Sách Công Vụ, bài 20

Công Vụ 9:1–19

Nguyên nghĩa của chữ ‘đe doạ’ ở đây là ‘hít thở’ thứ không khí hung hăng, để ý chí bắt bớ và giết chóc không suy giảm. Sau-lơ tự tạo bầu không khí hung bạo đó để tiếp tục chống đạo của Đức Chúa Giêxu; bởi vì có lẽ những người tham gia bắt bớ đạo Chúa sau vụ giết chết Ê-tiên đã chán, không còn hăng hái nữa. Hình như Sau-lơ không mấy quan tâm tới việc đạo Chúa lan tràn ở xứ Samari. Thật ra, Do-thái-giáo không có thẩm quyền gì ở vùng nầy; bởi vì ở Samari không có nhà hội của Do-thái-giáo. Những tín đồ chạy tản lạc về phía bắc, vượt qua xứ Galilê, có lẽ đã tụ tập ở Damas, là thành phố lâu đời và quan trọng của nước Sy-ri. Ở Damas có nhiều nhà hội của Do-thái-giáo; cho nên chắc phải có một cộng đồng người Do-thái đông đảo ở đó. Vì thế Sau-lơ xin thư giới thiệu để đi Damas bắt tín đồ của Hội-thánh sơ lập (1–2).

Cách thức truyền giáo và thu phục lòng người của Đức Chúa Giêxu thì thay đổi luôn, không dùng một hình thức cố định nào. Chúa thay đổi cách tiếp xúc đối với mỗi loại đối tượng để làm gương cho các môn đồ Ngài bắt chước theo. Đối với một người có cá tính đặc biệt thì Chúa dùng biện pháp siêu nhiên; cho nên khi Sau-lơ đang “trên đường gần đến thành Damas, thình lình có ánh sáng từ trời chiếu rọi chung quanh Sau-lơ, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng gọi:Sau-lơ, Sau-lơ, sao con bắt bớ Ta?” (3–4). Từ Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ và các bạn đồng hành đã đi khoảng hai trăm dặm đường bộ tới thành Damas. Lúc ánh sáng mạnh hơn mặt trời chiếu rọi chung quanh Sau-lơ là khoảng giữa trưa; ánh sáng ấy cứ chiếu loà quanh Sau-lơ, dù ông đã té ngã (26:13).

Trong Kinh-thánh, ánh sáng thường nói về sự hiện diện hiển lộ của Đức Chúa Trời. Lúc Đức Chúa Giêxu sống lại, Ngài không còn mang thân thể xác thịt mà là thân thể đã được biến hoá bất hoại, bất tử. Nhưng Ngài chỉ phục hồi sự vinh quang của Ngài sau khi trở về trời; vì Ngài đã cầu nguyện với Đức Chúa Cha trong đêm từ biệt các môn đồ: “Bây giờ xin Cha lấy vinh quang Con đã có bên Cha trước khi có thế gian, mà tôn vinh Con cùng với Cha” (Giăng 17:5). Sự vinh quang ấy là ánh sáng cực mạnh, vinh hiển vốn có của Đức Chúa Giêxu phục sinh. Bây giờ Ngài hiện ra cho Sau-lơ trong hình ảnh đó. Có lẽ lời làm chứng của Phao-lô về việc Chúa hiện ra cho ông, là lần nầy: “Sau hết, Ngài cũng hiện ra cho tôi, như cho một hài nhi sinh non” (1Côrinhtô 15:8). Đức Chúa Giêxu đã gọi tên Sau-lơ theo tiếng Hê-bơ-rơ “Saoul” (26:14). Nhưng khi viết sách nầy thì Luca ghi là “Saulos theo tiếng Hy-lạp.

