Sách Công Vụ, bài 28

Công Vụ 14:1–28

Sự truyền giáo thành công ở An-ti-ốt thuộc Pisidia, rồi thủ đoạn phá quấy của những người Do-thái chống đối đạo Chúa lại tái diễn ở những vùng mà đoàn truyền giáo đi tới trong chuyến đi nầy.

Y-cô-ni là một thành phố vùng cao nguyên, cao hơn mặt biển trên một ngàn thước, thành phố nầy nằm cách An-ti-ốt Pisidia khoảng sáu mươi dặm về hướng đông, hơi chếch về phía nam. Tới đó, việc đầu tiên của Phao-lô và Ba-na-ba là vào nhà hội của người Do-thái, là chỗ có những người đã từng nghe Lời Chúa và những người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời (1).

Cách suy nghĩ nầy vừa là sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh ban cho, vừa là sự suy tính hợp lý thường tình mà những người đi truyền giáo thời nay cần phải suy nghĩ và áp dụng là: Dành ưu tiên rao Tin-mừng cho người chịu nghe, có khả năng hiểu sứ điệp và có nhiều hi vọng họ sẽ tin lời mình rao giảng.

Kết quả tại Y-cô-ni (Iconium) là “rất nhiều người Do-thái và Hy-lạp tin Chúa” (1). Và nhóm người không tin lại giở trò phá rối, “xúi giục người dân ngoại, làm cho họ có ác cảm đối với anh em” (2), tức là chống những người đã tin. Tuy vậy, hai vị sứ đồ đã ở Y-cô-ni lâu ngày “giảng dạy cách bạo dạn. Chúa dùng tay hai ông làm nhiều phép lạ và việc diệu kỳ để chứng nhận lời giảng về ân điển của Ngài” (3).

Thời nào người ta cũng có phản ứng trái ngược nhau trước phép lạ của Chúa: Tin với nghi ngờ; cho nên, dân trong thành “kẻ theo người Do-thái, người theo các sứ đồ” (4). Cách duy nhất của người thời xưa và bây giờ để phủ nhận việc Chúa làm là xuyên tạc và hãm hại (5). “Nhưng các sứ đồ biết được, lánh qua các thành miền Ly-cao-ni là Lystra, Derbe và miền phụ cận. Tại đó họ tiếp tục truyền bá Tin-lành” (6–7).

Lystra và Derbe là hai thành phố miền nam của tình Ga-la-ti, nơi có quân La-mã trú đóng để bảo vệ các đường giao thương và lợi ích của đế quốc. Có lẽ không có nhà hội Do-thái tại Lystra, nên có thể hai vị sứ đồ giảng đạo ở khu phố chợ hoặc ngay cổng thành (13).

Học tập cách Phao-lô vận dụng quyền phép của Đức Chúa Trời để thu phục lòng những người không biết chi về Kinh-thánh, là gương cho sự truyền giáo thời nay (8–9). Biết người “có đức tin để được chữa lành” (9) là lợi thế lớn, nhưng người giảng cũng phải tin Chúa sẽ thực hiện quyền phép của Ngài mới dám công bố phép lạ chữa lành (10).

Về sau, Phao-lô viết thư cho người Ga-la-ti nói rằng: Chúa ban Thánh Linh và làm phép lạ để làm bằng chứng về Tin-lành ân điển nhờ nghe mà tin (Ga-la-ti 3:5).

Dù Phao-lô giảng về Đức Chúa Giêxu Christ là Tin-mừng từ Đức Chúa Trời, nhưng niềm tin theo truyền thống của người Ly-cao-ni xui khiến họ tưởng các thần của họ hiện hình (11–12). Đây là phản ứng điển hình về tâm lý những người nhiệt thành tin tưởng sai trật.

Vì hai vị sứ đồ không biết tiếng Ly-cao-ni, nên khám phá sự việc hơi trễ (13–18). Theo huyền thoại Hy-lạp thì Mộc-thần Zeus là thượng đế của họ; và Thổ-thần Hermes là diễn giả của các thần. Miếu thờ hai thần nầy ở phía ngoài cổng thành, gần chỗ Phao-lô đang giảng (13).

Người Ly-cao-ni tưởng rằng họ làm như vậy là hợp lẽ; vì thế họ phật ý khi thấy hai ông quả quyết mình chỉ là người như họ, và họ sai lầm khi thờ cúng các thần trong huyền thoại mà không kính thờ Đức Chúa Trời hằng sống (13–17).

Những người Do-thái chống đối đạo Chúa đến từ An-ti-ốt và Y-cô-ni đã lợi dụng sự bất mãn lúc đó của người Ly-cao-ni, xúi giục dân chúng ném đá Phao-lô, “tưởng ông đã chết, họ kéo ông ra ngoài thành (19).

Hai sứ đồ ở Lystra đủ lâu để đào tạo được một số môn đồ; vì “khi các môn đồ tụ họp xung quanh, Phaolô vùng đứng lên đi vào thành. Hôm sau, ông cùng Ba-na-ba đi Đẹt-bơ” (20). Việc nầy là Đức Chúa Trời đã làm phép lạ để cứu Phao-lô, dù có thể ông chỉ bất tỉnh, vì thân thể bị ném đá bầm dập, giữa sống và chết; nhưng khi ông vùng đứng dậy, tỉnh táo và trở vào thành, thì có nghĩa là ông hoàn toàn được chữa lành.

Vì biết rõ tâm trạng bất mãn của dân Lystra vẫn còn khi việc thờ cúng của họ bị chê là sai trật, hai sứ đồ khôn ngoan lánh qua thành phố Derbe lân cận, khoảng 60 dặm đông nam của Lystra, và tiếp tục giảng đạo.

