Sách Công Vụ, bài 46

Công Vụ 26:12–32

Đây là lời tự thuật lần thứ ba của Phao-lô về sự kiện Đức Chúa Giêxu hiện ra với ông bằng ánh sáng chói loà trên đường đi tới Damas, và lý do ông trở thành môn đồ của Đức Chúa Giêxu (12–13).

Lời tự thuật lần nầy có thêm vài chi tiết mới. “Đá vào mũi nhọn” (14), nghĩa là dùng bàn chân đá vào đầu cây gậy có gắn mũi đinh nhọn. Ai làm như thế thì bị tổn thương chân mình chứ không làm suy suyển gì đến cây gậy. Một lần nữa Phao-lô tường thuật rằng Đấng đã hiện ra với ông chính là Đức Chúa Giêxu (15).

Các chi tiết kế tiếp cũng chưa được kể trong những lần tự thuật trước: “Ta hiện ra cho con để chỉ định con làm tôi tớ Ta, làm nhân chứng về những điều con đã thấy, và những điều Ta sẽ tỏ cho con sau nầy. Ta sẽ giải cứu con khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại mà Ta sai con đến để mở mắt họ, để họ từ bóng tối bước qua ánh sáng, từ quyền lực Sa-tan trở về với Đức Chúa Trời. Nhờ niềm tin nơi Ta, họ sẽ được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ” (16–18).

Như vậy, sứ mệnh Chúa giao cho Phao-lô là phục vụ Ngài và làm nhân chứng về những điều ông đã thấy và sẽ được biết về sau. Nghĩa là Phao-lô sẽ nhận được những sự mặc khải từ Chúa tỏ ra cho ông trong chức vụ tương lai.

Đặc điểm vô cùng quan trọng nầy đã phân biệt rõ ràng người phục vụ được Chúa chọn khác hẳn người tự ý phục vụ nhưng không được chọn. Nó cũng là điểm hoàn toàn tương phản với các chức sắc của những tôn giáo do loài người tạo ra.

Sự mặc khải của Chúa cho con cái Ngài chứng tỏ Ngài vừa là Đấng đang sống, vừa là Đấng cầm quyền trong trần giới lẫn linh giới. Hạnh phúc của người được Chúa gọi là được Ngài khải thị cho biết những điều kín nhiệm, mà loài người ở trần giới không thể thấy hoặc biết (16).

Lời hứa giải cứu (17) cũng là một niềm hạnh phúc khác, vì biết rằng dù ở giữa bao gian nguy của những cảnh ngộ và các âm mưu thù nghịch của loài người, đầy tớ Chúa vẫn sẽ bình an vô sự vì sẽ được Chúa giải cứu.

Tuy nhiên, mục đích của sự kêu gọi và sứ mệnh rao truyền Tin lành thì thật là cao cả. Bởi vì nhiệm vụ của Phao-lô là: “mở mắt” cho người ta “từ bóng tối bước qua ánh sáng, từ quyền lực Sa-tan trở về với Đức Chúa Trời.” Để sau khi họ tin Đức Chúa Giêxu thì “họ sẽ được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ” (18).

Thế thì, mục đích của Tin-mừng và sứ mệnh của người rao giảng Tin-mừng là “mở mắt” cho người đang mù loà đối với ơn cứu độ của Đức Chúa Trời; bởi vì họ đang ở trong bóng tối của sự lừa dối của ma quỷ và những lý thuyết cùng niềm tin sai lạc của người trần gian.

Về sau, Phao-lô rất kinh nghiệm về việc đó khi ông viết: “Nếu Tin-lành chúng tôi truyền giảng bị che khuất, là chỉ che khuất cho người hư vong. Những người không tin bị thần của đời nầy làm mờ tối tâm trí, khiến họ không nhìn thấy ánh sáng của Tin-lành nói về vinh quang Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời” (2Cô-rinh-tô 4:3–4).

Hiểu được nhiệm vụ trọng đại nầy, người truyền giáo sẽ dừng các nỗ lực tìm kiếm con số và thành tích, mà nhắm vào việc “mở mắt” cho người chưa tin.

Để mở mắt cho người bị thần của đời nầy làm mờ tối tâm trí, con cái Chúa phải biết sử dụng quyền phép Chúa ban để vô hiệu hoá quyền lực của thế giới tối tăm. Những mưu mẹo hoặc chiến thuật gài người nghe Tin-lành tới chỗ phải nói lời lặp lại bài cầu nguyện xưng nhận tội lỗi và xin tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa, do người truyền giáo hướng dẫn; thật ra không có ghi trong Kinh-thánh. Và cách thức đó cũng không hiệu quả chút nào trong việc mở mắt cho những người đang có tâm trí bị ma quỷ làm cho mờ tối.

Phao-lô hiểu sứ mệnh Chúa giao cho ông rất là khó khăn và nặng nề. Nhưng ông sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ vì ông “chẳng dám không vâng theo khải tượng từ trời” (19). Ông rất muốn người ta “được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ.

Phao-lô cho biết lý do ông bị người Do-thái bắt và định giết ông vì ông đã vâng lời Chúa chỉ dạy mà truyền giảng phúc âm của Ngài “tại Damas rồi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê và các nước ngoài, khuyên mọi người phải ăn năn quay về với Đức Chúa Trời, và ăn ở xứng đáng với sự ăn năn” (20–21).

