Nếp Sống Mới (2)

Êphêsô 5:1–9

Những người sùng kính Đức Chúa Trời phải bắt chước Đấng mà mình tôn thờ, theo gương Ngài đã bày tỏ.  Như thế, họ phải thánh như Ngài là thánh, nhân từ như Ngài nhân từ, trọn vẹn như Ngài là trọn vẹn, giống như Ngài trong mọi việc, đặc biệt là tình yêu thương và sự tha thứ thiện hảo của Ngài.  Chúng ta phải mong muốn và vươn tới như vậy vì chúng ta “là con cái yêu dấu của Ngài” (1).  Con cái chẳng những mang nét giống cha mẹ, giống các thiên hướng và các phẩm cách mà còn phải bắt chước tính tốt của họ, đặc biệt là khi được cha mẹ vô cùng thương yêu.  Những đức tính mà chúng ta là con cái Chúa có được buộc chúng ta phải giống như Ngài, đặc biệt là về tình yêu thương và đức nhân từ, sự thương xót và lòng sẵn sàng tha thứ; vì vậy: “Hãy sống trong tình yêu thương cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em” (2). Mỹ đức thánh thiện nầy phải luôn có trong mọi cách cư xử và trò chuyện của chúng ta; là nguyên tắc chỉ đạo các hành động của chúng ta, hướng dẫn các cứu cánh mà chúng ta nhắm đến.

Tình yêu của Đấng Christ đối với con cái Ngài thật là rộng lượng và vô điều kiện chưa từng có trong nhân loại “Ngài vì chúng ta hiến thân mình làm của lễ và sinh tế cho Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Giêxu Christ đã tình nguyện làm một sinh tế chuộc tội.  Nếu Ngài chết như một tội nhân đền tội thì chẳng có gì đặc biệt.  Nhưng cái chết của Ngài là một sinh tế có “hương thơm ngào ngạt” vì Ngài là Đấng vô tội đã vui lòng hi sinh chết thay cho mọi tội nhân đáng kinh tởm nhất; vì thế sự hi sinh đầy kiến hiệu của Ngài được Đức Chúa Trời hài lòng chấp nhận, đáng cho chúng ta bắt chước gương ấy.

Trong những câu tiếp theo, Phaolô đưa ra những điều cụ thể mà con cái Chúa cần chống trả và đề nghị các phương cách giải quyết.  Để có thể sống trong tình yêu thương và xứng đáng làm thánh đồ thì “đừng nói đến những chuyện gian dâm, bất khiết, tham lam.” (3) Gian dâm là hành vi tình dục ngoài hôn nhân.  Bất khiết gồm mọi loại ham muốn ô uế mà người ngoại đạo vẫn mắc phải. Tham lam là sự ham muốn quá độ về lợi lộc cũng như thèm khát vô chừng về sự giàu sang.  Phaolô liệt tội tham lam vào loại thờ thần tượng (5), bởi vì hồn và linh của người tham lam theo đuổi của cải vật chất, lìa xa Đức Chúa Trời, không thể trung thành với Ngài khi phải chọn nhiệm vụ phục vụ Chúa mà bất lợi về thu nhập.  Người tham lam xem của cải thế gian, chứ không phải Đức Chúa Trời, là trung tâm của đời sống họ; vì thế, những tội nầy phải bị ghê tởm tới mức “đừng nói đến.”

Không phải chỉ là cẩn thận đừng phạm vào các hành vi đồi bại tội lỗi, mà còn phải chống lại một số ý tưởng dùng để giảm nhẹ hoặc biện minh cho các hành vi ấy: “Cũng đừng nói lời thô tục, ngông cuồng, cợt nhả, là những điều không xứng hợp” (4); hầu hết chuyện cười của người chưa tin Chúa đều tục tĩu, vì dâm dục là mục tiêu họ nhắm tới; lời nói ngông cuồng hay diễu cợt là những lời trống rỗng, vô bổ cho người nghe; cợt nhả có ý nói đến các lời nói bông lơn tán tỉnh mà Phaolô liệt vào hạng ‘lời dữ’ (4:29), khác với những lời nói đùa vô hại.  Con cái Chúa thì đối xử vui vẻ nhân hậu với nhau, nhưng phải khôn ngoan; cho nên, vị sứ đồ nói thêm: “hãy dâng lời tạ ơn Chúa.” Nghĩa là, để tẩy sạch tư tưởng gian dâm bất khiết, con cái Chúa nên vui vẻ ghi khắc sự nhân từ, ân điển và thương xót của Chúa đối với mình bằng cách chúc tụng, tôn vinh Ngài.

Lý do mà chúng ta đừng phạm đến những điều vừa nói là “vì anh em biết chắc rằng những người gian dâm, ô uế, tham lam đều không được thừa hưởng vương quốc của Đấng Christ và Đức Chúa Trời.” (5) Biết chắc nghĩa là đã được nghe giảng dạy cho biết rõ rồi. Sở dĩ người phạm các tội nầy không được vào vương quốc Chúa là vì hễ ai chiều theo sự ham muốn của xác thịt và yêu mến thế gian, mà không ăn năn từ bỏ, thì không thể nào giữ địa vị con cái Chúa được; vì thế, họ không thể thừa hưởng vương quốc của Ngài.

