Sách Công Vụ, bài 02

Công Vụ 1:1–11

Bác sĩ Luca đã để lại cho hậu thế hai tuyệt tác văn chương, cũng là hai sách lịch sử và Phúc âm. ‘Sách trước’ (1) chính là Phúc-âm Luca mà ông đã viết gửi cho Thê-ô-phi-lơ, có lẽ là một người giàu có hay có thế lực, vừa mới tin Chúa vào khoảng các năm 61–63 A.D. Điều mà Thê-ô-phi-lơ cần học biết để có thể vững vàng theo Chúa là “mọi điều Đức Chúa Giêxu đã làm và dạy từ lúc ban đầu cho đến ngày Ngài được rước lên trời, sau khi cậy Đức Thánh Linh ban huấn thị cho các sứ đồ Ngài đã chọn” (1–2). Sự biết những gì Đức Chúa Giêxu đã làm và dạy từ lúc ban đầu rất là quan trọng. Bởi vì nhờ đó, người ta mới có thể nhận ra những việc đã được ký thuật trong sách Công Vụ cũng như những điều đang tiếp tục xảy ra ngày nay đều là công việc của Đức Chúa Giêxu đã được tiếp nối thi hành bởi Đức Thánh Linh qua Hội-thánh của Ngài.

 

Điều rất minh bạch là Đức Chúa Giêxu đã không được rước về trời trước khi Ngài để lại các mệnh lệnh cho những người Ngài đã chọn. Chữ các sứ đồ ở đây có thể không chỉ nói về 11 vị đã được Ngài chọn khi còn ở xứ Galilê, mà có thể thêm một số người nữa đã được Ngài sai đi trước kia (Luca 10:1). Đây là những người đã được Ngài “hiện ra với họ nhiều lần để dạy về nước Đức Chúa Trời” trong “suốt bốn mươi ngày” để “nêu nhiều bằng cớ vững chắc chứng tỏ cho họ Ngài đang sống” (3). Những bằng cớ rõ ràng nhất để các môn đồ tin Đức Chúa Giêxu thật đã sống lại, là các dấu đinh đâm thủng tay chân Ngài và vết giáo đâm thủng hông Ngài; đồng thời kèm theo những dấu kỳ phép lạ để thuyết phục họ rằng, quyền phép của Đấng Christ vẫn còn nguyên.

 

Chúa phải hiện ra nhiều lần và cho phép họ sờ chạm vào Ngài để chứng tỏ Ngài không phải là thần hay hồn ma, cũng không phải họ thấy thị tượng. Lúc ấy họ mới hiểu mối liên quan giữa thập tự giá và sự sống lại là rất cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Bởi vì cả hai là sự khải thị về tình yêu và quyền phép toàn năng của Đức Chúa Trời. Vài học giả Kinh-thánh nêu lên mối tương quan giữa 40 ngày ở đây (3) với 40 ngày mà Đức Chúa Trời phán dạy Môise và truyền cho ông bộ Luật pháp (Xuất Aicập 24:15–18). Sự khác nhau của hai lần 40 ngày vừa nói là sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu thì tốt hơn bộ luật Môise; đồng thời sự dạy dỗ ấy được ban cho tất cả và diễn ra ở nhiều nơi, khác với chỉ một mình Môise trên đỉnh núi Sinai; và có lúc đến hơn 500 người nghe một lần (1Côrinhtô 15:6). Khi Chúa hiện ra buổi tối ngày Ngài sống lại, có vài người khác có mặt với các sứ đồ để nhận huấn thị của Ngài (Luca 24:33). Và sau đó có ít nhất là 120 môn đồ nghe lời dặn dò chót của Chúa (15), chứng minh rằng huấn thị sau cùng không chỉ giới hạn cho 11 sứ đồ.