Phao-lô tiếp tục làm chứng về Đấng Christ, ông nói rõ: “Nhờ Đức Chúa Trời giúp đỡ, hôm nay tôi còn đứng đây để làm chứng cho mọi người, cả lớn lẫn nhỏ” (22). Người lớn và nhỏ ở đây là nói về địa vị, không phải tuổi tác.

Đồng thời ông nói rằng các lời chứng của ông hoàn toàn dựa trên Kinh-thánh. Vì ông không nói gì khác hơn những điều các nhà tiên tri và Môi se cho biết sẽ xảy ra, đó là: “Đấng Christ phải chịu đau đớn, và là Người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để đem ánh sáng công bố cho dân Do-thái và cho các dân tộc nước ngoài” (23).

Bài giảng quá mạnh mẽ khiến cho tên tổng đốc gian xảo Festus chột dạ. Hắn “lớn tiếng ngắt lời: ‘Phao-lô! Ông điên mất rồi! Ông học nhiều quá nên mất trí!” (24). Nhưng Phao-lô rất điềm tĩnh trả lời cách nhã nhặn: “Tôi không điên đâu thưa tổng đốc Festus, tôi sáng suốt và nói những lời chính xác” (25).

Chữ ‘sáng suốt’ mà Phao-lô dùng ở đây là ‘rhemata,’ có nghĩa là lời được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh; ‘chính xác’ có nghĩa là thật và nghe rất hợp tình hợp lý.

Ông lại hướng lời chứng của mình tới vua Agrippa để tái lập sự chú ý của ông ta vào sứ điệp cứu rỗi của Tin-mừng (26). Ý ông muốn nói rằng, vì vua Agrippa cũng biết rõ những điều đó, nên vua có thể xác nhận nếu vua muốn; đó là lý do mà Phao-lô mạnh dạn trình bày cho vua và cả hội đồng cùng nghe.

Ông cũng giải thích thêm rằng ông không thể nói điều gì không có thật; bởi mọi việc “đã không xảy ra trong nơi khuất nẻo” chẳng ai hay, mà đã xảy ra nơi thanh thiên bạch nhật cho mọi người đều thấy và biết; cho nên “những việc nầy không che giấu vua được.” Tức là việc Đức Chúa Giêxu bị hành hình trên thập tự giá và đã sống lại, cũng như những sự kiện đầy quyền năng của Tin-lành đã diễn ra khắp nơi sau ngày Hội-thánh được Đức Thánh Linh thành lập.

Rất bất ngờ, Phao-lô đặt câu hỏi thẳng cho Agrippa: “Tâu vua Agrippa, vua tin các nhà tiên tri không? Tôi biết vua tin!” (27).

Nói rằng Agrippa tin các nhà tiên tri, thì hàm ý là ông ta cũng phải tin những lời các tiên tri nói về Đấng Mết-si-a; nghĩa là những lời ấy khiến nhà vua phải tin những gì Phao-lô làm chứng về Đức Chúa Giêxu.

Bị bất ngờ, và hiểu rằng Phao-lô muốn khuyên mình tin nhận Đức Chúa Giêxu, Agrippa trả lời: “Chỉ một thời gian ngắn ngủi mà ông đã muốn thuyết phục tôi trở thành môn đồ Đấng Christ” (28). Có vài ý kiến khác nhau giải thích lời đáp của Agrippa có hàm ý gì.

Ý kiến thứ nhất căn cứ trên vài bản văn cổ cho rằng Agrippa xác nhận sức thuyết phục trong lời giảng của Phao-lô, nên suýt chút nữa ông ta được Phao-lô thuyết phục trở nên môn đồ của Đức Chúa Giêxu.

Một ý kiến khác cho rằng chữ ‘ngắn ngủi’ mà Agrippa dùng, có nghĩa là ‘chỉ vài lời nói’ hoặc ‘chỉ một thời gian quá ngắn’ mà ngươi muốn ta đồng ý với ngươi được sao? Ý kiến nầy cho rằng đây là cách từ khước của Agrippa.

Ý kiến khác nữa thì suy diễn Agrippa có ý chế giễu Phao-lô, vì trong một thời gian ngắn ngủi mà Phao-lô định thuyết phục ông ta hành động như một Cơ-đốc nhân rồi.

Dù Agrippa có ý gì đi nữa, Phao-lô vẫn nhã nhặn: “Dù thời gian ngắn hay dài, tôi cầu Đức Chúa Trời cho vua và toàn thể quý vị nghe tôi hôm nay đều trở nên giống như tôi, chỉ trừ xiềng xích nầy!” (29).

Agrippa đứng dậy (30) để chứng tỏ ông ta đã nghe đủ, buổi xử án hay điều trần đã kết thúc. Không cần phải nghe thêm, vì có lẽ ông ta sợ sẽ bị Phao-lô thuyết phục chăng.

Khi bước ra, họ bảo nhau: Người nầy chẳng phạm điều gì đáng chết hoặc đáng tù cả” (31). Agrippa thì bàn với Festus: “Nếu người nầy chưa kháng cáo lên Caesar, có thể tha được” (32). Ý của Agrippa là hoàng đế cũng sẽ tha bổng Phao-lô mà thôi.

Dù Caesar Nero đang làm hoàng đế La-mã từ năm 59 A.D., nhưng lúc ấy ông ta chưa có ý gì chống nghịch hay bách hại Cơ-đốc-giáo. Ông ta chỉ bắt đầu vu khống con cái Chúa để trốn trách nhiệm khi ra lệnh đốt khu nhà nghèo mà lại làm cháy lan cả thành phố.

SachCongVu46.docx

Rev. Dr. CTB