Lời Chúa hỏi khiến Sau-lơ bối rối, vì ông chỉ bắt bớ các tín đồ của Chúa thôi; bởi vậy ông hỏi: “Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa đáp: ‘Ta là Giêxu mà con đang bắt bớ’” (5) (một vài bản sao ghi tiếp “Đá vào mũi nhọn không dễ đâu!26:14), nghĩa là bắt bớ các môn đồ của Đức Chúa Giê –xu giống như đưa chân đá vào đinh nhọn và tự làm tổn thương chính mình. Thật ra Sau-lơ chưa biết việc ông làm là đá vào đinh nhọn, ông chỉ hết sức cố gắng ngăn cản việc truyền giáo của họ thôi. Bây giờ, ông phải đối diện với một Chúa thiên thượng, không phải chỉ là con Người Giêxu. Sau-lơ hỏi: “Thưa Chúa, con phải làm gì?” (22:10). Câu hỏi nầy chứng tỏ đã có một sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của Sau-lơ, là bằng cớ lòng chân thành ăn năn của ông. Chúa ra lệnh cho ông: “Con hãy đứng dậy, đi vào thành, có người sẽ chỉ dẫn cho con điều phải làm” (6).

Về sau, theo lời kể của Phao-lô, thì Đức Chúa Giêxu còn nói thêm những việc ông phải làm khi ông được Ngài sai đi (26:16–18); nhưng ở chỗ nầy thì Luca không ghi thêm các chi tiết ấy mà chuyển sang miêu tả các bạn đồng hành của Sau-lơ “đứng đó, không nói một lời. Tuy họ nghe có tiếng nói, nhưng chẳng thấy ai. Sau-lơ đứng dậy, mắt vẫn mở nhưng không thấy được. Người ta nắm tay dắt ông vào thành Damas” (7-8). Sau khi bị ánh sáng chói loà và có lẽ đã thấy Đức Chúa Giêxu, Sau-lơ hết thấy đường. Lúc người ta dẫn ông vào thành Damas, “ông ở đó ba ngày, không thấy, không ăn cũng không uống” (9), một tình trạng không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện.

Vào ngày thứ ba sau khi Sau-lơ đến Damas, Đức Chúa Giêxu hiện ra trong khải tượng của A-na-nia, một môn đồ người Giu-đa vốn nhiệt thành với Do-thái-giáo nhưng đã tin Chúa. “Chúa gọi ông trong một khải tượng: ‘A-na-nia!’ Ông thưa: ‘Lạy Chúa, con đây!’” (10). Sự đối đáp trò chuyện với Chúa của A-na-nia chứng tỏ ông đã quen thuộc với hiện tượng nầy; môt hiện tượng có lẽ vẫn thường xảy ra trong Hội-thánh thời sơ-lập. Vì Chúa sai A-na-nia: “Con đứng dậy đi đến đường gọi là đường Thẳng, tìm Sau-lơ người Tạt-sơ đang ở nhà của Giu-đa, vì người ấy đang cầu nguyện, và trong khải tượng, thấy có một người tên A-na-nia đến đặt tay trên mình cho được sáng mắt lại” (11–12). Mệnh lệnh và sự tiết lộ của Đức Chúa Giêxu cho thấy rằng trong suốt ba ngày không thấy ánh sáng, Sau-lơ đã cầu nguyện và được thấy khải tượng.

Dù được Chúa hiện ra trong khải tượng và truyền bảo cho việc phải làm, nhưng A-na-nia vô cùng ngạc nhiên về công tác nầy. Ông không hiểu nổi ý muốn của Chúa; cho nên, ông nói lên sự thắc mắc của mình (13–14). Những tin tức ông nghe về các thành tích bách hại đạo Chúa của Sau-lơ, có lẽ do nhóm tín hữu trốn khỏi Giê-ru-sa-lem đến Damas kể lại cho các thánh đồ ở đó biết; mà A-na-nia thì hoặc là sinh trưởng tại Damas hoặc đã cư ngụ ở đó rất nhiều năm. Và có lẽ Hội-thánh tại Damas cũng đã chuẩn bị đối phó với cuộc bắt bớ mà họ biết Sau-lơ sẽ đến để thực hiện. Đức Chúa Giêxu phải nói rõ ý định của Ngài cho A-na-nia biết, để ông cứ an tâm đi tìm Sau-lơ và cầu nguyện cho người ấy được sáng mắt lại: “Hãy đi! Vì Ta đã chọn người nầy làm một lợi khí để truyền bá danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con dân Israel. Ta sẽ tỏ cho người ấy biết phải chịu khổ nhiều vì danh Ta” (15–16).

