Sách Công Vụ, bài 11

Công Vụ 4:23–37

Vừa được thả ra, Phierơ và Giăng trở về với anh em” (23). Lời tường thuật nầy hàm ý rằng các môn đồ đã nhóm nhau cầu nguyện cho Phierơ và Giăng từ lúc hai người bị bắt; cho nên, khi vừa được trả tự do, hai ông tức khắc trở về nơi họ vẫn thường nhóm lại cầu nguyện với nhau. Có thể là ‘phòng cao,’ nơi họ vẫn ở từ ngày Đức Chúa Giêxu chịu khổ hình, sống lại, hiện ra cho họ thấy. Nói cách khác, nơi đó đã trở thành trụ sở chính của Hội-thánh mới được thành lập. Vừa gặp lại, họ kể hết những “lời các thầy trưởng tế và các trưởng lão đã nói,” không thiếu lời nào hết.

 

Nghe xong, mọi người đồng lòng lớn tiếng cầu xin Đức Chúa Trời” (24). Chữ ‘lớn tiếng’ chỗ nầy theo nguyên văn Hy-lạp ở số ít, có nghĩa hoặc là tập thể đồng thanh nói, hoặc là một đại diện nói với sự đồng thuận của mọi người. “Đồng lòng” là hiệp một ý, với một mục đích, dâng lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời. Vì vậy, rất có thể là lời cầu nguyện được ghi lại ở đây do một người làm phát ngôn nhân thay mặt cả nhóm lớn tiếng cầu nguyện trong lúc mọi người có mặt ở đó đều đồng ý, a-men, với lời cầu nguyện ấy. Vì nếu mọi người nói rập ràng giống như đọc một bài cầu nguyện được soạn và viết sẵn, thì phải có sự điều khiển đặc biệt của Đức Thánh Linh mới có thể làm như vậy được. Cho nên, có thể là đồng thanh, hoặc một người đại diện lớn tiếng cầu nguyện.

 

Chúng ta học được nhiều điều từ bài cầu nguyện nầy. Trước hết các môn đồ tôn xưng sự cao cả, vĩ đại và quyền tể trị hoàn toàn của Đức Chúa Trời trên mọi loài tạo vật do Ngài dựng nên (24), Đấng là Đức Chúa mà họ đang hướng về và dâng lời cầu khẩn. Kế đến, họ dùng lời của Đa-vít, là tổ phụ của họ và là đầy tớ Chúa, do Đức Thánh Linh cảm thúc đã nói trước, được chép lại trong sách Thi-thiên của Kinh-thánh, đã được ứng nghiệm qua sự giận dữ chống đối Chúa của các nhà lãnh đạo tôn giáo người Do-thái, để làm nền tảng cho những lời cầu xin của mình: “Tại sao các quốc gia cuồng giận, các dân tộc bày mưu vô ích? Các vua trên thế giới nổi dậy, các nhà cầm quyền liên minh chống Chúa và Đấng chịu xức dầu của Ngài?” (25–26 Thi-thiên 2:1–2).

 

Vì Thi-thiên nầy nói về sự giận dữ của các dân ngoại bang, các vua và các nhà cầm quyền đã liên minh với nhau chống Chúa và Đấng Christ của Ngài, cũng là các dân ngoại bang. Và cũng vì bài cầu nguyện nầy do Đức Thánh Linh cảm thúc; cho nên, các nhà lãnh đạo người Do-thái bị kể là đồng một lứa với các dân tộc vẫn thường nổi lên chống Chúa, có đồng tâm lý và thái độ phản loạn nghịch lại Đấng Thánh của Đức Chúa Trời: “Thật thế, trong thành phố nầy, Hê-rốt, Bôn-xơ Phi-lát, người ngoại quốc và người Israel đã cấu kết với nhau chống lại Đầy-tớ Thánh của Ngài là Đức Chúa Giêxu, Đấng được Ngài xức dầu” (27).

 

Hê-rốt Antipas là vua chư hầu cai trị xứ Giuđê, nhưng có nguồn gốc không phải là người Do thái, nên bị xem là người ngoại quốc như Bôn-xơ Phi-lát là người La-mã. Người Do-thái cấu kết một cách hăng hái với người ngoại quốc để chống Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, nhưng chẳng biết rằng “họ đã thực hiện công việc và chương trình Ngài đã định trước” (28). Tuy nhiên, họ vẫn bị quy trách nhiệm về những việc họ làm, bởi vì họ tự nguyện chọn lấy các hành động ấy.

 

Vì Đức Chúa Trời vẫn nắm quyền kiểm soát khi Ngài cho phép Đấng Thánh của Ngài là Đức Chúa Giêxu bị giết chết, và Đức Chúa Giêxu là Đầy-tớ của Đức Chúa Trời đã vì những người tin mà hoàn thành ý muốn của Cha Ngài; cho nên các môn đồ có thể đến với Đức Chúa Trời để cầu khẩn trên nền tảng của Đức Chúa Giêxu đã hoàn tất qua sự chết và sự sống lại của Ngài; họ cầu xin Đức Chúa Trời lưu ý lời kẻ thù đe doạ, và “cho các đầy tớ Ngài đầy can đảm nói lời Chúa. Xin Ngài đưa tay chữa lành, thực hiện phép lạ và việc quyền năng nhân danh Đức Chúa Giêxu” (29–30). Những lời đe doạ của hội-đồng Sanhedrin là rất thật. Vì thế các môn đồ cần được Chúa ban cho sự can đảm để nói ra lời Ngài. Dù có đạt tới một thành công thuộc linh lẫy lừng, kẻ thù chúng ta, là Satan, vẫn lên tiếng đe doạ; và chúng ta vẫn cần cầu xin được ban cho sự can đảm.