Những lời rỗng tuếch (6) (hoặc vô ích, phù phiếm) là những lời nói nịnh hót dụ dỗ cho rằng các tội trên là có thể được dung thứ, và con cái Chúa được phép làm, hoặc Đức Chúa Trời không bắt lỗi những tội như vậy.  Đó cũng là thứ giáo lý nhấn mạnh ‘ơn tiền định’ nguỵ biện là, nếu tín hữu có lỡ chiều chuộng xác thịt, cũng sẽ không bị trừng phạt, mà vẫn được cứu rỗi; vì chỉ cần tin Chúa là đủ.  Người nói những lời rỗng tuếch ấy chính là những người không vâng phục sẽ bị cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời hình phạt.  Satan đã dùng những lời rỗng tuếch lừa gạt Êva “Hai ngươi chẳng chết đâu” (Sángthế 3:4), trong khi trước đó Đức Chúa Trời dặn “…một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:17). Lời Chúa dạy rằng ai phạm các tội gian dâm, ô uế, tham lam sẽ không được vào thiên đàng của Ngài; giáo lý tiền định dụ dỗ là chỉ cần tin Chúa là đủ vào thiên đàng.  Đó là những lời nguỵ biện tìm cách làm nhẹ bớt những tội lỗi cho có vẻ là không quan trọng gì; vì thế, chúng là những lời rỗng tuếch, không chút giá trị.

Câu ‘những người không vâng phục’ cũng có thể nói về những người chưa chịu tin Chúa và từ chối Tin Mừng rao giảng cho họ.  Nói chung là những tội nhân cứng lòng, nhất quyết bất tuân luật pháp thiên đàng.  Sự bất tuân là tính rất hiểm độc của tội lỗi.  Vì cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên những người không vâng phục; cho nên, chúng ta “đừng tham dự vào điều họ làm.” (7) Nghĩa là đừng dự phần vào các tội lỗi của họ để không bị trừng phạt chung với họ.  Sự tham dự không phải chỉ là sống giống như cách sống tội lỗi của họ, và đồng ý, thuận theo sự cám dỗ mời mọc phạm tội. Nhưng là khi chúng ta khuyến khích họ trong sự phạm tội của họ, giục họ phạm tội, không ngăn ngừa cản trở họ đừng phạm tội, khi mình có thể và có cơ hội để cản ngăn.

“Trước kia anh em tối tăm, nhưng bây giờ trong Chúa”(8) nghĩa là những cách sống như thế không thích hợp với tình trạng hiện tại của chúng ta; bởi vì, khi chúng ta còn là người ngoại đạo chưa được tái sanh, thì chúng ta sống trong sự tối tăm, nhưng bây giờ chúng ta đã trải qua một sự thay đổi lớn.  Tại sao cuộc sống cũ của chúng ta bị Kinh Thánh gọi là tối tăm?  Bởi vì cuộc sống ấy là tục tằn và gian trá, không có ánh sáng thánh khiết dạy dỗ mình, chẳng biết gì về ân điển soi sáng của Đức Thánh Linh.  Tình trạng tội lỗi là tình trạng tối tăm; những người sống trong tình trạng như thế không biết mình sẽ đi đến đâu.  Đến nỗi người đời còn gọi giới sống trong tội ác triền miên là ‘xã hội đen.’

Vì thế, hãy biết các nghĩa vụ mà tín hữu phải thực hiện trong đời sống mình là khác hẳn với cách sống mà các tội nhân là người ngoại đạo vẫn hành xử. Đó là “anh em là ánh sáng. Hãy ăn ở như con cái của sáng láng” (8).  Ân điển của Đức Chúa Trời đã thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ trong linh-hồn của tín hữu, khiến họ trở thành những người được soi sáng, không còn mù loà về những vấn đề đạo đức; họ biết phân biệt giữa thanh sạch với ô uế, thánh với tục.  Lời Chúa là ngọn đèn soi trong lòng họ, giúp họ bước đi trong ánh sáng.  Đang khi họ ở trong tiến trình được thánh hoá bởi Đức Thánh Linh, thì đời sống đổi mới của họ là ánh sáng rạng loà cho những thân quyến, hàng xóm, bạn bè quanh họ đang sống trong sự tối tăm của tội lỗi. Câu 8 có thể được diễn ý như sau: “Bây giờ đã được đổi mới như thế, cách trò chuyện của anh em hãy xứng hợp với tình trạng và các đặc quyền của anh em; thực hiện nghĩa vụ mà anh em phải làm tương xứng với tri thức và những lợi thế mà anh em đang vui hưởng.”

Chữ ‘ánh sáng’ ở câu 9 được chép là ‘Thánh Linh’ trong một số bản sao.  Vì vậy, “ánh sáng sinh ra” có nghĩa là kết quả của ánh sáng, cũng gọi là các hoa trái của Đức Thánh Linh (Gal.5:22) phải có trong lòng mỗi tín hữu. “Sự tốt đẹp” là khuynh hướng làm điều thiện và nhân hậu, “công chính” ngụ ý nói về sự công bằng chính đáng trong mọi sự cư xử của chúng ta.  Các hoa trái nầy phải được thực hiện trong “chân lý,” nghĩa là sự chân thành và ngay thẳng của tấm lòng.

Epheso11.docx

Rev. Dr. CTB