Thư Hê-bơ-rơ, bài 09
Hê-bơ-rơ 6:13–20; 7:1–10
Trong bài trước, chúng ta được nhắc hãy “bắt chước những người đã nhờ đức tin và lòng kiên trì mà hưởng được lời hứa” (12).
Kinh thánh đã so sánh linh trình của mỗi tín hữu giống như một cuộc chạy đua. Mà trong mọi cuộc chạy thi, người nào đến đích mới được kể là đã hoàn tất cuộc chạy.
Có một số lực sĩ khởi đầu cuộc đua rất dũng mãnh, nhưng bỏ cuộc giữa đường vì không đủ sức theo đuổi tới đích cuộc đua. Cho nên, một khởi đầu dù cho tốt cách mấy mà bỏ cuộc không hoàn tất linh trình của mình, thì khởi đầu tốt ấy chỉ là vô nghĩa.
Phải có đức tin mới nắm được lời hứa. Nhưng phải kiên trì cho tới cuối cùng, thì mới được hưởng các phước lành của lời hứa đó.
Tác giả dùng chuyện tích của Áp-ra-ham để chứng minh cho nguyên tắc đức tin và lòng kiên trì để được hưởng lời hứa.
Nhưng lời hứa chỉ có giá trị khi người đưa ra lời hứa là đáng tin cậy sẽ hoàn thành lời hứa ấy. Mặc dù lời phán từ miệng Đức Chúa Trời là đã bảo đảm chắc chắn, nhưng Chúa còn dùng lời thề để Áp-ra-ham biết rằng Ngài quyết tâm thực hiện lời Ngài hứa:
“Vì không ai lớn hơn, nên Ngài đã lấy chính danh mình mà thề. Chắc chắn Ta sẽ ban phước cho con, và khiến dòng dõi con gia tăng đông đảo” (13–14) [Sáng Thế 22:15–18].
Các câu trên là lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham, khi ông không tiếc người con trai duy nhất, là kết quả của lời Chúa hứa với ông từ vài mươi năm trước (Sáng Thế 15:2–6), mà đem con lên núi Đức Chúa Trời đã dặn, để dâng con làm tế lễ thiêu cho Ngài (Sáng Thế 22:1–12).
Hành động vâng lời của Áp-ra-ham chứng minh cho đức tin và lòng kiên trì của ông: “Áp-ra-ham kiên nhẫn chờ đợi, và đã nhận được điều Chúa hứa” (15).
Tác giả nói rằng: “Đức Chúa Trời vì muốn tỏ cho những người hưởng lời hứa biết rõ ý định không thay đổi của Ngài, nên đã xác nhận bằng một lời thề” (17). “Vì không ai lớn hơn, nên Ngài đã lấy chính danh mình mà thề” (13b).
Chúng ta ngày nay học gương đức tin và lòng kiên trì của các thánh xưa, là những người đã tin và hưởng kết quả của những lời đã hứa cho họ, hầu cho “được khích lệ mạnh mẽ để nắm lấy hi vọng đã đặt trước mặt chúng ta” (18b).
Tác giả cũng so sánh “hi vọng của chúng ta giống như một cái neo chắc chắn bền vững của linh hồn đâm sâu vào bên trong bức màn đền thờ” (19).
Cái neo là biểu tượng về một điểm tựa vững chắc gìn giữ chiếc thuyền đời sống không bị trôi giạt theo sự lôi kéo, xô đẩy của mọi biến cố bất trắc trong trần gian.
“Bên trong bức màn đền thờ” (19) là gian chí thánh, nơi có bàn thờ xông hương và cái rương giao ước, do Môi-se vâng lệnh cho thợ khéo làm theo kiểu mẫu và kích thước mà Đức Chúa Trời đã dạy cho ông biết.
Nơi ấy là biểu tượng về sự hiện diện cực thánh của Đức Chúa Trời (Lê vi ký 16:2b; Dân-số-ký 7:89; 2Samuên 6:2b; 1Sử-ký 13:6b), mà thầy tế lễ thượng phẩm của loài người mỗi năm chỉ được vào một lần.
Vì hi vọng của mọi con cái Chúa là ơn cứu độ vĩnh cửu qua huyết hy sinh của Đức Chúa Giêxu Christ, mà Ngài đã đem vào nơi chí thánh trên trời để chuộc tội cho tất cả những ai tin Ngài. Vì vậy, đó là nơi “Đức Chúa Giêxu, Đấng mở đường của chúng ta đã vào. Ngài đã trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc” (20).
Vì Đức Chúa Giêxu đã vào nơi chí thánh làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, mà tất cả hi vọng của chúng ta đều ở trong Ngài; cho nên, Ngài là cái neo bền vững của linh hồn con dân Chúa. Ngài đã đi trước mở đường, để tất cả những người tin Ngài ở mọi thời đại đều có thể mạnh dạn vào nơi chí thánh đó mà tương giao với chính Đức Chúa Trời cực thánh.
Lời hứa đầy hi vọng cho tín hữu, mà tác giả đang bàn đến ở đây, là lời Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta được vào nơi an nghỉ của Ngài. Nơi an nghỉ đó là ở trong sự hiện diện thánh khiết vinh quang của Đức Chúa Trời.
Lời hứa và lời thề là “hai điều không thay đổi” (18) của Ngài sẽ khiến “chúng ta là những người đã chạy đến ẩn náu nơi Chúa, được khích lệ mạnh mẽ để nắm lấy hi vọng đã đặt trước mặt chúng ta.”
