Được Hợp Nhất Trong Đấng Christ
Êphêsô 2:11–22
So sánh phước hạnh hiện tại với quá khứ cũng là việc nên làm. Vị sứ đồ nhắc nhở tín hữu ở Êphêsô hãy nhớ lại tình cảnh tuyệt vọng của họ trước khi tin Chúa so với hạnh phúc mà họ đang có trong Ngài để biết khiêm nhường bày tỏ lòng tri ân và khơi dậy tình yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng ta là những người trước kia sống trong tội lỗi, nay đã trở lại tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa thì cũng nên thường xuyên hồi tưởng tình trạng khốn khổ vì bản chất tội lỗi của mình trước đây. Nghĩa là phải nhớ lại mình đã sống trong sự bại hoại, bị những người theo đạo bề ngoài chê bai, khinh thường là dân ngoại đạo, không được ở trong giao ước của ân điển (11). Hãy nhớ lúc anh chị em còn là người xa lạ bị năm điều thất lợi mà Phaolô đã liệt kê trong câu (12):
1. “Ở ngoài Đấng Christ.” Những người không có mối liên hệ gì với niềm hi vọng về một Đấng Cứu Tinh sẽ đến để cứu nhân loại ra khỏi vũng bùn tội lỗi trầm luân, thì chưa bao giờ được biết những lời tiên tri về Đấng Christ sẽ đến, nghĩa là không có chút tri thức nào về Đấng Cứu Thế Mếtsaia, cũng chẳng quan tâm hoặc có mối liên hệ gì với Ngài; vì ở ngoài Đấng Christ nên 2. “không có quyền công dân Israel,” là những người không thuộc về Hội Thánh của Chúa nên không được hiệp thông với Hội Thánh, giống như không có quyền công dân Israel; vì những đặc quyền của người ở trong Hội Thánh không phải là nhỏ. Từ đó 3. “không được dự vào các giao ước lập theo lời hứa.” Gọi là các giao ước lập theo lời hứa bởi vì các giao ước ấy do những lời hứa lập thành, đặc biệt là chứa đựng lời hứa về Đấng Cứu Tinh sẽ đến đem theo sự sống vĩnh cửu. Người Êphêsô trước kia và người ngày nay chưa tiếp nhận Chúa đều xa lạ với những giao ước từ thiên đàng, không biết chút gì về các giao ước hạnh phúc ấy, cũng chẳng bao giờ quan tâm đến; cho nên, họ không có một chút phần nào trong lời hứa về giao ước.
4. Họ cũng “không có hi vọng,” nghĩa là chẳng có hi vọng gì về bên kia thế giới, không hi vọng vững vàng vào một Thiên Chúa, không có hi vọng về những phước hạnh tâm linh và hạnh phúc vĩnh cửu. Những người ở ngoài Đấng Christ, xa lạ đối với các giao ước, không thể nào có được hi vọng tốt lành. 5. Họ bị ở trong tình trạng lạc loài xa cách “sống bơ vơ giữa đời, không có Đức Chúa Trời.” Không phải là không có vài ý niệm chung nào đó về thần thánh, vì họ thờ lạy hình tượng, nhưng họ sống mà không biết kính thờ Chúa, không nương cậy Ngài, không có mối quan tâm đặc biệt gì về Ngài. Mặc dù họ thờ nhiều thần, nhưng không có Đức Chúa Trời chân thật ở trong cuộc sống mỗi ngày.
Phaolô vạch ra lý do có sự thay đổi hạnh phúc đã được thiết lập trong đời sống họ: “Trước kia anh em ở xa, nhưng nay trong Đức Chúa Giêxu Christ, anh em được lại gần, nhờ huyết Đấng Christ.”(13). Ở xa có nghĩa là xa cách Đấng Christ, xa cách Hội Thánh Ngài, cách xa những lời hứa, ở xa hi vọng của tín hữu, và xa cách chính Đức Chúa Trời; vì vậy, bị xa cách khỏi mọi điều tốt lành. TrongĐức Chúa Giêxu Christ nghĩa là tiếp nhận Đấng Christ, được hợp nhất với Ngài, nhờ đức tin nơi Ngài mà “được lại gần,” Nghĩa là được đem vào nhà Chúa, vào Hội Thánh, được đưa vào giao ước, và sở hữu tất cả các đặc quyền khác, là kết quả của quyết định tin nhận Chúa ấy. Các thánh đồ là những người được đến gần Đức Chúa Trời. Kẻ ác không thể tự mình đến gần sự cứu rỗi, nhưng qua huyết của Đức Chúa Giêxu đã đổ ra bởi sự hi sinh chuộc tội của Ngài, thì bất cứ người nào có tội bằng lòng tiếp nhận huyết tha tội ấy đều có thể nhận ơn cứu độ để đến gần Đức Chúa Trời.
