Sách Công Vụ, bài 24
Công Vụ 11:1–30
Điều mà Phi-e-rơ nghĩ rằng mình sẽ phải giải thích cho tín hữu người Do-thái, đã xảy ra như ông dự đoán. Tin tức từ Sê-sa-rê đã nhanh chóng bay về Giê-ru-sa-lem (1–2). Ngày nay chúng ta không rõ tin tức về người dân ngoại cũng tiếp nhận đạo Chúa đã tạo nên phản ứng gì trong số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem; họ vui mừng hay khó chịu thì không thấy Luca nói rõ. Nhưng các tín hữu giữ nghiêm luật Môi-se đã tỏ thái độ gay gắt với Phi-e-rơ. Sự kiện ấy chứng tỏ rằng Hội-thánh sơ lập đã không xem Phi-e-rơ là người lãnh đạo cao cấp nhất của Hội-thánh; đồng thời tin tức về tới Giê-ru-sa-lem trước khi Phi-e-rơ trở về, chứng tỏ có một số tín hữu gốc Do-thái-giáo bất mãn khi thấy người dân ngoại chưa chịu phép cắt bì mà cũng được tiếp nhận đạo Đức Chúa Trời.
Họ lên án Phi-e-rơ: “Ông đã đến nhà người không chịu cắt bì và ăn chung với họ” (3). Phi-e-rơ không nổi nóng, cũng chẳng lên mặt, mà “đem mọi việc trình bày theo thứ tự” (4). Ông tường thuật thị tượng ông được Chúa cho thấy ở Giốp-bê và mệnh lệnh từ trời (5–10). Người nghe nhận ra bày tay sắp xếp của Đức Thánh Linh trong mọi việc đã xảy ra (11–12). Họ lại nghe chuyện của Cọt-nây được thiên sứ bảo phải sai người đi mời Si-môn Phi-e-rơ về để nghe sự chỉ dẫn của Phi-e-rơ (13–14). Phi-e-rơ lại kể về việc những người dân ngoại đang nghe đạo được nhận lãnh Đức Thánh Linh như các sứ đồ và môn đồ nhận lãnh vào ngày lễ Ngũ-tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Giêxu đã thăng thiên (15). Phi-e-rơ dùng lời căn dặn của Đức Chúa Giêxu để xác nhận biến cố ấy là sự ‘báp-têm bằng Đức Thánh Linh’ mà Chúa đã nói (16).
Phi-e-rơ và sáu người chứng không nói rằng: “Chúng tôi nghĩ,” hoặc “chúng tôi đoán,” cũng chẳng nói rằng “chúng tôi tin” những người dân ngoại đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh, vì họ biết một cách chắc chắn khi thấy gia đình Cọt-nây và thân bằng quyến thuộc của họ được Đức Thánh Linh giáng trên và ban cho nói thứ tiếng mới ca tụng Đức Chúa Trời. Ai đã từng được ban cho sự báp têm bằng Đức Thánh Linh, rồi thấy người khác cũng nhận được giống như mình từng nhận, thì chẳng bao giờ thắc mắc về dấu hiệu của những người nhận giống như mình. Điều đáng tiếc là nhiều người trong Hội-thánh ngày nay vì chưa có kinh nghiệm ấy, nên thường chỉ trích lên án những ai được những kinh nghiệm mà họ chưa nhận được.
Rồi Phi-e-rơ kết luận: “Vậy, nếu Đức Chúa Trời ban cho họ điều Ngài đã ban cho chúng ta, những người tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Đức Chúa Trời?” (17). Những người đã bắt bẻ Phi-e-rơ lúc nãy nghe xong chỉ biết “yên lặng, và bắt đầu khen ngợi Đức Chúa Trời: ‘Như vậy, Đức Chúa Trời cũng cho các dân ngoại cơ hội ăn năn để được sống’” (18). Tín hữu của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem bắt đầu có cái nhìn mới về Phúc-âm của Chúa đối với các dân tộc khác. Tuy vậy, những tư tưởng bảo thủ và các niềm tin theo truyền thống Do-thái giáo vẫn còn cố thủ trong lòng nhiều tín hữu người Giu-đa. Họ là những người gây ra nhiều tranh cãi và rắc rối sau nầy tại những Hội-thánh ở các miền ngoài xứ Giu-đê.
Mặc dù đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh, nhưng không phải mọi người tin đạo đều có tâm trí của Ngài. Vì thế, những người bị tản lạc trong vụ Ê-tiên bị giết, chỉ giảng đạo cho người Do-thái ở những nơi họ trôi giạt đến cư ngụ làm ăn (19). “Nhưng trong số họ, có mấy người quê ở Síp và Sy-ren đến An-ti-ốt giảng về Đức Chúa Giêxu cho người Hylạp nữa. Vì Chúa giúp họ, nên có đông người tin, quay về với Chúa.” (20–21). Đức Thánh Linh không bị bó tay vì quan điểm của những người bảo thủ trung thành với truyền thống tổ tiên. Ngài đã giúp đỡ những người sẵn sàng giảng đạo cho người Hy-lạp. Vì thế, có đông người tin quay về với Chúa. Chúng ta ngày nay nên hết sức gần gũi Chúa để biết ý muốn và chương trình của Ngài trong vấn đề truyền giáo.