Hai vị rao truyền Tin-mừng ở Derbe, “khiến nhiều người trong thành đó trở nên tín đồ” (21), chứng tỏ rằng ở đó họ không gặp chống đối, vì có lẽ không có nhà hội Do-thái ở đó; và những kẻ thù của Phao-lô đinh ninh ông đã chết.

Sau khi đã đào tạo được nhiều môn đồ, và chắc chắn cũng đã thành lập một Hội-thánh, hai vị dũng cảm “quay lại Lystra, Y-cô-ni và An-ti-ốt, củng cố lòng các tín hữu, khuyên họ cứ giữ vững đức tin” (22). Tại những nơi trước kia họ đã đi qua và truyền giảng có kết quả rồi, hai ông không làm công việc truyền giáo nữa, mà nhắm vào việc gây dựng và củng cố đức tin của nhiều tín hữu non trẻ.

Để mọi tín hữu hiểu thực tế của con đường đi theo Chúa không phải lúc nào cũng bằng phẳng, “hai ông nói: ‘Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được nước Đức Chúa Trời” (22).

Thời nay những ai muốn thành lập một Hội-thánh địa phương thì phải nghiên cứu và học hỏi nguyên tắc của các sứ đồ về việc thành lập Hội-thánh theo gương mẫu đã chép ở chỗ nầy. Họ tận dụng thời gian mà họ có ở một địa phương nào đó để truyền giáo.

Trước tiên họ tìm những người kính sợ Đức Chúa Trời, biết Kinh-thánh, có thể hiểu điều họ rao giảng, và có nhiều khả năng tiếp nhận Tin-mừng. Họ giải thích cho những người ấy hiểu Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a đã nói đến trong các sách tiên tri, để những người ấy thật lòng tiếp nhận Ngài làm Chúa Cứu-thế của họ và nhận phép báp têm bằng nước. Rồi tất cả tín hữu đều được các sứ đồ đặt tay để nhận báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Đối với người thuộc dân ngoại, các sứ đồ vận dụng ân tứ Thánh Linh làm các phép lạ chữa bệnh để chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời và thu hút người nghe.

Sau khi truyền giảng được nhiều người tin Chúa, các sứ đồ thực hiện sự dạy đạo kỹ càng để đào tạo các môn đồ. Trong khi đào tạo, họ chú ý tới những người đức độ có khả năng giảng dạy và lãnh đạo, để bổ nhiệm họ vào chức vụ trưởng lão, tức là mục sư và giáo sư, để dẫn dắt con cái Chúa tại địa phương đó.

Như vậy, công tác truyền giáo, gây dựng đời sống tâm linh tín hữu và để thì giờ huấn luyện những người có khả năng lãnh đạo, là những việc đi kèm với nhau. Cho nên, “sau khi bổ nhiệm một số trưởng lão ở mỗi Hội-thánh, hai ông kiêng ăn, cầu nguyện, và uỷ thác họ cho Chúa là Đấng họ tin. Hai ông đi đến miền Bi-si-đi, Bam-phi-ly. Giảng đạo tại Bẹt-ga rồi xuống Át-ta-ly” (23–25).

Ở đầu chuyến đi, không thấy Luca ghi việc truyền giáo ở Bẹt-ga. Chuyến về, họ ghé qua thăm Hội-thánh An-ti-ốt xứ Bi-si-đi; ở Bẹt-ga, họ làm công tác truyền giáo khi có thể làm được.

Hai sứ đồ kết thúc vòng truyền giáo thứ nhất và xuống thuyền trở về An-ti-ốt xứ Syri, mà họ đã từ nơi đó ra đi (26). Vì “họ đã được Hội-thánh uỷ thác cho ân điển của Đức Chúa Trời để làm công tác” truyền giáo; cho nên hai vị sứ đồ đã hoàn thành công việc của họ đầy kết quả rất ngoạn mục.

Đến nơi, hai ông triệu tập Hội-thánh, tường thuật mọi việc Đức Chúa Trời cùng làm với mình, và cách Ngài mở cửa đức tin cho các dân ngoại” (27). Bản tường trình của hai vị sứ đồ cho Hội-thánh bản doanh chắc là rất sinh động và đầy hào hứng; bởi vì bất cứ công việc gì liên quan tới việc mở mang Nước Trời mà có sự cộng tác của Đức Chúa Trời, và những cách thức Ngài đã mở nhiều cánh cửa khó khăn để dân ngoại cũng được hưởng đức tin cứu rỗi, thì thật là kỳ diệu và tuyệt vời.

Chính chuyến đi truyền giáo đầu tiên lâu ngày tới những vùng xa xôi của Ba-na-ba và Phao-lô, đã mở cánh cửa cứu rỗi hạnh phúc cho các dân ngoại, đem ích lợi tới tận ngày nay.

Thời gian “hai ông ở lại An-ti-ốt lâu ngày với các môn đồ” (28) chắc phải có lý do. Có lẽ tổn thương thân thể của sứ đồ Phao-lô vì bị ném đá, dù được Chúa chữa lành và làm cho sống lại, thì vẫn cần được tĩnh dưỡng và bồi bổ sức khoẻ, sửa soạn cho những chuyến đi về sau.

Họ cũng cần có đủ thời gian để cầu nguyện, suy gẫm những thành công và thất bại, cẩn thận cân nhắc những nguyên nhân khiến kẻ thù có thể dựa vào đó để khích động sự cuồng nộ của đám đông chưa tiếp nhận Tin-mừng. Và cũng cần thì giờ để Đức Thánh Linh chỉ dẫn những kinh nghiệm quý báu từ chuyến đi vừa rồi nữa.

SachCongVu 28.docx

Rev. Dr. CTB