Cả người Dothái lẫn người ngoại bang nào bằng lòng tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Đấng Cứu Tinh của mình đều nhận được những đặc quyền lớn lao. Sự kiện đầu tiên là mối thù nghịch giữa người Dothái và người ngoại bang nhờ tin nhận Đấng Christ đã bị xoá bỏ, vì Ngài đã trở thành sự hoà bình của họ qua sự hi sinh của Ngài. Ngài đã đến để đem lại sự giải hoà. Ngài đã “phá đổ bức tường ngăn cách”(14) là luật pháp về nghi lễ, nguyên nhân tạo nên sự thù nghịch giữa người Giuđa và người ngoại bang, vì trong đền thờ của Dothái giáo, có một bức vách ngăn tại hành lang của đền thờ, mà chỉ người Dothái mới được tự do vào, còn người ngoại bang phải đứng bên ngoài. Đức Chúa Giêxu đã “bãi bỏ luật pháp dựa trên điều răn, lệ luật” bằng cách “đem thân mình tiêu trừ mối hận thù” (15), nghĩa là sự thương khó trên thân xác của Ngài đã cất bỏ quyền lực trói buộc của luật pháp lễ nghi. Gọi là luật pháp lễ nghi vì nó dùng vô số nghi thức lệ luật để ấn định hình thức bề ngoài của sự thờ phượng. Bãi bỏ điều đó, Đấng Christ đã thiết lập một Hội Thánh của những người tin, làm cho cả hai hợp nhất thành một tổ chức thánh dân của Đức Chúa Trời trong Ngài, là cái đầu chung của Hội Thánh ấy; “hầu cho trong Ngài, từ hai trở nên một, một dân mới, và như thế hoà bình được thiết lập.”
Giữa Đức Chúa Trời và loài người tội lỗi cũng có sự thù nghịch nữa, dù là người ngoại bang hay Dothái. Đấng Christ đã đến dùng “thập tự giá tiêu diệt mối hận thù” (16), làm cho cả hai bên đều được những ích lợi qua sự trung gian hoà giải của Ngài. “Báo tin hoà bình” (17) là công bố các điều khoản về sự phục hoà với Đức Chúa Trời và về sự sống vĩnh cửu. Qua các sứ đồ, những người đã được Ngài giao nhiệm vụ, rao giảng sự hoà bình cho các dân tộc ngoại bang, tức là “người ở xa;” cũng cho người Dothái là “người ở gần.” Khi những sứ giả của Chúa rao truyền lẽ thật của Ngài, thì giống như chính Ngài đã trực tiếp rao truyền. Cũng vậy, người nào tiếp nhận lời giảng của họ chính là tiếp nhận Ngài, hoặc từ khước họ cũng là từ khước Đấng Christ. “Vì nhờ Ngài” tức là bởi Danh Ngài và với tư cách trung gian hoà giải của Ngài đã đem hoà bình đến, nên cả người Dothái lẫn ngoại bang đều được tự do đến với Đức Chúa Trời (18).
Con đường mà chúng ta có thể đến với Đức Chúa Cha là phải “qua một Thánh Linh.” Đấng Christ đã trả giá chuộc chúng ta để chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta tấm lòng và sức mạnh để dạn dĩ đến. Như vậy chúng ta đến gần Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ, bởi sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh (18). Bởi các điều kiện đó đã được thực hiện, Phaolô nói tiếp rằng: “Vậy, bây giờ anh em không còn là khách lạ hay kiều dân nữa, nhưng cùng là công dân với các thánh đồ, là người nhà của Đức Chúa Trời” (19). Là thành viên của Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu, mỗi người đều có quyền hưởng tất cả các đặc quyền dành cho thành viên. Nếu ví Hội Thánh như một gia đình, thì mọi tội nhân đã quay đầu ăn năn tội và tin nhận Chúa, đều trở thành người nhà của gia đình ấy.
Hội Thánh cũng ví như một toà nhà đền thờ mà các sứ đồ và các đấng tiên tri là nền móng thứ cấp được đặt trên nền móng chính là Đức Chúa Giêxu. Vì các giáo lý được rao truyền bởi các tiên tri thời Cựu Ước và các sứ đồ thời Tân Ước đều xoay quanh “Đức Chúa Giêxu Christ là tảng đá góc chủ yếu”(20). Tất cả tín hữu của Hội Thánh hợp nhất trong Đấng Christ bởi đức tin và đối đãi nhau bằng đức nhân ái Cơ-đốc, nghĩa là “liên kết chặt chẽ với nhau, trở thành một đền thờ thánh trong Chúa” (21), một tổ chức thánh khiết, trong đó mọi tín hữu được hiệp thông với Chúa và với nhau. Giống như trong đền thờ, họ thờ phượng và phục vụ Chúa, Ngài bày tỏ chính Ngài cho họ; họ hiến dâng cho Chúa các lễ vật tâm linh, Ngài thì tuôn đổ các phước lành và các ân huệ cho họ.
“Trong Ngài, nhờ Thánh Linh, anh em cũng được xây dựng cùng nhau trở thành một ngôi nhà của Đức Chúa Trời” (22). Như vậy, Hội Thánh phổ thông, Hội Thánh địa phương, và mỗi tín hữu chân chính đều là đền thờ sống của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh ngự giữa Hội Thánh phổ thông. Ngài ngự giữa các Hội Thánh địa phương, và Ngài cũng ngự trong lòng của mỗi tín hữu. Hễ nơi nào Đức Thánh Linh ngự, chỗ đó là đền thờ của Đức Chúa Trời. Như vậy chúng ta vừa là đền thờ chung đối với tập thể Hội Thánh, và là đền thờ riêng trong đời sống cá nhân nữa.
Epheso05.docx
Rev. Dr. CTB