Giê-ru-sa-lem trở thành ‘trụ sở trung ương’ của Hội-thánh thời sơ lập. Bất cứ tin vui nào về các kết quả truyền giáo đều được đón nhận bằng sự vui mừng. Tinh thần ấy đã trở thành phổ quát sau khi có sự kiện gia đình đội trưởng Cọt nây được báp têm bằng Đức Thánh Linh xảy ra. Hội-thánh đã hiểu ý nghĩa lời dặn dò của Đức Chúa Giêxu là họ phải làm chứng về Ngài cho đến tận cùng trái đất, tức là cho mọi dân tộc, không phải chỉ là người Do-thái mà thôi. Vì vậy, khi: “Tin tức đưa về Giê-ru-sa-lem, Hội-thánh cử Ba-na-ba đến An-ti-ốt” (22). Chi tiết nầy cho thấy có sự trở ngại đối với các sứ đồ. Có lẽ họ thấy nhiệm vụ chính yếu của họ là giảng đạo cho người Giu-đa, chứ chưa tập trung nỗ lực truyền giáo cho các dân ngoại (Ga-la-ti 2:7–9).
Sau khi Ba-na-ba đến An-ti-ốt và “chứng kiến ân điển của Đức Chúa Trời, ông rất vui mừng khích lệ anh em hết lòng trung tín với Chúa” (23). Khi Luca mô tả “vì Ba-na-ba là người tốt, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin, có rất nhiều người được dìu dắt về với Chúa” (24); chúng ta cần phải tìm hiểu về người được Đức Thánh Linh sử dụng xây dựng một bệ phóng vô cùng quan trọng về việc mở rộng Nước Chúa sau nầy. Tên của Ba-na-ba được nhắc tới trước đây, sau việc người què ăn xin ở Cửa Đẹp được chữa lành. Luca tường thuật: “Giô-sép, người thuộc chi tộc Lê-vi, quê ở đảo Síp, được các sứ đồ gọi là Ba-na-ba (nghĩa là ‘Con trai sự an ủi’), có một miếng đất, đem bán đi, lấy tiền đặt dưới chân các sứ đồ” (Công Vụ 4:36–37).
Như vậy, chắc rằng Ba-na-ba luôn luôn là người làm gương tốt, luôn nâng đỡ, chăm sóc, an ủi người khác bằng mọi điều mình có. Điều quan trọng hơn nữa là ông lại được ban cho đầy dẫy Đức Thánh Linh và đức tin. Một người như thế chẳng những có thể dìu dắt nhiều người đến với Chúa, mà còn là người có tầm mắt chiến lược về việc huấn luyện và sử dụng người có khả năng. Nếu Hội-thánh địa phương nào có những người như Ba-na-ba, thì chắc chắn chỗ đó sẽ đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng và vững chắc như Hội-thánh tại An-ti-ốt vào thời ấy.
Có người cho rằng các sứ đồ sai Ba-na-ba tới An-ti-ốt để nắm quyền lãnh đạo và giữ An-ti-ốt nằm dưới sự kiểm soát và cai trị của Hội-thánh Giê-ru-sa-lem. Nhưng không có chứng cớ nào về việc nầy. Hội-thánh tại An-ti-ốt vẫn giữ sự tự lập và độc lập của họ trong mọi vấn đề. Nhưng vẫn có liên hệ thân ái và chặt chẽ với các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem. Hội-thánh thời ấy chưa có các cá nhân đầy tham vọng về danh, lợi, quyền như ngày nay.
Một việc làm của Ba-na-ba đã đưa đến kết quả thay đổi hẳn tình trạng tín ngưỡng và thế lực của đạo Chúa tại Tiểu Á và Đông-Nam Âu-châu, rồi toàn vùng Nam-Âu sau nầy. Luca không kể lại hết mọi việc. Ông chỉ ghi vắn tắt: “Sau đó, Ba-na-ba đi Tạt-sơ tìm Sau-lơ. Tìm được, ông đưa Sau-lơ về An-ti-ốt” (25–26a). Ở phần trước, Luca kể lại việc người Giu-đa âm mưu giết Sau-lơ, vì “anh em được tin ấy, liền đem ông đến Sê-sa-rê, rồi đưa đi Tạt-sơ” (Công Vụ 9:30). Còn Sau-lơ thì tự thuật sau khi quy đạo tại Damas, xứ Syri, ông về Giê-ru-sa-lem ở một thời gian ngắn, rồi sang các miền Sy -ri và Si-li-si. Mười bốn năm sau, ông mới trở lại Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, sau khi từ Tạt-sơ về An-ti-ốt (Ga-la-ti 2:19, 21; 3:1).
An-ti-ốt bây giờ trở thành trung tâm truyền giáo lớn nhất. Cách sống và niềm tin vững vàng của tín hữu ở đó đã khiến người ta gọi họ là Cơ-đốc-nhân (người tin theo Đấng Christ 26b). Danh hiệu ấy rất quan trọng, vì vừa là một niềm hãnh diện, vừa là một sự nhắc nhở phải làm gương tốt trong cách sống mỗi ngày. Đó là kết quả thánh vụ của Ba-na-ba, Sau-lơ và nhiều người khác.
Đức Chúa Trời vẫn thường dùng các tiên tri thông báo cho dân sự Ngài những tai hoạ sẽ đến để họ có thì giờ chuẩn bị (27–28). Ít người được Chúa giao cho chức vụ tiên tri, nhưng mọi dân sự Ngài đều có thể nhận được ân tứ tiên tri, tức là ơn về khải thị, để gây dựng lẫn nhau. Gương mẫu về sự đóng góp của cải vật chất để cứu trợ anh chị em trong đức tin đang bị thiếu thốn vì thiên tai hay hoạn nạn, là điều các bậc tiền bối của Hội-thánh đã làm từ thời Hội-thánh sơ lập, và họ thực hiện việc chuyển giao tặng phẩm qua tay Ba-na-ba và Sau-lơ (29–30). Chúng ta cần học gương tốt của người xưa, để cũng sẽ được hưởng phước như họ và làm gương sáng cho người quanh mình.
SachCongVu24.docx
Rev. Dr. CTB