơn là được họ quý mến. Vì thế cho nên, sự tăng trưởng của Hội-thánh thời sơ lập nẩy sinh từ các buổi nhóm họp tại nhà riêng của các tín hữu. Ở đó, hàng xóm của họ có dịp theo dõi, quan sát nếp sống đạo của tín hữu có đi đôi với lời giảng hay không. Bởi vì không một lời chứng nào hùng hồn hơn nếp sống mới được phô bày nhờ ơn biến đổi và cảm hoá của Đức Thánh Linh. Nhóm nhỏ cũng là nơi tình đoàn kết yêu thương chân thật nổi bật lên giữa thế gian đầy ích kỷ.

 

Khung cảnh tư gia rất thích hợp cho công tác truyền giáo đối với láng giềng, thân nhân, bạn bè là những người chưa tin Chúa. Bởi vì khung cảnh thân mật, bình dị, không nặng hình thức tôn giáo sẽ không làm cho thân hữu phải dè dặt, thủ thế, vv. Người ta có thể tìm hiểu, nêu lên những thắc mắc, không ngại đặt câu hỏi về những điều họ chưa hiểu. Việc huấn luyện, đào tạo, dạy dỗ tân tín hữu thành những người truyền giáo hữu hiệu cũng có thể thực hiện dễ dàng qua hình thức các nhóm nhỏ; là cách mà các Hội-thánh phát triển hiện nay đang áp dụng và đã thành công. Nếu ai thực tâm muốn mở rộng Nước Chúa, thì hãy tích cực với các tổ tình thương chúng ta đang có.

SachCongVu07.docx  (Sách tham khảo: The Book of Acts, của Stanley Horton)

Rev. Dr. CTB