A-na-nia vâng lời “đi, vào nhà đặt tay trên Sau-lơ và nói: ‘Anh Sau-lơ, Đức Chúa Giêxu đã hiện ra với anh trên đường, khi anh đang đi tới đây. Ngài sai tôi đến, để anh được sáng mắt lại và đầy dẫy Đức Thánh Linh”(17). A-na-nia nói rằng, Đức Chúa Giêxu đã sai ông đến vì hai lý do, thứ nhất là cho Sau-lơ được sáng mắt lại, và thứ nhì là giúp cho Sau-lơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ở điểm nầy, người đọc Kinh-thánh nhận ra rằng A-na-nia không phải là sứ đồ hay giữ vai trò quan trọng nào trong Hội-thánh. Chúa có thể dùng bất cứ tín hữu nào để làm công việc Ngài giao, không cần phải có chức vụ đặc biệt nào hết. Tuy nhiên, sở dĩ A-na-nia được Chúa chọn sai đi vì ông đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh và có đời sống cầu nguyện mà Chúa có thể khiến ông thấy khải tượng thật được trò chuyện với Chúa. Ông vâng lời vì đó không phải là ý tưởng mơ hồ.

Chúa cũng đã cho A-na-nia biết trước rằng Ngài đã bày tỏ cho Sau-lơ biết sẽ có một môn đồ tên là A-na-nia đến đặt tay cho mình được sáng mắt lại. Khi chính Chúa sắp xếp một việc gì theo chương trình của Ngài, thì mọi việc đều ăn khớp với nhau. Chắc rằng tinh thần của Sau-lơ bị bấn loạn sau khi biết mình đã bắt bớ Đức Chúa Giêxu. Suốt mấy ngày chìm trong bóng tối, suy gẫm, đau đớn ăn năn, và cầu nguyện, có lẽ Sau-lơ hết sức khát khao được tiếp tục nghe tiếng Chúa nói chuyện với mình. Sau nầy ông có bộc bạch: “Tôi coi tất cả mọi sự đêu là thua thiệt, vì được biết Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa tôi, là điều cao quý nhất. Vì Ngài, tôi chịu mất tất cả, … hầu cho tôi được biết Ngài, và biết quyền năng phục sinh của Ngài, được dự phần trong nỗi thương khó của Ngài, trở nên giống Chúa trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:8,10).

A-na-nia nói xong, “lập tức, có vật gì như những cái vảy từ mắt Sau-lơ rơi xuống, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy chịu lễ báp têm. Sau khi ăn, ông khoẻ mạnh và ở lại mấy hôm với các môn đồ tại Damas” (18–19). Hiện tượng những cái vảy từ mắt Sau-lơ rơi xuống để ông được sáng mắt lại, là hoàn toàn siêu nhiên, mặc dù những cái vảy rõ ràng là vật chất. Không ai biết mấy cái vảy đó nằm trên mắt Sau-lơ từ bao giờ. Vì trước đó, mắt ông vẫn mở nhưng chẳng thấy gì được; và nếu những cái vảy xuất hiện từ khi ông bị mù, thì ông vẫn cảm thấy và người trong nhà cũng thấy. Nhưng sự kiện đó củng cố thêm lòng tin của Sau-lơ khi ông thấy sự sắp xếp và lời tiên báo của Chúa cho ông với A-na-nia hoàn toàn ăn khớp. Dù Luca không ghi lại, nhưng chắc chắn mấy người đi với Sau-lơ cũng như người trong nhà ông tạm trú đều đã tiếp nhận Đức Chúa Giêxu.

SachCongVu20.docx

Rev. Dr. CTB