 

Những câu cuối của Phúc-âm Luca là bản tóm tắt các sự việc của 40 ngày sau khi Chúa phục sinh, rồi thẳng tới lời khuyên giục cuối cùng cho 120 môn đồ hãy chờ đợi ở thành Giêrusalem để nhận lời hứa của Đức Chúa Cha (Luca 24:49; Giăng 14:16; 15:26: 16:7, 13). Nhưng ở chỗ nầy, Luca kể về lời dặn dò cuối của Đức Chúa Giêxu cho các môn đồ là ngay trước lúc Ngài được đưa về trời (4, 9). Lời hứa ấy là được báp têm bằng Đức Thánh Linh (5). Lời dặn dò phải lưu lại và chờ đợi ở Giêrusalem là rất quan trọng. Nếu chỉ có hai ba người có mặt tại Giêrusalem vào dịp lễ Ngũ-tuần thì chắc ảnh hưởng của đạo trên thành phố Giêrusalem và xã hội thời sơ lập rất ít.

 

Không có sự mâu thuẫn giữa huấn thị lưu lại Giêrusalem với lời nhắn của Đức Chúa Giêxu vào buổi sáng phục sinh bảo các môn đồ hãy đi qua xứ Galilê (Mathiơ 28:10; Mác 16:7). Các bà đến thăm mộ được dặn nhắn cho các môn đồ hãy qua Galilê để gặp Chúa. Phierơ và Giăng không tin nên chạy đến mộ. Hai môn đồ (không thuộc nhóm 12 sứ đồ) quyết định về quê ở làng Emmaus. Trong lúc những người còn lại cứ ở yên chỗ, thì Đức Chúa Giêxu hiện ra và quở trách lòng chậm tin của họ. Vì Thôma vắng mặt và không tin lời các môn đồ khác kể, Chúa hiện ra một lần nữa để đem ông trở lại đức tin. Rồi Phierơ với vài môn đồ khác đi về Galilê và gặp Chúa ở đó. Phierơ mang mặc cảm tội chối Chúa cần được phục hồi và được Chúa giao cho nhiệm vụ (Giăng 21). Có lẽ lần hiện ra cho hơn 500 người chứng kiến đã xảy ra ở Galilê, nơi có nhiều người theo làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu; bởi vì đó là vùng mà Ngài đã dành nhiều thời gian nhất trong thánh vụ của Ngài. Rồi đến gần cuối khoảng thời gian 40 ngày, các môn đồ trở về Giêrusalem là nơi Đức Chúa Giêxu đã dạy dỗ họ lần chót trước khi Ngài về trời.

 

Trong các sách Phúc-âm và sách Công Vụ, chúng ta thấy nói rất nhiều đến Đức Thánh Linh và Hội-thánh hơn là Vương-quốc của Đức Chúa Trời, mặc dù Vương-quốc ấy là một phần quan trọng trong sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu. Chữ ‘Vương-quốc,’ tức là ‘nước’ trong Tân-ước chủ yếu nói tới quyền lực và luật lệ của vua. Đức Chúa Giêxu đã hứa ban nước Trời cho các môn đồ, “Bầy chiên bé nhỏ ơi, đừng lo sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước Trời cho các con” (Luca 12:32), nên sự chú ý của họ chỉ chăm vào sự phục hồi sự cai trị của vương quyền quốc gia Israel trên các nước khác (6). Họ biết lời tiên tri nước Israel sẽ được phục hồi (Ê-xê-chi-ên 36–37) có liên quan đến sự vận hành của Đức Thánh Linh; cho nên, khi nghe Đức Chúa Giêxu nói tới việc báp têm bằng Đức Thánh Linh thì họ liền nghĩ tới ngày vương quyền của Israel sẽ được tái lập.

