Sự Công Nghĩa của Đức Chúa Trời được Khải Thị

Rôma 1:1–32

Phúc Âm của Đức Chúa Giêxu Christ không phải do Phaolô tạo ra, mà là sự hoàn thành các lời hứa của Đức Chúa Trời cậy các đấng tiên tri đã phán từ thuở xưa.  Vì vậy, Kinh Tân Ước là sự ứng nghiệm và tiếp nối những gì Đức Chúa Trời đã phán trong Kinh Cựu Ước.  Phaolô cũng không tự phong hoặc tự lập mình làm sứ đồ của Đức Chúa Giêxu Christ, mà được Ngài gọi và biệt riêng ra giảng phúc âm cho những người không phải là Dothái.  Điều kiện quan trọng ấy bảo đảm cho thẩm quyền và sự chính xác của những giáo lý căn bản ông viết trong thư gửi tín đồ tại Rôma.  Trong phần giới thiệu nầy, Phaolô nói về mối liên hệ giữa ông với Phúc Âm (1–7), và sự liên quan giữa ông với những tín hữu tại Rôma (8–15).

Hai câu 16–17 là chủ đề của thư Rôma – Phúc Âm của Đức Chúa Giêxu Christ: Sự Công Nghĩa Đức Chúa Trời được Khải Thị.  Nghĩa là Phúc Âm cho loài người biết về ơn cứu độ của Đức Chúa Trờiđã ban cho họ. Phúc Âm cũng khải thị cho người về sự công nghĩa của Đức Chúa Trời.  Sự rao truyền Tin Mừng là hết sức cần thiết cho sự cứu rỗi của người chưa tin, sự loan báo Tin Mừng cũng trình bày về sự công nghĩa của Đức Chúa Trời nữa.  Hai ứng dụng của điều quan trọng nầy là: a) hễ ai bóp méo hoặc giảng cách sai lạc về Phúc Âm thì người đó cũng giảm bớt sự công nghĩa của Đức Chúa Trời đã được Phúc Âm trình bày, b) không rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Giêxu Christ cho người chưa tin thì chẳng những giấu họ con đường cứu độ duy nhất, mà còn che khuất danh vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu toả khi Phúc Âm được rao truyền.

Nhìn khái quát, thư Rôma được phân ra 5 phần rõ ràng: Sự Kết Án (1:18–3:20), Xưng Công Chính (3:21–5:21), Thánh Hoá (6–8), Thiên Ý (9–11), và Ứng Dụng (12–16).  Đoạn 1 thư Rôma có tầm quan trọng đặc biệt trong thời buổi các lý thuyết gia tìm cách nhét thuyết tiến hoá giả dối vào tôn giáo, để phù hợp với thứ tín ngưỡng ngoại giáo xuất phát từ những niềm tin sơ khai được hoàn chỉnh dần từ tín ngưỡng đa thần thành tín ngưỡng độc thần.  Phaolô nói rằng điều đó không đúng vì tôn giáo khởi thuỷ là độc thần.  Nhưng loài người đã bẻ vẹo, đúc nắn theo các ham muốn đồi bại của mình, biến sự thờ trời nguyên thuỷ thành nhiều hình thức quái quỉ và mê muội.

Tri thức hoặc sự nhận biết về một Đấng Tạo Hoá vốn có sẵn trong con người qua sự quan sát những công trình tay Ngài làm, tức là công trình sáng tạo của Ngài (20).  Thi Thiên 19:1–2 tuyên bố: “Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.”  Ai chịu quan sát vạn vật trong vũ trụ đều phải nhìn nhận rằng phải có ai đó sắp đặt hoàn hảo muôn vàn hệ thống các ngôi sao, hành tinh, các thiên hà, để chúng xoay vần đều đặn và chính xác trong khoảng không từ bao đời.  Đáng lẽ ra sự đáp ứng của loài người là phải biết kính thờ Đức Chúa Trời thích đáng với sự khải thị ấy.  Nhưng họ không làm như vậy dù có biết về Ngài (21).

Đứng trước sự khải thị của cõi thiên nhiên về Chúa Cao Cả, phản ứng của loài người là dùng lý luận dối trá bất chính đàn áp chân lý, chối bỏ không công nhận Ngài.  Để biện minh cho phản ứng sai trật của họ, loài người phải tìm cái gì đó để thay thế.  Chữ “đổi” trong ba câu 23, 25, 26 diễn tả rõ thủ đoạn gian xảo nầy: a) đổi vinh quang không suy tàn của Đức Chúa Trời bằng hình tượng loài người, hoặc của điểu, thú, côn trùng! b) đổi chân lý bằng sự dối trá, thờ loài được tạo nên thay vì Đấng Tạo Hoá! c) đổi chức năng tình dục tự nhiên sang cách phản tự nhiên. Như vậy, người ngoại giáo làm những chuyện sai trật không phải vì họ không được cho biết về Đấng Tạo Hoá, nhưng vì họ từ chối không chịu biết cách rõ ràng, đè nén sự tự khải thị của Chúa.