 

Phép lạ người què được chữa lành chỉ mới là một sự khởi đầu. Các sứ đồ biết chắc đó là bàn tay đại năng của Đức Chúa Trời hành động qua danh Đức Chúa Giêxu. Việc kỳ diệu ấy đã đem thêm hai ngàn người vào Hội-thánh, chứng tỏ rằng sự truyền giảng bằng quyền phép Đức Chúa Trời là phương cách vô cùng hiệu quả trong việc mở mang Nước Chúa giữa những người tin vào một Đức Chúa Trời quyền năng (4:21). Cho nên, họ đã khẩn nài với Đức Chúa Trời: “Xin Ngài đưa tay chữa lành, thực hiện phép lạ và việc quyền năng nhân danh Đức Chúa Giêxu (30). Các thứ tật bệnh được chữa lành qua Danh Đức Chúa Giêxu là bằng chứng Ngài là Đấng đang sống sau khi phục sinh khải hoàn từ cõi chết. Các chứng cớ hiển nhiên đó có thể thuyết phục lòng những người vô tín hay đang tin tưởng các thứ thần khác rằng Giêxu thật là Chúa quyền năng.

 

Khi cầu nguyện xong, phòng họp rúng chuyển, mọi người đều đầy dẫy Đức Thánh Linh, can đảm nói lời Đức Chúa Trời” (31). Đức Thánh Linh đã làm cho phòng họp rung chuyển, không do một cơn động đất nào, để giúp cho mọi môn đồ vững lòng tin cậy sự vận hành mạnh mẽ của Đức Chúa Trời. Không ai dám quả quyết buổi cầu nguyện đó diễn ra tại đâu, hay có bao nhiêu người tham dự; bởi vì số người trong Hội-thánh lúc ấy đã tăng lên hơn 5,000. Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh; không phải chỉ là các môn đồ cũ hay số tín đồ mới. Sự đầy dẫy nầy cũng không phải là sự tái diễn phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, nhưng là một sự đổ đầy tươi mới sinh khí và quyền năng thiên thượng trên cả thân, hồn, linh của những người nhận sự đổ đầy. Cho nên, họ “can đảm nói lời Đức Chúa Trời” giữa khung cảnh cấm đoán, đe doạ.

 

Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trên mọi người tạo nên tinh thần hăng hái yêu thương đùm bọc nhau. Việc đó dẫn tới “số tín hữu đông đảo ấy đều đồng lòng đồng ý, không ai coi những gì mình có là của riêng, nhưng kể mọi vật là của chung” (32). Tinh thần cộng đồng không cưỡng bách thì tạo sự đoàn kết vui vẻ cho mọi người. Một tinh thần tự nguyện chăm lo những tín hữu túng thiếu nổi lên trong tất cả những người có nhiều của cải vật chất, khiến cho “không một người nào túng thiếu, vì những người có nhà cửa, ruộng đất đem bán đi lấy tiền đem đặt dưới chân các sứ đồ, và các sứ đồ phân phối cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (34–35).

 

Bác sĩ Luca đưa ra một bức tranh tổng thể về tình yêu thương đùm bọc nhau của Hội-thánh sơ lập, và lý do tại sao những tín hữu đầu tiên ấy đã có thể giúp đỡ nhau về các nhu cầu vật chất. Đức Thánh Linh đã hành động cách tuyệt vời để trưng bày một khuôn mẫu hoàn hảo về hình ảnh mà Hội-thánh Chúa cần phải đạt đến. Sau đó, Luca mới tường thuật các chi tiết đóng góp của cải tiền bạc để các sứ đồ phân phát cho những người có nhu cầu: “Giô-sép, người thuộc chi tộc Lêvi, quê ở đảo Síp, được các sứ đồ gọi là Ba-na-ba (nghĩa là ‘Con trai sự an ủi’), có một miếng đất, đem bán đi, lấy tiền đặt dưới chân các sứ đồ” (36–37).

 

Bác sĩ Luca chứng minh lời mô tả hình ảnh tuyệt diệu của Hội-thánh qua chi tiết một sự kiện điển hình của gương mẫu về nghĩa cử hi sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của đại cuộc. Giô-sép đã làm gương cho nhiều người khác làm theo. Có lẽ chính vì tinh thần sẵn sàng hi sinh việc riêng của ông để đem đến sự vui mừng và an ủi chung, nên ông được gọi là Ba-na-ba và trở thành một sứ đồ đã đem đến vô vàn ích lợi cho nhiều thế hệ sau nầy của Hội-thánh qua việc dìu dắt nhiều người ở An-ti-ốt đến với Chúa, rồi đi tìm Sau-lơ đem về An-ti-ốt, giúp cho Saulơ trở nên sứ đồ Phaolô lẫy lừng, được Chúa dùng viết khoảng một nửa Kinh-thánh Tân-ước (11:19–26).

 

Tuy nhiên, động lực chính để Hội-thánh tăng trưởng và tình yêu thương đoàn kết có thể diễn ra trong Hội-thánh là nhờ: “Các sứ đồ lấy quyền năng rất lớn để chứng thực sự sống lại của Đức Chúa Giêxu, và họ đều nhận được ân điển dồi dào” (33). Thật vậy, quyền phép của Chúa làm nên sức sống sinh động và tinh thần phấn khởi trong lòng của bất cứ ai có cơ hội tiếp xúc với sinh lực tràn trề của Hội-thánh. Hội-thánh sống là biểu hiện cụ thể Đức Chúa Giêxu đã sống lại và đang ở giữa Hội-thánh quyền năng của Ngài; nhờ đó, mọi người đều “nhận được ân điển dồi dào.

SachCongVu11.docx

Rev. Dr. CTB