 

Đức Chúa Giêxu phải nói rõ:“Ngày giờ và thời kỳ do Chúa Cha toàn quyền ấn định, các con không nên biết” (7), vì Đức Chúa Cha là Đấng biết rõ mọi việc, có sự khôn ngoan để sắp đặt cho sự việc xảy ra đúng chương trình của Ngài. Vì thế, ngày giờ và thời kỳ là công việc Ngài dự tính, chúng ta chẳng có nhiệm vụ gì để can thiệp vào. Vào thời Cựu-ước, Đức Chúa Trời không nói rõ khoảng cách thời gian giữa lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ. Các tiên tri thời ấy cũng không được mặc khải về việc đó, nên sự mô tả của họ có lúc nhảy từ lần nọ qua lần kia rồi trở lại mà không biết. Hãy để ý sự kiện Đức Chúa Giêxu đọc và dừng lại nửa chừng Êsai 61:2 trong nhà hội ở Nazareth (Luca 4:19). Giăng Baptist cũng thắc mắc vì Đức Chúa Giêxu không đem đến sự xét đoán mà ông đã thấy trước (Mathiơ 3:10); cho nên, ông sai môn đồ đến hỏi Chúa (Mathiơ 11:3).

 

Chúa dạy các môn đồ Ngài điều mà họ nên trông đợi ấy là sự báp têm bằng Đức Thánh Linh cũng gọi là “được mặc quyền năng từ trên cao” (Luca 24:49). Có nghĩa là bổn phận và công tác họ phải làm là rao giảng Tin-mừng mà Đức Chúa Giêxu đã đem đến cho thế gian (8). Những môn đồ vâng theo lời căn dặn và mệnh lệnh của Thầy mình, thì đã kinh nghiệm hiệu quả của sự truyền giảng Tin-mừng bằng quyền năng, mới hiểu lý do tại sao họ phải chờ đợi cho đến khi nhận phép báp têm bằng Đức Thánh Linh mới có thể ra đi giảng đạo. Lời Chúa dặn dò rất rõ là “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng, làm chứng cho Ta…” (8). Sự thất bại của Hội-thánh trong lãnh vực truyền giáo bắt nguồn từ việc coi thường nguyên tắc ưu tiên nhận lãnh quyền năng trước khi thi hành thánh vụ. Thiếu điều kiện đó, chắc chắn sẽ thất bại.

 

Đức Chúa Giêxu được cất lên trời sau khi dạy những điều ấy (9). Trong lúc các môn đồ nhìn chăm lên trời “thình lình có hai người đàn ông mặc áo trắng đến đứng bên cạnh” (10), tức là hai vị thiên sứ đến để thông báoĐức Chúa Giêxu nầy ……… sẽ trở lại đúng như cách các ông thấy Ngài lên trời vậy” (11). Phần cuối của sách Luca cho biết Đức Chúa Giêxu “dẫn các môn đồ ra ngoài thành, đến tận làng Bê-tha-ni, đưa tay lên ban phước cho họ. Đang khi ban phước, Ngài lìa họ và được đem lên trời” (Luca 24:50–51). Cả hai chỗ đều kể rằng các môn đồ đang nhìn Chúa, họ không nằm mơ, cũng chẳng phải thấy thị tượng. “Một đám mây tiếp Ngài lên” (9), không phải là đám mây hơi nước bình thường, nhưng là sự vinh quang trông giống như mây (Mác 9:7).

 

Đức Chúa Giêxu đến thế gian lần thứ nhất tới giai đoạn nầy đã hoàn tất. Công tác cứu chuộc nhân loại của Ngài đã được hoàn thành. Các thánh đồ vào thời sơ lập của Hội-thánh đã nghĩ rằng khoảng cách thời gian giữa ngày Đức Chúa Giêxu về trời với ngày Ngài trở lại đoán xét thế gian là không xa (Philip 4:5). Chính Đức Chúa Giêxu cho biết Ngài sẽ ngự đến trên mây trời (Mác 13:26), như Đa-ni-ên mô tả “một vị giống như con người đến với những đám mây trời” (Đa-ni-ên 7:13). Sự kiện Đức Chúa Giêxu trở lại vẫn luôn là động lực thúc đẩy đời sống đạo của mọi thánh đồ.

SachCongVu02.docx

Rev. Dr. CTB