Tinh Thần Yêu Mến Nay Đâu?

Galati 4:12–31

Những câu hỏi mà sứ đồ Phaolô đặt ra cho tín hữu ở Galati khiến họ phải xấu hổ về tinh thần đảo ngược lập trường, lìa bỏ chân lý phúc âm mà Phaolô đã rao giảng cho họ. Trong các câu nầy, Phaolô nhắc lại tình cảm hết sức yêu thương của họ đối với ông trong những ngày ông mới giảng rao tin mừng tại Galati; rồi ông trình bày cho họ thấy sự sai trái và bất xứng của cách hành xử trong hiện tại của họ phản lại những điều họ đã xưng nhận trước đây.

Phaolô dùng chữ ‘anh em’ đầy yêu thương chân tình để xưng hô với người Galati; mặc dù ông biết rõ lòng họ bây giờ đối với ông đã xa cách lắm. Ông dẹp qua một bên nỗi bất bình để họ thấy tình yêu thương của ông đối với họ mà đối lại: “Thưa anh em, tôi nài xin anh em hãy trở nên như tôi, vì tôi đã trở nên như anh em” (12). Có nghĩa là ‘anh em hãy giống như tôi – người được giải thoát không còn sống dưới luật pháp nữa, vì tuy là người Do-thái, tôi đã trở nên như anh em là người ngoại bang không bị ràng buộc bởi luật pháp.’ Để người Galati hiểu rằng dù họ phản bội Tin Mừng, hành động ấy “anh em đã không làm hại tôi điều gì cả;” chỉ hại cho họ mà thôi, vì thế họ đừng nghĩ rằng ông sẽ giận họ, mặc dù họ đang bị ông trách mắng.

Phaolô nhắc lại lòng kính mến của người Galati đối với ông khi ông giảng Tin Mừng chọ họ lần đầu tiên trong lúc thân thể ông đang bị đau yếu “Nhưng anh em đều biết, vì đau yếu nên tôi đã ở lại giảng Tin Lành cho anh em lần thứ nhất” (13). Cho đến ngày nay, không ai biết bệnh tật đau yếu mà Phaolô nói ở đây là gì. Đọc câu kế tiếp cũng không rõ ràng gì hơn: “Thân thể đau yếu của tôi là một sự thử thách lớn lao cho anh em” (14). Có thể sự đau yếu đó là ‘cái giằm xóc vào thịt” mà ông tiết lộ cho tín hữu ở Côrinhtô điều ông phải chịu sau khi được thấy khải tượng siêu việt về cõi thiên đàng (2Côrinhtô12: 7–10). Dù là gì đi nữa, Đức Chúa Trời vẫn sử dụng những phương tiện bị người đời coi thường để hoàn thành các chương trình và ý định của Ngài, để mọi vinh quang đều quy về Ngài, chứ không phải công lao hay tài cán của một người nào cả.

Tinh thần của người Galati quý trọng một đầy tớ thật của Chúa được mô tả: “Nhưng anh em không khinh rẻ, không ruồng rẫy tôi. Trái lại, anh em đã tiếp đón tôi như một thiên sứ của Đức Chúa Trời, như chính Đấng Christ vậy” (14). Có nghĩa là họ đã tiếp nhận những lời giảng dạy từ Phaolô như chính lời từ Đức Chúa Trời phán ra vậy, một sự tôn trọng rất lớn dành cho sứ giả từ Đức Chúa Trời sai đến. Sự kính trọng và yêu mến ấy chân thành đến nỗi Phaolô khen rằng: “Tôi xin làm chứng điều nầy: nếu có thể được, lúc ấy anh em cũng đã móc mắt mà cho tôi” (15). Chi tiết nầy đã tạo nên nhiều ý kiến đoán rằng lúc đi ngang qua Galati thì Phaolô bị bệnh mắt không thấy đường. Vì vậy ông phải ở lại đó và gặp dịp giảng Tin Lành cho người Galati. Vì quá thương yêu ông và quý trọng người đã đem ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho họ, người Galati sẵn lòng biếu ông một cặp mắt của chính họ, nếu thầy thuốc có khả năng ghép mắt. Người ta chỉ sẵn sàng hi sinh bản thân vì lòng hết sức biết ơn đối với người đem ơn đến cho mình.

Nhắc lại tình yêu thương quý mến đó so với tình trạng hiện thời của họ, Phaolô hỏi: “Tinh thần đó của anh em bây giờ ở đâu?”(15) “Có phải vì tôi nói sự thật mà trở nên người thù của anh em không?” (16). Đối với Phaolô, sự thay đổi tình cảm của người Galati không còn quý mến ông chẳng phải là điều quan trọng. Vấn đề mà ông lo lắng là đã có thời họ bày tỏ niềm vui cực độ và sự thoả lòng trong những tin tức vui mừng của phúc âm; đến nỗi sẵn sàng hi sinh bản thân cho vị sứ giả của tin mừng ấy. Nhưng bây giờ, điều nguy hiểm là họ hờ hững với tin mừng và nghe lời xúi bẩy của các giáo sư giả, tự khoác lên mình cái ách luật pháp đã bị Đấng Christ dùng thân thể của Ngài trừ bỏ rồi. Phaolô có ý muốn hỏi “Đã có lần anh em tin rằng mình rất hạnh phúc khi nhận được phúc âm của Chúa. Bây giờ anh em có thể cho biết niềm tin đó đã bị thay đổi vì lý do nào không?” Sự thật mà ông đề cập chính là Tin Lành của Đức Chúa Giêxu.