Ơn cứu rỗi mà chúng ta biết chắc, thì không phải là thứ hi vọng hão huyền mà người đời đã bị vỡ mộng, khi họ đặt lòng tin vào các thứ thần thánh tưởng tượng hoang đường. Bởi vì hễ điều gì mà người ta không biết chắc, thì chẳng dám hi vọng.
Chúng ta thì biết chắc Đấng chúng ta tin là có thật và có quyền cứu vớt nhân loại; là điều Ngài đã thực hiện.
Đức Chúa Giêxu, Đấng Đức Chúa Trời sai xuống thế gian đã hoàn thành nhiệm vụ là chuộc tội cho nhân loại, khi trở về trời trong vai trò Con Người, thì Đức Chúa Trời đã định sẵn là Ngài sẽ làm “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc” (20).
Tức là Đấng chuộc tội vĩnh viễn trong vai trò Trung-gian giữa Đức Chúa Trời cực thánh với nhân gian ô uế tuyệt vọng.
Mên-chi-xê-đéc là ai? Nguồn gốc ra sao và từ đâu đến? Ngoài chỗ nầy ra, Kinh-thánh đề cập tới Mên-chi-xê-đéc hai lần: Sáng-thế-ký 14:17–20, và Thi-thiên 110:4 “Đức Giêhôva đã thề và không đổi ý rằng: ‘Con là thầy tế lễ đời đời theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc.’”
Tông tích của nhân vật nầy trong Kinh-thánh rất là bí ẩn. Có lẽ Đức Chúa Trời chưa cho con cái Ngài biết, cũng không muốn họ tìm hiểu rồi suy diễn cách sai lạc. Tuy vậy, có 3 ý kiến hay lý thuyết về tung tích của Mên-chi-xê-đéc:
1) Hầu hết học giả Do-thái nghĩ rằng ông là Sem, trưởng nam của Nô-ê. Vì Sem thọ tới 600 tuổi (Sáng-thế 11:10), và vì thế, thời Áp-ra-ham chiến thắng vua Kết-rô-lao-me, thì Sem chưa được 450 tuổi (Sáng-thế 11:10–26; 12:4).
Tuy vậy, không có chứng cớ nào cho thấy Sem dọn tới ở Ca-na-an hoặc đổi tên mình cả. Hơn nữa, mọi người đều rõ ông là con cả của Nô-ê và đã chết khi được 600 tuổi.
2) Đa số ý kiến phổ thông cho rằng đây là một vị vua người Ca-na-an tại Sa-lem, người vẫn giữ sự thờ kính Đức Chúa Trời chân thật; vì thế, ông được Áp-ra-ham tôn kính.
3) Nhiều vị thần học gia Cơ-đốc thì tin rằng ông chính là Đức Chúa Giêxu, mà Áp-ram đã được đặc quyền thấy Ngài hiện ra cho mình (Giăng 8:56). Theo thư Hê-bơ-rơ nầy (7:3), thì không ai biết tông tích của Mên-chi-xê-đéc; mà Đức Chúa Giêxu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo phẩm trật ấy.
Chúng ta cũng chẳng nên suy diễn; chỉ hiểu rằng vào thời Áp-ra-ham, có một vị vua biết thờ kính Đức Chúa Trời, nên được Ngài ban cho một phẩm trật hết sức cao quý là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao (7:1–5).
Điều mà tác giả muốn minh chứng ở đây là một chức tế lễ mới không bị lệ thuộc vào chi tộc Lê-vi theo luật pháp thời Môi-se. Mà phẩm trật của chức tế lễ ấy phải cao hơn phẩm trật chức tế lễ của dòng họ Lê-vi.
Chức tế lễ mà Đức Chúa Trời chỉ định để đứng làm trung gian thay mặt cho loài người trước Đức Chúa Trời, dù là một vai trò rất quan trọng cao quý hơn bất cứ một chức vụ tế lễ của tôn giáo nào khác và có quyền lợi đặc biệt (7:5), nhưng chức vụ tế lễ của chi tộc Lê-vi phải phục dưới chức vụ tế lễ của phẩm trật Mên-chi-xê-đéc (7:6–10).
Bây giờ, thời hạn đã đến, Đức Chúa Giêxu, trong vai trò Con Người, đảm nhiệm chức vụ Tế Lễ Thượng Phẩm để làm Đấng Trung Bảo giữa loài người với Đức Chúa Trời, thì Ngài được chỉ định làm “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc” (6:20b), tức là chức tế lễ mới không bị lệ thuộc vào huyết thống của dòng họ chi tộc Lê-vi.
Hai danh hiệu rất đặc biệt của Mên-chi-xê-đéc thời ông đi đón và chúc phước cho Áp-ra-ham là “Vua Công Chính,” theo ý nghĩa của tên ông, và “Vua Hoà Bình,” theo ý nghĩa của tên thành mà ông đang làm vua (7:2).
Vua Công Chính và Vua Hoà Bình cũng là hai trong số nhiều danh hiệu mà Đức Chúa Giêxu Christ được cõi trời hiến tặng cho Ngài.
Thế thì, hi vọng của chúng ta, vào lời hứa của Đức Chúa Trời về sự an nghỉ đầy phước hạnh, cứ tiếp tục neo vững vàng vào Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng đã vì chúng ta mà chịu chết.
Ngài đã đem chính huyết báu hy-sinh của mình ra phía sau bức màn ngăn cách nơi chí thánh của đền thờ trên trời.
Ngài đã xé bức màn ra làm hai, mở đường cho mọi con dân Ngài có thể bước vào nơi chí thánh ấy. Bởi vì Ngài đang làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc.
ThuHeboro09.docx
Rev. Dr. CTB