Vì thế những hình phạt mà Đức Chúa Trời trừng trị những con người phản nghịch và ngang ngạnh ấy là sự phán xét của công bằng của Đấng Công Nghĩa.  Sự thịnh nộ kinh hoàng của Ngài không phải chỉ áp dụng cho tương lai mà còn đổ xuống trong thời hiện tại nữa. Ngoài việc loài người sẽ phải đối diện với hình phạt khủng khiếp triền miên không bao giờ dứt ở cõi vĩnh cửu, họ vẫn phải chịu hậu quả của thái độ họ ngay trong lúc còn sống.  Sự thờ hình tượng và lòng vô luân cũng chính là hình phạt dành cho người từ khước sự khải thị từ trời.  Vì họ đã ‘đổi’ sự đúng để ôm ấp sự sai, thì Đức Chúa Trời cũng “phó họ” sa vào sự ô uế, tình dục xấu hổ, lòng hư xấu của họ (24, 26, 28).  Nghĩa là người nào từ khước những bằng chứng hiển nhiên khải thị về Ngài thì Ngài khiến họ sa vào sự thờ lạy hình tượng, là một sự ngu muội hết sức nhục nhã.  Ai từ chối Đức Chúa Trời và những mục đích của Ngài cho giới tính của họ, thì Chúa phó họ cho lòng ham muốn tình dục xấu hổ và quái đản.  Người nào muốn Chúa để yên cho họ làm theo ý riêng, họ sẽ được toại nguyện là vĩnh viễn xa cách Chúa trong hồ lửa trầm luân. Điều mà Phaolô muốn nói là: Đức Chúa Trời là công nghĩa khi Ngài bày tỏ sự thịnh nộ trên người thế gian, vì họ đã cự tuyệt sự khải thị về chính Ngài trong cõi thiên nhiên; bằng chứng sự thịnh nộ ấy là: thờ hình tượng, vô luân, vô đạo đức và đồi bại.

Những nguyên tắc mà Phaolô trình bày trong chương nầy được áp dụng cho loài người mọi nơi và mọi thời đại.  Đức Chúa Trời sẽ không khải thị thêm chút gì cho ai đã cự tuyệt sự khải thị về Ngài qua cõi thiên nhiên, vì nếu đã từ chối lượng khải thị nhỏ thì nhiều lượng khải thị cũng là vô ích.  Còn ai đáp ứng sự khải thị về sự hiện hữu của Ngài qua cõi thiên nhiên thì Ngài ban cho sự khải thị về ơn cứu rỗi của Ngài qua đức tin vào Đức Chúa Giêxu Christ.  Luca 12:47, 48 chép về mức độ trừng phạt sẽ tuỳ theo lượng khải thị nhận được.  Như vậy, nguyên tắc đầu tiên là Đức Chúa Trời công nghĩa khi Ngài kết án người thế gian. Kế đến Ngài trừng phạt tội lỗi bằng tội lỗi.  Vì cội rễ của tội lỗi là lòng vô tín; cho nên, người mắc tội vô tín sẽ bị sa vào tâm tánh vô đạo đức và đồi bại. Nguyên tắc thứ ba là về mặt tín ngưỡng thì người đã từ chối Chúa chỉ ngày càng thoái hoá suy đồi, chứ không có đạo nào tiến dần lên trình độ cao cả hơn.

Nguyên tắc thứ tư là vô tín và thờ hình tượng là hai kẻ ác đồng sàng với nhau (21–23).  Thờ hình tượng không phải chỉ mang nghĩa đen là thờ các thứ tượng đúc, chạm, khắc, in, vẽ, vv.., mà còn là trình bày về Đức Chúa Trời cách sai lạc, méo mó.  Có nghĩa là các loại thần học dạy cách sai lạc trái ngược với sự toàn hảo về thần tánh, quyền năng, tình yêu thương, và chương trình của Ngài. Ví dụ như loại thần học nói rằng Đức Chúa Trời yêu thương không thể nào ném ai vào hoả ngục, hoặc tình yêu thương của Chúa sẽ tha thứ cho ai đã từng tin nhận Ngài, dù nay có nếp sống tội lỗi đến đâu đi nữa, hoặc, đã tin nhận Chúa rồi thì trước sau gì cũng được cứu, vv… là các hình thức thờ hình tượng.  Đấy là loại thần học bóp méo đức công nghĩa và thánh khiết của Đức Chúa Trời.  Ngài là một Chúa đầy yêu thương, đồng thời Ngài cũng là một Đức Chúa Trời cực thánh.

Nguyên tắc thứ năm trong chương nầy nói về sự thực hành dâm dục đồng tính luyến ái chính là bằng cớ về sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi.  Ngôn ngữ dùng để diễn tả và lên án sự thực hành đồng tính luyến ái của đoạn 1 sách Rôma là rất minh bạch. Dù ngày nay người ta có nguỵ biện gì đi nữa thì sự thực hành sự dâm dục đồng tính luôn luôn là thứ tội lỗi quái gớm.

Những thứ tội ghi trong các câu 29–32 cũng là hậu quả của tội vô tín phản nghịch Đức Chúa Trời.  Phaolô trình bày minh bạch rằng những ai đã từ khước, chống trả, cự tuyệt Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, dù Ngài đã khải thị chính Ngài cho nhân gian qua cõi thiên nhiên, thì họ không thể có gì để biện minh cho thái độ và quyết định của họ; họ cũng không thể trách móc, cáo kiện gì về quyết định của Đức Chúa Trời để mặc họ ngụp lặn trong tội lỗi tanh hôi.  Sự phán xét công nghĩa của Ngài đối với họ là đúng và họ xứng đáng phải chịu sự đoán phạt của Ngài. Về phần họ là như thế, phần chúng ta là con cái Ngài cũng không thể biện minh nếu phạm tội giống như họ.  Vậy nên, chúng ta hãy nhận biết hạnh phúc vô bờ mà mình đang có, để đừng bao giờ đánh mất.

BHKTRoma01.doc

Rev. Dr. CTB