Phaolô vạch trần chân tướng và thủ đoạn của các giáo sư giả đang sốt sắng lôi kéo tín hữu Galati theo các giáo lý của họ. Sự sốt sắng được biểu lộ bằng nhiều cách: Ra vẻ rất kính trọng, giả bộ có tình cảm sâu đậm với tín hữu ở Galati, … Nhưng tất cả những sự diễn trò ấy không có điều nào là thật lòng. “Có những người sốt sắng với anh em, không phải vì họ có ý tốt. Họ muốn ly gián anh em với tôi để anh em sốt sắng với họ” (17). Những thủ đoạn nầy ở thời nào cũng có đầy dẫy những hạng người áp dụng chúng. Muốn tạo sự ly gián giữa tín hữu với người lãnh đạo thì ra vẻ sốt sắng, thân mật với những tín hữu mà họ muốn lôi kéo. Và thời nào cũng có nhiều nạn nhân bị những người giả dối tìm cách chinh phục cảm tình. Phaolô nói rằng họ có vẻ rất sốt sắng, nhưng có rất ít sự chân thành và sự thật; họ dụ dỗ người khác để lôi kéo người theo ý kiến của họ. Bất kể họ giở trò gì, thì mục đích những người ấy nhắm tới là hạ thanh danh người khác nếu việc đó nâng họ lên cho lợi ích riêng của họ.

Phaolô giới thiệu một luật rất quý “Có lòng sốt sắng là điều quý, miễn là với ý tốt và lúc nào cũng sốt sắng” (18). Chúng ta cần để luật nầy điều khiển các ý định của chúng ta. Do bị mắc mưu ly gián của các giáo sư giả, tín hữu ở Galati không còn dành sự sốt sắng với Phaolô khi ông vắng mặt. Điều đó chứng tỏ đời sống tâm linh của họ chưa trưởng thành. Họ đã thật lòng tin nhận Đức Chúa Trời đã ban cho họ một Tin Mừng. Bằng cớ là họ đã yêu mến, quý trọng sứ giả của Ngài là sứ đồ Phaolô đến độ sẵn sàng móc mắt mình hiến cho ông, nếu có thể làm được. Nhưng biến cố tái sinh tâm linh, hoặc một tâm linh mới do Đức Thánh Linh đặt vào trong lòng có lẽ chưa diễn ra. Có nghĩa là Đức Chúa Giêxu Christ chưa thành hình trong lòng họ. Sứ đồ Phaolô đã phải than “Hỡi các con, vì các con ta lại chịu cơn quặn thắt lúc sinh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con. Ước gì ngay lúc nầy, tôi có mặt với anh em để ôn tồn khuyên bảo, vì tôi thật khó xử với anh em.” (19–20)

Phaolô dùng ví dụ về hai người vợ của Ápraham để minh giải chân lý của Tin Mừng mà ông vẫn rao giảng (21–26). Sự khác nhau giữa những tín hữu nào hoàn toàn yên nghỉ trên Đấng Christ với những người dựa trên Do-thái-giáo muốn nhờ cậy vào luật pháp, là rất rõ ràng. Phaolô dùng hai con trai của Ápraham là Ismael và Ysác để so sánh hai trình trạng của hai nhóm tín hữu đồng thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng dựa vào hai hình thức khác hẳn nhau. Ông dùng cách so sánh ấy để thuyết phục tín hữu Galati về chỗ yếu nguy hiểm của việc rời bỏ chân lý của phúc âm, làm hại chính mình. Ismael là con do người mẹ nô lệ sinh ra theo xác thịt. Ysác được sinh ra theo lời hứa cho người mẹ tự chủ; hai người mẹ là biểu tượng của hai giao ước. Aga là giao ước cũ được “lập tại núi Sinai, sinh ra các con nô lệ” (24). Người nào vẫn còn bị các lệ luật của giao ước cũ trói buộc, người ấy vẫn là con cái nô lệ, dùng nỗ lực của xác thịt mong đạt được sự thánh khiết.

Sara là biểu tượng của giao ước mới, tình trạng của Cơ-đốc-nhân thuộc về một giao ước mới và và tốt hơn, được giải thoát khỏi cả sự rủa sả của đạo lý lẫn những sự trói buộc của luật lệ nghi lễ. Chúng ta, các con cái của Chúa, đã tiếp nhận Đấng Christ, nương cậy nơi Ngài, và mong được xưng công chính, được cứu độ chỉ bởi Ngài mà thôi. “Anh em cũng như Ysác, là con cái sinh ra vì có lời hứa” (28). Lời Chúa dùng tiên tri Êsai hứa phán từ xưa về ơn phước của giao ước mới sẽ được ban qua Đức Chúa Giêxu Christ. Xác thịt luôn luôn lấn ép và bắt bớ phần tâm linh (29), như Ismael, lúc ấy đã lớn, chọc ghẹo Ysác là đứa trẻ mới thôi nôi. Phaolô dùng ví dụ trên để chứng minh Kinh Thánh truyền bảo chúng ta phải lìa bỏ giao ước cũ của luật Môise: “Kinh Thánh nói gì? ‘Hãy đuổi người nữ nô lệ cùng con trai người ấy đi, vì con trai người nữ nô lệ sẽ không được quyền đồng thừa kế với con trai người nữ tự do.’” (30). Vì chúng ta thuộc giao ước mới: “Vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nữ nô lệ, nhưng con của người nữ tự do” (31). Như vậy, chúng ta phải vâng lời Chúa dạy, từ bỏ sự ràng buộc của luật pháp, bước theo sự tự do mà Chúa đã ban cho chúng ta qua huyết hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ.

Galatibai07.docx

Rev.Dr. CTB